Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Như Lai Chẳng Thể Nghĩ Bàn - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
PHẨM NHƯ LAI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN
TẬP HAI
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là Bồ Tát trụ tín đối với đại trí tối thượng chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh vượt lên trên mọi phân biệt, lìa mọi nghi hối, sau lại biểu hiện thân vui, tâm vui, tướng vui, khởi ý tưởng hy hữu?
Này Xá Lợi Tử! Chư Phật Như Lai dùng tri kiến vô ngại chuyển tất cả pháp.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nay ta thí dụ tuyên nói làm sáng tỏ về Trí Ba la mật đa của Như Lai cho ông nghe và cũng khiến cho Bồ Tát trụ tín tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.
Này Xá Lợi Tử! Ví như tất cả cành, nhánh, cỏ, cây trong hằng hà sa số các Thế Giới, chất cao đến bốn ngón tay. Có người mới đem số cành nhánh đó gom lại thành một đống lớn, rồi châm lửa đốt, đốt xong tất cả đều thành tro tàn, rồi đem tro tàn ấy rải ngoài biển cả trong hằng hà sa số tất cả Thế Giới, tro ấy tan đều trong biển cả, trải qua trăm ngàn năm.
Tro đó chỉ có trí lực đầy đủ viên man của Như Lai mới có khả năng lấy nó lên từ biển cả, rồi rải đều trong tất cả Thế Giới, hễ bao nhiêu tro thì bao nhiêu Thế Giới, bao nhiêu gốc rễ, bao nhiêu uẩn tụ, bao nhiêu nhành lá rải đều ra bao nhiêu phương xứ mà không bị giảm mất.
Vì sao?
Vì Chư Phật Như Lai ở trong pháp khéo hiểu rõ, do hiểu rõ cho nên có khả năng biết tất cả. Như vậy, tất cả Thế Giới to lớn như thế, Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, có đủ đại oai đức, có đại thần thông, danh tiếng vang lừng.
Thế gian nếu có các thiện nam, thiện nữ, đối với đại trí tối thượng của Như Lai tin hiểu thanh tịnh, lìa phân biệt, đều là tâm từ của Như Lai kiến lập, hiện chứng tất cả biên tế thiện căn, dứt trừ tận gốc khổ não.
Vì sao?
Vì Chư Phật Như Lai khéo hiểu biết rõ. Nếu ai có khả năng đối với Như Lai mà phát sinh một niệm tin hiểu thì sẽ được công đức mà không bị hoại diệt.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nay ta lại nói thí dụ để làm sáng tỏ nghĩa này, nếu có người trí nào nhân nơi thí dụ ta nói đó mà hiểu rõ.
Ví như có người sống đến trăm tuổi, hôm nọ, người này lấy sợi lông chẻ ra trăm phần, rồi lấy một phần chấm lấy một giọt nước đem đến chỗ của Thế Tôn thưa: Thưa Thế Tôn! Nay con gởi giọt nước này cho Thế Tôn, sau này con sẽ đến lấy lại.
Đức Phật nhận rồi đem giọt nước ấy thả xuống sông Khắc già, giọt nước ấy trôi theo dòng nước chảy ra biển.
Khi người này hơn trăm tuổi đến chỗ Phật thưa: Thưa Thế Tôn! Xưa con có gửi giọt nước cho Thế Tôn, hôm nay xin lấy lại.
Này Xá Lợi Tử! Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đại trí tối thượng đầy đủ viên mãn liền lấy giọt nước đã được gởi trước kia từ trong biển ra trả lại cho ông già ấy, giọt nước ấy không bị biển làm giảm mất.
Nay Xá Lợi Tử! Ta đã nói thí dụ biểu thị rõ ràng, huống lại có người thấy được nghĩa này, như là giọt nước trải qua thời gian lâu, nhưng nhờ trí lực của Như Lai nên không bị tổn hoại.
Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng như vậy. Nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với đại trí của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, hết các phân biệt, thì đó là nhờ tâm từ của Như Lai kiến lập. Duyên vào công đức của Đức Phật, trong hư không mưa xuống các loại hoa, hiện chứng hết tất cả thiện căn, dứt sạch tận nguồn gốc đau khổ.
Vì sao?
Vì Chư Phật Như Lai ở trong pháp giới đã hiểu biết được. Nếu có người nào có khả năng đối với Đức Như Lai phát sinh một niềm tin hiểu, thì được công đức không thể phá hoại.
Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu như Chư Phật Như Lai lìa trí Như Lai thì còn có khả năng chuyển các pháp nữa không?
Đức Phật dạy: Không thể được, Xá Lợi Tử!
Xá Lợi Tử lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn!
Sao gọi là trí?
Sao gọi là thức?
Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Tử!
Nến biết, thức nó trụ vào bốn chỗ:
1. Thức tùy sắc trụ, sắc duyên sắc trụ, nó luôn luôn thân cận, tăng trưởng chắc chắn rộng lớn mà thành.
2. Thức tùy thọ trụ, thọ duyên thọ trụ, thường luôn thân cận, tăng trưởng chắc chắn rộng lớn mà thành.
3. Thức tùy tưởng trụ, tưởng duyên tưởng trụ, thường luôn thân cận, tăng trưởng chắc chắn rộng lớn mà thành.
4. Thức tùy hành trụ, hành duyên hành trụ, thường luôn thân cận, tăng trưởng chắc chắn rộng lớn mà thành.
Đó gọi là thức.
Sao gọi là trí?
Là trụ vào năm thủ uẩn trí uẩn biết rõ. Đó gọi là trí. Nếu thức biết rõ địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, trụ vào thức giới, thì đó gọi là thức. Nếu thức còn sự phân biệt đối với pháp giới, thì gọi là trí.
Nếu mắt thấy sắc mà phân biệt được sắc, tai nghe tiếng biết rõ tiếng, mũi ngửi hương biết rõ hương, lưỡi nếm vị biết rõ vị, thân xúc chạm biết cảm giác, ý biết pháp nhận thức rõ, thì đó gọi là thức. Nếu trong tâm vắng lặng, bên ngoài không sở hành, dùng trí thâu nhiếp, không phân biệt một pháp nhỏ nào, cũng không lìa phân biệt, thì đó gọi là trí.
Nếu lại sở duyên thức sinh, tác ý thức sinh, phân biệt thức sinh, thì gọi là thức. Nếu lại không chấp, không giữ, không duyên, không biểu hiện, thì gọi là trí. Nếu đối với pháp hữu vi sở hành, thức có sở trụ, thức đối với hữu vi mà hành, thì đó gọi là thức. Nếu đối với pháp vô vi, thức không thể hoạt động, nếu là trí vô vi, thì gọi là trí. Nếu là thức ở trong pháp sinh, trụ, diệt mà phân biệt rõ ràng không sinh, không diệt, không trụ, thì gọi là thức.
Này Xá Lợi Tử! Các pháp như vậy gọi là thức, gọi là trí. Vì thế nên biết, đại trí của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Bồ Tát trụ tín tin hiểu thanh tịnh, vượt lên mọi phân biệt, lìa mọi nghi hối, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui, sinh ý tưởng hy hữu.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, lập lại kệ rằng:
Tất cả cây cỏ trong mười phương
Hằng hà sa số các Thế Giới
Có người đốt củi ấy thành tro
Rải vào trong biển trăm ngàn năm
Thế Tôn mười lực trí vi diệu
Sau lại lấy tro trong biển cả
Bao nhiêu gốc rễ và các phương
Phân bố đầy đủ không giảm mất
Tâm trì mười phương chúng sinh giới
Nghiệp tham, sân, si đều biết rõ
Tất cả ý vui và sở hành
Không tăng, không giảm đều biết được
Đại trí mười lực thế gian tôn
Mười phương cho đến khắp pháp giới
Điều Ngự không sinh tâm phân biệt
Tất cả Phật tử đều tin hiểu.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là ánh sáng vi diệu của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, Bồ Tát trụ tín tin hiểu thanh tịnh, vượt lên mọi phân biệt, lìa mọi nghi hối, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui, sinh ý tưởng hy hữu?
Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có khả năng biết rõ pháp giới, Như Lai có ánh sáng rộng lớn vi diệu, thâu nhiếp tất cả tam thiên đại thiên Thế Giới này.
Ánh sáng rạng ngời chiếu khắp tất cả, như mặt trời không bị mây che, nó tỏa ra ánh sáng.
Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng như vậy, trong tam thiên đại thiên Thế Giới, ánh sáng to lớn chiếu tỏa rạng ngời, che cả các vì sao, đá, núi, cây cỏ, thảo dược, đèn đuốc và cả đống lửa lớn ở đại địa này, siêu xuất tối thắng, to lớn vi diệu, chiếu sáng rạng ngời. Không những thế, ánh sáng còn vượt hơn cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng.
Ánh sáng các cung điện được hóa ra của bốn Đại Thiên Vương thân trang nghiêm đầy đủ. ánh sáng cung điện hóa ra của Tam Thập Tam Thiên, Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, thân trang nghiêm đầy đủ.
Ánh sáng các cung điện được hóa ra của Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Phạm Hội Thiên, Đại Phạm Thiên, thân trang nghiêm đầy đủ. Các ánh sáng của các cung điện ấy rạng ngời to lớn siêu xuất tối thượng.
Ánh sáng các cung điện được hóa ra của Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên, Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên, Vô Vân Thiên, Phước Sinh Thiên, Quảng Quả Thiên, Vô Tưởng Thiên, Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Kiến Thiên, Thiện Hiện Thiên, Sắc Cứu Cánh Thiên, thân trang nghiêm đầy đủ bằng các ánh sáng.
Ánh sáng thanh tịnh của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác vi diệu rạng ngời siêu xuất tối thắng hơn thế nữa.
Vì sao?
Vì Như Lai viên mãn rộng lớn vô lượng giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.
Này Xá Lợi Tử! Nếu đem tất cả ánh sáng trong tam thiên đại thiên Thế Giới so với ánh sáng của Như Lai trăm phần không bằng một, cho đến ô ba ni sát đàm phần cũng không bằng một.
Ví như đem vàng thường ở thế gian để vào đống vàng ròng trong Diêm Phù Đàn, thì số vàng thường ấy không có ánh sáng, cũng không rực lên, không phát ánh sáng. Tất cả ánh sáng trong tam thiên đại thiên Thế Giới đối với ánh sáng tối thượng của Như Lai không thể lóe ánh sáng lên được.
Ánh sáng của Như Lai rộng lớn tối thắng không có gì bằng, cũng không có phần hạn. Nghiệp báo cực thiện hiện tiền tùy chuyển, chiếu sáng cả tam thiên đại thiên Thế Giới, sáng hơn cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng ngày đêm.
Như Lai thương xót tất cả chúng sinh ở thế gian và khiến họ an trụ trong ánh sáng viên mãn thanh tịnh. Chỉ có ánh sáng to lớn của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác mới chiếu sáng khắp cả A tăng kỳ Thế Giới.
Vì sao?
Vì Như Lai đã được Ba La Mật Đa và Bát Nhã Ba La Mật Đa tối thượng.
Này Xá Lợi Tử! Nay ta lại nói thí dụ để làm sáng tỏ nghĩa này. Ví như có người lấy các loại đất trong tam thiên đại thiên Thế Giới, nghiền nát thành vi trần, rồi đi đến phương Đông qua một Thế Giới bỏ một bụi trần, qua Thế Giới thứ hai lại bỏ một bụi trần, cứ như vậy cho đến phương Nam, Tây, Bắc, qua mỗi Thế Giới đều bỏ bụi trần.
Này Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao?
Bụi trần ấy bỏ hết các Thế Giới có hết không?
Xá Lợi Tử thưa: Không hết, thưa Thế Tôn! Không hết, thưa Thiện Thệ!
Đức Phật bảo: Này Xá Lợi Tử! Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng lại như vậy, dùng ánh sáng to lớn vi diệu chiếu sáng tất cả Thế Giới. Các ánh sáng so với ánh sáng của Phật trăm phần không bằng một, cho đến ô ba ni sát đàm phần cũng không bằng một.
Vì sao?
Vì Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đã được Ba La Mật Đa và Bát Nhã Ba La Mật Đa tối thượng.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Tất cả cỏ, cây, vườn rừng trong đại địa, các núi Thiết vi, cho đến núi chúa Tu Di, ánh sáng của Như Lai đều chiếu đến. Không những thế, ánh sáng của Như Lai còn chiếu sáng cả tam thiên đại thiên Thế Giới, nhưng chúng sinh hạ liệt không tin hiểu.
Hoặc có chúng sinh không thể nhìn thấy ánh sáng của Như Lai, hoặc có chúng sinh nhìn thấy ánh sáng rộng lớn tròn đầy của Như Lai, hoặc có chúng sinh thấy ánh sáng của Như Lai một Câu Lô Xá, hoặc có chúng sinh thấy ánh sáng của Như Lai một do tuần, hoặc có chúng sinh thấy ánh sáng của Như Lai trong tam thiên đại thiên Thế Giới.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Ai là người có khả năng thấy được ánh sáng cua Phật trong trăm ngàn Thế Giới?
Đó là các Bồ Tát đăng địa, có khả năng ở trong vô biên tất cả Thế Giới thấy được ánh sáng của Phật.
Như Lai thương xót tất cả chúng sinh tận cả hư không giới và chúng sinh giới, dùng ánh sáng thanh tịnh chiếu khắp mọi nơi. Bồ Tát trụ tín nghe vậy rồi, tin hiểu thanh tịnh, vượt lên mọi phân biệt, lìa mọi nghi hối, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui, khởi ý tưởng hy hữu.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, lập lại kệ rằng:
Các ánh sáng mặt trời, mặt trăng
Và ánh sáng Đế Thích, Phạm Vương
Đến ánh sáng Sắc Cứu Cánh Thiên
Đều không bằng ánh sáng Đức Phật
Các ánh sáng Sắc Cứu Cánh Thiên
Cho đến tam thiên đại thiên Giới
So với ánh sáng chân lông Phật
Trong mười sáu phần không bằng một
Ánh sáng hư không là to lớn
Chúng sinh to lớn cũng như thế
Nếu thấy ánh sáng của Như Lai
Vô biên vô tận bằng hư không
Người đáng độ thấy ánh sáng Phật
Các chúng sinh mù ở thế gian
Không thấy ánh sáng của mặt trời
Trở lại nói rằng không ánh sáng
Chúng sinh hạ liệt cũng như thế
Phật phóng hào quang thường chiếu sáng
Nhưng không thấy được ánh sáng đó
Trở lại cho là không ánh sáng
Có chúng sinh thấy ánh sáng Phật
Hoặc câu lô xá hoặc do tuần
Hoặc ở trong ba ngàn Thế Giới
Người thấy được ánh sáng Đức Phật
Chỉ có Bồ Tát đã đăng địa
Bát Địa, Cửu Địa và Thập Địa
Thảy đều an trụ trong đại địa
Thấy ánh sáng Phật đủ đại tuệ
Bồ Tát hướng đến đại tuệ Phật
Nương vào ánh sáng vô biên ấy
Làm các Phật sự lợi chúng sinh
Các cõi nước Phật chẳng nghĩ bàn
Chư Phật Như Lai chẳng nghĩ bàn
Ánh sáng chẳng nghĩ bàn cũng thế
Chẳng nghĩ bàn khai tâm tịnh tín
Các môn phước uẩn chẳng nghĩ bàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba