Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Mười Một - Phẩm Tuệ Thù Thắng Ba La Mật đa - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM TUỆ THÙ THẮNG BA LA MẬT ĐA  

TẬP NĂM  

Lại nữa, đối với tổng tụ, hoặc có một thọ, đó là biểu hiện của một tâm.

Hai thọ là biểu hiện của trong ngoài.

Ba thọ là biểu hiện của quá khứ, vị lai, hiện tại.

Bốn thọ là biểu hiện của bốn đại.

Năm thọ là tác ý của năm uẩn.

Sáu thọ là biến kế của sáu xứ.

Bảy thọ là trụ xứ của bảy thức.

Tám thọ là tương ưng của tám tà.

Chín thọ là chỗ ở của chín loài hữu tình.

Mười thọ là mười thiện nghiệp đạo, cho đến tổng lược các thọ mỗi mỗi tác ý.

Vì thế nên biết, hữu tình vô lượng thọ cũng vô lượng. Các Bồ Tát khi quán lạc thọ, thấy các hữu tình sống trong nguồn sinh tử, nên khiến chúng phát sinh trí tuệ, chỉ bày cho chúng biết ghi nhận cái nào là thiện bất thiện.

Này Xá Lợi Tử! Đây là Đại Bồ Tát lấy thọ quán thọ niệm xứ.

Sao gọi là Bồ Tát lấy tâm quán tâm niệm xứ?

Nghĩa là, các Bồ Tát âm thầm thủ hộ, chánh niệm không lay động, quán sát tâm này mau chóng sinh diệt, không có tướng trạng và không có trụ xứ, không ở bên trong, không ở bên ngoài, cũng không ở chính giữa.

Vậy nên biết mới phát tâm lượng ấy rất nhỏ, xa lìa tâm tướng, trong đó dù chỉ phần nhỏ cũng không thể được. Tâm ấy tích tập tất cả thiện căn lượng rất nhỏ cũng đều xa lìa và không có phần nhỏ nào. Lại đối với tâm này hồi hướng bồ đề, đối với tướng tự thể không có tâm hiểu rõ, không có tâm quán sát, không có tâm nhập vào.

Đức Phật dạy: Thế nên được thành tựu Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Vì sao?

Vì tâm bồ đề cùng với tâm thiện kia tác dụng của nó lại bất cộng hành. Lại tâm thiện căn cùng với tâm bồ đề cũng bất cộng hành. Lại tâm thiện căn cùng với tâm hồi hướng cũng bất cộng hành. Tâm hồi hướng cùng với tâm bồ đề và tâm thiện căn cũng đều bất cộng hành.

Phải nên quán sát như vậy, không sinh Kinh sợ, đạt được duyên khởi thậm thâm, không phá hoại nhân quả. Pháp tánh tâm tức là tự tánh của hữu tình. Như vậy là trở lại thuộc về nhân duyên của các pháp, không lay động, không tạo tác và không chủ tể, nó như bị che lấp không cùng tương ưng. Vì thế nên biết, pháp tánh tâm này cũng bất cộng hạnh.

Sao gọi là pháp tánh và tâm che lấp?

Pháp tánh tâm là đối với xứ này đều không sở thí. Nếu lại đem tất cả sở hữu hồi hướng trang nghiêm khắp cả Cõi Phật thì đó là tâm che lấp như là huyễn hóa, trong khoảng sát na thật là vắng lặng. Đó gọi là pháp tánh tâm.

Nếu lại tập hợp các cấm giới hồi hướng tất cả thần thông mau chóng thì đó la tâm che lấp. Cũng như mộng tưởng rốt ráo không còn sót lại. Đó gọi là pháp tánh tâm.

Nếu lại ham thích sức nhẫn nhục, cho đến hồi hướng trang nghiêm khắp tất cả thì đó là tâm che lấp. Cũng như sóng nắng, rốt ráo lìa tướng thân tâm. Đó gọi là pháp tánh tâm. Nếu lại phát khởi tất cả tinh tấn hồi hướng viên mãn tất cả pháp Phật thì đó là tâm che lấp. Như bóng trăng in nước, không chấp không thấy. Đó gọi là pháp tánh tâm.

Nếu đem tất cả thiền định giải thoát Tam Ma Địa, Tam Ma Bát Để hồi hướng tam muội của Chư Phật thì đó là che lấp, không sắc không thấy, không đối tượng không biểu hiện. Đó gọi là pháp tánh tâm. Nếu lại đem trí phân biệt, tuyên nói tất cả cú nghĩa thanh tịnh, hồi hướng viên mãn các trí tuệ Chư Phật thì đó là che lấp, đưa ra mọi thứ. Đó gọi là pháp tánh tâm.

Nếu lại đối với các thiện căn có sự gián đoạn thì đó là che lấp, làm tâm không nhân sinh. Đó là pháp tánh tâm. Nếu lại nhân nơi bồ đề pháp phần mà khởi lên thì đó là che lấp. Giải thoát sáu cảnh là pháp tánh tâm. Neu lại đối với cảnh giới của Phật mà có sự đoạn diệt thì đó là che lấp.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát thực hành như vậy để quán tâm hạnh này, an trú thần thông, được thần thông ấy đối với nhất tâm có khả năng biết rõ chỗ tâm hướng đến của tất cả hữu tình. Bồ Tát biết như thế rồi tùy theo mỗi bản tánh mà vì nói pháp.

Lại nữa, Bồ Tát an trú đại bi, được đại bi ấy rồi có khả năng hóa độ tất cả hữu tình không biết mệt mỏi. Bồ Tát đối với quán hạnh này gia trì tâm ấy, không tận không diệt.

Giá như vào nguồn sinh tử cắt mọi trói buộc, nhưng đối với tâm niệm này trí không khởi, vượt mọi hành pháp, tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật đều không theo kịp mà được an trú. Tâm này cho đến viên mãn tất cả pháp Phật. Tâm này trong khoảng sát na có thể tương ưng với tuệ thù thắng bình đẳng nhất định thành tựu quả vị Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Xá Lợi Tử! Đây là Đại Bồ Tát lấy tâm quán tâm niệm xứ.

Đức Phật bảo: Này Xá Lợi Tử! Sao gọi là các Bồ Tát lấy pháp quán pháp niệm xứ?

Nghĩa là, các Bồ Tát dùng thánh tuệ nhãn để thấy các pháp và hiểu rõ được các pháp ấy, cho đến bồ đề Đạo Tràng quán các pháp tánh như bụi vi trần đều không thể thấy. Nếu không giải thoát tức là vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát, bất khởi giải thoát, vô sinh giải thoát, vô tác giải thoát, vô tánh giải thoát, duyên sinh giải thoát. Các Bồ Tát nên quán tất cả pháp như vậy.

Sao gọi là pháp?

Là không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả. Đó gọi là pháp.

Sao gọi là phi pháp?

La ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, thường kiến, đoạn kiến, hữu kiến, vô kiến. Đó gọi là phi pháp.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Pháp phi pháp này nhiếp hết tất cả pháp và phi pháp.

Vì sao?

Vì là ba giải thoát môn không, vô tướng, vô nguyện biết rõ hết tất cả. Đó tức là các pháp. Đối với ngã kiến… trói buộc thân tâm. Đó là các phi pháp. Thế nên, khi Bồ Tát tu pháp quán, lượng đó rất nhỏ đều không thể thấy. Đối với pháp giải thoát và bồ đề đạo thảy đều xuất ly không bị chướng ngại. Đối với các hữu tình không khởi tưởng ái kiến đại bi. Bồ Tát ấy không có phiền não và tùy phiền não.

Vì sao?

Vì đã hiểu rõ nghĩa bình đẳng, nhân pháp đều không, không có tích tập các phiền não, nhưng lại có khả năng giác ngộ tự tánh của phiền não tức là tánh bồ đề. Tự tánh bồ đề tức là phiền não. Như vậy các pháp niệm xứ bình đẳng cũng như hư không.

Các Bồ Tát khi tu pháp quán đối với các pháp Phật nên có khả năng đối trị, quán các hữu tình tâm được sinh trí, chứng được vô vi lìa vô sinh trí. Đối với nguồn vô sinh không có rời bỏ. Như vậy là thông đạt pháp quán niệm xư, tức là được an trụ tất cả pháp niệm.

Bồ Tát đối với tất cả pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật không khởi ham thích, nhất định an trụ trong niệm xứ của Chư Phật thường không quên mất, không có si mê, cho đến biên tế tối hậu của pháp quán niệm xứ, có khả năng nói vô lượng cảnh giới bất cộng bình đẳng, hiểu rõ tất cả pháp Phật, khiến các hữu tình tâm sinh hoan hỷ, tự nhiên biết rõ tất cả pháp ma. Đây gọi là lấy pháp quán pháp niệm xứ.

Này Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát đối với tuệ thù thắng Ba la mật đa này đạt được bốn Niệm xứ thiện xảo như vậy.

Sao gọi là bồ đề phần thiện xảo của các Bồ Tát?

Pháp bồ đề phần có bảy:

1. Niệm bồ đề phần.

2. Trạch pháp bồ đề phần.

3. Tinh tấn bồ đề phần.

4. Lạc bồ đề phần.

5. Thích duyệt bồ đề phần.

6. Tam Ma Địa bồ đề phần.

7. Xả bồ đề phần.

Đó là bảy.

Sao gọi là niệm bồ đề phần?

Là nhớ nghĩ đến pháp đã giác ngộ, quán sát phan biệt chia chẻ lựa chọn cho đến khi nào hiểu rõ, lại nên nhớ nghĩ tướng tự thể của pháp ấy, tùy thuận giác ngộ như các pháp không tùy niệm mà biết rõ. Đây gọi là niệm bồ đề phần.

Sao gọi là Trạch pháp bồ đề phần?

Là đối với tám vạn bốn ngàn pháp môn dùng trí mà lựa chọn, chọn đúng như pháp rồi biết pháp nào là liễu nghĩa thì đó là liễu nghĩa, pháp nào không liễu nghĩa thì là không phải liễu nghĩa. Pháp nào thế tục thì là thế tục, pháp nào thắng nghĩa thì là thắng nghĩa, pháp nào bí mật thì là bí mật, pháp nào quyết định thì là quyết định. Lựa chọn như vậy gọi là Trạch pháp bồ đề phần.

Sao gọi là Tinh tấn bồ đề phần?

Là đối với pháp phải hiểu biết suy nghĩ lựa chọn xả ly, thích tu thiền định vắng lặng khinh an, nên dùng sức dũng mãnh nhiếp phục chấp trước, ham muốn bồ đề Đạo Tràng không thoái lui, không bỏ gánh nặng. Đây gọi là tinh tấn bồ đề phần.

Sao gọi là Lạc bồ đề phần?

Là thích nghe pháp âm với tâm thanh tịnh không sinh nhàm chán mệt mỏi, lìa mọi phan duyên và phiền não trói buộc, chí thành khát ngưỡng, cho đến rùng mình được đại pháp lạc. Đây gọi là Lạc bồ đề phần.

Sao gọi là Thích duyệt bồ đề phần?

Nghĩa là Tam Ma Địa lìa các tánh chướng ngại, hôn trầm, trạo cử, khiến thân tâm đều được khinh an. Đây gọi là Thích duyệt bồ đề phần.

Sao gọi là Tam Ma Địa bồ đề phần?

Là đối với tâm thiền định trí biết rõ các pháp an trú sâu xa, quán tánh của các pháp thảy đều bình đẳng. Đây gọi là Tam Ma Địa bồ đề phần.

Sao gọi là Xả bồ đề phần?

Là các pháp vui, buồn không làm động tâm, đối với pháp thế gian cũng không tăng giảm, tùy thuận Thánh đạo, đối với tự tha đều không trụ, không động và không tổn giảm não hại. Đây gọi là Xả bồ đề phần.

Này Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát đối với Tuệ thù thắng Ba la mật đa đạt được bảy thứ bồ đề phần thiện xảo như vậy.

Sao gọi là Bồ Tát Thánh đạo thiện xảo?

Thánh đạo này có tám:

1. Chánh kiến.

2. Chánh phân biệt.

3. Chánh ngữ.

4. Chánh nghiệp.

5. Chánh mạng.

6. Chánh cần.

7. Chánh niệm.

8. Chánh định.

Đó là tám.

Sao gọi là chánh kiến?

Nghĩa là cái nhận thức này vượt hơn thế gian, nó không phát sinh từ ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến và thọ giả kiến. Nó cũng khong phát sinh từ thường kiến, đoạn kiến, hữu kiến, vô kiến, thiện bất thiện kiến, cho đến Niết Bàn kiến. Đó gọi là chánh kiến.

Sao gọi là chánh phân biệt?

Nghĩa là phân biệt tham, sân, si và các phiền não khiến chúng không sinh khởi. Phân biệt giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, khiến được an trụ. Đó gọi là chánh phân biệt.

Sao gọi là chánh ngữ?

Là lời nói đối với mình, người, thiện hữu không có bỉ thử, tương ưng đầy đủ, nhập đạo bình đẳng. Đây gọi là chánh ngữ.

Sao gọi là chánh nghiệp?

Là không tạo tác hắc nghiệp, khiến chúng diệt tận, đối với bạch nghiệp tự loại hòa hợp, khiến được thuần thục. Đó gọi là chánh nghiệp.

Sao gọi là chánh mạng?

Nghĩa là đệ tử của Bậc Thánh phải mang vác gánh nặng là vì Thánh đạo, tăng trưởng viên mãn, nuôi dưỡng thân mạng, không đem tạp loạn khi dối lừa gạt cầu ác cầu nhiều. Người khác được lợi không sinh hối tiếc áo não, đối với lợi dưỡng của chính mình tùy theo vật hiến cúng không sinh vui thích. Đó gọi là chánh mạng.

Sao gọi là chánh cần?

Là không khởi lên các tà hạnh tham, sân, si… và tùy phiền não. Hiểu đạo Thánh đế, hướng đến quả Niết Bàn và có khả năng khởi lên siêng năng dũng mãnh. Đó gọi là chánh cần.

Sao gọi là chánh niệm?

Là đối với niệm này an trụ chánh đạo, lìa mọi khi dối lỗi lầm, luân hồi, cho đến thấy được đạo Niết Bàn. Đối với ý niệm như vậy cũng nên xa lìa, nhưng đối với Thánh đạo không có mê loạn. Đó gọi là chánh niệm.

Sao gọi là chánh định?

Là chánh đạt bình đẳng, tức là các pháp bình đẳng, an trú đẳng trì, đối với chánh đạt ấy có khả năng thoát khỏi.

Lại nữa, Bồ Tát an trú đẳng trì có khả năng khiến tất cả hữu tình được giải thoát, đối với chánh đạt trước cũng có thể thoát khỏi. Đó gọi là chánh định.

Chư Phật Thế Tôn trong quá khứ, hiện tại và vị lai vì các Bồ Tát đối với tám Thánh đạo mà khai thị bình đẳng Thánh đạo vô tận.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát đối với Thánh đạo thiện xảo phải nên tu tập pháp trợ đạo.

Sao gọi là trợ đạo?

Là Xa ma tha và Tỳ bát xá na. Đó là trợ đạo.

Sao gọi là Xa ma tha?

Là làm cho tâm yên tĩnh vắng lặng, cực vắng lặng và đưa đến cùng cực vắng lặng, nhiếp hộ các căn không lay động, không có cao thấp, miệng im lặng cẩn thận, cũng không dối trá, tâm một cảnh tánh, xa lìa ồn ào và các hiểm nạn, thích chỗ yên tĩnh.

Đối với thân mạng điều hòa thanh tịnh, giữ gìn oai nghi, đạo hạnh cẩn mật, cho đến sự nuôi sống đầy đủ, biết thời, biết phần và biet số lượng. Giá như có nghe sự phỉ báng cũng nên nhẫn chịu an ổn, thâm tâm chuyển đổi, thường thích ngồi yên.

Thế nên định phần tác ý, đối với từ, bi, hỷ, xả, dùng phương tiện vô ngại an trụ tu quán, từ thiền ban đầu cho đến thiền thứ tám. Đối với Xa ma tha nên trước tu tập lời ta dạy, đối với Xa ma tha này lại có vô lượng hạnh Xa ma tha, phải nên tùy thuận hạnh này. Đó gọi là Xa ma tha.

Sao gọi là Tỳ bát xá na?

Là đối với trí tuệ quán các pháp không, không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Quán năm uẩn cũng như huyễn hóa, quán mười tám giới tức là tánh pháp giới, quán mười hai xứ như làng bỏ trống, quán các căn nhãn, tùy cảnh phân biệt mà chuyen, quán các duyên khởi không có trái nhau, quán chúng sinh thấy xa lìa rốt ráo.

Lại nữa, quán nhân tức là chiêu cảm quả báo, quán quả như hiện tiền chứng đắc, quán các chánh đạt càng mau thoát khỏi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần