Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Ba - Phẩm Bình đẳng - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẨM BA
PHẨM BÌNH ĐẲNG
TẬP BA
Thiện nam! Đại Bồ Tát lại có mười pháp khiến tâm được thanh tịnh.
Những gì là mười?
1. Tâm nhiều tín, vui, nội tâm bất động, tâm trụ kiên cố, tâm không hư dối, lìa xa tất cả tư duy bất thiện. Nghĩa là không phát tâm cầu đạo Thanh Văn và Bích Chi Phật.
2. Do thiểu dục, tri túc nên lìa xa tất cả cấu uế, bất tịnh.
3. Lìa thân cao ngạo nghĩa là không tạo oai nghi giả dối.
4. Lìa khẩu cao ngạo nghĩa là không nói lời trái sự thật.
5. Lìa tâm cao ngạo là không tà vạy, dối trá.
6. Thân không hỗn tạp, miệng ít ham muốn, tâm không tham cầu.
7. Biết ân phải báo ân, ân nghĩa nhỏ còn không quên, huống là ân nghĩa lớn.
8. Nói lời chân thật. Ở chỗ làm việc không nói xấu kẻ khác. Những điều không lợi không nên nói. Chỉ tán thán những việc có lợi, vui, có đức, trong ấy chỉ thấy có đức, tu hành như lời nói. Bồ Tát không được ngoài miệng nói lời thương yêu mà trong tâm thù oán. Bồ Tát dùng miệng khen ngợi khiến tâm không tranh chấp. Miệng nói lới ái ngữ, tâm không hiềm hận.
9. Bồ Tát không được ngoài thân lộ vẻ hiền lành mà tâm nghĩ ác. Bồ Tát không được đem thân cung kính mà trong tâm kinh mạn. Bồ Tát không cao ngạo, không biếng nhác, không tham tiếc, không ganh ghét, Bồ Tát đã không tự cao, cũng không bề trễ, đã không tham tiếc, không ganh ghét, cũng không dối trá, không quanh co. Bồ Tát không nói lời đâm thọc ly tán đôi bên.
Vì sao?
Vì Bồ Tát do thân cung kính, miệng luôn nói chân thật.
10. Ba nghiệp tương ưng, không hủy báng chánh pháp thanh tịnh của Như Lai. Bồ Tát không dám hủy báng pháp.
Vì sao không hủy báng chánh pháp của Chư Phật?
Vì Bồ Tát phát tâm bồ đề vô thượng, cạo bỏ râu tóc, mặc y hoại sắc, được xuất gia trong chánh pháp của Phật. Sự xuất gia như vậy chẳng vì sợ Quốc Vương, chẳng vì sợ giặc cướp, chẳng vì nợ nần, chẳng vì kinh hãi, chẳng vì sự sống mà làm Sa Môn.
Vì tin ưa nên xuất gia học đạo. Vì cầu pháp nên thân cận thiện hữu, hết lòng phụng sự. Gặp tri thức thiện, lắng tâm nghe pháp, như pháp tu hành, tâm không kiêu mạn. Tuy không kiêu mạn nhưng còn chấp giữ theo điên đảo.
Nếu không còn điên đảo thì có khả năng thông đạt chánh đạo nơi Phật. Do thông đạt nên được chánh pháp. Do được pháp nên chắc chắn được bồ đề vô thượng. Người học như vậy, không hủy báng chánh pháp và Chánh Giáo của Như Lai.
Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp khiến tâm được thanh tịnh.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp không có nghi hoặc.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Tin Như Lai có thân bí mật.
2. Tin Như Lai có khẩu bí mật.
3. Tin Như Lai có tâm bí mật.
4. Tin hạnh Bồ Tát.
5. Tin thần thông đầy đủ.
6. Tin bản nguyện viên mãn.
7. Tin đạo nhất thừa.
8. Tin chủng chủng thuyết.
9. Tin âm thanh Phật sâu xa vi diệu, vang lừng.
10. Tin vào sự hóa độ chúng sinh, tùy theo căn tánh của họ.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tin Đức Như Lai có thân bí mật, cho đến tin vào sư giáo hóa chúng sinh?
Thiện nam! Bồ Tát nghĩ: Nghe nói Đức Như Lai có pháp thân, thân tịch tĩnh, thân không gì bằng, thân không thể sánh, thân vô lượng, thân bất cộng, thân Kim Cang… đều là chân thật, không hư, không dối. Đối với vấn đề này, Bồ Tát không sinh nghi hoặc, không có hai tâm. Bồ Tát tin Đức Như Lai có thân bí mật như vậy.
Bồ Tát lại nghĩ: Nghe nói Đức Như Lai có khẩu bí mật. Từ kim khẩu, Đức Như Lai thọ ký, sự thọ ký rõ ràng. Đối với Kinh Giáo Đức Như Lai nói, nếu không hiễu rõ nghĩa lý, cũng đừng nên bác bỏ. Vì Như Lai không còn lầm lạc, không nói lời vô nghĩa, chẳng hề vọng ngữ.
Chư Phật, Như Lai đã diệt tất cả ác, thanh tịnh vô cấu, không còn phiền não, kết sử nóng bức, đầy đủ tự tại, không còn mong cầu, vô trược, vô uế. Nếu nói Như Lai còn sai lầm, Như Lai nói lời vô nghĩa, thì điều này không có. Như Lai chí chân, chí thật, không có khi dối. Đối với vấn đề này, Bồ Tát không nghi hoặc, Bồ Tát tin vào khẩu bí mật của Phật như vậy.
Bồ Tát lại nghĩ: Trong tâm Đức Như Lai thật bí mật. Tại nội tâm luôn y chỉ nơi tâm. Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác cùng các Bồ Tát cho đến hết thảy chúng sinh đều chẳng thể biết. Chỉ trừ khi Đức Như Lai dùng sức thần thông hiển bày cho biết.
Vì sao?
Vì Đức Như Lai thâm diệu khó dò, khó lường. Cảnh giới rộng lớn vô biên vô lượng, đồng với hư không, chẳng thể nghĩ bàn, thuần là chân thật không có hư dối. Điều này Bồ Tát không nghi, tin tâm bí mật của Như Lai như vậy.
Bồ Tát lại nghĩ: Nghe nói tất cả Bồ Tát chuyên cần tạo lợi ích cho chúng sinh, thành tựu đầy đủ cho tất cả chúng sinh. Đối với sự nghiệp này, các Bồ Tát đều không mệt mỏi, cũng không lo sợ, gánh vác việc lớn, oai lực kiên cố, tu hành mười độ cùng hết thảy pháp Phật, có trí vô ngại, trí vô biên, trí vô đẳng, trí bất cộng.
Dũng mãnh kiên cố, trang nghiêm kiên cố, thệ nguyện kiên cố. Vì bồ đề nên thành tựu đầy đủ theo thứ lớp. Điều này chân thật, chẳng phải hư dối. Bồ Tát tin vào sự tu hành như vậy, không sinh nghi hoặc.
Bồ Tát lại nghĩ: Ta an tọa nơi Đạo Tràng, đạt được thanh tịnh, không trì trệ, không chướng ngại, không vướng mắc, đắc nhãn thông cho tới nhĩ thông, tha tâm trí thông, túc mạng thông, như ý thần thông, lậu tận thông, không vướng mắc, không trì trệ, không chướng ngại.
Ta đắc trí tương ưng trong một sát na, thấy rõ như thật các cõi chúng sinh trong ba đời, những chúng sinh này thân hành đủ loại nghiệp ác, khẩu hành đủ loại nghiệp ác, ý hành đủ loại nghiệp ác, tà kiến điên đảo, hủy báng Hiền Thánh. Vì nhân duyên nghiệp hành tà pháp nên sau khi chết sinh vào các đường ác, chịu khổ địa ngục.
Có các chúng sinh thân làm việc thiện, khẩu, ý hành nghiệp thiện, đầy đủ chánh kiến nên không hủy báng Hiền Thánh, trụ nơi chánh kiến, nhờ chánh kiến nên ba nghiệp thanh tịnh. Do nhân duyên ấy nên sau khi chết sinh vào đường lành, thọ vui nơi Cõi Trời. Bồ Tát quán chúng sinh giới một cách chân thật như vậy, liền thấy nghiệp thiện và bất thiện của chúng sinh.
Bồ Tát lại nghĩ: Khi xưa ta làm Bồ Tát, hành đạo Bồ Đề, phát thệ nguyện: Mình thành Chánh Giác mới giúp kẻ giác ngộ. Đây là lời ta nguyện trước đây. Nay đạo quả đã được viên mãn như sở nguyện là điều chân thật, không có hư dối. Điều này Bồ Tát không còn nghi ngờ, cũng không mê mờ, nên gọi Bồ Tát là Đẳng Giác. Đã tự giác ngộ, gọi là Tam Phật Đà.
Này thiện nam! Đây là Bồ Tát tin bồ đề, tin Phật xuất hiện ở đời.
Bồ Tát lại nghĩ: Nghe nói Nhất thừa là Nhất Phật thừa, điều này chân thật, chẳng phải dối trá, không hư ngụy, không sai lầm.
Vì sao?
Vì các thừa đều sinh ra từ đại thừa. Ví như Châu Diêm Phù Đề có các châu vây quanh, danh tự mỗi châu đều thuộc vào Châu Diêm Phù Đề. Danh ấy được gọi chung là Nhập Diêm Phù Đề. Tất cả các thừa cũng lại như vậy, nương vào Đại Thừa mà phát sinh, không có hai, không có ba thừa. Điều này Bồ Tát không nghi, Bồ Tát tin vào đạo Nhất Phật thừa như vậy.
Bồ Tát lại nghĩ: Nghe nói các loại pháp Như Lai thuyết giảng trong các Kinh đều chân thật.
Vì sao?
Vì hóa độ các chúng sinh mà các Đức Như Lai tùy thuận căn cơ thuyết pháp. Điều này Bồ Tát không sinh nghi hoặc, không khởi hai tâm. Đây là Bồ Tát tin vào ba thừa có chỗ sai khác.
Bồ Tát lại nghĩ: Âm hưởng của các Đức Như Lai là vô cùng sâu xa vi diệu, Phạm âm như vậy là chân thật.
Vì sao?
Vì các Phạm Thiên Tử thiện căn mỏng ít, còn có thanh âm vi diệu vang vọng, êm ái, trong trẻo, xúc cảm, huống nữa là trong vô lượng kiếp Đức Như Lai đã tu hành, thành tựu trăm phước trang nghiêm, đầy đủ vạn đức. Điều này Bồ Tát không có nghi hoặc. Bồ Tát tin âm hưởng thâm diệu của Như Lai như vậy.
Bồ Tát lại nghĩ: Nghe nói Phật Như Lai biết rõ các loại tánh khí, căn cơ thông minh, ngu độn của chúng sinh. Các chúng sinh được hóa độ, nghe pháp chỉ có một âm thanh, vậy mà mỗi loài đều hiểu, đoạn dứt tâm nghi. Người thiện căn thành thục được hóa độ trước.
Mỗi mỗi chúng sinh đều hiểu như vậy: Nay Đức Như Lai vì một mình ta mà thuyết pháp như thế. Nhưng các Đức Như Lai không có tư duy phân biệt như vậy. Những sự việc như vậy là chân thật, chẳng sai lầm chẳng dối trá. Điều này Bồ Tát không sinh nghi hoặc, tin chắc rằng Như Lai tùy theo cơ Duyên Giáo hóa chúng sinh.
Thiện nam! Đây là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp khiến tâm không nghi hoặc.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp dụ như biển lớn.
Những gì là mười?
Đó là chỗ quy tụ tất cả châu báu, rộng lớn khó dò, càng ra càng sâu, không chứa thây chết, bình đẳng một vị, có khả năng dung nạp hết thảy sông ngòi, không quá thời hạn, là nơi nương sống của các chúng sinh lớn, không có biên vực.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát là nơi các châu báu quy tụ, cho đến thế nào là không có biên vực?
Này thiện nam! Ví như biển cả là nơi quy tụ của vô lượng, vô biên hết thảy châu báu, tất cả chúng sinh đều đến đó lấy vật báu. Bồ Tát cũng vậy, là nơi quy tụ vô lượng, vô biên hết thảy công đức châu báu. Tất cả chúng sinh cầu đạt phước đức đều đến nơi ấy.
Thiện nam! Ví như biển cả thật khó đo lường, sự sâu xa của Bồ Tát khó lường cũng lại như vậy.
Thiện nam! Như biển rộng lớn, từ bi trí tuệ sâu xa rộng lớn của Bồ Tát cũng lại như vậy.
Thiện nam! Ví như biển cả không dung chứa hết thảy thây chết.
Vì sao?
Vì pháp của biển cả là như vậy. Bồ Tát không thể sống chung với tri thức ác cùng tất cả phiền não, cũng lại như vậy.
Vì sao?
Vì pháp của Bồ Tát là như thế.
Thiện nam! Ví như biển cả, hết thảy các dòng sông đều chảy vào đó, hòa thành một vị, đó là vị mặn. Bồ Tát tu hết thảy pháp thiện đều thành một vị cũng lại như vậy, đó là vị nhất thiết chủng trí.
Thiện nam! Như biển dung chứa các sông nhưng không tăng giảm, Bồ Tát thọ vô lượng pháp không có tăng giảm cũng lại như vậy.
Thiện nam! Như nước nơi biển cả lên xuống không quá thời hạn, Bồ Tát giáo hóa chúng sinh không quá thời hạn cũng lại như vậy.
Thiện nam! Như biển cả là nơi cư trú của chúng sinh có thân to lớn. Hết thảy chúng sinh có pháp bạch tịch y chỉ nơi thân Bồ Tát cũng lại như vậy.
Thiện nam! Như nước biển rộng bao la, không có phần hạn, tất cả chúng sinh không thể biết lượng nước nhiều ít. Bồ Tát vì các chúng sinh mà nói pháp yếu vô biên vô tận, không thể lường xét cũng lại như vậy.
Đây là Bồ Tát như đại hải, là nơi quy tụ các thứ châu báu phước đức cho đến vô biên.
Thiện nam! Như vậy, Bồ Tát đầy đủ mười pháp dụ như biển lớn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba