Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Một - Chuyện đại Vương Mahàjanaka Tiền Thân Mahà Janaka - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM MỘT

ĐẠI PHẨM  

CHUYỆN ĐẠI VƯƠNG MAHÀJANAKA

TIỀN THÂN MAHÀ JANAKA  

PHẦN BA  

Sau đó một Ẩn Sĩ khác tên Migàjina, vừa mới xuất thiền định, đang chiêm ngưỡng bậc Ðại Sĩ và quyết định khuyến khích Ngài bảo đám dân chúng ra về, nên vị này hiện ra trên không trước mặt Ngài và ngâm các vần kệ sau:

Các đám ngựa voi, các cỗ xe,

Thần dân thành thị lẫn thôn quê,

Ja na ka đã lìa xa chúng,

Bình bát đất làm Ngài thỏa thuê.

Hãy nói, phải chăng các Đại Thần,

Chư Hầu, quyến thuộc hoặc thân bằng,

Làm Ngài thương tổn vì lừa phản,

Ngài chọn đây làm chỗ trú chân?

Bồ Tát đáp:

Hiền Nhân, không thể có khi nào,

Bất cứ nơi nào, hoặc cớ sao

Ta đã làm sai cho chúng bạn,

Hoặc là bạn khiến ta buồn đau.

Thấy đời tan nát bởi đau thương,

Tăm tối vì lầm lỗi, khổ buồn,

Thấy nạn nhân gông xiềng, giết chết,

Bơ vơ trong lưới khổ khôn lường,

Ta tìm lời dạy cho mình vậy,

Khổ hạnh từ đây khởi bước đường.

Vị khổ hạnh muốn nghe thêm nữa, liền hỏi Ngài:

Không ai muốn khổ hạnh lang thang

Nếu chẳng Đạo Sư chỉ lối đường,

Dù cách thực hành hay lý thuyết,

Ai là Sư Phụ nói cho tường.

Bậc Ðại Sĩ đáp:

Hiền Giả, chưa hề trước đến giờ

Ta nghe lời nói động tâm ta

Từ môi Đạo Sĩ hay Du Sĩ

Khuyên bảo ta làm khổ hạnh gia.

Bồ Tát nói cho vị ấy đầy đủ chi tiết lý do Ngài xuất thế:

Ta đã nhàn du chốn ngự viên,

Một ngày mùa hạ đại trang nghiêm

Với bao ca khúc và đàn địch

Tràn ngập không gian khắp mọi miền.

 Nơi kia ta thấy một cây xoài

Ðứng cạnh bức tường gốc rễ phơi

Vì bọn phàm nhân tìm hái trái,

Toàn thân xơ xác, lá tơi bời.

Giật mình rời cảnh tượng oai hùng,

Dừng bước ngắm cây, mắt lạ lùng

So sánh cây xoài này có trái

Với cây không trái mọc kề gần.

Cây có trái kia đứng lụi tàn,

Mọi cành trơ trụi, lá tan hoang,

Cây không trái đứng xanh, cường tráng,

Tàn lá vẫy trong gió nhẹ nhàng.

Cây đầy trái cũng giống như Vua,

Lắm địch thủ mong giết hại ta,

Và cướp của ta bao trái ngọt

Trong thời gian ngắn phô bày ra.

Voi bị giết vì chính bộ ngà,

Cọp beo bị giết bởi vì da,

Bơ vơ, không cửa nhà, bằng hữu,

Người đại phú sau rốt hiểu ra:

Tài sản chính là tai họa lớn

Hai cây xoài ấy chính thầy ta,

Từ hai cây ấy ta tìm được

Bài học dạy ta sống xuất gia.

Ẩn sĩ Migàjina nghe lời Vua nói thế, liền khuyên nhủ Ngài nên nhất tâm, rồi trở về nơi trú của mình.

Khi ẩn sĩ đi rồi, Hoàng Hậu Sìvalì liền quỳ xuống chân Vua và tâu:

Ở trên Vương Tượng hoặc Vương xa,

Kỵ mã, bộ binh khắp mọi nhà,

Tất cả thần dân đều khóc lớn:

Ðại Vương đã xuất thế ly gia!

 Xin trấn an lòng chúng trĩu buồn,

Hoàng nhi Ngài hãy đợi phong Vương,

Rồi xa trần thế như Ngài muốn

Khổ hạnh đơn thân tiến bước đường.

Bồ Tát đáp:

 Ta bỏ đằng sau đám cận thần,

Thân bằng, quyến thuộc khắp non sông,

Nhưng còn Vương Tộc Vi Đề ấy

Huấn luyện Di Ghà để trị dân

Hoàng Hậu Mi Thi là chớ sợ,

Quần thần sẽ hỗ trợ kề gần.

Hoàng Hậu kêu lên: Tâu Ðại Vương, Ðại Vương đã làm Ẩn Sĩ, vậy thần thiếp phải làm gì bây giờ?

Nhà Vua liền bảo: Ta khuyên Hoàng Hậu thế này, hãy gắng thực hiện lời ta.

Rồi Ngài nói với bà như sau:

Nếu dạy hoàng nhi lúc trị dân

Sai lầm trong ý tưởng, lời, thân,

Sau bà sẽ gặp nhiều đau khổ,

Vận mạng này đây đã định phần.

Vật bố thí dành cho khất sĩ

Bậc Hiền bảo đấy chúng ta cần.

Ngài khuyên nhủ Hoàng Hậu như thế xong, cùng đàm đạo với bà trên đường đi cho đến khi mặt Trời lặn. Hoàng Hậu cho cắm trại vào một nơi thích hợp, còn Nhà Vua đến một gốc cây ngủ quá đêm. Ngày hôm sau, khi tắm rửa xong, Ngài lại tiếp tục ra đi. Hoàng Hậu ra lệnh cho binh lính phải đi theo và bà cũng theo Ngài.

Vào giờ khất thực, họ đến Kinh Thành Thùna. Lúc đó có một người đàn ông mua một miếng thịt lớn ở hàng thịt xong đem nướng chín trên vĩ và đặt trên một tấm thớt chờ nguội. Nhưng trong khi gã bận rộn việc khác thì một con chó đến tha thịt đi mất.

Người ấy đuổi theo đến cửa Nam Kinh Thành, nhưng vì mệt quá phải dừng lại. Vua và Hoàng Hậu đang đi đến trước mặt con chó, nó hoảng sợ khi thấy hai vị nên làm rơi miếng thịt và chạy mất.

Bậc Ðại Sĩ thấy vậy, liền nghĩ: Nó đã làm rớt miếng thịt và chạy trốn, không màng đến thịt nữa, mà chủ nhân thì chả biết là ai, thật không có của bố thí nào tốt hơn cái này, ta phải ăn mới được. Thế rồi Ngài lấy bình bát đất ra, cầm miếng thịt, phủi bụi dơ, đặt vào bình bát, tìm một nơi dễ chịu mát mẻ, có nước chảy rồi ăn thịt.

Hoàng Hậu nghĩ thầm: Nếu Đức Vua xứng đáng ngồi trên ngai vàng thì Ngài đã không ăn vật thừa đầy bụi bặm của chó, thật bây giờ Ngài không còn là quân Vương của ta nữa.

Rồi bà nói to: Ðại Vương ôi! Ngài ăn miếng thịt ghê tởm như vậy sao?

Ấy chính sự ngu dại mù quáng của bà làm cho bà không thấy được giá trị đặc biệt của vật bố thí này. Rồi Ngài thận trọng quan sát chỗ miếng thịt đã rơi xuống và ăn thịt ngon lành như thể cao lương mỹ vị của Thần Tiên xong rửa miệng và tay chân.

Lúc ấy Hoàng Hậu nói giọng khiển trách Ngài:

Tứ thời ăn cứ đến xoay vần,

Nếu nhịn ăn, người phải bỏ thân,

Tuy thế, một người dòng quý tộc

Sẽ không nếm vật bẩn kinh hồn!

Ngài đã làm đây việc trái sai,

Ðại Vương ôi, đáng thẹn cho Ngài,

Lấy ăn đồ vật thừa từ chó

Việc bất xứng kia đã phạm rồi!

Bậc Ðại Sĩ đáp:

Vật thừa từ chó hoặc từ người

Ta chắc chẳng là của cấm ai,

Nếu được vật kia theo đúng pháp,

Thức ăn hợp lý, sạch mà thôi!

Ðang lúc nói chuyện, Vua và Hoàng Hậu đi đến cổng thành. Trẻ con đang chơi đùa ở đó, một cô bé đang sảy cát trong một cái sàn sảy thóc nhỏ. Trên tay cô bé có một chiếc vòng không gây tiếng động nào, còn tay kia có hai chiếc vòng kêu reng reng.

Nhà Vua thấy vậy nghĩ thầm: Sìvalì cứ đi theo ta mãi, kẻ khổ hạnh còn có vợ thật là tai hại, người đời sẽ chê trách ta và bảo rằng ngay cả khi ta đã xa lìa thế tục mà ta lại không xa vợ được. Vậy nếu cô gái này khôn ngoan, cô bé có thể nói cho Sìvalì hiểu tại sao nàng phải quay về và xa lìa ta cho rồi. Ta sẽ nghe chuyện cô này và bảo Sìvalì phải đi ngay.

Rồi Ngài bảo:

Cô bé nép mình dưới mẹ hiền,

Với vòng nho nhỏ ấy đeo trên,

Vì sao chỉ một tay rung nhạc,

Trong lúc tay kia mãi lặng yên?

Cô bé đáp:

Hai vòng đeo ở cánh tay tôi,

Chẳng phải một vòng, khất sĩ ôi!

Vì xúc phạm nhau gây tiếng động,

Việc này do chính chiếc vòng đôi.

Nhưng chú ý xem tay phía này,

Chiếc vòng độc nhất nó đeo vậy

Ðứng yên tại chỗ, không lên tiếng,

Im lặng chỉ vì chẳng có hai.

Chính chiếc vòng đôi tạo tiếng ồn,

Một vòng độc nhất ấy thì không,

Ngài tìm hạnh phúc?

Nên đơn độc:

Hạnh phúc chỉ người sống độc thân.

Nghe lời cô gái, Ngài hiểu ý và bảo Hoàng Hậu:

Hãy nghe lời nói của cô này,

Cô gái làm ta hổ thẹn đầy,

Ví thử nghe lời bà thỉnh nguyện:

Lỗi lầm chính kẻ thứ hai gây.

Ðây hai đường: chọn một cho bà

Còn lối kia, ta chọn chính ta,

Ðừng gọi ta là chồng vậy nữa,

Bà không còn vợ: hãy chia xa!

Hoàng Hậu nghe Ngài nói thế, liền xin Ngài đi rẽ về phía tay phải tốt hơn, còn bà đi về phía trái. Nhưng chỉ đi được một đoạn, bà không ngăn chặn được sầu khổ, liền trở lại với Ngài và cùng Ngài đi vào thành.

Bậc Ðạo Sư giải thích chuyện này và nói như sau: Cùng với những lời này trên môi, hai vị đi vào thành Thùna. Sau khi đã vào thành, Bồ Tát tiếp tục đi khất thực, đến cửa nhà một người làm cung tên, trong khi đó Hoàng Hậu đứng một bên.

Bấy giờ người thợ đang nung đỏ mũi tên trên một lò than rồi nhúng ướt tên đó trong một ít bột hồ chua, nheo một mắt lại, còn mắt kia nhắm mũi tên cho thẳng.

Bồ Tát nghĩ: Nếu người này khôn ngoan thì có thể giải thích cho ta rõ chuyện này. Ðể ta hỏi gã thứ xem. Rồi Ngài đến gần gã.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh này qua vần kệ:

Ðến nhà khất thực kẻ làm tên,

Người ấy nheo con mắt đứng lên,

Và với mắt kia nhìn một hướng

Ðể làm cho thẳng mũi tên rèn.

Lúc ấy bậc Ðại Sĩ bảo gã:

Một mắt sao ngươi cứ nhắm hoài,

Chỉ nhìn một mắt chẳng hề sai?

Xin ngươi giải thích hành vi ấy:

Ngươi nghĩ nó hoàn thiện mắt ngươi?

Gã đáp lại:

Tầm mắt hai tròng mở rộng ra

Chỉ làm lạc hướng nhãn quan ta,

Nếu Ngài duy nhất nhìn đường thẳng,

Ðích xác định, Ngài nhắm đúng mà.

Ðiều gây rối loạn chính hai tròng,

Chỉ một tròng thôi thì lại không,

Muốn hạnh phúc Ngài cần đơn độc,

Người đơn độc hạnh phúc vô song!

Sau mấy lời khuyên nhủ này, gã yên lặng.

Bậc Ðại Sĩ lại tiếp tục đi khất thực, khi đã thọ lãnh đủ loại thức ăn, liền đi ra khỏi thành tìm chỗ mát mẻ có nước chảy ngồi xuống.

Khi đã ăn uống xong xuôi, Ngài cất bình bát vào chiếc bị và bảo Sìvalì:

Bà nghe lời gã nhắm tên vậy

Chẳng khác gì cô gái trước đây,

Gã sẽ làm cho ta rối trí

Với bao hổ thẹn ngập đầu này.

Nếu ta nhượng bộ bà cầu thỉnh:

Gây lỗi chính là kẻ thứ hai.

Ðây hai đường: chọn một cho bà,

Còn lối kia ta chọn chính ta,

Ðừng gọi ta là chồng vậy nữa,

Ta không có vợ: Giã từ bà!

Dù nghe lời Ngài nói vậy, Hoàng Hậu vẫn đi theo Ngài, nhưng bà hiểu bà không thể nào thuyết phức Vua quay trở về được nữa, còn đám dân chúng cũng cứ tiếp tục theo sau bà.

Lúc bấy giờ có một khu rừng không xa đó mấy, bậc Ðại Sĩ thấy bóng cây đổ xuống tối mờ, Ngài muốn bảo Hoàng Hậu quay về, nên khi thấy cỏ mùnja mọc bên lề đường, Ngài ngắt một cọng cỏ, bảo bà: Này Sìvalì, thân cây cỏ này không thể nối lại được nữa, vậy từ nay mối liên lạc giữa ta và bà cũng không bao giờ nối lại được nữa đâu.

Rồi Ngài ngâm lớn nửa vần kệ:

Như cỏ mun ja đã lớn này,

Sì va lì, độc trú từ đây

Khi Hoàng Hậu nghe thế, bà nói: Từ nay ta cũng không liên lạc gì với Vua Mahàjanaka nữa. Rồi không thể ngăn được sầu khổ, bà đấm ngực la khóc và ngất xỉu bên vệ đường. Bồ Tát thấy bà đã bất tỉnh mê man rồi, lập tức đi sâu vào rừng, cẩn thận xóa mờ dấu chân của Ngài.

Các quan Đại Thần chạy đến rảy nước vào thân thể Hoàng Hậu, xoa bóp tay chân của bà một lát thì bà hồi tỉnh.

Bà hỏi: Ðại Vương đâu rồi?

Thế Hoàng Hậu không biết sao?

Họ tâu. Ði tìm Hoàng Thượng ngay Hoàng Hậu bảo họ. Nhưng dù họ đi quanh quẩn khắp nơi, họ cũng không tìm thấy Ngài đâu. Vì thế bà than khóc thảm thiết, và sau khi bảo dựng đền thờ nơi Ngài đứng trước kia, bà cúng dường hương hoa rồi trở về.

Bồ Tát trong núi Himavat, trong bảy ngày Ngài chứng đắc năm thắng trí và tám thiền chứng, rồi Ngài không trở lại cõi đời này nữa.

Hoàng Hậu bảo dựng đền thờ ở các nơi Ngài đã đến và nói chuyện với người thợ làm tên, với cô bé gái, nơi Ngài đã ăn miếng thịt, nơi Ngài nói chuyện với hai ẩn sĩ Migàjina và Nàrada. Xong bà làm lễ cúng dường hương hoa.

Rồi được binh lính hộ tống, bà vào thành Mithilà cử hành lễ phong Vương cho Hoàng Tử trong vườn xoài, và ra lệnh đem Hoàng Tử cùng binh lính vào thành.

Còn phần bà, sau khi chọn đời khổ hạnh của một nữ ẩn sĩ, bà sống ở trong vườn xoài và hành trì các pháp môn đưa đến thiền định cho đến khi bà chứng đắc thiền định và được sinh vào cảnh giới Phạm Thiên.

Sau khi kể pháp thoại xong, Bậc Ðạo Sư nói với các Tỳ Kheo: Ðây không phải lần đầu tiên Như Lai làm đại sự xuất thế, mà xưa kia Như Lai cũng đã làm như vậy.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Lúc ấy vị nữ hải thần là Uppalavannà Liên Hoa Sắc, Hiền Giả Nàrada là Sàriputta Xá Lợi Phất, Hiền Giả Migàjina là Moggalàna Mục Kiền Liên, cô gái là công chúa Khemà, người làm tên là Ànanda A Nan, Hoàng Hậu Sìvalì là mẹ của Ràhula Ràhulamàtà, Hoàng Tử Dìghàvu là Ràhula La Hầu La. Cha mẹ của Bồ Tát là hai vị trong Vương Tộc ngày nay và Vua Mahà janaka chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần