Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Bảy - Phẩm Biến Hóa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường   

PHẨM BẢY

PHẨM BIẾN HÓA  

Bấy giờ Đại Huệ Bồ Tát đại Hữu Tình bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai vì cớ gì thọ ký cho các bậc A La Hán rằng họ sẽ chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Vì cớ gì mà nói rằng chúng sinh không chứng pháp Bát Niết Bàn cũng thành Phật?

Lại cớ gì nói từ khi Như Lai mới thành Phật đến khi nhập Niết Bàn, trong thời gian đó Phật không nói một chữ nào?

Lại nói Như Lai thường trú trong định không giác không quán?

Lại nói các Phật Sự đều là hóa tác.

Lại nói các thức Sát Na biến hoại.

Lại nói thần Kim Cang thường theo hộ vệ. Lại nói giới hạn đầu tiên primary limit  tiền tế không thể biết, nhưng có thể biết tịch diệt.

Lại nói có ma và các việc nghiệp của ma?

Lại nói có dư báo, nói chuyện người con gái Bà La Môn tên Chiên Giá Cancàmànavikà, người con gái ngoại đạo Tôn Đà Lợi Sundarikà cùng các chuyện Phật đi khất thực bát không trở về v.v...

Thế Tôn đã có những nghiệp chướng như vậy Kàrmavarana, làm sao thành được Nhất Thiết chủng trí Sarvàkàranatà?

Nếu đã thành bậc Nhất thiết chủng trí rồi, thì tại sao không lìa được những lỗi ấy?

Phật dạy: Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói.

Đại Huệ! Ta vì Niết Bàn Vô Dư nên mật khuyến các Bồ Tát cõi này và các cõi khác, những vị tu Bồ Tát hạnh mà lại cầu Niết Bàn Thanh Văn, mật khuyến họ xả bỏ tâm ấy siêng tu hạnh lớn.

Lại biến ra Hóa Phật và các Hóa Thanh Văn mà thọ ký từng người, không phải pháp tính Phật làm việc thọ ký ấy.

Đại Huệ! Phật và nhị thừa không khác, do ở điểm rằng Phật và Thanh Văn, Duyên Giác đều cùng có một vị giải thoát là đoạn các hoặc chướng, không phải trí chướng Jneyàvarana. Trí chướng thì phải thấy pháp vô ngã mới được thanh tịnh.

Phiền não chướng klesàvarana thì khi thấy nhân vô ngã, ý thức liền xả. Ban đầu phải đoạn tập khí trong tạng thức thì sự giải thoát khỏi pháp chướng mới được vĩnh viễn thanh tịnh.

Đại Huệ! Ta y nơi pháp thường trú mà nói mật ngữ này, vì không khác với Chư Phật đời trước và đời sau, cũng nói pháp đầy đủ văn tự như thế.

Đại Huệ! Cái biết chân chính của Như Lai không có vọng niệm, không đợi tư lự suy nghĩ rồi mới nói, vì Như Lai từ lâu đã đoạn bốn tập khí, kiến, dục, sắc, hữu lìa hai chết phân đoạn tử và biến dị tử, trừ hai chướng ngại hoặc chướng và trí chướng.

Đại Huệ! Ý Mạt Na và ý thức của năm thức căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân, bảy thứ do tập khí làm nhân, ấy là tính sát na, không có vô lậu thiện và cũng không chịu luân hồi.

Đại Huệ! Như Lai tạng chính là nhân của sinh tử lưu chuyển và Niết Bàn, của khổ và lạc. Kẻ ngu không biết quấy chấp là không.

Đại Huệ! Các Đức Như Lai biến hóa mới thường được Kim Cang lực sĩ theo hộ vệ, chứ không phải các Đức Phật chân thật.

Như Lai chân thật vượt ngoài mọi giác quan và đo lường, nhị thừa ngoại đạo không biết được, an trú nơi pháp lạc hiện hữu và đã thành tựu trí nhẫn.

Bởi thế không cần được Kim Cang lực sĩ hộ vệ. Tất cả hóa Phật đều không do nghiệp sinh, không phải Phật cũng không phải phi Phật. Thí như thợ gốm hòa các thứ lại mà làm các đồ vật, hóa Phật cũng thế.

Đầy đủ các tướng hiện ra để diễn nói pháp, nhưng vẫn không thể nói được cảnh giới do Thánh trí tự chứng mà có.

Lại nữa, Đại Huệ! Các kẻ phàm ngu thấy sáu thức diệt mà chấp đoạn kiến, không hiểu rõ Tạng thức thì sinh chấp thường kiến.

Đại Huệ! Biên giới đầu tiên của vọng tâm phân biệt vốn không tự tính, bất khả đắc. Lìa phân biệt ấy liền được giải thoát, đoạn bốn thứ tập khí, lìa hết thảy lỗi lầm.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Tam thừa cùng không thừa

Không có Phật Niết Bàn

Tất thọ ký thành Phật

Nói lìa các lỗi ác

Thành tựu trí cứu cánh

Cùng Vô Dư Niết Bàn

Để dụ kẻ hèn nhát

Theo mật ý kia nói

Trí sở đắc của Phật

Diễn nói đạo như thế

Ở đây không đâu khác

Nên Phật không Niết Bàn

Các kiến, dục, sắc, hữu

Bốn tập khí như thế

Ý thức từ đó sinh

Tạng, Mạt Na ở đó

Thấy ý thức, năm thức

Vô thường nên chấp đoạn

Mê ý, Tạng chấp thường

Tà trí gọi Niết Bàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần