Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Như Lai Chẳng Thể Nghĩ Bàn - Tập Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
PHẨM NHƯ LAI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN
TẬP TÁM
Lại nữa, thiên nhãn Như Lai thanh tịnh, nhìn khắp mười phương tất cả Cõi Phật, như hư không giới không có biên tế, cũng như pháp giới không có hạn lượng, không thể nói được.
Tất cả mười phương hằng hà sa số Cõi Phật, trí sáng của Như Lai thảy đều chiếu hiện, hoặc thấy tất cả lửa lớn cháy, hoặc thấy các tướng thành hoại, hoặc thấy chúng sinh từ trong ánh sáng đến, hoặc thấy chúng sinh lúc sinh, lúc diệt. Hoặc thấy Bồ Tát hiện trong ánh sáng, hoặc thấy Bồ Tát từ Đâu Suất Thiên diệt rồi lại sinh xuống nhân gian, giáng thần thai mẹ, Bồ Tát sinh rồi bước đi bảy bước, các việc Bồ Tát trụ thai, vào thai đều quán thấy cả.
Hoặc thấy Chư Phật Thế Tôn hiện trong ánh sáng, hoặc thấy Bồ Tát thành quả Chánh Giác, hoặc thấy Chư Phật chuyển đại pháp luân, hoặc thấy Chư Phật xả thọ mạng duyên hành, nhập đại Niết Bàn. Hoặc thấy các Thanh Văn hiện trong các ánh sáng, lại thấy Thanh Văn hướng chứng Niết Bàn.
Hoặc thấy các Duyên Giác hiện trong các ánh sáng, lại thấy Duyên Giác hiện các thần thông tạo sự thanh tịnh lớn.
Hoặc có chúng sinh không thể nương vào ánh sáng của Phật để đến. Hoặc thấy chúng ngoại đạo và chúng tiên ngũ thông không thể bằng với Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, thế nên không thể nương vào ánh sáng mà đến, nhưng lại nhờ vào ánh sáng trí lực thiên nhãn thanh tịnh của Như Lai, nên cũng đều nương vào ánh sáng mà đến.
Hoặc lại Như Lai hiện xa luân bằng với ánh sáng rộng lớn, có các chúng sinh nương ánh sáng mà đến. Như vậy, cho đến Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, vô lượng vô biên chúng sinh giới, tất cả Trời, Người đều hiện trong ánh sáng trí của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Thiên nhãn thanh tịnh của Như Lai nhìn khắp các chúng sinh giới trong tất cả Cõi Phật. Sau khi quán sát thấy chúng sinh nào thích ứng hóa độ, thì tùy theo trình độ thích ứng đó mà Như Lai hiện ra trước để hóa độ. Chúng sinh ấy tuy được hóa độ rồi, nhưng các chúng sinh khác không thể biết.
Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực thiên nhãn tác chứng thứ chín của Như Lai, không có biên tế, ngang bằng với hư không. Các Bồ Tát trụ tín nghe rồi phát lòng tin thanh tịnh cho đến sinh ý tưởng hy hữu.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:
Thiên nhãn Thiện Thệ sạch không nhơ
Tích tập thiện nhân vô số kiếp
Phat nhãn quán chiếu khắp mười phương
Cõi Phật rộng lớn không thể bàn
Hoặc thành hoặc hoại các sự tướng
Hoặc thấy lửa dữ bùng cháy lên
Hoặc thấy nhiều cõi trống rỗng cả
Trí tự nhiên Phật đều chiếu sáng
Chúng sinh giới rộng lớn khó bàn
Hoặc sắc, vô sắc cũng như vậy
Hoặc sinh ác thú hay thiện thú
Trí tự nhiên Phật đều chiếu sáng
Hiện tại câu chi các Như Lai
Cho đến các Thánh Tôn Niết Bàn
Và các Duyên Giác cùng Thanh Văn
Trí tự nhiên Phật đều chiếu sáng
Bồ Tát vì muốn lợi chúng sinh
Các vị tu hành hạnh bồ đề
Giác trí minh đạt không nhiếp tạng
Trí tự nhiên Phật đều chiếu sáng
Như vậy Thiện Thệ mắt không nhơ
Vi tế chúng sinh đều quán thấy
Trí nhãn lực thứ chín khó bàn
Phật tử phải nên sinh tịnh tín.
Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực thứ chín của Như Lai. Như Lai do đầy đủ trí lực thù thắng cho nên biết rõ thắng xứ cho đến không có pháp nào ngang bằng với Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là trí lực lậu tận tác chứng của Như Lai?
Nghĩa là, Như Lai dùng trí lực vô thượng, tận sạch các lậu, không phải lậu tùy tăng, tâm thiện giải thoát, tuệ thiện giải thoát, tự chứng thông rồi tùy theo các sở hành, ngã sinh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau. Như Lai dùng trí lực lậu tận thanh tịnh xán lạn này, đoạn tất cả thói quen chủng tử, tất cả Thanh Văn, Duyên Giác không thể sánh kịp.
Thanh Văn lậu tận là còn có hạn lượng, không đoạn tập khí. Duyên Giác lậu tận cũng còn có hạn lượng, xả đại bi và biện tài.
Như Lai lậu tận là đầy đủ các tướng, đoạn trừ tất cả thói quen chủng tử, đại bi nhiếp thọ, biện tài vô úy sâu xa, quán sát khéo léo, tất cả thế gian không có ai hơn Ngài, trụ tướng nhất tâm hòa hợp mà thành.
Vì sao?
Vì Như Lai không còn nghiệp chủng tư, không còn chủng tử phiền não, oai nghi không có lỗi lầm. Cũng như hư không trong sáng quang đãng, mây mờ trần cấu không thể nhiễm. Trí lực lậu tận của Như Lai cũng lại như vậy, tất cả chủng tử phiền não không thể nhiem.
Như Lai an trụ trí lực lậu tận thanh tịnh như vậy, đã hết các lậu hoặc, nói pháp lậu tận, cũng nói pháp đoạn thủ chấp trước, khiến các chúng sinh biết rõ tất cả không khởi phân biệt hư vọng và chấp trước, khiến các chúng sinh suy xét như thật. Như Lai dùng phương tiện khéo léo nói pháp, thí dụ, khiến các chúng sinh biết được như thật về các lậu không thật, đối với tất cả các pháp không dính mắc vào một pháp nhỏ nào, đối với mọi chấp trước đều được vắng lặng.
Này Xá Lợi Tử! Như Lai biết rõ các lậu tập của tất cả chúng sinh, các pháp lậu diệt, các lậu hướng đến đạo diệt, Như Lai biết như thật rồi, tùy theo trình độ thích ứng mà nói pháp yếu. Các Bồ Tát trụ tín đối với trí lực lậu tận tác chứng của Như Lai, nghe rồi sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, cho đến sinh ý tưởng hy hữu.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:
Trí lực lậu tận Phật đầy đủ
Rộng lớn vô lượng tịnh không chướng
Đầy đủ mười lực trí thù thắng
Hướng chứng quả bồ đề vô thượng
Không đồng trí lậu tận Thanh Văn
Chủng tập hạn lượng chướng trói buộc
Nhân Trung tối thượng bậc tối thắng
Dứt sạch chủng tâp và hạn lượng
Các trí lậu tận của Duyên Giác
Chưa đủ đại bi và Biện tài
Thế Tôn viên thành trí lậu tận
đại bi, Biện tài đều vô lượng
Phật khéo an trụ trí lậu tận
Biết rõ thế gian lậu không thật
Tất cả các pháp đều hư vọng
Lý này như ứng đều biết rõ
Thương nghĩ thế gian rất khổ não
Thuyết pháp vô ngã, không, vô thường
Các tướng hư giả không có thật
Nên quán vị vắng lặng tối thượng
Không ngã, không nhân, không chúng sinh
Tác giả, thọ giả cũng đều không
Đối với tất cả pháp hư vọng
Tâm Phật từ bi quán giải thoát
Như Lai lìa hết các mệt mỏi
Pháp thật trí cũng không quên mất
Năng Nhân thường trụ môn tương ưng
Rộng lợi thế gian nói chánh pháp
Mười Lực bẻ gãy các tà pháp
Mười Lực vô biên bằng hư không
Khéo hay an trụ mười lực tôn
Chuyển luân vô thượng không gì bằng.
Này Xa lợi Tử! Đây là trí lực thứ mười của Như Lai. Như Lai do đầy đủ mười trí lực như vậy, cho nên biết rõ thắng xứ, ở trong hàng Trời Người hay rống tiếng rống Sư Tử, chuyển phạm luân vi diệu, tất cả Trời, Người, Ma, Phạm đều không thể chuyển, không có pháp nào bằng với Như Lai.
Các Bồ Tát trụ tín đối với trí lực tối thắng chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, nên sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, biểu hiện thân tướng vui, tâm vui, sinh ý tưởng hy hữu.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là bốn pháp vô sở úy chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, mà các Bồ Tát trụ tín phải nên sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, cho đến sinh ý tưởng hy hữu?
Này Xá Lợi Tử! Pháp Vô sơ úy của Như Lai có bốn thứ, do Như Lai có đầy đủ bốn vô sở úy này, cho nên biết rõ thắng xứ, ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư Tử, chuyển phạm luân vi diệu, ngoài ra các Sa Môn, Bà La Môn khác đều không thể chuyển. Tất cả thế gian Trời, Người, Ma, Phạm không có pháp nào bằng với Như Lai.
Này Xá Lợi Tử! Bốn vô sở úy là gì?
Một là, Nhất thiết trí vô úy.
Nghĩa là Phật Như Lai đầy đủ trí thù thắng vô thượng, ở trong đại chúng nói như vậy: Ta thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, pháp này chỉ có Phật mới tự chứng biết, ngoài ra các hàng Trời, Người, thế gian không có pháp nào bằng với pháp Phật nói. Như Lai nhờ pháp này cho nên thành Chánh Đẳng Giác.
Sao gọi là Như Lai thành Chánh Đẳng Giác?
Vì tất cả pháp bình đẳng, cho nên Phật Như Lai thành Chánh Đẳng Giác.
Đối với các pháp không cao, không thấp, hoặc pháp dị sinh, hoặc pháp Thánh Nhân, hoặc pháp Chư Phật, hoặc pháp hữu học, hoặc pháp vô học, hoặc pháp Duyên Giác, hoặc pháp Bồ Tát, hoặc pháp thế gian, hoặc pháp xuất thế gian, hoặc pháp có tội, hoặc pháp không tội, hoặc pháp hữu lậu, hoặc pháp vô lậu, hoặc pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi, đối với các pháp như vậy, Như Lai đều bình đẳng. Đây gọi là Như Lai hiện thành Chánh Giác.
Trong đó, sao gọi là bình đẳng?
Nghĩa là, Không bình đẳng, vì thấy được tự tánh. Vô tướng bình đẳng, ấy là tướng tự tánh. Vô nguyện bình đẳng, ấy là tam giới tự tánh. Vô sinh bình đẳng, ấy là sinh tự tánh. Vô tác bình đẳng, ấy là tác tự tánh. Vô khởi bình đẳng, tức là khởi tự tánh.
Vô hàm tàng bình đẳng, tức là hàm tàng tư tánh. Như đã nói bình đẳng, tức ba đời tự tánh. Minh giải thoát bình đẳng, tức vô minh hữu ái tự tánh. Niết Bàn bình đẳng, tức các hành tự tánh.
Này Xá Lợi Tử! Vì các pháp bình đẳng như vậy, cho nên Như Lai hiện thành Chánh Giác. Như Lai ở trong đại chúng được vô sở úy, đem pháp này chỉ dạy chúng hội, khiến các chúng hội được sinh hoan hỷ, vì thân được vui, cho nên tâm rất tín thuận, lại khiến chúng hội vui vẻ khoái thích.
Như Lai đại bi, tương ưng đầy đủ chân thật, tánh bình đẳng, tánh như thật, tánh không khác, tánh không chủng loại, tánh không sở quán, tánh vô sinh, tánh không lìa, tánh không sở thủ. Tuy Như Lai đầy đủ pháp vô úy, nhưng thật không dính mắc vào một pháp nhỏ nào, cũng không phải không dính mắc.
Pháp vô sở úy của Như Lai không có dối gạt, bình đẳng như thật, pháp giới bình đẳng. Đối với các pháp bình đẳng này, bao gồm tất cả pháp giới, pháp như thật của Như Lai thênh thang vô ngại, thậm thâm vi diệu, khó hiểu khó biết.
Như Lai khởi tâm đại bi dùng pháp này bày các phương tiện, vì các chúng sinh, rộng tuyên nói pháp xuất ly của Thánh Tôn. Pháp này có khả năng chấm dứt các khổ. Tất cả chúng sinh không sư phạm, vì đại nguyện lực, Như Lai làm sư phạm.
Người chưa thành Chánh Giác, khiến thành Chánh Giác. Tất cả chúng sinh chạy theo các cảnh đoạn kiến, Như Lai dùng pháp vô úy khiến được thanh tịnh.
Này Xá Lợi Tử! Pháp vô sở úy của Như Lai vô cùng vô tận, ngang bằng với hư không. Nếu ai biết cái cùng tận của hư không, thì biết được cái cùng tận vô sở úy của Như Lai. Các Bồ Tát trụ tín nghe pháp này rồi, nên sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, cho đến sinh ý tưởng hy hữu. Đây gọi là vô úy thứ nhất của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Lậu tận vô úy thứ hai của Như Lai là Phật Như Lai đầy đủ trí thù thắng vô thượng, ở trong đại chúng nói như vậy: Ta đã hết các lậu, được vô sở úy. Tất cả thế gian Trời, Người không có pháp nào ngang bằng với pháp Phật nói.
Sao gọi là Như Lai đã tận các lậu?
Phật Như Lai đã hết dục lậu, tâm được giải thoát, đoạn diệt tất cả chủng tử tham lam. Như Lai đã hết hữu lậu, tâm được giải thoát, đoạn diệt tất cả chủng tử sân hận. Như Lai đã hết vô minh lậu, tâm được giải thoát, đoạn diệt tất cả chủng tử si mê. Như Lai đã hết kiến lậu, đoạn diệt hết tất cả chủng tử phiền não. Đây gọi là Như Lai đoạn tận các lậu. Nói như thế chỉ là dựa theo thế tục, chứ không phải Thắng nghĩa đế.
Thắng nghĩa đế là trí tuệ tối thượng của Bậc Thánh, hoặc biết, hoặc đoạn, hoặc tu, hoặc chứng. Tuy vậy, nhưng không dính mắc vào một pháp nhỏ nào.
Vì sao?
Vì như đã nói, tận biết đúng như thật. Nếu các chúng sinh tu hạnh xuất ly, Như Lai đều biết như thật.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai biết như thật nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới.
Sao gọi là năng tri?
Vì Đức Phật biết rõ trong không, ngoài không, trong ngoài đều không, cho đến biết như thật về ý giới, pháp giới, ý thức giới.
Sao gọi là năng tri?
Nghĩa là, Đức Phật biết rõ trong không, ngoài không, trong ngoài đều không.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai biết rõ như thật về địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới và hư không giới.
Sao gọi là năng tri?
Như hư không, biết rõ cũng như vậy. Như Lai biết rõ Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới đều khởi từ phân biệt. Biết hữu vi giới là tướng tạo tác. Biết vô vi giới là tướng không tạo tác. Biết tạp nhiễm giới là tướng khách trần phiền não. Biết thanh tịnh giới là tướng tự tánh xán lạn. Biết các hành giới là tướng vô minh tác ý không như lý. Biết Niết Bàn giới là tướng trí sáng suốt tác ý như lý.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu nương vào các giới, an trụ các giới, tùy thuận các giới, kiến lập các giới, tác dụng các giới, ý thú các giới, tịch định các giới, trụ trước các giới, mỗi mỗi Như Lai đều biết như thật. Như Lai tùy theo đối tượng biết đó rồi vì nói pháp.
Này Xá Lợi Tử! Đây gọi là trí lực mỗi mỗi giới của Như Lai. Lực thù thắng như vậy không có biên tế. Nếu các Bồ Tát trụ tín đối với trí lực thù thắng của Như Lai, nghe rồi phát lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, biểu hiện thân tướng vui, tâm vui và sinh ý tưởng hy hữu.
Các Bồ Tát trụ tín nghe pháp vô úy biên tế của Như Lai rồi, sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, cho đến sinh ý tưởng hy hữu. Đây là pháp vô uy thứ hai của Như Lai. Do Như Lai đầy đủ vô sở úy, cho nên tất cả Trời, Người, thế gian không có pháp nào bằng pháp của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Ba là, thuyết chướng đạo vô úy.
Nghĩa là, Chư Phật Như Lai đầy đủ trí thù thắng vô thượng, ở trong đại chúng nói lên như vậy: Ta nói các pháp chướng đạo hay chướng Thánh đạo, cho đến tất cả Trời, Người, thế gian không có pháp nào bằng với pháp của Như Lai.
Sao gọi là pháp chướng đạo?
Có một pháp hay chướng Thánh đạo là tâm của các chúng sinh không thanh tịnh.
Hai pháp hay chướng Thánh đạo là không biết tàm, không biết quý.
Ba pháp hay chướng Thánh đạo là thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác.
Bốn pháp hay chướng Thánh đạo, bốn pháp ấy đều làm cho chúng sinh đọa vào đường ác. Đó là tham dục sẽ đọa vào đường ác, sân nhuế sẽ đọa đường ác, ngu si sẽ đọa vào đường ác, sợ hãi sẽ đọa vào đường ác.
Năm pháp hay chướng Thánh đạo là sát sinh, trộm cắp, tà nhiễm, nói dối, uống rượu.
Sáu pháp hay chướng Thánh đạo là không tôn trọng Phật, không tôn trọng pháp, không tôn trọng Tăng, không tôn trọng giới học, không tôn trọng định học, không tôn trọng người tu hạnh đầu đà.
Bảy pháp hay chướng Thánh đạo là mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn, ty mạn.
Tám pháp hay chướng Thánh đạo là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà cần, tà niệm, tà định.
Chín pháp hay chướng Thánh đạo là đối với ngã thân làm việc không nghĩa lợi, sinh tâm tổn hại, đã làm, đang làm, sẽ làm.
Đối với cái gì ngã thích, làm việc không nghĩa lợi, sinh tâm tổn hại, đã làm, đang làm và sẽ làm. Đối với cái gì ngã không thích, làm việc không nghĩa lợi, sinh tâm tổn hại, đã lam, đang làm và sẽ làm. Mười pháp hay chướng Thánh đạo là sát sinh, trộm cắp, tà nhiễm, nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói ác, tham sân, tà kiến.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Minh Triết - Thí Dụ Ba Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Cửu Phẩm Vãng Sanh A Di đà Tam Ma địa Tập đà Ra Ni
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Mười - Trụ Pháp Vũ - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi Bảy - Phẩm Bị Thâu Thành Vật Khước Trưng Pháp
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Ba - đại Phẩm - Kinh Naflaka
Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu Mươi Mốt - Phẩm đồng Học