Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH

THUẦN CHÂN ĐÀ LA SỞ VẤN

NHƯ LAI TAM MUỘI

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán  

PHẦN SÁU  

Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba la mật là như vậy.

Bồ Tát hành tinh tấn Ba la mật gồm có ba mươi hai việc.

Ba mươi hai việc đó là gì?

1. Không đoạn mất Phật đạo. Đó là tinh tấn.

2. Không đoạn mất giáo pháp. Đó là tinh tấn.

3. Không đoạn bỏ Tỳ Kheo Tăng. Đó là tinh tấn.

4. Người được hóa độ có vô số, không thể đếm. Đó là tinh tấn.

5. Thọ thân sinh tử mà tâm không mỏi mệt. Đó là tinh tấn.

6. Cúng dường vô số Chư Phật không chán nản. Đó là tinh tấn.

7. Tạo công đức chẳng thể nghĩ bàn. Đó là tinh tấn.

8. Học hỏi vô số giáo pháp. Đó là tinh tấn.

9. Giáo hóa chúng sinh khắp mười phương. Đó là tinh tấn.

10. Làm thành thục chúng sinh mười phương để họ chứng đắc Phật đạo. Đó là tinh tấn.

11. Vì chúng sinh mười phương mà cung cấp những gì mình có theo sự mong cầu của họ, làm cho họ trở về với đạo. Đó là tinh tấn.

12. Đem cho người đồ đạc tốt đẹp của mình có. Đó là tinh tấn.

13. Giữ gìn các giới cấm. Đó là tinh tấn.

14. Sức nhẫn nhục của mình phải nhu hòa. Đó là tinh tấn.

15. Đầy đủ các định Tam thiền. Đó là tinh tấn.

16. Đầy đủ các trí tuệ. Đó là tinh tấn.

17. Lấy công đức của cảnh giới Chư Phật hành để tự trang nghiêm cảnh giới khi mình thành Phật. Đó là tinh tấn.

18. Muốn cầu có năng lực mạnh. Đó là tinh tấn.

19. Thu phục tất cả các ma và quyến thuộc của chúng. Đó là tinh tấn.

20. Giữ gìn giáo pháp của Phật, thu phục các ngoại đạo khác. Đó là tinh tấn.

21. Có đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, các giáo pháp của Phật. Đó là tinh tấn.

22. Trang nghiêm thân, khẩu, ý. Đó là tinh tấn.

23. Không biếng nhác mỏi mệt. Đó là tinh tấn.

24. Làm việc gì đều rốt ráo. Đó là tinh tấn.

25. Tâm luôn luôn dõng mãnh. Đó là tinh tấn.

26. Trừ bỏ các ái dục. Đó là tinh tấn.

27. Độ những ai chưa độ, tạo điều kiện cho những ai chưa nghe Kinh. Những ai chưa Bát Niết Bàn thì làm cho họ Bát Niết Bàn. Đó là tinh tấn.

28. Mỗi tướng đều có đầy đủ trăm phước công đức. Đó là tinh tấn.

29. Giữ gìn, bảo vệ tất cả Kinh pháp của Phật. Đó là tinh tấn.

30. Biết rõ cảnh giới của Chư Phật khong thể nghĩ bàn. Đó là tinh tấn.

31. Đời đời thường thấy vô số Chư Phật. Đó là tinh tấn.

32. Hạnh xa lìa do tinh tấn mà có. Xa lìa thân tâm đến không có hình tướng, không có chỗ trụ, không có chỗ xuất, không có chỗ nhập, không có chỗ sinh. Đó là không sinh lạc trụ.

Bồ Tát thanh tịnh hành tinh tấn Ba la mật là như vậy.

Bồ Tát thanh tịnh hành thiền Ba la mật có ba mươi hai việc.

Ba mươi hai việc đó là gì?

1. Nhớ nghĩ điều gì đều không bị phạm. Đó là tịnh.

2. Hành trì không thiếu sót. Đó là tịnh.

3. Phân biệt hoàn toàn không quên. Đó là tịnh.

4. Tránh xa các hý luận. Đó là tịnh.

5. Tự giữ gìn, biết đủ. Đó là tịnh.

6. Tâm không nhớ nghĩ điều tà vạy. Đó là tịnh.

7. Khuyến khích mọi người tạo công đức để mong cầu thành Phật. Đó là tịnh.

8. Không phạm sáu việc. Đó là tịnh.

9. Đạt đến Vô sở trước. Đó là tịnh.

10. Tự quán trong và ngoài của chính mình. Đó là tịnh.

11. Đầy đủ năm thiền chi. Đó là tịnh.

12. Tâm luôn nhu hòa, dịu dàng. Đó là tịnh.

13. Không chấp thân kiến. Đó là tịnh.

14. Bên trong thực hành thiền định. Đó là tịnh.

15. Trở về thâm nhập sâu vào Phật đạo. Đó là tịnh.

16. Tránh xa kẻ ác. Đó là tịnh.

17. Thâm nhập vào trí tuệ sáng suốt. Đó là tịnh.

18. Thâm nhập vào nhân công đức. Đó là tịnh.

19. Nhớ nghĩ đến giáo pháp vốn tự an lạc. Đó là tịnh.

20. Theo thứ lớp thể nhập vào các hạnh. Đó là tịnh.

21. Ân trí tuệ không lay chuyển. Đó là tịnh.

22. Nhờ phương tiện thiện xảo được thành tựu. Đó là tịnh.

23. Muốn được đầy đủ Phật sự. Đó là tịnh.

24. Thương yêu những người khổ đau. Đó là tịnh.

25. Không tập theo sự hành trì của La Hán, Bích Chi Phật. Đó là tịnh.

26. Thích thể nhập đầy đủ trí tuệ sâu xa. Đó là tịnh.

27. Công đức tạo ra không thấy nhàm chán. Đó là tịnh.

28. Tin rằng tất cả chúng sinh không có ngã. Đó là tịnh.

29. Tất cả chúng sinh đều được tam muội bất loạn của Phật. Đó là tịnh.

30. Suy nghĩ của chúng sinh đều biết rất rõ. Đó là tịnh.

31. Biết rõ hành vi của chúng sinh. Đó là tịnh.

32. Như vị lương y chữa người lành bệnh, Bồ Tát thọ trì Kinh pháp này làm cho sinh, già, bệnh, chết của chúng sinh đều tiêu trừ. Đó là tịnh.

Bồ Tát hành thiền Ba la mật thanh tịnh như vậy.

Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật gồm có ba mươi hai việc.

Ba mươi hai việc đó là gì?

1. Muốn được giáo pháp của Phật không nhàm chán. Đó là cao minh.

2. Tuần tự học các giáo pháp của Phật. Đó là cao minh.

3. Trí tuệ sáng suốt. Đó là cao minh.

4. Nhờ pháp nên không làm mất trí tuệ. Đó là cao minh.

5. Thâm nhập trí sáng suốt, hiểu rõ năm ấm. Đó là cao minh.

6. Đem trí tuệ soi vào Kinh Pháp để hiểu rõ đầu mối của nó. Đó là cao minh.

7. Dùng trí tuệ để hiểu rõ A y đàn câu xá la. Đó là cao minh.

8. Dùng phương tiện thiện xảo từ từ giác tri mười hai nhân duyên. Đó là cao minh.

9. Với Bốn Đế, dùng phương tiện thiện xảo biết rõ tịch diệt. Đó là cao minh.

10. Từ từ nhập vào tuệ phương tiện ngăn ngừa không nhập Nê Hoàn. Đó là cao minh.

11. Quán bên trong biết rõ tất cả. Đó là cao minh.

12. Thọ thân sinh tử nhưng đều hiểu rất rõ trước đây. Đó là cao minh.

13. Biết rõ các pháp không có chỗ sinh. Đó là cao minh.

14. Cội gốc của con người không có hình tướng, nó vốn thanh tịnh, tùy theo tập tục của thế gian để hòa vào hóa độ chúng sinh. Đó là cao minh.

15. Tất ca pháp là một pháp mà thôi. Vì sao? Vì nguồn gốc nó là Nê Hoàn. Đó là cao minh.

16. Tất cả cảnh giới là một cảnh giới mà thôi. Vì sao? Vì vốn tự nó là không. Đó là cao minh.

17. Tất cả Chư Phật là một Đức Phật mà thôi. Vì pháp thân không thể tính. Đó là cao minh.

18. Tất cả việc đều không thể nhận thức thủ đắc. Vì sao? Vì tất cả đều là danh tự, dùng phương tiện thiện xảo để hiểu rõ. Đó là cao minh.

19. Không bị chướng ngại nên đạt được trí tuệ. Vô số người đến hỏi đều trả lời thông suốt đầy đủ. Đó là cao minh.

20. Thấu đạt các Kinh Pháp Phật, không bao giờ quên, vì nhờ có Đà La Ni. Đó là cao minh.

21. Biết rõ những việc của ma. Biết rõ như vậy thì liền xa lìa. Đó là cao minh.

22. Biết tất cả pháp như huyễn. Ví như người giả mượn lốt thân rồng, chốc lát bỏ đi. Cũng vậy, tất cả đều vô sở hữu. Đó là cao minh.

23. Những gì thấy được giống như trong mộng, như bóng trong nước, như tiếng vang trong núi. Tất cả pháp đều như vậy. Đó là cao minh.

24. Tất cả pháp đều là không, vì vốn nó không có chỗ sinh. Đó là cao minh.

25. Bằng trí tuệ, biết thấu rõ nguồn tâm niệm của chúng sinh. Đó là cao minh.

26. Đem năng lực oai thần của phương tiện thiện xảo mà nhập vào Nê Hoàn, sau đó thị hiện sinh tử. Đó là cao minh.

27. Không, vô tướng, vô nguyện, tất cả pháp theo sự chỉ dạy mà chúng sinh đều được độ thoát. Đó là cao minh.

28. Đầu mối của định và bất định đều không thấy, nhưng hiểu rõ nguồn gốc của các pháp. Vì sao? Vì tất cả pháp không có gì để nắm bắt, không có gì để chấp trước. Đó là cao minh.

29. Được sáng suốt, không còn si ám. Được ngọn lửa trí tuệ giảng nói giáo pháp cho chúng sinh đều được độ thoát. Đó là cao minh.

30. Tất cả sinh tử vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Hiểu biết tất cả và hòa nhập theo tập tục để giảng pháp cho chúng sinh, thị hiện sinh đó chết đó. Đó là cao minh.

31. Không giữ gìn bốn việc, bằng trí tuệ biết khắp tất cả. Đó là cao minh.

32. Giảng nói Kinh pháp cho tất cả chúng sinh, tuần tự theo sự ưa thích của họ mà giảng nói. Nên tự kiềm chế tâm, tự giữ gìn trí tuệ, làm tất cả đều thành tựu, được Chư Phật trông thấy khả năng tài cao ấy, được Bồ Tát đem oai thần của Phật đến ủng hộ.

Đó là ba mươi hai việc thanh tịnh bát nhã Ba la mật.

Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo gồm có ba mươi hai việc.

Ba mươi hai việc ấy là gì?

1. Dạy bảo mọi người tự giữ thân mình.

2. Không vướng mắc vào phước nhiều hay phước ít.

3. Đối với người chỉ dạy chúng sinh mười phương cầu tìm đạo Bồ Tát hay dạy người không cầu tìm đạo Bồ Tát thì cũng xem như bậc thầy không khác.

4. Muốn có nhiều của cải châu báu để bố thí cho người.

5. Luôn thích tìm cầu La Da Đa để chỉ dạy người.

6. Thị hiện thân người nữ vì muốn giáo hóa người nữ.

7. Thị hiện thiếu niên để giáo hóa trẻ em.

8. Thị hiện nhiều hạng người vì thương yêu chúng sinh.

9. Ở thế gian nếu có người điên loạn thì thị hiện thân điên loạn để độ cho họ được an ổn.

10. Nếu có người loạn tâm phiền não thì theo phiền não của họ mà giảng nói chánh pháp.

11. Theo sở thích của chúng sinh mà đem giáo pháp đến độ họ.

12. Giữ gìn giới cấm trăm năm, ngàn năm. Nếu có người vì ham muốn mà xả giới thì đến giáo hóa họ.

13. Nếu chúng sinh ưa thích y phục, các kỹ nhạc thì đem bố thí cho họ, ai nấy đều vui vẻ, nhân đó đem giáo pháp đến giáo hóa họ.

14. Đầu đà Sa Môn chí hạnh khác nhau, theo pháp hạnh của họ mà đến giáo hóa.

15. Ni kiền Ba Hòa và các ngoại đạo khác, Bồ Tát theo từng loại mà giáo hóa, hướng dẫn họ vào Phật đạo.

16. Trong các dâm nữ, thị hiện hóa dâm nữ rất đẹp để giáo hóa các dâm nữ dứt bỏ tâm dâm. Và hóa làm nam tử từ từ nhập vào Phật đạo.

17. Nếu đại hội tấu các âm nhạc, lúc ấy nếu có người nào thấy thì cho họ nghe tiếng âm nhạc, tất cả ai nấy đều rất vui vẻ, rồi đem âm thanh của âm nhạc thành âm thanh giảng giáo pháp. Người nghe ai nấy đều được độ thoát.

18. Hóa người thợ có kỹ thuật giỏi, Bồ Tát vào trong đó để giáo hóa.

19. Thị hiện Bát già tuần, nếu thế gian có ai nghèo khổ, ốm yếu thì chỉ bày kho của nằm trong lòng đất, đem bố thí cho người khổ rồi giảng nói để họ phát tâm bồ đề.

20. Nếu ở thế gian có người vì người chết mà kêu gào khóc lóc, Bồ Tát hóa hiện thần thông cũng sầu khổ để giáo hóa người đau khổ ấy hiểu giáo pháp.

21. Nếu ở thế gian có người mất của cải, Bồ Tát hóa thị hiện kho của cải đem bố thí, rồi sau đó giảng nói giáo hóa họ thành đạo.

22. Nếu có vương hầu, hoặc có quần thần, Chuyển Luân Vương đau buồn vì không có con, Bồ Tát hóa vào thai làm con. Sau đó, giảng nói cho cha mẹ và người trong gia đình được giải thoát.

23. Có người buôn rất giàu, trên đường đi đã hết lương thực, Bồ Tát hiện oai thần đem thức ăn uống cho no nê, rồi sau đó giảng nói Kinh Pháp.

24. Nếu có người mù bẩm sinh cả trăm, ngàn người, vạn người, Bồ Tát dùng thần thông hiện người mù rồi cho y phục, thức ăn uống để người mù được sáng mắt, và sau đó từ từ giảng nói Kinh pháp để họ phát tâm cầu Phật đạo.

25. Trong đại thành, nếu thấy người tù phạm tội bị trói buộc trong lao ngục, Bồ Tát hóa hiện làm người tù phạm tội vào trong ngục, dùng sức oai thần khiến cho những người bị tù ấy được tắm rửa, mặc áo quần, ăn uống no nê rồi sau đó giảng nói giáo pháp để họ phát tam cầu đạo.

26. Nếu có tử tội đem ra ngoài thành, Bồ Tát dùng sức oai thần đi theo và hóa làm người, lẫn lộn vào chỗ ấy, dắt kẻ tử tội kia đi. Được cứu thoát, kẻ ấy rất vui mừng, Bồ Tát đưa thức ăn uống cho họ ăn no nê và cho y phục, rồi giảng nói giáo pháp cho họ. Kẻ ấy được giải thoát, rất vui mừng và phát tâm cầu Phật đạo.

27. Nếu có người tranh giành kiện tụng, hoặc tranh giành tiền tài, hoặc tranh giành ruộng vườn, nhà cửa, Bồ Tát đứng giữa hòa giải hai bên. Nếu bên nào không đủ thì Bồ Tát đem tiền của hòa giải chia cho đủ. Sau đó giảng nói giáo pháp để họ phát tâm cầu đạo.

28. Bằng phương tiện thiện xảo, tuy đẹp đẽ mà Bồ Tát thị hiện làm người xấu xí… để hành hóa thuận hợp.

29. Hiện thân làm Sa Môn đáng kính để giáo hóa người, rồi lại làm kẻ bạch y đi giáo hóa người.

30. Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo, xa lìa đại chúng theo ở với ngoại đạo. Y phục, nói năng theo trong bọn họ. Cũng phỉ báng Phật, phỉ báng Pháp, phỉ báng Tỳ Kheo Tăng, rồi từ từ đem giáo pháp giáo hóa, hướng dẫn họ vào trong Phật đạo.

31. Từ từ giáo hóa chúng sinh, khi họ Bát Niết Bàn cũng theo họ Bát Niết Bàn, sau đó hóa đi nơi khác.

32. Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo hóa hiện tự tại, hóa làm La Hán, hóa làm Bích Chi Phật, hóa làm Bồ Tát, hóa làm Phật.

Đó là ba mươi hai việc thanh tịnh của phương tiện thiện xảo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần