Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Phần Năm

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thiên Tức Tai, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM BẢO VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thiên Tức Tai, Đời Tống  

PHẦN NĂM  

Lúc đó, Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát thọ ký riêng cho Đại Lực A Tô La Vương: Ở thời vị lai, ông được thành Phật, hiệu là Cát Tường Śrī Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Vào thời ấy, ông sẽ chứng môn tổng trì của đại minh có sáu chữ Ṣaḍ akṣarī mahā vidya: Lục Tự Đại Minh.

Nay tất cả A Tô La Vương này, ở đời sau ông thảy đều cứu độ. Tất cả hữu tình ở cõi Phật như vậy chẳng hề nghe có tiếng tham sân si.

Thời Đại Lực A Tô La Vương nghe Thọ Ký này xong, liền đem Chân Châu Anh Lạc giá trị năm ngàn. Lại đem mọi thứ báu màu nhiệm trang nghiêm trăm ngàn vạn số mão trời, vòng đeo tai…dâng lên nguyện xin rũ thương nhận lấy.

Bấy giờ Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát bảo Đại Lực A Tô La Vương rằng: Nay ta vì ông nói pháp.

Ông hãy lắng nghe! Ông hãy suy tư cho đến đời người là vô thường huyễn hóa, mạng khó giữ lâu. Các ông thường ở trong tâm suy nghĩ tham ái đủ đại phước đức.

Tâm thường yêu thích nô tỳ, người dân cho đến lúa nếp kho lẫm với đại phục tàng. Tâm thường yêu thích cha mẹ vợ con với các quyến thuộc, những thứ như vậy tuy luôn yêu thích nhưng chỉ như nằm mộng nhìn thấy. Lúc mệnh chung thời không thể cứu nhau để được chẳng chết bất mệnh chung.

Cõi Nam Thiệm Bộ Châu này do điên đảo đó nên sau khi mạng chung, thấy sông Nại lớn Mahārhā: Đại Nại Hà cuốn chảy đầy máu mủ, lại thấy cây lớn rực lửa nóng bức.

Thấy việc này xong, tâm sinh kinh sợ. Khi ấy Diêm Ma Ngục Tốt dùng dây cột trói, gấp rút lôi kéo, dẫm đạp trên con đường lớn đầy mũi dao bén nhọn, mỗi bước chân đi đều bị chẻ cắt gây thương tích. Lại có vô số con quạ, kên kên, chim Củ La La với nhóm chó dại ăn nuốt… ở đại địa ngục chịu sự cực khổ ấy.

Đã dẫm đạp lên mũi dao bén nhón trong đường đi lớn, lại có những mũi gai nhọn lớn dài mười sáu ngón tay, tùy theo mỗi một bước có năm trăm mũi gai nhọn, đâm vào trong bàn chân khiến cho đau đớn khóc than kêu gào thảm thiết, rồi nói: Hữu tình chúng tôi đều vì sự yêu thích ái mà gây tạo tội nghiệp, nay phải chịu đại khổ.

Giờ đây tôi phải làm thế nào?

Thời Diêm Ma Ngục Tốt bảo rằng: Từ xưa đến nay, ngươi chưa từng đem thức ăn bố thí cho các vị Sa Môn, cũng chưa từng nghe âm thanh chuông mõ của Pháp, chưa từng nhiễu quanh Tháp Tượng.

Thời các tội nhân bảo Diêm Ma Ngục Tốt rằng: Tôi gây tội chướng! Đối với Phật, Pháp, Tăng chẳng có tin hiểu, cung kính mà thường xa lìa.

Ngục Tốt bảo rằng: Ngươi đã tự tạo mọi loại Nghiệp ác, nay phải chịu khổ báo.

Lúc đó, Ngục Tốt đem các tội nhân đến chỗ của Vua Diêm Ma. Đến rồi, đứng ngay trước mặt.

Thời Vua Diêm Ma nói: Ngươi hãy đưa đến nơi chịu nghiệp báo.

Khi ấy Diêm Ma Ngục Tốt áp lãnh tội nhân đi qua đại địa ngục Hắc Thằng. Đến nơi xong, mỗi một người trong các tội nhân ấy đều bị ném vứt vào trong địa ngục. Đã bị ném vào xong thời mỗi một tội nhân đều bị một trăm cây giáo khoét đâm nhưng thân mệnh ấy đều không chết.

Tiếp theo lại bị hai trăm cây giáo lớn móc khoét đâm vào thân nhưng mạng ấy vẫn sống. Sau đó, lại bị ba trăm cây giáo lớn đồng thời khoét đâm mà thân mệnh ấy cũng không chết. Mạng vẫn sống lại.

Khi ấy lại bị ném vào hầm lửa lớn mà mạng cũng chẳng chết. Rồi ngay lúc đó, đem cục sắt nóng nhét vào miệng tội nhân bắt buộc phải nhai nuốt khiến cho môi, răng lợi nướu, với cổ họng đều bị cháy nát. Tạng tim, ruột, bao tử đều bị nấu chín sôi sục, khắp thân bị tiêu hoại.

Quán Tự Tại Bồ Tát bảo Đại Lực A Tô La Vương rằng: Lúc chịu nỗi khổ này thời không một người nào có thể cứu giúp được. Ông cần phải biết. Nay ta vì ông pháp như vậy, các ông cần phải tự mình làm Phước.

Thời Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát bảo Đại Lực A Tô La Vương rằng: Nay ta muốn đến vườn rừng Kỳ Thọ Jeṭavaṇe, hôm nay đại chúng tập hội ở đó.

Khi ấy Quán Tự Tại Bồ Tát phóng ra vô số ánh sáng đủ màu.

Ấy là: ánh sáng màu xanh, ánh sáng màu vàng, ánh sáng màu hồng, ánh sáng màu trắng, ánh sáng màu màu Pha chi ca, ánh sáng màu vàng ròng… ánh sáng như vậy chiếu đến trước mặt Đức Vĩ Xá Phù Như Lai.

Thời có Trời Deva, Rồng Nāga, Dược Xoa Yakṣa, La Sát Sa Rākṣasa, Khẩn Na La Kiṃnara, Ma Hộ La Nga Mahoraga và các hàng người cũng thảy đều tập hội.

Lại có vô số Bồ Tát Ma Ha Tát cũng đều tập hội.

Ở trong Chúng đó có một vị Bồ Tát tên là Hư Không Tạng Gagana gañja từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh đốn quần áo, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, cung kính chắp tay hướng về Đức Phật rồi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nay ánh sáng này từ đâu đi đến?

Đức Phật bảo: Này thiện nam tử! Nay ánh sáng này là Quán Tự Tại Bồ Tát ở trong cung của Đại Lực A Tô La Vương phóng ra rồi đi đến đây.

Thời Hư Không Tạng Bồ Tát bạch Đức Thế Tôn rằng: Nay con phải dùng phương tiện nào để có thể thấy Quán Tự Tại Bồ Tát ấy?

Đức Phật bảo: Thiện nam tử! Bồ Tát ấy cũng sẽ đến đây.

Khi Quán Tự Tại Bồ Tát ra khỏi cung của Đại Lực A Tô La Vương thời vườn rừng Kỳ Đà ấy đột nhiên có cây hoa màu nhiệm của Cõi Trời, cây Kiếp Ba của Cõi Trời. Rồi có vô số các vật trang nghiêm đủ màu sắc màu nhiệm của Cõi Trời. Bên trên treo hàng trăm loại Chân Châu Anh Lạc.

Lại treo áo Kiều Thi Ca với mọi loại quần áo khác. Cành nhánh trên thân cây đều có màu hồng đậm, lá cây bàng vàng bạc. Lại có vô số cây hương thơm vi diệu và những cây hoa nhiệm màu khác lạ. Vô số ao báu có trăm ngàn vạn bông hoa màu nhiệm đủ màu nở tràn đầy trong đó.

Lúc hiện ra như vậy thời Hư Không Tạng Bồ Tát bạch với Đức Thế Tôn rằng: Quán Tự Tại Bồ Tát ấy nay ở đâu mà chưa đến vậy?

Đức Phật dạy: Thiện nam tử! Quán Tự Tại Bồ Tát ấy từ cung của Đại Lực A Tô La Vương ra khỏi xong. Lại có một nơi, tên là Hắc Ám Tamondhakāra mà không có người nào có thể đến.

Thiện nam tử! Chốn Hắc Ám ấy là nơi mà ánh sáng mặt trời mặt trăng chẳng thể soi chiếu đến. Có báu Như Ý Cintāmaṇi tên là Tùy Nguyện Varada luôn luôn phát ra ánh sáng chiếu soi chốn ấy. Lại có vô số trăm ngàn vạn Dược Xoa cư trú trong đó.

Khi nhìn thấy Quán Tự Tại Bồ Tát vào ở trong ấy thời tâm rất vui mừng hớn hở, chạy vội đến nghênh đón Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát, cúi đầu mặt lễ bàn chân rồi thưa hỏi rằng: Hôm nay Bồ Tát không có mệt mỏi sao?! Đã lâu rồi chẳng thấy đến đất Hắc Ám này.

Quán Tự Tại Bồ Tát nói: ta vì cứu độ các hữu tình nên mới đến đây.

Thời Dược Xoa, La Sát ấy đem tòa Sư Tử làm bằng vàng báu của Cõi Trời mà thỉnh Ngài ngồi.

Lúc đó Bồ Tát vì Dược Xoa, La Sát ấy nói pháp: Các ngươi hãy lắng nghe! Có Kinh đại thừa, tên là Trang Nghiêm Bảo Vương. Nếu có người được nghe một bài kệ bốn câu mà hay thọ trì đọc tụng, giải nói nghĩa ấy, tâm thường suy tư thời sẽ được phước đức không có hạn lượng.

Này Thiện nam tử! Hết thảy số bụi nhỏ thời ta có thể đếm được số lượng như vậy. Thiện nam tử! Nếu có người đối với Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương này mà hay thọ trì một bài kệ bốn câu thì phước đức đã được, ta chẳng thể đếm được số lượng ấy.

Nếu dùng hết thảy nước của biển lớn thời ta có thể đếm số lượng của mỗi một giọt. Nếu có người đối với Kinh này mà hay thọ trì một bài kệ bốn câu thì phước đức đã được, ta chẳng thể đếm được số lượng ấy.

Giả sử mười hai căng già sa số Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trải qua mười hai kiếp đều ở tại một chỗ. Thường đem quần áo, thức ăn uống, vật dùng nằm nghỉ, thuốc thang với vật dụng cần dùng khác, dâng thí cúng dường Chư Phật như vậy, mà cũng chẳng thể nói hết số lượng phước đức như vậy chứ chẳng phải chỉ có ta ở chỗ hắc ám này nói chẳng thể hết.

Thiện nam tử! Lại như người trong bốn Châu lớn, mỗi một người đều tự mình xây dựng nhà cửa, tạo lập Tịnh Xá rồi trong đó lấy vàng báu của Cõi Trời tạo dựng một ngàn cái Tháp nhiều tầng Stūpa: Tốt Đổ ba trong một ngày thảy đều thành tựu thời phước đức có được do mọi thứ cúng dường cũng chẳng bằng phước đức có được khi đối với Kinh này, mà thọ trì một bài kệ bốn câu.

Thiện nam tử! Như năm con sông lớn chảy vào biển lớn, dòng chảy như vậy không có cùng tận. Nếu có người hay trì bài kệ bốn câu trong Kinh đại thừa này thì dòng chảy phước đức đã được cũng không có tận.

Thời Dược Xoa, La Sát ấy bạch với Quán Tự Tại Bồ Tát rằng: Nếu có hữu tình mà hay viết chép Kinh Đại Thừa này, thì phước đức đạt được có số lượng như thế nào?

Thiện nam tử! phước đức đã được không có bờ mé. Nếu có người hay viết chép Kinh này ắt đồng với người viết chép tám vạn bốn ngàn Pháp Tạng mà không có khác. Người đó sẽ được địa vị Chuyển Luân Thánh Vương, cai quản bốn Châu lớn, có uy đức tự tại, diện mạo đoan nghiêm, Thiên Tử vây quanh, tất cả kẻ địch tự nhiên thần phục.

Nếu có người chỉ thường niệm danh hiệu của Kinh này thì người đó mau được giải thoát nỗi khổ của luân hồi. Xa lìa già chết, lo buồn, khổ não. Sau này, sinh ở nơi nào thời người đó hay nhớ được Túc Mệnh, thân thường có mùi thơm của Ngưu Đầu Go śīrṣa Chiên đàn Candana. Trong miệng thường tỏa ra mùi thơm của hoa sen xanh Nīlotpala, thân tướng viên mãn, đầy đủ thế lực lớn.

Lúc nói pháp thời các Dược Xoa, La Sát ấy có kẻ chứng được quả Dự Lưu Srotāpanna.

Trong đó hoặc có kẻ đắc quả Nhất Lai Sukṛtāgami, rồi nói lời như vậy: Nguyện xin Bồ Tát trụ ở chỗ này, đừng đi qua nơi khác. Nay con nay ở đất hắc ám này dùng vàng báu của Cõi Trời để tạo Tháp nhiều tầng, lại đem vàng báu tạo nơi kinh hành.

Khi ấy Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát bảo rằng: ta vì cứu độ vô số hữu tình đều khiến sẽ được đạo Bồ Đề cho nên muốn đi qua chốn khác.

Thời các Dược Xoa, La Sát mỗi mỗi đều cúi đầu, đưa bàn tay chống gò má bồi hồi nghĩ ngợi suy tư rồi nói như vậy: Nay Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát bỏ nơi đây mà đi, sau này ai có thể vì chúng ta nói pháp vi diệu?

Khi Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát rời khỏi chốn đó thì các Dươc Xoa, La Sát ấy thảy đều theo hầu đưa tiễn.

Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát bảo rằng: Các ngươi đi đã xa rồi, nên quay trở về nơi đã trú ngụ.

Thời các Dược Xoa, La Sát cúi đầu mặt sát đất, đỉnh lễ bàn chân của Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát xong thời quay trở về chỗ của mình.

Lúc đó, Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát giống như đám lửa rực bay lên hư không, đi đến cung Trời. Đến Cõi Trời ấy xong, liền hiện thân Bà La Môn. Trong Thiên Chúng ấy có một vị Thiên Tử Deva putra tên là Diệu Nghiêm Sukuṇḍala mà thường nghèo túng, chịu khổ báo này.

Thời Quán Tự Tại Bồ Tát đã hiện thân Bà La Môn, đi đến chỗ của Thiên Tử ấy.

Đến xong thời bảo rằng: Tôi bị đói mệt, lại rất khát.

Lúc ấy Thiên Tử khóc than rồi bảo Bà La Môn rằng: Nay tôi nghèo thiếu không có vật chi để dâng.

Bà La Môn nói: Tôi có việc cần. Xin hãy biếu cho tôi ít phần.

Thời Thiên Tử ấy gắng gượng vào cung lục tìm vật còn có được. Đột nhiên nhìn thấy các vật khí báu lớn ấy lại tràn ngập các thứ quý báu khác lạ chứa đầy trong đó. Lại có vật khí báu mà bên trong tràn ngập các thức ăn uống thượng vị. Lại có quần áo thượng diệu để trang nghiêm thân đầy dẫy khắp trong cung.

Lúc đó Thiên Tử khởi tâm suy nghĩ: Nay có vị Bà La Môn ở bên ngoài cửa này, quyết định vị ấy là người chẳng thể luận bàn, khiến cho ta được Phước thù thắng đó.

Bấy giờ Thiên Tử thỉnh vị Đại Bà La Môn ấy vào trong cung điện rồi đem vật báu màu nhiệm của Cõi Trời với thức ăn uống thượng vị của Cõi Trời dâng lên cúng dường.

Vị Bà La Môn nhận vật cúng này xong thời Chú Nguyện rằng: Xin cho người được an vui sống lâu.

Thời Thiên Tử ấy bạch với Bà La Môn rằng: Hiền Giả từ phương nào mà đi đến đây?

Bà La Môn nói: Tôi từ trong Đại Tịnh Xá ở rừng cây Kỳ Đà đi đến đây.

Thiên Tử hỏi rằng: Đất ấy như thế nào?

Bà La Môn bảo: Đất ấy ở bên trong Tịnh Xá của rừng Kỳ Đà ấy, thanh tịnh hiện ra báu Ma Ni của Cõi Trời trang nghiêm cây Kiếp Thọ.

Lại hiện ra mọi loại báu Ma Ni thích. Lại hiện ra mọi loại ao báu. Lại có vô số đại chúng có giới đức uy nghiêm, đầy đủ đại trí tuệ hiện ra trong đó. Nơi ấy có Đức Phật, hiệu là Vĩ Xá Phù Như Lai. Nơi ấy là đất an trụ của bậc Thánh Thiên nên mới có việc biến hóa hiện ra như vậy.

Thời Thiên Tử ấy bạch rằng: Hiền Giả! Thế nào?

Bậc Đại Bà La Môn nên thành thật nói Ngài là vị Trời nào?

Là người nào?

Hiền Giả! Vì sao hôm nay lại hiện ra điềm lành này?

Bà La Môn nói: ta chẳng phải Trời cũng chẳng phải người. Ta là Bồ Tát vì muốn cứu độ tất cả hữu tình, đều khiến được thất Đạo Đại Bồ Đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường