Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tùy Chuyển Tuyên Thuyết Chư Pháp - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thiệu Đức, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Giáo Biện Tài, Đời Tống Minh
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA TÙY CHUYỂN
TUYÊN THUYẾT CHƯ PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thiệu Đức, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Giáo Biện Tài, Đời Tống Minh
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Có một thời, Đức Phật đang cùng với một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ Kheo và hai ngàn Bồ Tát, cư ngụ tại núi Thứu Phong trong thành Vương Xá. Các vị Bồ Tát này, đều là những bậc đứng đầu, như Bồ Tát Trang Nghiêm, Bồ Tát Sư Tử Du Hý, Bồ Tát Bất Động Quang, Bồ Tát Hoan Hỷ Vô Cấu Quang.
Bồ Tát Nhật Quang Diễm, Bồ Tát Thậm Thâm Ly Cấu, Bồ Tát Liên Hoa Tướng, Bồ Tát Sư Tử Trí, Bồ Tát Kim Sắc Tướng, Bồ Tát Phạm Thiên Âm, Bồ Tát Sư Tử Tuệ Vương, Bồ Tát Vô Cấu Kim Quang, Bồ Tát Vi Diệu Sắc Thân, Bồ Tát Phóng Quang Hoại Ma, Bồ Tát Tịch Tĩnh Chư Căn, Bồ Tát Đà La Ni Vương, Bồ Tát Cát Tường Thanh Tịnh Tướng, Bồ Tát Diệu Cát Tường Thôi Phục Hoại Ma…
Khi đó, ở giữa đại chúng, nhìn thấy sắc vàng thân Phật tỏa sáng, Bồ Tát Sư Tử Du Hý, sinh lòng ưa thích, liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng, gối phải chạm đất.
Chắp tay cung kính, mà nói bài cú tụng:
Như Lai, sắc vàng ròng
Tướng tốt, thân đoan nghiêm
Trong số kiếp trần sa
Chứa nhóm các công đức.
Phước, trí thảy tròn đầy
Chứng ngộ đạo vô thượng
Phát triển lòng đại bi
Ứng hiện cõi Ta Bà.
Chúng Trời, Người, Bát Bộ
Ngưỡng trông không biết chán
Từ trong nơi tự tánh
Diễn ra pháp vi diệu.
Sâu xa thật khó lường
Chỉ Phật mới biết được
Tánh chúng sinh mê muội
Nghe nói không thể hiểu.
Như Lai Đại Đạo Sư
Phương tiện hay, khéo léo
Dẫn dụ các quần mê
Lần lượt được khai ngộ.
Chúng sinh, tâm sáng tốt
Xưa nay thường sâu lắng
Trong sạch, không nhiễm nhơ
Đầy đủ các công đức.
Thể tánh như hư không
Không có các trở ngại
Không sinh, cũng không diệt
Không tới, cũng không lui.
An trụ nơi pháp tánh
Không động như Tu Di
Tất cả thảy bình đẳng
Chân thật không nghĩ bàn.
Chúng sinh kiếp xa xưa
Tham dính vào các dục
Rơi vào trong bể khổ
Không thể cầu lìa ra.
Như Lai, pháp sâu xa
Mầu nhiệm thật khó nghĩ
Từng bậc thượng trung hạ
Tùy thuận mà diễn nói.
Như mưa Trời một vị
Rưới khắp cả mười phương
Cỏ cây cùng rừng rậm
Tùy theo loại lớn nhỏ,
Ở khắp trên mặt đất
Đều mong được thấm nhuần.
Pháp Như Lai diễn nói
Cũng đều như thế đó
Dùng một âm vi diệu
Diễn nói vô lượng nghĩa
Căn cơ có sai khác
Tùy nghe, mà được hiểu.
Thế nên trong một hội
Thảy đều nhập Phật tuệ
Chính sức thần thông Phật
Gọi là không nghĩ bàn
Con nơi kiếp xa xưa
Thường theo lời Phật dạy
Nên nay trong hội này
Được dự dưới tòa Phật.
Pháp Như Lai diễn nói
Con đều giữ tất cả
Hiện tại cùng vị lai
Cúi xin Phật diễn nói.
Lúc ấy, Phật bảo Đại Bồ Tát Sư Tử Du Hý: Thật lành thay, này thiện nam! Tâm ban đầu sáng đẹp của tất cả chúng sinh trong thế gian, xưa nay là trong sạch không nhiễm bụi nhơ, tròn đầy mười phương, yên ả vắng lặng. Giống như hư không, vốn không bụi bặm, yên lặng trong sạch.
Chúng sinh, mắt bị bệnh, hoa hư không phát sinh. Mắt bị bệnh thấy ra, nào là hoa, sinh hoa diệt. Bệnh mắt đã hết, hoa hư không cũng mất luôn. Hư không trong sạch, vốn không lay động. Tâm ban đầu sáng đẹp cũng lại như vậy. Xưa nay nó vốn trong sạch, không nhiễm các nhơ bẩn.
Chúng sinh do điên đảo, nên rồi phản tỉnh theo mê, sinh tâm phân biệt, đối với các cảnh trần, đó là: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân chịu va chạm, ý rõ pháp trần.
Sáu căn thức này, mỗi thứ đều chạy theo cảnh giới các trần, lầm tưởng dính mắc vào cảnh giới các trần, liền sinh ái nhiễm, rồi tạo ra các nghiệp. Khi nghiệp thành, phải chịu quả báo, đọa trong bể khổ, trôi lăn trong sinh tử, chịu mọi khổ não, khác nào như xoay vòng lửa, không có lúc ngừng nghỉ.
Như Lai với lòng lành lớn, thương xót khắp cả, bày ra phương tiện nói các pháp môn như: Xa ma tha, Tam ma bát đề, Thiền Na, Chỉ, Quán. Khiến cho chúng sinh thâu tóm tâm mình dần dần un đúc sự tu tập, chứng đắc quả Phật, thoát khỏi nẻo ác.
Thiện nam! Nếu những thầy giáo nào, mọi chúng sinh nào trong thế gian, muốn cầu bồ đề, thì phải dùng tâm chân thật, ngay thẳng mà hành chánh đạo. Còn nếu tâm hành bị nhiễm dục, quanh co, lượn lẹo, không thật. Họ chính là kẻ hành tà đạo. Hoàn toàn không có việc mong cầu bồ đề ở nơi họ.
Này thiện nam! Nếu các chúng sinh, tâm và việc làm đều thực hành cái tốt, trừ bỏ ý tưởng giả dối, không còn sự phân biệt, hiểu rõ pháp là trống không và vắng lặng, không thấy không, không thấy nguyện, không khởi thấy giả dối, không thấy tánh, không thấy tướng, không thấy Phật, không thấy bồ đề, luôn thực hành theo chánh kiến, gieo các căn lành, đầy đủ nguyện bồ đề.
Những người như vậy, thân như vật báu vô giá. Chư Phật ba đời. Ở quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng đều thực hành đạo này mà đạt được bồ đề, gọi là giải thoát, dứt mọi nghi hoặc, không tâm phân biệt, ngữ nghiệp thanh tịnh, nói pháp chân thật.
Đạt Nhất thiết trí, hiện rõ tướng tự nhiên, hiển hiện bằng văn tự, không văn tự, nói tướng chân thật, nói tướng tâm bồ đề, nói bố thí, nói bình đẳng, không tham, nói giữ giới để không nhiễm các dục, nói nhẫn nhục để tâm không sân hận, nói siêng năng để không biếng nhác, nói thiền định để an ổn ở nơi vắng lặng, nói trí tuệ để khéo hay lựa chọn.
Như vậy, Chư Phật mở bày giảng nói tất cả pháp môn sâu xa như: Xa Ma Tha, Tam Ma Bát Đề, Thiền Na… và trăm ngàn câu chi na dữu đa Pháp Môn.
Các loài súc sinh, địa ngục, các loài hữu tình, nghe pháp, thảy đều xa lìa các nẻo ác, rõ biết: Không, vô tướng, vô nguyện, giải thoát. Như thế, với ba nghiệp trong sạch, họ cung kính cúng dường, tôn trọng, công đức, đạt được tâm an vui giống như đất bằng. Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, các Đại Bồ Tát, ngày đêm cung kính, đó là sự giải thoát sâu xa cao cả bậc nhất.
Khi nghe Đức Thế Tôn nói như vậy, Đại Bồ Tát Sư Tử Du Hý sung sướng vui mừng, sinh sự hiểu sâu sắc.
Khi ấy, Đức Thế Tôn mới nói kệ:
Ngươi và thế gian
Tất cả chúng sinh
Tâm không có hai
Rõ các pháp: Không.
Đạt được bồ đề
Lìa tham, sân, si
Khiến không tạo nữa
Tự tánh thanh tịnh.
Giả dối không sinh
Một lòng bình đẳng
Không có tán loạn
Cầu pháp hữu tình.
Ngay trong hội này
Quán tưởng, mộng, huyễn
Rõ biết không thật
Hướng Phật bồ đề.
Biết chắc không xa
Được đạo như vậy
Được mà không được
Sáng mà không sáng.
Chỉ cùng Như Lai
Trí tuệ sáng tỏ
Nên biết như vậy
Thế gian bậc nhất.
Gọi Đại trượng phu
Người đều kính ngưỡng
Mới tự xoay tâm
Gần gũi bạn tốt.
Ngưỡng trông vâng theo
Không hề biếng nhác
Dần dà tăng tiến
Rõ tánh pháp không.
Siêng tu các hạnh
Không còn thoái chuyển
Sinh nơi nơi tốt
Giữ được bồ đề.
Ngay trong thiền định
Vắng lặng không động
Cũng không giữ giới
Cũng không phân biệt.
Có giới, không giới
Thể tánh chỉ một
Được bồ đề rồi
Tâm vào Phật thừa.
An trụ pháp tánh
Thể như hư không
Không có trở ngại
Diễn nói chánh pháp
Cứu giúp hữu tình
Một lòng bình đẳng
Chẳng khác với Phật.
Lại có Tỳ Kheo
Tham đắm, buông lung
Không học đạo Thánh
Thân, tâm rối rắm,
Chẳng khác người điên
Tợ kẻ lên đồng
Suốt ngày thường tạo
Ba độc tội nặng.
Kẻ ngu hung ác
Tánh khó điều phục
Đến kẻ cực si
Trọn không lợi ích,
Gần gũi bạn ác
Luyến đắm năm dục
Mê hoặc người nữ
Chưa từng tạm bỏ.
Người ấy một lòng
Gây tội phá giới
Ngu si không biết
Hủy giới hoàn toàn,
Trong hàng phá giới
Họ là bậc nhất
Đối với nẻo lành
Chẳng được gì cả.
Sức hành Xiển đề
Phẫn hận kiêu ngạo
Gây tội xong rồi
Sẽ chịu quả khổ
Đối với pháp lành
Tâm không ưa thích
Nghe âm ưa tiếng
Hớn hở vui mừng,
Tâm luyến không rời
Nhóm tập bạn xấu
Thân ngữ không lành
Dựa theo tham, sân
Cùng nhau vui sướng
Rồi từ từ đi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba