Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Tà Tư
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI NĂM
PHẨM TÀ TƯ
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu có người ở trong nhóm tà kiến thì có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?
Các Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Như Lai là Vua của các pháp, là bậc chí tôn của các pháp.
Lành thay Thế Tôn! Nên thuyết nghĩa này cho các Tỳ Kheo. Chúng con nghe rồi sẽ vâng làm.
Thế Tôn dạy: Các thầy khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì các thầy phân biệt nghĩa này.
Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn! Các Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy.
Thế Tôn dạy: Người ở nhóm tà sẽ do năm việc mà biết. Ðã thấy năm việc thì biết người này ở nhóm tà.
Thế nào là năm?
Ðáng cười mà không cười, lúc đáng hoan hỷ mà không hoan hỷ, đáng khởi tâm từ mà không khởi tâm từ, làm ác mà không xấu hổ, nghe lời lành mà không để ý. Nên biết người này ở nhóm tà. Nếu có chúng sanh ở nhóm tà, nên dùng năm việc mà biết.
Lại nữa, có chúng sanh ở trong nhóm chánh, có tướng mạo gì, có nhân duyên gì?
Các Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Như Lai là Vua các pháp, là bậc chí tôn của các pháp. Cúi mong Thế Tôn hãy thuyết nghĩa này cho các Tỳ Kheo. Chúng con nghe xong sẽ vâng làm.
Thế Tôn dạy: Các thầy khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các thầy phân biệt nghĩa này.
Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn! Các Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy.
Thế Tôn bảo: Người ở nhóm chánh, sẽ do năm việc mà biết. Ðã thấy năm việc thì biết người này trụ ở nhóm chánh.
Thế nào là năm?
Ðáng cười thì cười, đáng hoan hỷ thì hoan hỷ, đáng khởi tâm từ thì khởi tâm từ, đáng xấu hổ thì xấu hổ, nghe lời lành thì để ý. Nên biết người này đã ở nhóm chánh, trụ ở nhóm chánh. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ có các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Như Lai xuất hiện ở đời tất sẽ vì năm việc.
Thế nào là năm?
Sẽ Chuyển Pháp Luân, sẽ độ cha mẹ, khiến người không tin lập niềm tin, khiến người chưa phát tâm Bồ Tát khiến phát tâm Bồ Tát, sẽ truyền yếu quyết của Phật tương lai. Nếu lúc Như Lai xuất hiện ở đời thì sẽ vì năm việc này. Thế nên các Tỳ Kheo, hãy khởi tâm từ đối với Như Lai. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ có các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có năm sự bố thí không được phước.
Thế nào là năm?
Lấy dao thí cho người, lấy độc thí cho người, lấy bò hoang thí cho người, lấy dâm nữ thí cho người, tạo các Miếu Thần.
Ðó là, này Tỳ Kheo! Có năm việc bố thí không được phước. Tỳ Kheo nên biết, lại có năm việc bố thí khiến được phước lớn.
Thế nào là năm?
Tạo vườn cảnh, tạo rừng cây, tạo cầu đò, tạo thuyền lớn, tạo phòng xá trụ xứ cho người qua lại.
Ðó là, Tỳ Kheo! Có năm việc này khiến được phước.
Thế Tôn liền nói kệ:
Vườn cảnh thí mát mẻ,
Và tạo cầu đò tốt,
Bến sông đưa mọi người,
Và làm phòng nhà tốt,
Người đó trong ngày đêm,
Hằng sẽ nhận được phước,
Giới định đã thành tựu,
Người này ắt sanh Thiên.
Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy nhớ tu hành năm đức thí này. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ có các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ðàn bà có năm thế lực coi thường chồng.
Thế nào là năm?
Sắc lực, thế lực của thân tộc, sức mạnh của ruộng vườn gia nghiệp, sức mạnh của con cái, sức mạnh của tự thủ mà coi thường người chồng. Người chồng lại cũng dùng một thế lực để che phủ người vợ kia.
Thế nào là một thế lực?
Nghĩa là sức phú quý. Người chồng vì phú quý, sức mạnh của sắc chẳng bằng, thân tộc, ruộng vườn, con cái, tự thủ đều chẳng bằng. Ðó là do một thế lực mà thắng bấy nhiêu thế lực.
Nay Tệ Ma Ba Tuần cũng có năm thế lực.
Thế nào là năm?
Nghĩa là: Sắc lực, thanh lực, hương lực, vị lực, xúc lực. Phàm người ngu si đắm trước các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc chẳng thể qua được cảnh giới của Ma Ba Tuần. Nếu đệ tử Thánh thành tựu một thế lực thì thắng bao nhiêu sức đó.
Thế nào là một thế lực?
Nghĩa là sức không phóng dật. Nếu các đệ tử Bậc Hiền Thánh thành tựu không phóng dật, thì chẳng bị sắc, thanh, hương, vị, xúc trói buộc. Vì không bị ngũ dục trói buộc, nên có thể phân biệt pháp sanh, già, bệnh, chết, thắng năm thế lực của ma, không rơi vào cảnh giới ma, qua được các nạn đáng sợ, đến chỗ vô vi.
Thế Tôn liền nói kệ này:
Giới là đạo cam lồ,
Phóng dật là đường chết,
Không tham thì không chết,
Mất đạo là mất mình.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Nên nhớ tự hành, chớ phóng dật.
Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ðàn bà có năm dục tưởng.
Thế nào là năm?
Sanh nhà hào quý, được gả cho nhà phú quý, chồng sẽ làm theo lời, có nhiều con cái, ở nhà tất cả do một mình mình.
Ðó là, này các Tỳ Kheo! Ðàn bà có tư tưởng về năm việc đáng muốn này.
Như thế, này Tỳ Kheo! Tỳ Kheo của ta cũng nghĩ đến năm việc đáng muốn.
Thế nào là năm?
Nghĩa là: Cấm giới, đa văn, thành tựu tam muội, trí tuệ, trí tuệ giải thoát.
Ðó là Tỳ Kheo có năm việc đáng mong muốn này.
Thế Tôn liền nói kệ:
Ta sanh dòng hào tộc,
Cũng về nhà phú quý,
Hay sai khiến ông chồng,
Chẳng phước, không đạt được,
Khiến ta nhiều con cái,
Hương hoa tự trang sức,
Tuy có tưởng niệm này,
Không phước khó thu được,
Tín, giới mà thành tựu,
Tam muội không di động,
Trí tuệ cũng thành tựu,
Giải đãi, thì chẳng được,
Muốn được thành đạo quả,
Chẳng dạo vực sanh tử,
Mong muốn đến Niết Bàn,
Giải đãi thì chẳng được.
Như thế, các Tỳ Kheo! Nên tìm phương tiện thực hành pháp lành, trừ bỏ pháp bất thiện, dần dần tiến tới, không có tâm hối hận giữa chừng. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có năm lúc không nên lễ người.
Thế nào là năm?
Nếu ở trong tháp thâu bà không nên làm lễ, ở trong đại chúng không nên làm lễ, lại ở đường đi không nên làm lễ, đau bệnh nằm trên giường không nên làm lễ, nếu lúc ăn uống không nên làm lễ. Ðó là, này các Tỳ Kheo, có năm việc không nên làm lễ với người. Lại có năm việc biết thời làm lễ.
Thế nào là năm?
Không ở trong Tháp, không ở trong đại chúng, không ở trên đường đi, không bị đau bệnh, lại không phải lúc ăn uống. Ðây nên làm lễ. Thế nên, các Tỳ Kheo, nên tạo phương tiện biết lúc mà hành. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở trong thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca Lan Đà cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn Giả Ưu Đầu Bàn: Nay thầy vào thành La Duyệt xin một ít nước nóng.
Vì sao thế?
Hôm nay ta bị đau lưng.
Ưu Đầu Bàn bạch Phật: Xin vâng, Thế Tôn! Ưu Đầu Bàn vâng lời Phật dạy, đến giờ đắp y ôm bát vào thành La Duyệt xin nước nóng.
Tôn Giả Ưu Đầu Bàn liền nghĩ: Thế Tôn có nhân duyên gì khiến ta xin nước nóng?
Như Lai các kiết sử đã tận, mọi điều lành chứa nhóm, mà Như Lai lại bảo rằng: Nay ta bị đau lưng mà Thế Tôn lại chẳng cho biết tên họ, đến nhà ai. Bấy giờ Tôn Giả Ưu Đầu Bàn dùng Thiên nhãn quán sát nam nữ trong thành La Duyệt xem người nào đáng độ.
Khi ấy trong thành La Duyệt có trưởng giả tên Tỳ Xá La Tiên, chẳng trồng căn lành, không giới, không niềm tin, tà kiến đối với Phật, Pháp, Tăng, cùng biên kiến tương ưng.
Ông ta có tà kiến này: Không thí, không cho, không người nhận, cũng lại không có quả báo thiện ác, không có đời này, đời sau, không cha, không mẹ. Ðời không có Sa Môn, Bà La Môn v.v… được thành tựu. Ở đời này, đời sau tự thân tác chứng, mà tự du hóa. Ông ta thọ mạng rất ngắn, sau năm ngày sẽ chết. Ông lại thờ Ngũ Đạo Đại Thần.
Bấy giờ Ưu Đầu Bàn lại nghĩ: Như Lai ắt muốn độ trưởng giả này. Sở dĩ như thế vì trưởng giả này sau khi chết sẽ sanh trong địa ngục kêu khóc. Khi đó Ưu Đầu Bàn liền cười. Ngũ Đạo Đại Thần từ xa thấy ngài cười, liền ẩn hình biến thành người đến chỗ Ưu Đầu Bàn, để ngài sai khiến. Tôn Giả Ưu Đầu Bàn dẫn người này đến ngoài cửa trưởng giả, đứng làm thinh không nói.
Trưởng giả xa thấy có Đạo Nhân đứng ngoài cửa, tức thời nói kệ:
Này ông làm thinh đứng,
Cạo đầu mặc Cà Sa,
Vì muốn xin những gì?
Nhân việc gì đến đây.
Ưu Đầu Bàn dùng kệ đáp:
Ðấng Như Lai vô trước
Hôm nay bệnh phong phát
Nếu có nước nóng ấm
Như Lai muốn tắm rửa.
Trưởng giả làm thinh chẳng đáp.
Ngũ Đạo Đại Thần bảo Tỳ Xá La Tiên: Trưởng giả nên lấy nước cho, sẽ được phước vô lượng, sẽ được quả báo Cam Lồ.
Trưởng giả đáp: Ta tự có Ngũ Đạo Đại Thần, dùng Sa Môn này đâu ích lợi thêm việc gì?
Ngũ Đạo Đại Thần nói kệ:
Như Lai lúc mới sanh,
Thiên Ðế đến hầu hạ,
Lại là ai ra đây,
Có thể sánh ngang hàng?
Dùng Ngũ Đạo thần chi
Chẳng thể có chỗ giúp,
Thà cúng dường Thích Sư
Liền được quả báo lớn.
Bấy giờ Ngũ Đạo Đại Thần lại bảo trưởng giả: Ông nên gìn giữ thân, miệng, ý hành.
Ông chẳng biết uy lực của Ngũ Đạo Đại Thần sao?
Khi ấy Ngũ Đạo Đại Thần liền hóa làm thân Quỷ Thần lớn, tay phải cầm kiếm bảo trưởng giả rằng: Nay ta chính là Ngũ Đạo Đại Thần. Mau lấy nước nóng cho Sa Môn này, chớ nên chần chờ.
Khi ấy trưởng giả liền nghĩ: Kỳ quá! Lạ quá!
Ngũ Đạo Đại Thần lại cúng dường Sa Môn này. Trưởng giả liền lấy nước nóng thơm đưa cho Sa Môn, lại lấy đường phèn đưa cho Sa Môn.
Ngũ Đạo Đại Thần tự cầm nước thơm này, cùng Ưu Đầu Bàn đến chỗ Thế Tôn, đem nước nóng thơm dâng lên Thế Tôn. Thế Tôn lấy nước nóng thơm tắm rửa thân thể, phong liền bớt, không tăng nặng nữa.
Khi ấy trưởng giả sau năm ngày liền mạng chung sanh lên Trời Tứ Thiên Vương. Tôn Giả Ưu Đầu Bàn nghe tin trưởng giả mạng chung, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.
Ưu Đầu Bàn bạch Thế Tôn: Trưởng giả này mệnh chung rồi sanh về đâu?
Thế Tôn bảo: Trưởng giả này mạng chung, sanh trên Trời Tứ Thiên Vương.
Ưu Đầu Bàn bạch Phật: Trưởng giả này ở đó mạng chung sẽ sanh đi đâu?
Thế Tôn bảo: Ở đó mạng chung sẽ sanh trong Tứ Thiên Vương, Trời Ba Mươi Ba cho đến sinh trong Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại. Ở kia mạng chung sẽ sanh trong Trời Tứ Thiên Vương.
Trưởng giả này trong sáu mươi kiếp không đọa đường ác. Rốt cuộc được mang thân người, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thành phật Bích Chi. Sở dĩ như thế, vì đức của sự bố thí nước nóng được phước như vậy.
Thế nên, Ưu Đầu Bàn, hằng nhớ lo nước tắm chúng Tăng, nghe thuyết Đạo Giáo. Như thế, Ưu Đầu Bàn, nên học điều này. Bấy giờ Tôn Giả Ưu Đầu Bàn nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ có Tỳ Kheo chẳng ưa tu phạm hạnh, muốn bỏ cấm giới, hoàn tục.
Tỳ Kheo ấy đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, ngồi một bên, rồi bạch Thế Tôn: Nay con không ưa tu phạm hạnh, muốn bỏ cấm giới trở về làm bạch y.
Thế Tôn bảo: Nay thầy vì sao chẳng ưa tu phạm hạnh, muốn bỏ cấm giới về làm bạch y.
Tỳ Kheo đáp: Nay tâm ý con bừng bừng, trong thân như lửa đốt.
Nếu lúc con thấy đàn bà đoan chánh vô song, lúc ấy con nghĩ rằng: Phải chi người đàn bà này cùng ta cộng giao.
Rồi con lại nghĩ: Ðây chẳng phải chánh pháp, nếu ta theo tâm này thì chẳng phải chánh lý.
Lúc ấy con lại nghĩ: Ðây là ác lợi, chẳng phải thiện lợi. Ðây là ác pháp, chẳng phải thiện pháp. Nay con muốn bỏ cấm giới trở về làm bạch y. Cấm giới của Sa Môn, thực chẳng thể phạm. Con làm người thế tục có thể phân đàn bố thí.
Thế Tôn bảo: Phàm là đàn bà có năm thứ ác.
Thế nào là năm?
Uế ác, hai lưỡi, tật đố, sân giận, không biết đền đáp.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Buồn vui do tài sản,
Hiện lành mà lòng độc,
Hại người mất đường lành,
Như chim ưng bỏ đất.
Thế nên, Tỳ Kheo! Nên trừ bỏ tưởng bất tịnh, suy nghĩ quán về bất tịnh. Tỳ Kheo suy nghĩ quán về bất tịnh rồi sẽ đoạn hết dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Đoạn hết vô minh, kiêu mạn.
Này Tỳ Kheo, lòng dục từ đâu sanh?
Từ tóc sanh chăng?
Nhưng tóc xấu xí chẳng sạch. Ðó là do huyễn hóa dối gạt người đời. Móng tay, răng… những thứ thuộc thân thể là chỗ bất tịnh.
Cái nào là chân thật?
Từ đầu đến chân thảy đều như thế.
Gan, mật, ngũ tạng, những vật có hình, không một cái gì đáng tham đắm, cái nào là chân?
Này Tỳ Kheo, dục của thầy từ đâu sanh?
Nay thầy khéo tu phạm hạnh, chánh pháp của Như Lai, chắc chắn sẽ hết khổ. Mạng người rất ngắn, chẳng ở đời lâu. Tuy có thọ lắm cũng chẳng qua trăm tuổi, quá trăm tuổi chẳng mấy người.
Tỳ Kheo nên biết, Như Lai ra đời rất là khó gặp, nghe pháp cũng khó, nhận thân tứ đại cũng lại khó được, các căn đầy đủ cũng khó được, được sanh trung tâm của nước cũng lại khó được, cùng thiện tri thức gặp gỡ cũng rất khó gặp. Nghe pháp cũng khó. Phân biệt nghĩa lý cũng lại khó được. Pháp hành thành tựu, việc này cũng khó.
Này Tỳ Kheo! Nếu được hầu hạ thiện tri thức sẽ có thể phân biệt các pháp, cũng sẽ giảng giải nghĩa này rộng rãi cho người. Nếu nghe pháp rồi sẽ hay phân biệt. Hay phân biệt pháp rồi thì có thể thuyết nghĩa.
Không có dục tưởng, sân giận, ngu si. Đã lìa tam độc, liền thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Nay ta nói sơ nghĩa này. Bấy giờ Tỳ Kheo kia nhận lời Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng lên lễ chân Thế Tôn, rồi lui đi.
Tỳ Kheo ấy ở chỗ vắng vẻ, tư duy pháp mà do đó con nhà Vọng tộc, cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, muốn tu phạm hạnh Vô Thượng, sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, lại không thọ thân nữa, như thực mà biết. Bấy giờ Tỳ Kheo kia thành A La Hán. Bấy giờ Tỳ Kheo kia nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật tại thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca Lan Đà, cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người. Bấy giờ A Nan, Ða Kỳ Xà đến giờ đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Khi ấy, Ða Kỳ Xà trong một ngõ thấy một cô gái, hết sức đoan chánh, đặc biệt ở đời. Thấy rồi lòng dạ rối bời, không như bình thường.
Khi ấy Ða Kỳ Xà dùng kệ nói với A Nan:
Bị lửa dục thiêu đốt,
Tâm ý rất hừng hừng,
Mong thuyết diệt nghĩa này,
Có được nhiều lợi ích.
A Nan lại dùng kệ đáp:
Biết dục, pháp điên đảo,
Tâm ý rất hừng hừng,
Nên trừ niệm tưởng tượng,
Ý dục liền tự thôi.
Ða Kỳ Xà lại dùng kệ nói:
Tâm là gốc của hình,
Mắt là nguồn của hầu,
Nằm ngủ thấy nâng đỡ,
Hình như cỏ rối úa.
Tôn Giả A Nan tức thời tiến lên, lấy tay mặt xoa đầu Ða Kỳ Xà nói kệ:
Niệm Phật không tham dục,
Ðộ dục của Nan Đà,
Thấy Trời, hiện địa ngục,
Ngừa ý, lìa năm đường.
Ða Kỳ Xà nghe Tôn Giả A Nan nói xong, liền nói: Thôi, thôi, A Nan! Hai vị cùng khất thực xong, trở về chỗ Thế Tôn. Khi đó cô gái từ xa thấy Ða Kỳ Xà liền cười.
Ða Kỳ Xà thấy cô gái cười, liền sanh ý nghĩ này: Nay cô thân hình do xương lập với da bọc cũng như hình vẽ trong đó chứa đầy bất tịnh, dối gạt người đời, khiến phát loạn tưởng. Bấy giờ Tôn Giả Ða Kỳ Xà quán cô gái ấy từ đầu đến chân. Trong thân thể này có gì đáng tham, ba mươi sáu vật thảy đều bất tịnh.
Nay các vật này từ đâu sanh?
Tôn Giả Ða Kỳ Xà lại nghĩ: Nay ta quán thân hình cô ta chẳng bằng tự quán trong thân mình.
Dục này từ đâu sanh?
Từ đất sanh chăng?
Từ nước, lửa, gió sanh chăng?
Nếu từ đất sanh, đất cứng cỏi không thể tan hoại. Nếu từ nước sanh, nước hết sức mềm nhuyễn không thể gìn giữ. Nếu từ lửa sanh, lửa không thể gìn giữ. Nếu từ gió sanh, gió không hình tướng, không thể gìn giữ.
Tôn Giả liền nghĩ: Dục này chỉ từ tư tưởng sanh.
Bấy giờ Ngài liền nói kệ:
Dục, ta biết gốc ngươi,
Chỉ do tư tưởng sanh,
Ta không tư tưởng ngươi,
Thì ngươi không có được.
Tôn Giả Ða Kỳ Xà nói kệ này rồi càng suy nghĩ về tưởng bất tịnh. Ngay chỗ đó, tâm hữu lậu được giải thoát. A Nan và Ða Kỳ Xà ra khỏi thành La Duyệt, về chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.
Khi ấy Tôn Giả Ða Kỳ Xà bạch Thế Tôn: Nay con chóng được lợi lành, đã có điều giác.
Thế Tôn bảo: Nay thầy tự giác thế nào?
Ða Kỳ Xà bạch Phật: Sắc không bền chắc cũng không kiên cố, chẳng thể thấy, huyễn ngụy chẳng chân. Thọ không bền chắc cũng không kiên cố, cũng như bọt nước, huyễn ngụy chẳng chân.
Tưởng không bền chắc cũng không kiên cố, huyễn ngụy, chẳng chân, cũng như sóng nắng. Hành cũng không chắc, không kiên cố, cũng như cây chuối không có thực. Thức không chắc cũng không kiên cố, huyễn ngụy chẳng chân.
Tôn Giả lại bạch Phật: Ngũ thạnh ấm này không chắc cũng không kiên cố, huyễn ngụy chẳng chân:
Tôn Giả Ða Kỳ Xà liền nói kệ:
Sắc giống như đám bọt,
Thọ như là bong bóng,
Tưởng tợ như sóng nắng,
Hành như là cây chuối,
Thức là pháp huyễn hóa.
Bậc Tối Thắng thường nói
Suy nghĩ như thế rồi
Quán hết thảy các hành,
Tất cả đều không tịch,
Không có thật chân chính,
Ðều do thân này sanh.
Ðấng Thiện Thệ thường nói
Nên đoạn diệt ba pháp,
Thấy sắc hằng bất tịnh,
Thân này là như thế,
Huyễn ngụy chẳng chân thật.
Chúng đều là pháp hại,
Ngũ ấm chẳng bền chắc.
Ðã hiểu chẳng chân thật
Nay mau tiến bước lên.
Như thế, bạch Thế Tôn!
Nay chỗ hiểu của con chính là vậy.
Thế Tôn bảo: Lành thay! Ða Kỳ Xà! Khéo hay quán sát gốc của năm thạnh ấm này. Nay thầy nên biết, phàm là người tu hành nên quán sát gốc của năm ấm này đều chẳng kiên cố.
Vì sao như thế?
Ngay lúc quán sát năm thạnh ấm này, ta ở dưới cây Bồ Đề thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác, cũng như thầy quán hôm nay. Lúc Thuyết Pháp này có năm mươi Tỳ Kheo, ngay chỗ ngồi được lậu tận, ý giải. Khi ấy, Tôn Giả Ða Kỳ Xà nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Tăng Ca Ma, con của trưởng giả, đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và ngồi một bên, rồi bạch Phật rằng: Kính mong Thế Tôn cho con nhập đạo. Khi ấy, con trưởng giả liền được nhập đạo ở chỗ vắng vẻ, khắc kỷ tu hành, thành tựu quả pháp mà do đó con nhà Vọng tộc cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không tái sanh nữa, như thật mà biết. Khi ấy Tăng Ca Ma liền thành A La Hán.
Ở chỗ nhàn vắng ngài liền sinh niệm này: Như Lai xuất hiện rất là khó gặp. Như Lai đúng thời mới hiện, cũng như hoa Ưu Đàm Bát đúng thời mới hiện. Ðây cũng như thế, Như Lai xuất hiện ở đời đúng thời mới gặp, tất cả hành diệt cũng lại khó gặp. Xuất yếu cũng khó, ái tận, vô dục, Niết Bàn đây là yếu diệu.
Bấy giờ mẹ vợ Tăng Ca Ma nghe con rể làm Đạo Nhân, chẳng đắm mến dục nữa, bỏ lụy nhà, lại làm thương tổn con gái mình như bỏ đống nước bọt.
Người mẹ liền đến chỗ con gái, bảo cô rằng: Chồng con thực đã hành đạo chăng?
Cô gái đáp: Con cũng không chịu cho hành đạo.
Bà mẹ bảo: Nay con nên trang điểm, mặc y phục đẹp, ôm con trai và gái theo, đến chỗ Tăng Ca Ma. Bấy giờ hai mẹ con cùng đến chỗ Tăng Ca Ma. Tôn Giả Tăng Ca Ma đang ngồi kiết già dưới một gốc cây. Hai người đến trước, đứng lặng thinh.
Khi ấy, bà mẹ và cô gái đứng nhìn Tăng Ca Ma từ đầu đến chân, bà mẹ bảo Tăng Ca Ma rằng: Nay vì sao ông không nói chuyện với con gái ta?
Còn hai đứa con này là con của ông. Nay ông làm thật phi lý, không ai chịu được. Nay sự suy nghĩ của ông chẳng phải là hạnh con người.
Khi ấy Tôn Giả Tăng Ca Ma liền nói kệ:
Ngoài đây không có thiện,
Ngoài đây không có diệu,
Ngoài đây không có đúng,
Niệm lành không đâu hơn.
Khi ấy mẹ vợ bảo Tăng Ca Ma:
Nay con gái ta có tội gì?
Có gì phi pháp?
Cớ sao ông bỏ nó, xuất gia học đạo?
Tăng Ca Ma nói kệ:
Chỗ dơ hành bất tịnh,
Sân giận, ưa vọng ngữ,
Tật đố, tâm chẳng chánh,
Là điều Như Lai nói.
Bà mẹ bảo Tăng Ca Ma: Không riêng con gái ta có việc này mà tất cả nữ nhân đều giống vậy. Nhân dân trong thành Xá Vệ thấy con gái ta thảy đều bấn loạn, muốn giao thông với nó, như khát thèm uống nước, nhìn không chán, đều khởi đắm trước.
Nay sao ông lại bỏ nó mà học đạo, tìm cách hủy báng?
Ngày nay nếu ông không dùng con gái ta, thì hai đứa con của ông trả cho ông tự liệu.
Tăng Ca Ma lại nói kệ:
Ta cũng không con cái,
Ruộng vườn và tài sản,
Cũng không có nô tỳ,
Quyến thuộc và tùy tùng.
Ðộc hành không bạn lữ,
Vui ở chỗ vắng nhàn,
Thực hành pháp Sa Môn,
Cầu Chánh Đạo của Phật.
Người có trai, có gái,
Tập hạnh của người ngu,
Ta còn không thân ta,
Há lại có trai gái?
Khi đó, mẹ vợ và hai con nghe nói kệ này rồi, mỗi người tự nghĩ: Hôm nay, như ta quán sát ý này chắc chẳng trở về nhà.
Và họ lại quan sát Tôn Giả từ đầu đến chân, thở dài rồi đến trước quỳ xuống nói: Nếu thân miệng ý có làm gì phi pháp, đều xin tha lỗi cho.
Rồi nhiễu ba vòng lui về nhà.
Khi ấy, Tôn Giả A Nan đến giờ đắp y ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực, từ xa thấy bà mẹ và cô gái, liền hỏi: Vừa rồi có gặp Tăng Ca Ma chăng?
Bà mẹ bảo: Tuy gặp cũng không gặp.
A Nan hỏi: Có nói chuyện không?
Bà mẹ đáp: Tuy có nói năng cũng chẳng vào lòng tôi.
Tôn Giả A Nan liền nói kệ:
Muốn khiến lửa sanh nước,
Lại khiến nước sanh lửa,
Pháp không, muốn cho có,
Không dục, muốn khiến dục.
Tôn Giả A Nan khất thực xong, trở về rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc, đến chỗ Tăng Ca Ma ngồi một bên, bảo Tăng Ca Ma: Ðã biết pháp như chân chưa?
Tăng Ca Ma đáp: Tôi đã giác tri pháp như chân.
A Nan bảo: Thầy giác tri pháp như chân thế nào?
Tăng Ca Ma đáp: Sắc là vô thường. Nghĩa của vô thường này tức là khổ. Khổ tức là vô ngã. Vô ngã tức là không. Thọ, tưởng, hành, thức thảy đều vô thường, nghĩa vô thường này tức là khổ, khổ tức là vô ngã, vô ngã tức là không. Năm thạnh ấm này là nghĩa vô thường.
Nghĩa vô thường tức là khổ, tôi không. Kia có. Kia không, tôi có.
Khi ấy Tăng Ca Ma liền nói kệ:
Khổ khổ lại sanh nhau,
Ðộ khổ cũng như thế,
Tám đạo phẩm Hiền Thánh,
Cho đến chỗ diệt tận,
Không trở lại đời này
Lưu chuyển trong Trời, người,
Nên dứt nguồn gốc khổ
Ngưng hẳn không di động,
Nay tôi thấy vết không,
Như chỗ Phật đã nói,
Nay đắc A La Hán,
Không còn tái sanh nữa.
Khi ấy Tôn Giả A Nan khen rằng: Lành thay! Khéo hay thấu rõ pháp như chân.
A Nan nói kệ:
Khéo giữ dấu phạm hạnh,
Cũng hay khéo tu đạo,
Ðoạn tất cả kiết sử,
Là chân đệ tử Phật.
Tôn Giả A Nan nói kệ xong liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ A Nan đem nhân duyên này bạch hết cho Thế Tôn.
Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: A La Hán luận dục bình đẳng nên nói chính là Tỳ Kheo Tăng Ca Ma. Hay hàng phục quyến thuộc ma cũng là Tỳ Kheo Tăng Ca Ma.
Vì sao thế?
Tỳ Kheo Tăng Ca Ma bảy phen đến hàng ma, nay mới thành đạo. Từ nay về sau, cho bảy phen hành đạo. Quá hạn này là phi pháp.
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Trong hàng Thanh Văn của ta, Tỳ Kheo hay hàng phục ma, nay mới thành đạo, chính là Tỳ Kheo Tăng Ca Ma. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một