Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Sáu - Phẩm Nhị đế - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM SÁU

PHẨM NHỊ ĐẾ  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Đại Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại: Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp thông hiểu Thế Đế.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Giả nói có sắc nhưng chẳng phải là đệ nhất nghĩa, nên tuy được sắc mà không chấp trước. Giả nói có thọ, tưởng, hành, thức nhưng chẳng phải đệ nhất nghĩa nên tuy được thức mà không chấp trước.

2. Giả nói có địa giới mà chẳng phải đệ nhất nghĩa, nên tuy được giới mà không chấp trước. Giả nói có nước, lửa, gió, hư không, thức giới nhưng chẳng phải đệ nhất nghĩa, nên tuy được những giới này mà không chấp trước.

3. Giả nói có mắt nhập nhưng chẳng phải đệ nhất nghĩa, nên tuy được nhãn nhập mà không chấp trước. Giả nói có tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập, nhưng chẳng phải đệ nhất nghĩa, nên tuy được ý nhập mà không chấp trước.

4. Giả nói có ngã mà chẳng phải đệ nhất nghĩa, nên khi được ngã mà không chấp trước.

5. Giả nói có chúng sinh nhưng chẳng phải đệ nhất nghĩa, nên tuy được chúng sinh mà không chấp trước.

6. Giả nói có thọ mạng, sĩ phu, dưỡng dục, các hạng người… nhưng chẳng phải là đệ nhất nghĩa, nên tuy được những loại này mà không chấp trước.

7. Giả nói có thế gian nhưng chẳng phải đệ nhất nghĩa, nên tuy được thế gian mà không chấp trước.

8. Giả nói có pháp thế gian nhưng chẳng phải đệ nhất nghĩa, nên tuy được pháp thế gian mà không chấp trước.

9. Giả nói có pháp Phật nhưng chẳng phải đệ nhất nghĩa, nên tuy được Phật Pháp mà không chấp trước.

10. Giả nói có bồ đề nhưng chẳng phải là đệ nhất nghĩa, nên tuy được bồ đề mà không chấp trước được bồ đề.

Này thiện nam! Lời nói, danh tự, luận bàn giả danh gọi là Thế đế. Ở trong thế pháp không có đệ nhất nghĩa. Tuy nhiên, nếu lìa Thế pháp thì chẳng thể nêu bày đệ nhất nghĩa đế.

Thiện nam! Đại Bồ Tát đối với pháp này thông hiểu về thế đế, nhưng không gọi là thông hiểu về đệ nhất nghĩa đế.

Thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp thông hiểu Thế đế.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đầy đủ mười pháp thông hiểu đệ nhất nghĩa đế.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Đầy đủ pháp không sinh.

2. Đầy đủ pháp không diệt.

3. Đầy đủ pháp không hoại.

4. Đầy đủ pháp không tăng, không giảm. Không ra, không vào.

5. Đầy đủ pháp lìa cảnh giới.

6. Đầy đủ pháp vô ngôn thuyết.

7. Đầy đủ pháp không hý luận.

8. Đầy đủ pháp giả danh.

9. Đầy đủ pháp tịch tĩnh.

10. Đầy đủ pháp Thánh Nhân.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì đệ nhất nghĩa đế vốn chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng tan. Chẳng hoại. Chẳng tăng, chẳng giảm. Văn tự, chương cú chẳng thể diễn đạt, chẳng thể giải đủ, dứt hẳn mọi lý luận.

Thiện nam! Đệ nhất nghĩa là không thể nói, không thể bàn, bản tánh thanh tịnh. Tất cả Thánh Nhân tự tâm chứng biết. Chư Phật xuất thế hay không xuất thế, pháp tánh vẫn thường như vậy, không tăng không giảm.

Thiện nam! Vì pháp này mà tất cả Bồ Tát cạo bỏ râu tóc, mặc y hoại sắc, với tâm thiện lìa xa quyến thuộc, đến nơi thanh vắng, xuất gia cầu đạo, tinh tấn chịu khổ như cứu lửa cháy đầu, chỉ vì cấu chứng đắc pháp vi diệu này.

Thiện nam! Nếu không có đệ nhất nghĩa đế này thì tu phạm hạnh cũng đều vô dụng, Phật xuất hiện ở đời cũng lại vô dụng.

Thiện nam! Do vậy, ông nên biết có đệ nhất nghĩa đế. Có đệ nhất nghĩa đế nên nói Bồ Tát thông hiểu về đệ nhất nghĩa đế.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp thông hiểu đệ nhất nghĩa đế.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ mười pháp thông hiểu mười hai nhân duyên.

Những gì là mười?

Đó là: Các pháp hư rỗng, không thật, trói buộc, nguy hiểm, như trăng trong nước, như ảnh trong gương, như tiếng vang giữa khe núi, như mộng như huyễn, dao động không trụ, không tạm dừng nghỉ, nhờ nơi nhân duyên sinh. Bồ Tát nên biết các pháp là như vậy.

Bồ Tát quan sát những pháp này, tất cả đều hư rỗng, không chân thật, nguy hiểm như vậy, cho đến mượn nhân duyên sinh, thấy nó sinh, trụ, diệt.

Bồ Tát lại tư duy: Do nhân duyên gì các pháp này sinh?

Do nhân duyên gì các pháp này diệt?

Sau khi quán như vậy, Bồ Tát liền biết vô mình làm nhân duyên sinh các pháp này. Vô minh là chỗ phát sinh. Vô minh là nguyên do.

Vô minh là nguồn gốc. Do nương vô minh nên các hành phát sinh.

Hành duyên với thức.

Do nhân duyên thức giả nói danh sắc.

Danh sắc nhập rồi nên nói lục nhập.

Nhân nơi lục nhập nên xúc mới sinh.

Do nhân duyên xúc nên sinh ba thọ.

Do nhân duyên thọ nên phàm phu sinh khổ khát ái.

Nhân duyên khát ái nên có bốn thủ dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngữ thủ.

Duyên nơi bốn thủ nên hữu sinh ra.

Do duyên hữu nên có sinh.

Do nhân duyên sinh nên có già, chết, ưu bi, khổ não…phát sinh, cùng nhau tụ tập thành đại khổ.

Do vậy, nên người trí thông minh phải chuyên cần, cầu diệt vô minh này.

Phá tan vô minh, nhổ gốc vô minh, làm cho không sinh lại.

Do vô minh diệt nên tất cả pháp nương nơi vô minh cũng diệt sạch không sót. Giống như mạng căn, khi mạng căn diệt, tất cả các căn theo đó hủy diệt. Khi vô minh diệt, tất cả các pháp nương vào vô minh cũng hoại diệt.

Do vô minh diệt nên phiền não không sinh.

Phiền não không còn nên không sinh nơi sáu đường.

Vì sao?

Vì nhân duyên sinh tử đã tận diệt nên chứng đắc Đại Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp thông hiểu mươi hai nhân duyên.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp biết nơi tự thân.

Thiện nam! Đại Bồ Tát nên quán sát: Nay ta sinh đây thuộc chủng tánh nào?

Thuộc dòng Bà La Môn chăng?

Dòng Sát Lợi chăng?

Dòng đại gia cư sĩ chăng?

Dòng thấp kém chăng?

Dòng hạ tiện chăng?

Nếu Bồ Tát sinh nơi nhà giàu sang cao quý thì chẳng nên cậy vào dòng tộc mà khởi kiêu mạn.

Nếu sinh nơi hà tiện, bần cùng thì nên nghĩ: Do đời trước ta trồng nghiệp này nên khiến thọ quả báo bần cùng như vậy. Nhờ nhân duyên ấy mà luôn tu hạnh chán bỏ. Do sinh chán bỏ nên thích cầu xuất gia.

Sau khi xuất gia, khởi sự quán sát: Ta nay xuất gia làm điều gì chân chánh?

Bồ Tát liền biết xuất gia phải độ thoát mình, rồi mới có thể độ cho người khác. Do nhân duyên ấy nên không biếng trễ, không lười nhác.

Quán như vậy xong, lại nghĩ: Ta đã xuất gia, những gì bất thiện chưa diệt tận?

Nếu diệt pháp này thì hoan hỷ sinh. Vì nhân duyên diệt pháp ấy nên dũng mãnh tinh tấn.

Lai nghĩ: Những pháp thiện nào nên làm cho tăng trưởng?

Vì sự tăng trưởng nên hoan hỷ sinh. Vì nhân duyên tăng trưởng các pháp thiện nên tinh tấn dũng mãnh.

Lại nghĩ: Nên nương vào những thầy nào để tất cả pháp thiện được tăng trưởng?

Tất cả pháp bất thiện được tận diệt?

Vì nhân duyên ấy nên y chỉ nơi các sư tăng, hoặc bậc đa văn, hoặc không đa văn, hoặc bậc trì giới, hoặc không trì giới, thường luôn sinh tưởng tôn kính vị ấy như Chư Phật. Ở cạnh Hòa Thượng, A Xà Lê cung kính tôn trọng, hết lòng phụng sự cũng lại như vậy.

Và nghĩ rằng: Nhờ uy lực của sư tăng và các pháp trợ đạo nên những chỗ chưa viên mãn liền được viên mãn, phiền não chưa diệt liền được diệt tận. Gần những vị này nên sinh tưởng như Hòa Thượng, hết lòng phụng sự, sinh đại hoan hỷ. Đối với pháp thiện, thuận theo tu hành. Đối với pháp bất thiện nên bỏ không làm.

Lại suy nghĩ: Ai là thầy ta?

Quán như vậy liền biết: Thầy ta là nhất thiết trí nói hết thảy pháp, thương xót thế gian, có đại từ bi, là ruộng phước lớn, làm thầy hàng trời, người. Vì nhân duyên ấy nên sinh hoan hỷ.

Lại nghĩ: Thật may mắn, thật may mắn! Ta nay đã được lợi lạc tối thượng, được chỉ cho học đạo chánh pháp, dù mất thân này cũng không dám phạm vào pháp đã thọ. Nếu không phạm tức là cúng dường Chư Phật Như Lai. Do vậy, thuận theo mà tu hành.

Lại nghĩ: Ta nay nhận ai cúng dường ẩm thực?

Nhà giàu sang hay nhà nghèo thiếu?

Vì là cho những ai cúng dường ẩm thực được phước báo lớn, sinh lợi ích nên ta nhận sự cúng dường ẩm thực.

Bồ Tát lại nghĩ: Những thí chủ này hoặc giàu hoặc nghèo, đem những tâm gì cúng dường, cung cấp ẩm thực như vậy cho ta. Ta nên biết những thí chủ ấy.

Nay nghĩ: Chúng ta là người xuất gia, hành pháp Sa Môn, tác tưởng phước điền, tác tưởng trì giới, tác tưởng sinh thiện, tác tưởng diệt ác. Do vậy, ta nay không nên làm trái tâm họ. Thọ trì giới luật, hành đức nghiệp Sa Môn, xuất gia làm ruộng phước cùng các công đức.

Và nghĩ: Vô thỉ sinh tử, ta phải độ họ. Ta nay đã được xuất gia nhập đạo, hành hạnh Sa Môn, tức là ta mới bắt đầu độ sinh tử. Ta nên tấn tu đức nghiệp Sa Môn, tức là ta độ sinh tử lần thứ hai. Ta nay dũng mãnh không giám bê trễ, chỉ vì đắc pháp thanh tịnh. Sự sinh tử từ vô thỉ, vô lượng như vậy, ta phải hóa độ.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát khởi sự quán sát biết được thân mình.

Thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp biết rõ thế gian.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Sinh tâm khiêm cung đối với người cao ngạo.

2. Sinh tâm cung kính đối với người kiêu mạn.

3. Tự hành ngay thẳng đối với người quanh co.

4. Tự tu lời chân thật đối với dối trá.

5. Tự nói ái ngữ đối với người ác khẩu.

6. Tự tâm nhu hòa đối với người thô bạo.

7. Tu nhiều nhẫn nhục đối với người độc dữ.

8. Tu nhiều tâm từ đối với người xấu ác.

9. Tu nhiều tâm bi đối với người khốn khổ.

10. Tu nhiều hỷ, xả đối với người bỏn sẻn.

Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp biết rõ thế gian.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp sinh Cõi Phật thanh tịnh.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Giới phẩm thanh tịnh, không rạn nứt, không xen tạp, không bẩn, không tỳ vết.

2. Đối với các chúng sinh, khởi tâm bình đẳng.

3. Dụng công không hai, đầy đủ thiện căn lớn.

4. Lìa xa lợi dưỡng, cung kính, danh tiếng, tâm không nhiễm ô.

5. Tín căn thành tựu, tâm không nghi hoặc.

6. Dũng mãnh tin tấn, không chút biếng nhác.

7. Đầy đủ thiền định, tâm không tán loạn.

8. Đa văn phân biệt, không học tà luận.

9. Đầy đủ trí sáng, không sinh độn căn.

10. Tự nhiên nhiều lòng từ, không tập sân hận.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Bạch Thế Tôn! Đầy đủ mười pháp này mới sinh tịnh độ chăng?

Nếu không đủ thì có được sinh chăng?

Phật bảo: Thiện nam! Đối với mười pháp này, giả sử có một pháp được đầy đủ: Không nạn, không tạp, không nhơ, không tỳ vết, thanh tịnh, minh bạch, thì tất cả các pháp cũng đều đầy đủ.

Vì sao?

Vì đầy đủ mười pháp nơi được sinh tịnh độ, chẳng phải là không đủ.

Thiện nam! Như vậy, Bồ Tát đầy đủ mười pháp sẽ được sinh Cõi Phật thanh tịnh.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp không thọ thai sinh nhiễm ô.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tạo dựng hình tượng Như Lai.

2. Tu sửa Tháp Phật hư hoại.

3. Thường cúng hương xoa nơi Tháp Miếu Phật.

4. Tắm rửa tượng Phật.

5. Quét dọn, rưới nước, tô điểm nơi Tháp Miếu Phật.

6. Giặt giũ, xoa bóp, cúng dường cha mẹ.

7. Cúng dường Hòa Thượng, A Xà Lê, bạn lành bằng tâm không chút mong cầu.

8. Tu tập căn lành như vậy, hồi hướng nguyện: Đem căn lành này, nguyện cho các chúng sinh không thọ thai sinh.

9. Được sinh thanh tịnh.

10. Không sinh nhiễm ô bằng tất cả lòng thành kính của mình.

Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp không thọ thai sinh, chỉ trừ vì nguyện lực.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần