Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Hai - Phẩm Thực Hành Tất Cả Pháp - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM THỰC HÀNH TẤT CẢ PHÁP
PHẦN HAI
Phật dạy: Này Đại Huệ! Cái gọi là sinh cú mệnh đề về sinh phi sinh, thường phi thường, tướng phi tướng, trú dị phi trú dị, Sát Na phi Sát Na, tự tính phi tự tính, không phi không, đoạn phi đoạn, tâm phi tâm, trung phi trung, duyên phi duyên, nhân phi nhân, phiền não phi phiền não, ái phi ái.
Phương tiện phi phương tiện, thiện xảo phi thiện xảo, thanh tịnh phi thanh tịnh, tương ưng phi tương ưng, thí dụ phi thí dụ, đệ tử phi đệ tử, sư phi sư, chủng tính phi chủng tính, tam thừa phi tam thừa, vô ảnh tượng phi vô ảnh tượng, nguyện phi nguyện, tam luận phi tam luận.
Tiêu tướng phi tiêu tướng, hữu phi hữu, vô phi vô, câu phi câu, tự chứng Thánh Trí phi tự chứng Thánh Trí, hiện pháp lạc phi hiện pháp lạc, sát phi sát, trần phi trần, nước phi nước, cung phi cung, dòng giống lớn phi dòng giống lớn, xú lậu phi xú lậu, thần thông phi thần thông.
Hư không phi hư không, mây phi mây, mỹ thuật phi mỹ thuật, kỹ thuật phi kỹ thuật, gió phi gió, đất phi đất, tâm phi tâm, giả lập phi giả lập, thể tính phi thể tính, uẩn phi uẩn, chúng sinh phi chúng sinh, giác phi giác, Niết Bàn phi Niết Bàn, hiểu biết phi hiểu biết, ngoại đạo phi ngoại đạo.
Hỗn loạn phi hỗn loạn, huyễn phi huyễn, mộng phi mộng, lửa phi lửa, ảnh tượng phi ảnh tượng, vòng lửa phi vòng lửa, càn thành phi càn thành, Trời phi Trời, ăn uống phi ăn uống, dâm dục phi dâm dục, thấy phi thấy, đáo bỉ ngạn phi đáo bỉ ngạn, thành phi thành.
Nhật nguyệt tinh tú phi nhật nguyệt tinh tú, đế phi đế, quả phi quả, diệt phi diệt, diệt khởi phi diệt khởi, y phương phi y phương, tướng phi tướng, chi phần phi chi phần, thiền phi thiền, mê phi mê, hiện phi hiện, hộ phi hộ, dòng họ phi dòng họ, tiên phi tiên, Vua phi Vua.
Nhiếp thọ phi nhiếp thọ, quý phi quý, ký ức phi ký ức, nhất xiển đề phi nhất xiển đề, nữ nam bất nam phi nữ nam bất nam, mùi vị phi mùi vị, tác phi tác, thân phi thân, suy lường phi suy lường, động phi động, căn phi căn, hữu vi phi hữu vi, nhân quả phi nhân quả.
Sắc cứu cánh phi sắc cứu cánh, thời tiết phi thời tiết, cây dây phi cây dây, sự vật phi sự vật, diễn thuyết phi diễn thuyết, quyết định phi quyết định, luật tạng phi luật tạng, Tỳ Kheo phi Tỳ Kheo, Trụ Trì phi Trụ Trì, văn tự phi văn tự.
Này Đại Huệ! Một trăm lẻ tám nghĩa này đều là những gì Phật quá khứ đã nói.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các thức có mấy thứ sinh trú diệt?
Phật dạy: Đại Huệ, các thức có hai thứ sinh trú diệt, không phải dùng suy lường đo tính mà biết được. Ấy là tương tục sinh và tướng sinh, tương tục trú và tướng trú, tương tục diệt và tướng diệt.
Các thức có ba tướng: Chuyển tướng, nghiệp tướng, chân tướng.
Đại Huệ! Thức nói rộng có tám thức, lược nói thì có hai: Hiện thức và phân biệt sự thức.
Đại Huệ! Như trong gương sáng các hình sắc đều hiện rõ, hiện thức cũng thế.
Đại Huệ! Hiện thức và phân biệt sự thức, hai thức này không khác nhau, chúng làm nhân cho nhau. Hiện thức lấy sự biến hóa bất tư nghì huân làm nhân, phân biệt sự thức lấy sự phân biệt cảnh giới và tập khí hý luận từ vô thỉ làm nhân.
Đại Huệ! Những tập khí hư vọng phân biệt của thức A lại da diệt thì hết thảy căn thức diệt, ấy gọi là tướng diệt.
Đại Huệ! Tương tục diệt ấy là nhân sở y diệt cùng sở duyên diệt thì tương tục cũng diệt. Nhân sở y là tập khí hý luận hư vọng, sở duyên là cảnh giới do tự tâm thấy và phân biệt thành.
Đại Huệ! Thí như nắm bùn và vi trần không khác nhau, cũng không phải là một. Vàng và đồ trang sức cũng thế.
Đại Huệ, nếu bùn và vi trần khác nhau thì đáng lẽ bùn không do vi trần hợp thành, nên nói không khác. Nếu nắm bùn và vi trần không khác, thì đáng ra không thể phân biệt nắm bùn với vi trần.
Đại Huệ! Chuyển thức và tạng thức nếu khác nhau, thì tạng thức không thể làm nhân cho các chuyển thức. Nếu không khác thì khi chuyển thức diệt, lẽ ra tạng thức cũng diệt luôn, song kỳ thật chân tướng của tạng thức không diệt.
Đại Huệ! Chân tướng của tạng thức không diệt, chỉ có nghiệp tướng của nó diệt.
Nếu chân tướng diệt thì tạng thức cũng diệt hay sao?
Nếu tạng thức diệt, thì không khác gì thuyết đoạn diệt của ngoại đạo.
Đại Huệ! Ngoại đạo lập thuyết thế này: Cái thức tương tục nắm giữ cảnh giới diệt thì thức tương tục từ vô thỉ cũng diệt.
Đại Huệ! Những người ngoại đạo bảo thức tương tục do một tác giả tạo ra chứ không nói nhãn thức do sắc, hình, ánh sáng hòa hợp mà sinh. Chỉ nói tác giả làm nhân sinh ra.
Tác giả ấy là gì?
Họ kể ra Thắng tính Pradhàna, trượng phu purusa, Tự tại Ìs'vara, Thời kàla và vi trần anu là những pháp năng tác.
Lại nữa, này Đại Huệ! Có bảy món tự tính, ấy là Tập Samudaya, Tính Bhàva, Tướng Laksana, Đại chủng Mahàbhàta, nhân hetu, duyên pratyaya, Thành nispatti.
Và nữa, này Đại Huệ, có bảy thứ đệ nhất nghĩa, là: Tâm sở hành cittagocara, Trí sở hành Jnànagocara, nhị kiến sở hành Drstidvayagocara, siêu nhị kiến sở hành Drstidvayàtikràntagocara, siêu tử địa sở hành, Như Lai sở hành, Như Lai tự chứng Thánh Trí sở hành Tathàgatasyapratyàtma gatigiocarah.
Này Đại Huệ, ấy là pháp tự tại, tâm đệ nhất nghĩa của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, dùng tâm này mà thành tựu các pháp tối thượng của Như Lai ở thế gian và xuất thế gian, dùng Tuệ Nhãn của Bậc Thánh mà thể nhập các tự tướng và cọng tướng, thảy đều an lập. Những gì các bậc ấy an lập không đồng với chỗ lập thuyết của ngoại đạo ác kiến.
Đại Huệ! Sao gọi là ác kiến ngoại đạo?
Ấy là không biết rằng cảnh giới vốn do tự tâm phân biệt mà hiện, đối tự tính đệ nhất nghĩa mà chấp có, không, khởi ra ngôn thuyết.
Đại Huệ! Ta nay sẽ nói, nếu biết rõ cảnh giới là như huyễn, do tự tâm hiện, thì sẽ diệt khổ vì vọng tưởng ba cõi, diệt các vô tri, ái, nghiệp, duyên.
Đại Huệ, có những Bà La Môn và Sa Môn vọng chấp cái vốn không và cho rằng những pháp hiện ở ngoài y theo nhân quả, thời gian mà trú, hoặc cho rằng uẩn giới xứ theo duyên mà sinh, trú, sau khi hiện hữu thì hoại diệt.
Đại Huệ! Quan niệm của những người kia đối với các pháp như tương tục, tác dụng, sinh diệt, hiện hữu, Niết Bàn, đạo, nghiệp, quả, đế... đều là lý luận phá hoại, đoạn diệt.
Vì sao?
Bởi vì họ không đạt được hiện pháp pratyaksa, không thấy căn bản.
Đại Huệ! Thí như chiếc bình vỡ không thể làm được việc của nó, lại như hạt giống cháy không thể sinh mầm, đây cũng thế. Nếu các pháp uẩn giới xứ đã hiện sẽ diệt, nên biết đấy tất không phải tương tục sinh, vì chúng không có nhân, chỉ có tự tâm hư vọng thấy thành.
Lại nữa, Đại Huệ! Nếu thức vốn không, do ba duyên hợp mà sinh, thì đáng lẽ rùa cũng sinh lông, cát sẽ sinh dầu. Như vậy Tôn pratijnà của ngươi hỏng, vì trái với nghĩa quyết định niyama. Những gì lập ra tất sẽ thành vô dụng.
Đại Huệ! Ba pháp hợp làm duyên là do tính nhân quả mà nói, và như vậy có những pháp như hiện tại quá khứ vị lai, hữu và vô. Nếu họ cứ ở trên lập trường lý giáo yuktyàgama ấy, thì những gì họ chứng minh sẽ là do luận lý, lý giáo của họ, vì ký ức những quan niệm sai lầm sẽ mãi mãi huân tập họ theo bản Suzuki.
Đại Huệ! Kẻ phàm phu ngu dốt bị ác kiến cắn rỉa, tà kiến mê hoặc, vô trí mà vọng nói là nhất thiết trí.
Đại Huệ! Lại có các Sa Môn, Bà La Môn, quán hết thảy pháp không tự tính, như mây giữa hư không, như vòng lửa quay, như thành biến hóa của loài Càn Thát Bà, như huyễn hóa, như ảo ảnh, như Trăng dưới nước, như cảnh chiêm bao, tất cả đều không ngoài tâm, chỉ vì cái thấy hư vọng từ vô thỉ mà chấp thật có cảnh giới bên ngoài.
Quán như thế rồi, họ bặt dứt các duyên phân biệt, xa lìa danh nghĩa mà vọng tâm ôm giữ, biết rằng thân, tài sản và nhà cửa, tất cả đều là cảnh giới tạng thức, không có năng sở, không có sinh, trụ, diệt, họ thường tư duy như thế không rời.
Đại Huệ! Những Đại Bồ Tát ấy không lâu sẽ xem bình đẳng giữa sinh tử và Niết Bàn samsàranirvàna, được hạnh đại bi phương tiện không cần dụng công, quán sát chúng sinh như huyễn như hóa, như hình ảnh theo duyên mà sinh, biết ngoài tâm không có các cảnh giới.
Các vị ấy sẽ thực hành đạo vô tướng, dần tiến lên các địa, an trú trong chính định, hiểu rõ ba cõi do tâm, chứng được định Như huyễn Màyopamasamàdhi, tuyệt dứt các ảnh tượng, thành tựu trí tuệ, chứng pháp vô sinh, nhập định kim cương dụ vajravimbopama, sẽ được Phật thân Tathàgatakàya.
Nhưng vị ấy sẽ thường trú trong Như như Tathàta mà khởi các thần thông biến hóa, trang sức bằng tự tại, trí tuệ, phương tiện để dạo chơi các Cõi Phật, xa lìa các ngoại đạo. Tâm, ý, thức, lần lượt chuyển y mà thành tựu thân Như Lai.
Đại Huệ! Các vị Đại Bồ Tát muốn được thân Phật, phải xa lìa uẩn giới xứ, vì đấy là các pháp do nhân duyên sinh, xa lìa các pháp sinh, trú, diệt, phân biệt, hí luận.
Chỉ nên chú tâm quán sát ba cõi là do tập khí hư vọng từ vô thỉ khởi lên, tư duy Phật Địa vốn vô tướng, vô sinh, là Thánh Pháp tự chứng.
Như thế sẽ được tâm tự tại, hạnh không cần dụng công, như ngọc ma ni hiện đủ thứ hình sắc, đạt lý duy tâm, tuần tự nhập vào các địa.
Bởi thế, này Đại Huệ, các bậc Đại Bồ Tát nên siêng tu học chân lý tự chứng này.
Bấy giờ Bồ Tát Đại Huệ lại bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn vì con nói về các Pháp Môn vi diệu: Tâm, ý, ý thức cittamanomanovijnàna, năm pháp, ba tự tính Svabhàvas, tướng Laksanas. Đấy là những gì mà Chư Phật, Bồ Tát những vị đã thâm nhập cảnh giới tự tâm, lìa các hành tướng xem là nghĩa chân thật, là nòng cốt của Phật Giáo.
Xin Thế Tôn thuận theo Chư Phật quá khứ, vì chúng Bồ Tát trong núi này mà diễn nói cảnh giới của Pháp Thân, như những làn sóng của biển tạng thức.
Phật bảo Bồ Tát Đại Huệ: Có bốn loại nhân duyên chuyển nhãn thức.
Bốn nhân duyên ấy là gì?
Ấy bởi không biết sự vật do tự tâm hiện nên khởi sự nắm giữ. Bởi tập khí hư vọng từ vô thỉ chấp trước sắc tướng, bởi bản tính của thức vốn như vậy, bởi ưa nhìn sắc tướng.
Đại Huệ! Vì bốn duyên ấy nên thức A lại da giống như nước lũ sinh những luồng sóng thức. Về các thức khác cũng vậy. Ở nơi tất cả căn, vi trần, lỗ chân lông v.v... chuyển thức hoặc sinh liền, như gương sáng hiện sắc hình, hoặc sinh từ từ, như gió mạnh thổi trên biển lớn. Biển tâm cũng vậy, bị gió cảnh giới thổi làm nổi dậy những làn sóng thức, nối nhau không cùng.
Đại Huệ! Nhân, sở tác và tướng không phải một cũng không phải khác. Nghiệp tướng cùng sinh tướng tương quan ràng buộc chặt chẽ. Vì không biết tự tính của sắc thanh hương vị xúc nên năm chuyển thức hoạt động.
Đại Huệ! Cùng với năm thức này, do nhận thức các cảnh tướng khác nhau mà ý thức sinh khởi. Nhưng các thức ấy không nghĩ Chúng ta đồng thời làm nhân cho nhau mà lại khởi các cảnh giới do tự tâm hiện, rồi phân biệt chấp trước đồng thời phát sinh, chứ thật ra không có những tướng riêng biệt tự rõ biết đối tượng của mình.
Đại Huệ! Các bậc tu hành nhập chính định, vì sức mạnh tập quán nổi lên một cách vi tế khó biết, nên nghĩ là ta đã nhập tam muội diệt các thức. Song kỳ thực họ nhập tam muội chưa diệt các thức, vì chưa diệt các tập khí.
Chỉ vì họ không chấp lấy các cảnh nên họ gọi là thức diệt. Đại Huệ, hành tướng của tạng thức rất vi tế, trừ Chư Phật và Bồ Tát đã an trú trong các địa, ngoài ra năng lực định, tuệ của nhị thừa ngoại đạo không thể biết.
Chỉ có những bậc tu hành như thật, dùng trí tuệ biết rõ tướng các giai đoạn tu hành, thông đạt nghĩa lý, rộng tu các thiện căn ở vô lượng Cõi Phật, không lầm phân biệt những cảnh do tự tâm thấy... mới có thể biết được.
Đại Huệ! Các bậc tu hành ưa ở chỗ núi rừng, tu các bậc cao, vừa, hay thấp, có thể thấy hành tướng của tự tâm, được Chư Phật với tam muội tự tại thần thông lấy nước cam lộ rưới đầu, Bồ Tát vây quanh, biết rõ các cảnh giới do tâm, ý, ý thức làm nên, vượt được biển lớn vô trí ajnàna, sinh tử, ái nghiệp. Bởi thế các ông nên gần gũi Chư Phật Bồ Tát, các vị thiện tri thức tu hành như thật.
Thế Tôn lại nói bài kệ:
Như ba đào biển lớn
Đều do gió mạnh thổi
Sóng lớn khua biển, ngòi
Không lúc nào dừng nghỉ
Biển Tạng thức thường bị
Gió cảnh giới lay động
Khiến những luồng sóng thức
Múa nhảy mà chuyển sinh
Các màu xanh cùng đỏ
Muối, mật và thạch nhũ
Hoa, trái, ánh Trời, Trăng
Không khác, không không khác
Nên biết cũng như thế
Ý và bảy loại thức
Như biển cùng ba đào
Do tâm hòa hiệp sinh
Thí như nước biển động
Chuyển các luồng sóng lớn
Tạng thức cũng như thế
Sinh ra các loại thức
Tâm ý cùng ý thức
Là nói về mặt tướng
Tướng tám thức không khác
Không năng tướng sở tướng
Như biển cùng ba đào
Hai thứ không khác nhau
Các thức tâm cũng thế
Cũng không thể khác được
Tâm hay chứa các nghiệp
Ý tập họp đủ thứ
Liễu biệt gọi ý thức
Đối hiện cảnh có năm.
Khi ấy Bồ Tát Đại Huệ hỏi Phật bằng bài tụng:
Các sắc tượng xanh đỏ
Hiện nơi thức chúng sinh
Vì sao như sóng biển?
Xin Phật thương nói rõ.
Đức Thế Tôn đáp:
Các sắc tượng xanh đỏ
Trong sóng vốn không có
Nói tâm khởi các tướng
Để khai ngộ phàm phu
Chứ thật vốn không khởi
Tâm vốn lìa nắm giữ
Năng thủ và sở thủ
Cũng như sóng nước kia
Thân, nhà cửa, tư tài
Hiện nơi thức chúng sinh
Nên thấy có sinh khởi
Cùng sóng không sai khác.
Đại Huệ lại nói bài tụng:
Tính sóng của biển cả
Cuồn cuộn dễ phân biệt
Tạng thức khởi như thế
Vì sao không hay biết?
Thế Tôn đáp:
A lại da như biển
Chuyển thức như sóng lớn
Là ví dụ khai diễn
Cho phàm phu vô trí.
Đại Huệ lại nói bài tụng:
Thí như mặt trời hiện
Trên dưới đều soi chiếu
Phật ngọn đèn của đời
Cũng nên vì bọn ngu
Nói nghĩa lý chân thật
Đã hay mở bày pháp
Vì sao không nói thẳng?
Thế Tôn đáp:
Nếu nói nghĩa chân thật
Tâm kia không chân thật
Ví như sóng đại dương
Bóng trong gương, cảnh mộng
Đồng thời mà hiển hiện
Cảnh giới tâm cũng thế
Vì điều kiện không đủ
Nên tuần tự chỉ ra
Mạt Na chấp hiện thức
Ý thức nhận thức ý
Năm thức rõ hiện cảnh
Không thứ lớp nhất định
Thí như người họa sư
Và học trò họa sư
Hòa màu vẽ các hình
Ta dạy cũng như thế
Họa không có trong màu
Trong bút hay trong vải
Vì làm vui chúng sinh
Tạo các hình tươi đẹp
Nói ra tất biến đổi
Chân lý lìa văn tự
Thật pháp ta an trú
Để nói cho bậc tu
Chỗ tự chứng chân thật
Lìa phân biệt năng sở
Đấy vì Bồ Tát nói
Người ngu khởi phân biệt.
Các pháp đều như huyễn
Đối tượng không thể có
Nói những thứ như vậy
Tùy việc mà biến đổi
Giáo lý không phù hợp
Không phải là giáo lý
Ví như đối bệnh nhân
Lương y tùy cho thuốc
Như Lai vì chúng sinh
Tùy căn cơ nói pháp
Chỗ chứng trí sở hành
Của đấng đời nương tựa
Không phải cảnh ngoại đạo
Hay của hàng Thanh Văn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba