Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Da Xá, Đời Chu

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA ĐỒNG TÁNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Da Xá, Đời Chu   

PHẦN HAI  

Lại nữa, chúng sinh giống như bó tre duyên nghiệp vậy. Nghiệp báo từ duyên nghiệp sẽ thành quả. Ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, súc dưỡng, chúng số, tri, kiến, tác, xúc, thọ đều gọi là chúng sinh.

Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh ấy lấy gì làm gốc, dựa đâu mà trụ, vin vào đâu làm nhân?

Phật đáp: Này Lăng Già Vương! Hàng chúng sinh này, lấy vô minh làm gốc, dựa vào ái mà trụ, vin vào nghiệp làm nhân.

Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na hỏi: Bạch Thế Tôn! Nghiệp có mấy loại?

Phật đáp: Nghiệp có ba loại. Đó là nghiệp của thân, nghiệp của miệng và nghiệp của ý.

Nó lại có ba tướng: Sạch, không sạch, chẳng sạch chẳng phải không sạch.

Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na lại bạch: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là chúng sinh bỏ đời này nhận đời khác, bỏ thân cũ nhận thân mới?

Phật đáp: Này Lăng Già Vương! Chúng sinh sau khi xả thân này rồi, sức gió nghiệp sẽ thổi đưa thần thức của họ đi. Những nghiệp do chính mình tạo ra, thì phải lãnh chịu hậu quả của nó. Chúng sinh tạo ra nghiệp hạnh lành, không lành hoặc chẳng phải lành chẳng phải không lành, thì tùy nơi nghiệp hạnh ấy mà thọ thân mới.

Hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ ẩm thấp, hoặc sinh từ bào thai, hoặc sinh do sự biến hóa, đó cũng đều do nơi gió nghiệp tạo ra. Trong khi đó, nghiệp cũng chẳng thể biết mình, phải lãnh chịu quả báo của tất cả những gì mà mình đã gây ra.

Lăng Già Vương! Như vậy là chúng sinh đã bỏ thân này, chịu lấy thân khác.

Lăng Già Vương hỏi: Bạch Thế Tôn! Trong khoảng thời gian chúng sinh bỏ thân này mà chưa thọ thân khác thì nghiệp thức dừng nơi đâu vậy?

Phật đáp: Này Lăng Già Vương! Ông nghĩ thế nào về việc khi hạt giống trong thửa ruộng nảy mầm, thì cái hạt mất trước rồi mầm mới sinh.

Hoặc mầm sinh trước, rồi hạt mới mất hay là ngay khi hạt giống mất cái mầm liền sinh?

Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na đáp: Không phải vậy, bạch Thế Tôn!

Phật nói: Này Lăng Già Vương! Ý nghĩa đó như thế nào?

Lăng Già Vương đáp: Bạch Thế Tôn! Ngay khi hạt giống mất thì mầm liền sinh, chẳng phải là hạt mất trước rồi mầm mới sinh. Hay mầm sinh trước, rồi hạt mới mất.

Phật nói: Như vậy, này Lăng Già Vương! Chẳng phải thức trước mất, rồi thức sau mới sinh.

Lăng Già Vương! Cũng chẳng phải thức sau sinh rồi thức trước mới mất.

Lăng Già Vương! Ngay khi thức trước diệt thì thức sau liền sinh.

Lăng Già Vương! Giống như loài sâu, khi đi, chân đầu phải đặt trước, rồi chân sau liền theo, thân hình luôn luôn co duỗi, không hề dừng dứt. Đúng là như vậy.

Này Lăng Già Vương! Khi thấy phía trước có chỗ có thể sinh vào, thần thức này liền tới, gá vào nơi ấy, không có thời gian đoạn dứt.

Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na hỏi: Bạch Thế Tôn! Nếu là như vậy, thì không có thân trung ấm sao?

Phật đáp: Lăng Già Vương! Như loài chúng sinh sinh ra từ trứng. Khi xả thân này nhập vào trong trứng, thần thức này bị gió nghiệp khống chế, phải dừng trụ trong trứng, hôn mê không biết. Đến khi bị ấp thành thức của sinh vật trong trứng rồi, thần thức này mới biết. Ông nên biết rằng, trứng kia đã nở lâu rồi.

Vì sao?

Vì trứng nở ra chúng sinh là điều dĩ nhiên như vậy rồi. Một khi đã chưa chín muồi, thì không thể nào hiểu biết được.

Vì sao?

Bởi đó chính là nghiệp lực vậy.

Này Lăng Già Vương! Lại như có chúng sinh, phước lực sâu dày, được sinh làm con trong gia đình Chuyển Luân Vương. Khi trong thai, chúng sinh ấy không bị cái thai làm cho nhơ bẩn, cũng không ở chung cùng với cái thai không sạch, cũng không bị nói làm nhiễm ô.

Lăng Già Vương! Đứa con được sinh trong gia đình Chuyển Luân Vương kia, phần nhiều là thọ cách hóa sinh. Như trường hợp thọ thai, ban đầu thần thức nhập vào thai, kết dạng thành con và đến khi sinh ra, thì phải phá màng bọc thân mới thoát ra được.

Lăng Già Vương! Do nhân duyên đó, nên mới nói, là có thân trung ấm.

Vua Lăng Già Tỳ Tỳ Sa Na nói: Bạch Thế Tôn! Thần thức của chúng sinh lớn cỡ nào, hình thể ra sao?

Phật đáp: Lăng Già Vương! Thần thức chúng sinh lớn vô biên, không sắc, không tướng, không thể thấy, không ngại, không hình, không định xứ, không thể nói được.

Tỳ Tỳ Sa Na nói: Bạch Thế Tôn!

Nếu hình thể của thức là như vậy: Lớn vô biên, không sắc, không tướng, không thể thấy, không ngại, không hình, không định xứ, không thể nói thì chẳng phải là dứt lìa sao?

Phật đáp: Lăng Già Vương! Nay ta hỏi ông, tùy ý ông đáp.

Này Lăng Già Vương! Ví dụ, như ông đang mặc những loại y phục và đeo các chuỗi anh lạc, ngồi ở giữa cung điện hoặc trên lầu cao, có các thể nữ vây quanh. Cùng lúc đó, trong khu vườn lớn, có cây A Thâu Ca trổ nhiều hoa. Cũng ngay trong khu vườn ấy, có hai thứ gió mát dịu và mạnh mẽ thay nhau thổi qua cây A Thâu Ca.

Hương thơm của các loại hoa bay đến chỗ ông, ông có cảm nhận được không?

Tỳ Tỳ Sa Na thưa: Bạch Thế Tôn! Con có thể cảm nhận được mùi hương ấy.

Phật nói: Lăng Già Vương! Khi cảm nhận được hương hoa ấy ông có thể phân biệt được không?

Vua đáp: Bạch Thế Tôn! Con có thể phân biệt được.

Phật nói tiếp: Lăng Già Vương! Hương hoa mà ông nói là cảm nhận đấy, nó lớn hay nhỏ, có màu sắc gì?

Lăng Già Vương đáp: Bạch Thế Tôn! Con không thể biết được. Vì những hương thơm này, nó không sắc, không hiện, không ngại, không tướng, không định xứ, không thể nói. Thế nên, con không thể thấy được, nó lớn hay nhỏ và có màu sắc như thế nào.

Phật nói: Lăng Già Vương! Ông nghĩ sao, nếu cho rằng, không thấy được hương thơm ấy lớn hay nhỏ, chẳng phải đó là tướng dứt lìa sao?

Tỳ Tỳ Sa Na đáp: Không phải vậy! Bạch Thế Tôn! Bởi lẽ, con người không ai ngửi được hương thơm này, khi chúng có tướng dứt lìa.

Phật nói: Đúng vậy!

Này Lăng Già Vương! Tướng của thức cũng như thế. Ông nên biết rõ điều đó.

Lăng Già Vương! Ta có thể biết được sẽ không có sinh tử nếu như thức có đoạn tướng.

Như vậy, này Lăng Già Vương! Thật ra, tướng của thức vốn trong sạch, chỉ bởi các nghiệp vô minh, tham ái, tập khí, bởi những khách trần phiền não che lấp mà thôi.

Lăng Già Vương! Ví như cõi hư không trong sáng, chỉ do bốn loại khách trần làm ô nhiễm. Bốn thứ đó là khói, mây, bụi, sương.

Lăng Già Vương! Thức tướng là như vậy, nó vốn là trong sáng không ngằn mé, không thể nắm bắt, không có sắc nhiễm, chỉ bị ô nhiễm bởi những khách trần phiền não mà thôi.

Vì sao?

Lăng Già Vương! Giống như khi ta chánh quán, không có được chúng sinh, không ngã, không chúng sinh, không thọ mạng, không nuôi dưỡng, không nhân, không có các số, không có cái gọi là biết, không có cái gọi là thấy, không có cái gọi là hiểu, không có cái gọi là thọ, không có cái gọi là nghe cho đến không sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Lăng Già Vương! Sẽ có thể đạt được, nếu khi chánh quán không có sự phân biệt.

Lăng Già Vương! Các pháp hòa hợp, không có thật tướng. Tuy đạt được thật tướng của chúng sinh, nhưng ông chớ bỏ cái đã nắm bắt này mà sinh ra tư tưởng mông lung thanh thản.

Vì sao gọi là đã đạt được thật tướng của chúng sinh?

Bởi vì đạt được trí lớn cùng tánh của chúng sinh.

Lúc đó Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Nghiệp lực, chúng sinh tự hồi chuyển

Không đạt tám Thánh đạo nhiệm mầu

Nếu lìa các nghiệp, chứng vô lậu

Hành hạnh vô thượng, lợi quần sinh.

Bấy giờ, Tỳ Tỳ Sa Na nói: Bạch Thế Tôn! Ở trong biển lớn, trong rừng sâu, trong ba cõi này đây, có vô lượng hằng hà sa chúng sinh, có người đã đến bờ giải thoát, lại có người muốn đến bờ ấy.

Có người chứng pháp Thanh Văn, có người chứng pháp Duyên Giác, cũng có vô số người chứng trí lớn cùng với tánh vô thượng. Ở đời vị lai, cũng có vô lượng, vô biên, bất khả A tăng kỳ hơn cả hằng hà sa chúng sinh, nương theo Tam Thừa này, mỗi người theo phương cách riêng mà nhập Niết Bàn. Thế nhưng, cõi chúng sinh vẫn không tăng, không giảm.

Bạch Thế Tôn! Biết được như vậy, tâm con rất mỏi mệt.

Phật nói: Lăng Già Vương! Đối với việc này, ông chớ nên sinh ý tưởng chán nản.

Vì sao?

Cõi chúng sinh trước sau không thể tận. Cõi hư không, cõi pháp cũng như vậy.

Thế nên, Lăng Già Vương! Các cõi chúng sinh không thể dùng lời để nói, chỉ nên biết rằng nó không tăng không giảm. Như vậy trong biển cả hữu vi, trong rừng sâu trong ba cõi. Có những người đã được độ, có những người muốn được độ. Thế nhưng, cõi chúng sinh vẫn không tăng, không giảm.

Này Lăng Già Vương! Cõi hư không không tăng, không giảm, không trước, không sau, không chặn giữa. Do đó, ta không thể biết được hư không, vì nó biến khắp tất cả nơi, nó không bị chướng ngại, không hình, không làm, không tướng.

Đúng vậy! Đúng vậy! Lăng Già Vương! Ta không thể nào, biết được cõi chúng sinh, khi nó chẳng thể có đầu, giữa và cuối.

Lăng Già Vương! Chỉ có điều, nếu đạt được Thánh pháp đồng tánh thì mới gọi là tận cõi chúng sinh mà đạo hữu vi lại không tận, không diệt.

Lăng Già Vương! Không thể nào lìa đạo hữu vi vì nó có con đường giải thoát.

Vì sao?

Bởi lẽ, cõi chúng sinh đã là như vậy rồi. Thế nên, nó không có trước, không giữa và không có sau.

Tỳ Tỳ Sa Na lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Hình dáng biển hạnh hữu vi của chúng sinh giống như gì vậy?

Phật đáp: Lăng Già Vương! Hình dáng biển hạnh hữu vi của chúng sinh, giống như biển cả.

Lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp của Chư Phật dạng như gì vậy?

Phật đáp: Lăng Già Vương! Pháp của Chư Phật giống như thuyền bè.

Lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Hàng Tỳ Kheo xuất gia, thọ cụ túc giới giống như gì vậy?

Phật đáp: Giống như người lái đò.

Lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói, người phụng hành trọn vẹn giới pháp của Phật, không hủy phá giống như gì vậy?

Phật đáp: Người giữ giới tinh tấn, thọ pháp vừa đủ giống như người sống có nghề nghiệp vững chắc, sẽ thành tựu đầy đủ.

Lăng Già Vương! Người có khả năng thực hành đầy đủ lời Phật dạy sẽ không phá, không phạm các giới cũng như vậy.

Lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Bậc thiện tri thức giống như gì vậy?

Phật đáp: Lăng Già Vương! Bậc thiện tri thức giống như thuyền trưởng.

Lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Việc siêng năng hành tám Thánh đạo giống như gì vậy?

Phật đáp: Lăng Già Vương! Việc siêng năng hành tám Thánh đạo, giống như gió thuận mạnh, thổi tàu bè đi.

Tỳ Tỳ Sa Na lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Thiền định tam muội và các thần thông tựa như gì vậy?

Phật đáp: Này Lăng Già Vương! Thần thông, tam muội giống như của báu trong nước vậy.

Tỳ Tỳ Sa Na lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Bảy bồ đề phần tựa như gì vậy?

Phật đáp: Lăng Già Vương! Bảy bồ đề phần, giống như bảy thứ tánh quý báu.

Lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Việc đạt được bảy bồ đề phần, chứng đại thừa đồng tánh tựa như gì vậy?

Lăng Già Vương! Được bảy phần bồ đề, chứng đại thừa đồng tánh giống như gặp được bảy thứ tánh quý báu, sẽ giàu có, của cải đầy đủ vừa ý.

Thật lành thay cho những người khéo xuất gia, ở trong giáo pháp của ta, chứng được Phật quả vô thượng vô ngại!

Khi đó, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Xét kỹ các nỗi khổ

Của mình và chúng sinh

Cởi bỏ mọi ràng buộc

Xuất gia trong pháp ta.

Tức gọi là Phật tử

Bậc đại đức trong chúng

Siêng năng hành như pháp

Sẽ đạt thành Thế Tôn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần