Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Việc Thụ Giới

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN

HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG

TRONG GIỚI LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẨM HỎI VIỆC THỤ GIỚI  

Hỏi: Sa Di phạm mười giới, hoặc một, hai, ba giới mà không sám hối, được phép thụ đại giới không?

Đáp: Nếu nhớ có tội mà không sám hối thì không được thụ đại giới. Tất cả đều không nhớ, lại không biết pháp đã thụ thì được.

Phàm lúc thụ giới, vị Pháp Sư nên hỏi Sa Di: Ông có phạm giới không?

Nếu Sa Di đáp phạm, liền dạy sám hối. Nếu Bổn Sư không hỏi, thì trên giới đàn, thầy truyền giới phải hỏi. Nếu không hỏi thì tất cả đều phạm tội Đọa.

Hỏi: Khi đã thụ đại giới, được phép sám hối những tội đã phạm lúc còn làm Sa Di không?

Đáp: Được! Nên thực hành pháp sám hối giống như pháp sám hối khi làm Sa Di.

Chú giải: Hoặc đến trước Bổn Sư, hoặc trước một Tỳ Kheo sám hối cũng được, không nhất định đồng với phép sám hối của đại Tỳ Kheo. Nếu không sám hối thì e rằng đại giới không bền vững.

Lại nữa, không thể làm đại khái giống như trên được. Trước đã phạm mà không nhớ, đến khi thụ đại giới mới nhớ mà sám hối. Đó là sợ sau khi thụ đại giới nhớ mà không sám hối, nên mới nêu ra việc này.

Hỏi: Sa Di sắp đăng đàn thụ đại giới, hoặc mặc y phục của thế tục, chân mang giày dép, hoặc y bát không đủ phải đi mượn, vị đó có đắc giới không?

Đáp: Chỉ cần mặc y phục thế tục, mà giới sư không hỏi thì Sa Di ấy không đắc giới, còn tất cả đều đắc giới, nhưng giới sư phạm tội Đọa.

Hỏi: Tỳ Kheo không xả giới mà làm Sa Di, tức là đại đạo nhân, nếu thụ giới lại thì đắc giới không?

Đáp: Không!

Hỏi: Nếu không đắc giới, thì giới đã thụ khi trước còn không?

Đáp: Vẫn còn.

Chú giải: Do giới đã thụ trước vẫn còn, nên nay thụ lại không được. Vì trong luật dạy, nếu Tỳ Kheo phạm giới trọng, thì phải xả giới làm Sa Di, còn chưa cho thụ đại giới lại, huống gì người chưa xả mà được thụ đại giới ư.

Hỏi: Nếu giới trước vẫn còn, thì vị thầy truyền giới sau được gọi là thầy của vị đó không?

Đáp: Không được!

Chú giải: Do không đắc giới, nên không được gọi vị ấy là thầy.

Hỏi: Nhiều người thụ giới mà cùng thỉnh một người làm thầy truyền giới, thì được phép cho năm người, mười người cùng lúc thụ giới không?

Đáp: Không có lẽ này!

Chú giải: Trong luật dạy, thụ giới cụ túc phải đủ thập sư: Một vị Hòa Thượng, hai vị A Xà Lê và bảy vị thầy như pháp làm chứng. Tất cả đều phải thỉnh các vị Tăng thanh tịnh. Nếu không đủ mười vị thì giới không thành tựu.

Vì sao?

Như trong bộ Hoằng pháp giới nghi ghi: Tròn đủ Tam tụ ắt phải nương vào tam sư, kiểm xét bảy lỗi hoàn toàn nhờ vào thất chứng. Thế nên phải đủ mười vị mới được cho người thụ giới.

Hỏi: Sa Di thụ đại giới, thỉnh một vị Tỳ Kheo làm đại giới sư, nhưng vị Tỳ Kheo này không biết Yết Ma và pháp thụ giới, lại thỉnh một người khác truyền giới, người này được làm thầy không?

Đáp: Vị truyền giới là thầy, còn người không có giới pháp để truyền trao thì chẳng phải thầy.

Chú giải: pháp Yết Ma, một lần bạch ba lần Yết Ma, khuyến phát và hỏi các việc rõ ràng kĩ lưỡng. Nhưng muốn làm người thầy mô phạm, thì phải biết rõ ba pháp quán, thông suốt chỉ trì và tác trì, năm đức, thập số, lời nói và việc làm đều trọn vẹn mới được. Nếu không được như vậy, thì việc của mình đã không thông mà muốn làm thầy của người thì không thể được.

Hỏi: Giới sư đăng đàn truyền giới, hoặc mặc y phục thế tục, hoặc phạm giới, thì người thụ giới đắc giới không?

Đáp: Nếu người thụ giới biết hành vi đó không đúng pháp thì không đắc giới, còn không biết thì đắc.

Hỏi: Lúc thụ giới, chúng tăng không hòa hợp, hoặc đánh mắng nhau, thì giới tử đắc giới không?

Đáp: Nếu đăng đàn truyền giới mà chúng tăng hòa hợp thì đắc giới, còn không hòa hợp thì giới tử không đắc giới.

Chú giải: Vì khởi niệm nghi ngờ, nên trong Kinh có dạy: Nếu một pháp không thanh tịnh thì giới luật nghi của ông không thanh tịnh, nhất định không thể thành tựu. Còn không biết thì được. Nghĩa là tuy thầy có lỗi, đệ tử nhận thức đúng, thiết tha chí thành, hoàn toàn không có niệm nghi ngờ, thì đắc giới.

Lòng tin là nguồn của đạo, là mẹ của các công đức, chính là tại chỗ này. Như vậy, thầy truyền cho đệ tử mà không gián đoạn.

Hỏi: Thụ giới có giới hạn thời gian không?

Đáp: Chỉ thụ vào cuối đêm là không được, nhưng đầu đêm hay giữa đêm mà không có đèn cũng không được, vì cần phải nhìn thấy nhau mới được.

Hỏi: Lúc thụ giới, gặp trời mưa phải chuyển giới trường vào trong nhà thụ giới, thì có đắc giới không?

Đáp: Không được! Nếu muốn chuyển giới trường, trước tiên phải giải đại giới, kiết lại giới trường thì mới cho thụ giới. Nếu không làm như vậy thì không được.

Hỏi: Lúc thụ giới, như có sự nạn khiến tác pháp chưa trọn vẹn, thì người này thành đại Tỳ Kheo không?

Đáp: Chỉ cần xong ba lần Yết Ma là được.

Chú giải: Nếu ba lần Yết Ma chưa xong, thì người này chưa đắc giới. Về sự nạn, thì như bị nạn nước, lửa… nêu trên. Xong tức là sau ba lần Yết Ma, lại nói tứ tùy, tứ y, khai thị các pháp. Văn sau có giảng rộng.

Hỏi: Khi thụ giới cụ túc, giới sư mới đọc đến tụ mười ba việc thì không đọc nữa.

Sau đó các Hòa Thượng giới sư lại không tiếp tục giáo giới, thì giới tử đắc giới không?

Đáp: Nếu Hòa Thượng giới sư không giáo giới, trải qua mười lăm ngày, khi thuyết giới mà giới tử chuyên tâm lắng nghe và thụ trì thì người này cũng đắc giới.

Hỏi: Lúc thụ giới mà không đủ ba y, chỉ có vải đã nhuộm hoặc chưa nhuộm, hoặc đã cắt rọc hoặc chưa cắt rọc, thì người đó được y không?

Đáp: Đều không được!

Chú giải: Không được y, vì chỉ có danh mà không thật, lại mất oai nghi. Người thụ giới phải đủ ba y, thiếu một không được. Mặc dù là y có giá trị, nhưng chưa đầy đủ y, nên đều không được. Như ở trên nói mượn y… chẳng những không đắc giới mà về sau rơi vào ba đường khổ.

Hỏi: Lúc thụ giới, khó thỉnh được số tăng đúng qui định.

Vậy bao nhiêu vị Tăng thì được phép cho thụ đại giới?

Đáp: Trừ tam sư ra, năm người trở lên thì được.

Chú giải: Nếu đủ mười thì đúng, đồng với tam sư thất chứng ở trước. Nếu sáu người cũng được. Đây chỉ tạm thời theo phương tiện, chẳng phải pháp hằng thường. Có thuyết cho rằng thất chứng là biểu thị phá bảy tội nghịch.

Hỏi: Sa Di từng dối xưng là đại đạo nhân, nhận sự lễ lạy của đại Tỳ Kheo, sau này thụ đại giới được không?

Đáp: Không được!

Chú giải: Vì phạm tội đại vọng ngữ.

Hỏi: Sa Di từ biệt thầy để đi xa, gặp sự nạn không trở về được, liền ở chỗ kia xin thầy y chỉ thụ đại giới, như vậy có đắc giới không?

Đáp: Đắc giới!

Chú giải: Gặp sự nạn thì không sao. Nếu gặp vị thầy như pháp nên thụ thì liền thụ, hai bên đều không có lỗi.

Hỏi: Nếu Tỳ Kheo dụ dỗ đưa Sa Di của một vị thầy kia đến chúng tăng khác cho thụ đại giới thì phạm tội gì?

Chúng kia biết việc này, có nên cho thụ không?

Đáp: Nếu vị thầy của Sa Di đó làm việc phi pháp, thì Sa Di và người dẫn đi đó không có tội. Nếu vị thầy đó không làm việc phi pháp, người dẫn đi đó phạm tội trọng. Vị thầy trên đàn truyền giới phạm tội Đọa.

Thuở xưa, có vị Tỳ Kheo già chỉ có một Sa Di chăm sóc. Lúc ấy có một vị Tỳ Kheo dụ dẫn vị Sa Di bỏ đi. Vị Tỳ Kheo già không có người chăm sóc, chẳng bao lâu thì mạng chung.

Nhân việc này mà Phật chế giới: Không được dụ dỗ Sa Di của thầy khác. Nếu dụ đi thì phạm tội trọng. Nếu Tỳ Kheo thấy Sa Di khác chăm sóc người già bệnh mà bảo bỏ đi, thì phạm tội trọng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần