Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Mười Một - Phẩm Tuệ Thù Thắng Ba La Mật đa - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM TUỆ THÙ THẮNG BA LA MẬT ĐA  

TẬP BỐN  

Sao gọi là Bổ đặc già la và pháp?

Nếu đối với pháp sở hữu, an trụ vào cái thấy Bổ đặc già la. Do khởi lên cái thấy ấy nên an tru pháp trí pháp giới. Đây gọi là Bổ đặc già la và pháp.

Lại nữa, Bổ đặc già la là Dị Sinh Bổ đặc già la, Thiện Dị Sinh Bổ đặc già la, Thuận Tín Bổ đặc già la, Thuận Pháp Bổ đặc già la, Bát Bối Bổ đặc già la, Nhập Lưu Bổ đặc già la, Nhất Lai Bổ đặc già la, Bất Hoàn Bổ đặc già la, Ứng Cúng Bổ đặc già la, Duyên Giác Bổ đặc già la, Bồ Tát Bổ đặc già la.

Nếu một Bổ đặc già la xuất hiện thế gian thì nó có khả năng dẫn sinh nhiều thú vui vi diệu, đối với thế gian Trời, Người chúng hội ấy thương xót sâu xa, làm các thiện lợi, huống nữa là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác an trụ thế tục. Vì tất cả Bổ đặc già la khiến các hữu tình nương vào âm thanh Như Lai nói ra hiểu rõ nghĩa lợi.

Đức Phật bảo: Đây là đối với pháp mỗi mỗi tùy thuận vui thích, để hữu tình đạt đến nghĩa mà an trụ.

Sao gọi là pháp?

Là không làm, không phải không làm. Không trụ không phải không trụ. Đối với tất cả chỗ vốn tự bình đẳng, đều đồng y chỉ. Lại nữa, các pháp tướng tự tánh vốn không, không có bình đẳng và không bình đẳng, lìa các phân biệt, không có phan duyên, thảy đều xuất ly.

Thuyết này đối với pháp tánh ấy có khả năng tùy thuận không còn thoái chuyển. Thế nên đối với pháp môn chánh lý này có thể hiểu rõ tánh của tất cả phap. Đây là Đại Bồ Tát đối với tuệ thù thắng Ba La Mật Đa đạt được bốn thứ tùy thuận khéo léo.

Sao gọi là Bồ Tát phước trí khéo léo?

Hạnh môn của Bồ Tát có hai thứ. Một là phước hạnh. Hai là trí hạnh.

Sao gọi là phước hạnh?

Đó là phước hạnh bố thí, phước hạnh trì giới, phước hạnh tu quán, trụ vào tướng từ tâm đại bi bình đẳng, khiến các hữu tình ăn năn các lỗi lầm, khiến phát khởi tất cả thiện căn.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Tất cả hữu học A Na Hàm, Bích Chi Phật, đối với phước hạnh này trước hết nên khởi tâm thù thắng như vậy, được không thoái chuyển, nhất sinh bổ xứ, kế đến thành Phật. Đại Bồ Tát cũng nên đối với phước hạnh này phát tâm tùy hỷ.

Chư Phật Thế Tôn trong quá khứ, vị lai, hiện tại cũng đều tùy hỷ tất cả thiện căn đối với phước hạnh này, khuyến thỉnh Chư Phật chuyển pháp luân vi diệu, đem tất cả thiện căn trong phước hạnh này đều cùng hồi hướng.

Người chưa phát tâm bồ đề dạy bảo khiến phát khởi, người đã phát tâm bồ đề rồi, các Bồ Tát vì các người này mà nói hồi hướng, đem các lợi dưỡng nhiếp hóa các người nghèo cùng, đem thuốc thang ban cho những ai tật bệnh, thân cận thương xót an ủi những ai khiếp sợ yếu đuối, dùng pháp che chở bảo hộ những ai hủy giới, xuất ly tội báo khiến trụ Niết Bàn.

Đối với Hòa Thượng, A Xà Lê phải tôn trọng cúng dường như Phật Thế Tôn. Đối với trường giảng pháp phải tinh tấn dũng mãnh, thỉnh cầu các Pháp Sư, dù cách xa hàng trăm do tuần cũng phải đến nghe chánh pháp không biết nhàm chán.

Đối với người thuyết pháp không có phân biệt lựa chọn, thường nên thân cận cung kính cúng dường cũng như cha mẹ mình không sinh mệt mỏi. Lại phước hạnh đối với thân, miệng, ý không sinh động loạn, lìa mọi lỗi lầm.

Ở nơi bảo tháp Phật nhiếp thọ phạm phước, tích tập các thiện căn, tướng hảo viên mãn, trang nghiêm hóa thân, lìa các lỗi lầm của miệng, trang nghiêm ngữ nghiệp, hiểu rõ quyết định thù thắng, trang nghiêm nhất tâm, thần thông du hý trang nghiêm Cõi Phật, dùng trí thanh tịnh trang nghiêm pháp tướng, nghe chánh pháp ấy, lìa các chướng ngại, được không chướng ngại.

Đối với người thuyết pháp hoan hỷ khen ngợi, không sinh chấp trước đối với pháp đã được nói ra cũng không tổn hoại, như vậy là trang nghiêm pháp môn giải thoát.

Đem các vườn rừng cúng dường Đức Phật và chư tăng, như vậy là trang nghiêm cây bồ đề Phật. Trồng các thiện căn, thương xót tất cả, thanh tịnh nghiệp hoặc, đạt được không sinh diệt, như vậy là trang nghiêm bồ đề Đạo Tràng.

Phát nguyện vô tận cúng các ngọc đẹp, đạt được tay báu viên mãn vô tận, xa lìa sự bức xúc nhăn nhó, bằng thẳng như lòng bàn tay, vui thí tất cả. Trước hết đạt được diện mục đoan nghiêm.

Các hữu tình ấy cũng thấy hoan hỷ vui thích, ánh sáng thanh tịnh trang nghiêm thí các hữu tình, đạt được ánh sáng chiếu khắp tất cả, ngôn từ tán thán tốt đẹp không phải do tích tập, các kho tàng giới phước đều thanh tịnh, được sinh vào hàng Trời, Người, mười nghiệp thiện đạo cũng lại thanh tịnh, không quên bỏ thần thông biến hóa, thuận lời Chư Phật dạy không khởi phân biệt, thân tâm thanh tịnh khai thị giáo hóa bình đẳng, được các hữu tình ái kính.

Đối với pháp tối thượng và hạnh giải thù thắng tùy lực giảng nói, lại còn có khả năng nhiếp thọ tất cả phước hạnh, phát khởi nhất thiết trí, tâm đầy đủ bảy thánh tài, tín là hạnh trước nhất, được tất cả thế gian kính ái. Thế nên Bồ Tát trước hết phải quyết định dắt dẫn hữu tình, lại có khả năng viên mãn tất cả pháp Phật và các thiện pháp. Đây là Đại Bồ Tát phước hạnh thiện xảo.

Sao gọi là Bồ Tát trí hạnh thiện xảo?

Nghĩa là, đối với nhân duyên phát sinh trí hiểu biết.

Sao gọi là nhân duyên?

Nghĩa là thâm tâm ham muốn biết rõ pháp hội, siêng năng mong cầu thiện hữu, trụ vào trí của Đức Phật, không nương vào trí của Thanh Văn, Bích Chi Phật, sinh niềm vui thích thú đối với vị thầy giảng giải luật nghi.

Thầy nói pháp ấy biết được căn cơ trình độ của các hữu tình, nội tâm đầy đủ, trí tuệ không có xan lận, vì các hữu tình nói pháp thậm thâm vi diệu liên tục không gián đoạn. Người nghe pháp tìm cầu pháp tương ưng như vậy, nên có khả năng tương ưng với trí hạnh này.

Sao gọi là cầu pháp tương ưng?

Nghĩa là đạt được một ít nghĩa này nơi Pháp Sư. Đầu đêm, cuối đêm suy nghĩ lựa chọn xưng dương tán tụng, điều này cái nào là chánh lý, cái nào là phi lý, lần lượt nghiên cứu cho đến tâm không sở đắc, lìa các chướng ngại, không có cấu nhiễm, được trí xuất ly, phát hạnh chân thật.

Đối với pháp thậm thâm, pháp to lớn, pháp vô biên, pháp vượt hơn ngoại đạo, trí hiểu thấu triệt, thường phóng ánh sáng cao sáng tối thắng hơn cả ngọn núi, dũng mãnh tinh tấn, không bỏ gánh nặng, thực hành hạnh tuệ thù thắng, tâm chỉ chú ý một cảnh, tác ý lành mạnh, không đổ đa.

Thường thích pháp lạc, không làm theo việc làm của thế tục, cầu pháp xuất thế, nhớ nghĩ không quên, tùy theo căn cơ mà tuyên nói, đệ tử của dòng Thánh thảy đều hoan hỷ, khai bày dẫn dắt duyên thù thắng phụng trì cấm giới, tàm quý trang nghiêm hướng đến Phật đạo.

Những kẻ vô minh tối tăm không có trí tuệ, đều tự xa lìa được tuệ nhãn thanh tịnh, giác ngộ rộng lớn, giác ngộ thậm thâm vi diệu, giác ngộ hết sức vi diệu, dùng trí quán sát, có khả năng phân biệt công đức của chính mình và người khác, khiến thuần thục viên mãn nghiệp báo thanh tịnh. Đây là Đại Bồ Tát trí hạnh thiện xảo.

Lại nữa, Bồ Tát cần cầu trí tuệ, đối với việc làm của Pháp Sư có bốn thứ trí là:

1. Hoa da giấy bút mực.

2. Pháp tòa vi diệu.

3. Tất cả lợi dưỡng.

4. Pháp tập kệ tán.

Đó là bốn trí đối với trí hạnh mà được thành tựu.

Lại đối với trí hạnh ở chỗ Pháp Sư phải nên thành tựu bốn thứ thủ hộ:

1. Thủ hộ thân.

2. Thủ hộ thiện.

3. Thủ hộ xứ sở.

4. Thủ hộ đồ chúng đã được giáo hóa.

Lại nữa, đối với trí hạnh được thành tưu bốn thứ gánh nặng đó là pháp, trí, tài vật và bồ đề. Đó là bốn thứ.

Lại nữa, đối với trí hạnh thành tựu năm lực:

1. Tín lực có khả năng tin hiểu pháp một cách thù thắng.

2. Tinh tấn lực cần cầu đa văn.

3. Niẹm lực, không bao giờ quên mất tâm bồ đề.

4. Định lực, đối với tất cả pháp quyết định bình đẳng.

5. Thắng tuệ lực, ham thích đa văn.

Đó là năm lực đối với trí hạnh đạt được viên mãn.

Lại nữa, đối với trí hạnh thành tựu được bốn giới:

1. Chân thật pháp giới.

2. Cần cầu pháp giới.

3. Quyết định pháp giới.

4. Hướng bồ đề giới.

Lại nữa, người siêng năng cầu pháp đối với trí hạnh thành tựu được bốn nhẫn:

1. Người xấu ác đến chửi bới mạ nhục nhưng không báo thù, trái lại dùng lời lẽ khéo léo để xin lỗi.

2. Gió lạnh nóng và đói khát đưa đến đều có khả năng nhẫn chịu.

3. Đối với Hòa Thượng A Xà Lê phải tùy theo khả năng mà cung cấp hầu hạ.

4. Đối với ba môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, đều trụ đại pháp nhẫn.

Đó là bốn nhẫn.

Lại nữa, thành tựu bốn thứ tinh tấn:

1. Đa văn tinh tấn.

2. Tổng trì tinh tấn.

3. Biện thuyết tinh tấn.

4. Chánh hạnh tinh tấn.

Đó là bốn thứ tinh tấn.

Lại nữa, đối với trí hạnh được thành tựu bốn thứ định thù thắng:

1. Lìa tướng tịch tĩnh.

2. Tâm một cảnh tánh.

3. Nhập thần thông định.

4. Ngộ tri kiến Phật.

Đó là bốn định.

Lại nữa, đối với trí hạnh thành tựu bốn pháp:

1. Không trụ các cõi.

2. Tánh không phải tự nhiên.

3. Bốn duyên sinh diệt không có chủ tế.

4. Chỉ một tín giải.

Đó là bốn pháp.

Lại nữa, thành tựu bốn phương tiện:

1. Tùy chuyển thế gian.

2. Tùy chuyển Khế Kinh.

3. Tùy chuyển đối với pháp.

4. Tùy chuyển đối với trí.

Đó là bốn phương tiện đối với trí hạnh được đầy đủ.

Lại nữa, thành tựu bốn đạo vô ngại:

1. Ba la mật đa.

2. Bảy bồ đề phần.

3. Tám chi Thánh đạo.

4. Nhất thiết trí trí.

Đó là bốn đạo không chướng ngại.

Lại nữa, thành tựu bốn thứ không chán:

1. Đa văn không chán.

2. Biện thuyết không chán.

3. Tầm từ không chán.

4. Trí tuệ không chán.

Đó là bốn thứ không chán.

Lại nữa, đối với trí hạnh thấy biết như vậy, nhưng lại tùy thuận tất cả hữu tình, tất cả cõi nước, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, thắng tuệ, từ, bi, hỷ, xả.

Vì sao?

Này Xá Lợi Tử! Cho đến các Bồ Tát quyết định đối với các trí, dùng tri kiến như vậy mà lập hạnh trước hết. Bồ Tát nếu như an trụ trí này thì được thông đạt tất cả trí hạnh, được oai thần của Chư Phật hộ niệm, bọn ma không được tiện lợi, khiến cho tất cả đều được hội ngộ trí nhất thiết trí.

Này Xá Lợi Tử! Đây là Đại Bồ Tát thực hành tuệ thù thắng bala mật đa nên được trí hạnh thiện xảo.

Sao gọi là các Bồ Tát niệm xứ thiện xảo có bốn?

Niệm xứ thứ nhất la lấy thân quán thân.

Niệm xứ thứ hai là lấy thọ quán thọ.

Niệm xứ thứ ba là lấy tâm quán tâm.

Niệm xứ thứ tư là lấy pháp quán pháp.

Này Xá Lợi Tử! Sao gọi là niệm xứ lấy thân quán thân?

Nghĩa là khi Bồ Tát tu quán thân, quán thân đời trước, quán thân đời sau, quán thân hiện tại, thấy rằng thân này từ điên đảo sinh ra, tùy nhân duyên mà diệt, không lay động, không xúc tác, không tự tánh, không chấp thủ. Ví như các loại cỏ thuốc ngoài rừng núi, từ nhân duyên sinh, cũng không tự tánh và không chấp thủ.

Lại nữa, thân này cũng như tường, vách, ngói, gạch, cỏ, cây, bóng ảnh. Đó là uẩn, xứ, giới. Là không chấp, là không, là không có ngã, ngã sở. Là vô thường và mau chóng mục nát. Là không chắc thật. Là pháp điên đảo, là nhàm chán xa lìa, không kiên cố. Các Đại Bồ Tát nên quán như vậy mà siêng cầu cái thân vững chắc.

Vì sao?

Vì thân của Như Lai tức là thân pháp giới, thân kim cang, thân không thể hoại, thân kiên cố, thân tối thắng vi diệu trong ba cõi. Khi tu quán này, nên biết, phàm phu thô trọng uế ác đủ mọi lỗi lầm ấy, Bồ Tát ấy có thể lìa tất cả lỗi lầm để tiến đến đạt được thân tối thắng vi diệu của Như Lai.

Lại nên quán niệm thân của các hữu tình do đâu mà tạo ra liên tục không gián đoạn. Là do bốn đại chủng và A lại da thức tạo ra và gìn giữ, huân tập công năng có vo lượng lực. Ví như địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, bốn đại chủng bên ngoài có đủ loại môn, đủ loại xứ, đủ loại tướng, đủ loại vật.

Do vậy mà tất cả hữu tình nắm giữ được mạng căn. Thân bốn đại chủng tập hợp lại và khởi lên cũng lại như vậy, có đủ loại môn, đủ loại xứ, đủ loại danh, đủ loại tướng, đủ loại vật. Do vậy tất cả hữu tình đối với mạng căn ấy cũng lại nắm giữ, dùng cái biệt tướng để quán thân vô thường, nhưng không nhàm chán xa lìa sinh tử. Dùng biệt tướng quán thân là khổ mà không thích trụ Niết Bàn.

Dùng biệt tướng quán thân vô ngã nên không xa lìa hóa độ hữu tình. Dùng biệt tướng quán thân vắng lặng mà không rốt ráo tịch diệt. Dùng biết tướng quán thân viễn ly mà không xả thiện pháp. Đại Bồ Tát có khả năng quán thân như vậy, phải nên biết rõ nó không kiên cố không thể yêu thương.

Khi quán trong thân biết phiền não không thể dung thọ, quán ngoài thân rõ các phiền não không cùng tập hợp. Do đó cho nên được thành tựu thân nghiệp thanh tịnh và thân tướng trang nghiêm thanh tịnh, được các Trời người tán thán kính ngưỡng.

Này Xá Lợi Tử! Đây là Đại Bồ Tát dùng niệm xứ quán thân trên thân.

Sao gọi là các Bồ Tát lấy thọ quán thọ niệm xứ?

Các Bồ Tát đối với các sự cảm thọ khổ, vui, nên dùng trí tuệ phương tiện mà biết rõ.

Đối với các thọ vui ý không tham tiếc. Nếu khi thấy chúng sinh chịu khổ trong đường ác, Bồ Tát khởi tâm đại bi, dứt ý vô duyên, đối với cảm thọ khổ vui, ý không bị vô minh tùy niệm mà biết rõ. Như vậy, khổ, vui, không phải khổ, không phải vui, nhờ đó nhận thức xuất ly.

Các Bồ Tát dùng trí tuệ phương tiện đối với các hữu tình, hoặc vì thành tựu, hoặc vì xa lìa, nhưng các hữu tình này đối với sự nhận thức về xuất ly không thể hiểu biết, đối với thọ vui này tùy vui mà ban cho, đối với thọ khổ tìm cách diệt trừ, đối với cảm thọ không khổ không vui, tùy thuận nhất thiết trí trí đạt được khinh an.

Đại Bồ Tát dùng đại phương tiện khéo léo thuyết pháp vi diệu nhiếp thọ hữu tình, khiến các hưu tình cũng được khinh an.

Vì những nhân duyên gì mà nói thọ như vậy?

Nghĩa là, đối với thành tựu thiện mà có lạc thọ, đối với thành tựu bất thiện mà có khổ thọ.

Lại đối với xứ ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, khởi len các thọ thì gọi là chấp thọ, thủ thọ, điên đảo thọ, biến kế thọ, ác kiến thọ, nhãn tưởng thọ, cho đến ý tưởng thọ, sắc tưởng thọ, cho đến pháp tưởng thọ, cho đến nhãn xúc làm duyên sinh ra các thọ. Nói tóm lại, cho đến đối với pháp trong ngoài ý xúc làm duyên sinh ra các thọ, trong đó hoặc khổ, hoặc vui, không khổ, không vui. Đó gọi là thọ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần