Phật Thuyết Kinh đẳng Tập Chúng đức Tam Muội - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BA
Lại nữa, này thiện nam! Quán pháp trong ngoài, suy nghĩ bình đẳng, quán bên trong xét bên ngoài đều không có hai.
Vì sao?
Vì thân này như cỏ cây, ngói đá, không khác, không người, không có tưởng niệm, bốn đại hợp thành nên không bền chắc. Giả sử có người muốn dứt bỏ hủy hoại thân mạng mình khiến không được tự tại, chớ khởi tưởng niệm, chớ tham thân này không tiếc mạng sống. Ta không giận dữ đối với người đã dấy sân hận, ta càng tăng thêm lòng từ bi hướng tới chúng sinh.
Này thiện nam! Ví như có cây thuốc lớn, đào lấy gốc, thân, cành, lá, hoa, quả, cây không nghĩ ai lấy gốc thân cành lá hoa quả của ta, cũng không nói chớ lấy gốc thân cành lá hoa quả của ta. Cây thuốc ấy tất cả đều không suy nghĩ, đối với mọi người cũng không sân giận. Người bị bệnh tật uống thuốc thì lành.
Này thiện nam! Người thực hành Bồ Tát nên tự quán thân bốn đại là nhà, giống như cây thuốc. Có chúng sinh nào muốn được đầu, mắt, tủy, não, thân thể, tay chân, da, thịt, máu, huyết của ta, ta nên xả bỏ cho họ.
Này thiện nam! Phước đức bố thí ấy là vô lượng. Làm việc bố thí rồi, vì người tham lam, keo kiệt nên bố thí, giúp đỡ họ. Người nghèo khổ thì ban cho của cải.
Người ít phước ban cho phước đầy đủ. Người chưa phát đạo tâm khiến họ hành hạnh Bồ Tát, dạy bảo việc lành khiến họ thanh tịnh. Tất cả phước đức khuyến hóa chúng sinh dẫn dắt để được thanh tịnh bằng việc bố thí này, mau gần với đạo, đạt đến chỗ vô tận.
Thế nào gọi là bố thí cùng tận?
Bồ Tát bố thí có bốn việc cùng tận.
Bốn việc ấy là: Không ưa cứu giúp, không ưa thuyết pháp, nguyện sinh chỗ thấp kém, ưa gần gũi bạn ác, đó là bốn việc.
Lại có bốn việc thực hành, Bồ Tát bố thí mau gần với đạo, đó là: Nhiều sự trợ giúp, thực hành phương tiện thiện xảo, trụ vững vào chánh pháp, tu tập, thân cận bạn lành, đó là bốn pháp.
Lại có ba pháp Bồ Tát bố thí không bị hư dối, đó là: Bồ Tát phát tâm thương yêu tất cả chúng sinh, thâu tóm, cứu giúp tất cả chúng sinh, phụng hành theo giáo pháp của Như Lai, đó là ba việc. Bồ Tát muốn bố thí phải lập ba pháp.
Ba pháp đó là: Trụ vững nơi pháp Phật, giảng giải, khuyến khích chúng sinh đạt được sự an lạc, đó là ba pháp.
Bồ Tát lại có hai việc không dối trá, bố thí chân thật, hai pháp đó là: Đại từ, đại bi, đó là hai. Bồ Tát lại có hai việc cần phải bố thí để dứt trừ, đó là tham lam, ganh ghét, đó là hai pháp.
Bồ Tát lại có hai pháp bố thí để có chỗ nương tựa, đó là: Đầy đủ trí tuệ, thông đạt viên mãn, đó là hai.
Bồ Tát lại có hai pháp bố thí để có chỗ hướng tới, đó là: Đạt đến trí tuệ vô tận, hướng tới tuệ vô sinh, đó là hai.
Bồ Tát bố thí có bốn pháp, đó là: Bố thí bình đẳng không mong đáp trả, điều phục tâm an tịnh, bố thí đầy đủ, nhằm thành tựu đạo, đó là bốn. Bồ Tát bố thí như vậy nên tự nhiên đạt được biển phước đức vô tận. Nếu có Bồ Tát muốn tích tập biển phước đức thì nên tu tập hạnh bố thí tinh tấn như thế.
Lực sĩ Ly Cấu Oai bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay! Hôm nay Như Lai đã phân biệt thuyết giảng rõ pháp của các Bồ Tát, giữ gìn Kinh Điển của Chư Phật. Bồ Tát thực hành như vậy chắc chắn không bỏ mất chánh đạo, đạt được phước đức trí tuệ. Giả sử có người bố thí như thế thì phước đức đầy đủ viên mãn cũng như vậy.
Đức Phật dạy: Này thiện nam! Như lời ông nói, có người phát tâm làm việc bố thí như vậy thì liền đạt được biển phước đức vô tận, không còn bần cùng. Đối với Hiền Thánh đạt được của cải lớn, đầy đủ các pháp tài này thì sẽ được giàu có lớn, đầy đủ bảy báu phước đức vô tận, đạt được trăm phước tướng để trang nghiêm nơi thân, làm ruộng phước cho các chúng sinh nhằm cung cấp cho họ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Lực sĩ Ly Cấu Oai: Thế nào là công đức nơi giới cấm của Bồ Tát?
Hộ trì giới cấm chưa từng sai phạm, thấy người phạm giới thì sinh tâm thương xót, thấy người phụng trì giới cấm thì một lòng noi theo, làm thanh tịnh ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng, ba nghiệp của ý, phải thực hành thuận theo mười nghiệp thiện ấy.
Dùng giới pháp này hóa độ chúng sinh, không tự khen mình, không chê người khác, không dùng giới cấm để khen ngợi mình, cũng không dựa nơi giới mà tự cao ngạo, thường dùng giới cấm để điều phục tâm, định tánh, không phô trương danh tiếng mà chỉ biết đủ.
Ở chỗ Hiền Thánh tự hộ thân mình, thấy người biếng nhác thì không chê bai, thấy người ốm bịnh giúp đỡ không hề mệt mỏi, không tham cầu, không lấy đó làm cứu cánh, thực hành như lời nói không sai phạm.
Đối với việc nơi sinh tử thì không ứng hợp, không cầu mong, thường gần gũi Chư Phật, thực hành tâm từ. Nếu có người hành từ và không hành từ đều bình đẳng cứu độ, không bỏ mất tâm ấy, không phạm giới luật, không hướng đến thừa khác, dùng thừa đạo này để khuyến hóa mọi người đều được an lạc, xa lìa tất cả giới cấm đã phạm.
Người loạn động bất an, khiến cho họ được an ổn, trừ bệnh nghi ngờ khiến không còn oán giận, chỗ đã sinh dù được tự tại, nhưng không thích hợp, có thể du hóa khắp nơi. Giả sử chỗ đã sinh mà không nhàm chán, tu tập tinh tấn, điều phục thân tâm, việc làm không sai sót, sự học không ưa thích cũng không sợ hãi.
Này thiện nam! Bồ Tát đã thực hành giới cấm, dù nguy hại đến thân mạng cũng không phạm giới.
Không vì đất nước mà hành trì giới cấm, không vì tôn trọng Đế Thích, Phạm Vương, không vì đạt được tài lợi, không vì quyến thuộc cao quý, tướng mạo, tiếng khen, cũng lại không vì thế lực, các thứ lợi dưỡng như: Giường nằm, thuốc thang, tọa cụ, tật bệnh mà hành trì giới cấm, không tham sinh vào Cõi Trời, không nương theo trong ngoài, không mến mộ người khác, không mong sinh ở đời sau.
không chấp giữ nơi mình, không tham đắm người khác cũng không tham đắm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không lệ thuộc vào mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, cũng lại không nương vào ấm, các nhập để hành trì giới cấm, không sợ địa ngục mà mong cầu cứu hộ, không sợ súc sinh, ngạ quỷ, quỷ thần, không vì sự khốn khổ nghèo cùng ở nhân gian mà hành trì giới cấm, ý chí chỉ ở tại sự kiến lập Phật đạo.
Nếu người nghe pháp ý muốn thực hành, tức đã đạt được các dục của Bậc Thánh, thường muốn độ thoát, diệt trừ sinh, lão, bệnh, tử, ưu sầu, khổ não mà hành trì giới cấm, không vì của cải mà hành trì giới cấm, muốn làm an ổn chúng sinh độ thoát mọi người, ưa thích Phật pháp, muốn chuyển pháp luân, giáo hóa Thánh chúng, không đoạn dứt Phật giáo, không bỏ giáo pháp, không trái lời dạy mà giữ gìn giới cấm. Vì giới, định, tuệ, giải thoát tri kiến mà hành trì giới cấm.
Muốn đạt sáu thần thông nên hành trì giới cấm, không khuyết phạm không hủy bỏ, không có nghiệp tà, thuận theo giáo pháp của Phật không có quên mất mà thường bình đẳng tùy thuận thực hành tam muội. Người trí đã tán thán Đức Phật, đã bàn luận không sai khác, tùy pháp giáo hóa, phụng hành điều cốt yếu, người như vậy thường tuân theo đầy đủ giới cấm, không quên mất mười pháp của Bồ Tát.
Mười pháp ấy là: Sau khi đạt được ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương, hoàn toàn không sai phạm về giáo pháp tu tập của Thánh Vương, phụng hành Phật đạo mà không phóng dật, đạt đến ngôi vị Đế Thích mà không cao ngạo, thường lãnh thọ pháp Phật, không hề buông lung, sinh vào cõi Phạm Thiên mà không lấy làm lạ, ở tại cõi Phạm Thiên muốn gặp Phật liền được gặp, thường gặp Thế Tôn tâm rất ưa thích.
Kinh Điển đã nghe chưa từng đoạn mất, lắng nghe Phật pháp chưa từng bỏ quên, như pháp đã nghe có thể phụng hành, trí tuệ không quên mất luôn nhớ nghĩ đến Bồ Tát Thánh chúng, biện tài vô lượng chưa từng thiếu sót. Bồ Tát đã lập nguyện thì có kết quả, thường vì Chư Phật Bồ Tát, không chê bai đệ tử Đức Phật, mau chóng đạt được thần thông, đầy đủ trí tuệ sáng suốt. Người hành trì giới cấm như vậy, đó là Bồ Tát thực hành mười pháp.
Bồ Tát không thoái lui, hành trì giới cấm ấy thì Chư Thiên, long thần đều cùng nhau bảo vệ, ủng hộ, tán thán người giữ gìn giới cấm, chúng quỷ thần đều quy ngưỡng, các chúng thần rồng đều cung kính, mọi người ở thế gian đều thuận theo cúng dường. Chư Phật Thế Tôn thường muốn gặp họ, các bậc trí thức thường tôn sùng, thương xót thế gian mà thực hành tâm từ, vì chúng sinh mà hành trì giới cấm ấy.
Lại nữa, Bồ Tát không trở về bốn cõi.
Bốn cõi đó là: Không trở về trong chỗ không an nhàn, cũng không trở về trong cõi không có Phật, không trở về nhà, bế tắc, mờ tối, sinh tà kiến, không trở về tất cả các đường ác. Bồ Tát nếu giữ gìn giới phẩm thì mau chóng đạt được công đức.
Lại có bốn pháp không quên mất, bốn pháp đó là: Không quên Phật Đạo, tâm không bỏ Phật, pháp đã nghe trọn đời không bỏ quên, không quên nhớ nghĩ về thiền định trong vô lượng vô số kiếp. Nếu Bồ Tát hộ trì giới này thì liền đạt được công đức ấy.
Bồ Tát lại có bốn pháp đạt được sự quan sát sáng suốt, đó là: Khi đạt được thì quan sát rõ ràng các pháp, người đạt được sự thông suốt ấy thì các tưởng về mê muội, tật bệnh, sợ hãi, đao gậy, độc hại đều trừ diệt, đầy đủ công đức, không bị người quấy nhiễu, đó là bốn pháp.
Nếu Bồ Tát có thể hành trì giới cấm, thuận theo lời dạy này thì thoát khỏi mười sự sợ hãi đó là: Xa lìa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, sự bần cùng và vô số Thế Giới đáng sợ hãi của ma, hướng đến chỗ tịch diệt của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, được thọ thai sinh trong các hàng Trời, Người và Rồng, Quỷ Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc.
Các nạn về khủng bố, các nạn về đao gậy, độc hại, lửa dữ, rắn độc, sư tử, hổ, sói đều thoát khỏi kể cả tà kiến, nên có thể hộ trì giới, là pháp mà Bồ Tát thực hành, đó là thoát khỏi mười nạn ấy.
Lại nữa, này thiện nam! Giới được thiếp lập trên pháp Phật, dùng làm ánh sáng. Pháp Phật thì thiếp lập nơi giới là đạo của Bồ Tát. Nếu hay phụng trì giới thì gần gũi với định ý. Từ nơi giới cấm mà đạt đến trí tuệ giải thoát, vượt qua các tri kiến.
Thế nào là giới có thể giải thoát tất cả phiền não?
Thế nào là phiền não tội phước tương quan?
Ba cõi đều lệ thuộc nơi phiền não này, nên dùng gì để vượt qua phiền não ấy?
Nên dùng vô niệm, vô tưởng, vô tư, vô trụ, không chỗ hành, không chỗ hưng lập, không chỗ tư duy, đối với tất cả các pháp không có mong cầu, đó gọi là vượt qua các phiền não.
Này thiện nam! Bồ Tát chưa lìa phiền não thì giới phẩm không thanh tịnh.
Vì sao?
Giả sử người đi đến Phạm Thiên bằng phiền não tham dục, cho đến Cõi Trời Ba Mươi Ba cũng vì phiền não tham dục.
Vì vậy, này thiện nam! Nên quan sát như thế, người ở trong ba cõi ấy thì giới phẩm không thanh tịnh.
Lực sĩ Ly Cấu Oai bạch Phật: Nếu ở nơi ba cõi đều là phiền não như Thế Tôn nói thì giới phẩm không thanh tịnh, tại sao Bồ Tát xa lìa phiền não, tham đắm thì đạt được giới thanh tịnh.
Ở trong ba cõi mà không chút nhiễm ô?
Đức Phật dạy: Này thiện nam! Nên biết như vậy, vì Bồ Tát thân không phiền não, cũng không hủy hoại giới, cũng không chỗ trụ. Chúng sinh đắm chấp nơi ba cõi nên phạm giới. Bồ Tát này dùng hai việc thực hành pháp theo phương tiện thiện xảo, muốn trừ bỏ ba cấu uế nên ở trong ba cõi dùng phương tiện thiện xảo kia. Tự thân Bồ Tát không có phiền não, hiện ở trong ba cõi là nhằm để giáo hóa chúng sinh.
Này Lực sĩ Ly Cấu Oai! Ví như có nam tử họa vẽ ở hư không, hoặc viết văn tự, việc ấy hiện ra để thấy có khó không?
Bạch Thế Tôn! Rất khó!
Đức Phật dạy: Bồ Tát thực hành lại khó hơn việc ấy, tự thân không phiền não mà thị hiện ở trong ba cõi để giáo hóa chúng sinh.
Lúc ấy, Lực Sĩ Ly Cấu Oai dùng kệ tán thán:
Kính bạch Thế Tôn!
Bồ Tát thị hiện
Đầy đủ viên mãn
Thực hành đại bi.
Mở cửa giải thoát
Xoay vần trở lại
Ở nơi thành quách
Giáo hóa chúng sinh.
Nhiều sự trở ngại
Ví như có người
Thân bị bệnh tật
Trừ được nguy hại.
Chẳng phải người khác
Đều không sai biệt
Như vậy Thế Tôn
Nay trừ nguy hại.
Ở đời thanh tịnh
Nơi đạo Bồ Tát
Do đây giải thoát
Vì vậy cho nên.
Giáo hóa chúng sinh
Và học phái khác
Do phương tiện này
Cứu độ muôn loài.
Kính bạch Thế Tôn!
Bồ Tát Đại Sĩ
Phát đại tâm từ
Thanh Văn, Duyên Giác.
Không thể sánh bằng
Vì thế cho nên
Thanh Văn, Duyên Giác
Không có đại bi.
Phương tiện thiện xảo
Đầy đủ các hạnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh ưu Ba Ly
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bảy - Phẩm Dạy Bảo Trao Truyền - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai - Phẩm Dục - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Năm - Phẩm Nghĩa Chân Thật
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Hai - Phẩm Ubbarì - Chuyện Ankura Ankura