Phật Thuyết Kinh đẳng Tập Chúng đức Tam Muội - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BẢY  

Lại nữa, này Bồ Tát Câu Tỏa! Bồ Tát đã thực hành, không đoạn trừ các pháp phàm phu, cho đến pháp Phật cũng không siêng năng hành trì để vượt qua sinh tử.

Đối với diệt độ cũng không đầy đủ, cũng không thấy pháp bất thiện sinh, cũng không quan sát pháp thiện từ đâu sinh ra. Vì không dùng tuệ nên cũng không thấy thức. Vì đối với tuệ không dùng thức mà thấy, cũng không hủy hoại các pháp giới, có sự tin, ưa đạt đến giải thoát. Nếu Bồ Tát tu tập như vậy là thực hành tương ưng với đạo.

Lại nữa, này Thiện Nam! Nếu Bồ Tát thực hành đối với vô lượng pháp giới, vô lượng nhân giới mà đều tin hiểu pháp giới không ngăn ngại, tuệ giới, nhân giới đều vô tận. Thực hành về pháp giới và nhân giới đều không có hai. Không do pháp giới mà có tổn hại, cũng không cùng tận, tưởng cũng như vậy, nhân giới cũng như vậy. Nhân giới có tướng, pháp giới không tướng.

Tướng nhân giới như vậy tức không có tướng, tướng ấy là không tướng, thấy tất cả các pháp đều không tướng. Nhân giới không cùng tận nên không có tăng trưởng. Do không tưởng niệm mà các pháp sinh ra, tướng điên đảo, hư dối, huyễn hóa đều ở trong đó.

Bồ Tát thực hành như vậy không trừ dục, không mến mộ sinh cũng không vì danh tiếng, cũng không tính toán, cũng không hủy hoại, cũng không diệt trừ ngã, nhân, thọ mạng. Bồ Tát nào tu hành như vậy là đã thực hành tương ưng với đạo.

Khi thuyết giảng về sự hành hóa của Bồ Tát, có trăm ngàn vị Thiên Tử đạt được pháp nhẫn.

Lúc này, Bồ Tát Ly Cấu Oai liền dùng kệ tán thán khiến cho tất cả chúng hội đều đạt được sự mong muốn và thành tựu lợi ích, giống như Đức Phật Thế Tôn đều khiến cho chúng sinh tin hiểu nơi tam muội ấy.

Bấy giờ, Ma vương Ba tuần nói với Bồ Tát Văn Thù: Tôi có thể tán thán đạo Bồ Tát như hạnh Bồ Tát chăng?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Có thể.

Ma nói: Hạnh của mọi người là hạnh của Bồ Tát. Hạnh của Thanh Văn, Duyên Giác là hạnh của Bồ Tát. Hạnh tu tập của tất cả mọi nhà là hạnh Bồ Tát. Hạnh của tất cả ma là hạnh của Bồ Tát.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đều ở trong đó, tất cả đều học như Bồ Tát học.

Bồ Tát Câu Tỏa đi đến chỗ ma hỏi: Vì sao Bồ Tát đều học tất cả?

Ma đáp: Nơi tám vạn bốn ngàn hạnh của chúng sinh thì: Hai vạn một ngàn thuộc hạnh tham dục, hai vạn một ngàn thuộc hạnh sân giận, hai vạn một ngàn thuộc hạnh ngu si, hai vạn một ngàn thuộc hạnh phân biệt. Các hạnh này đều hội nhập khắp nơi hạnh Bồ Tát. Thế nên, hành hạnh tham dục để lìa dục. Hành hạnh sân giận để lìa sân. Hành hạnh ngu si để lìa si. Hành hạnh phân biệt để lìa phân biệt, không còn vướng mắc.

Này Thiện Nam! Nếu Bồ Tát thực hành tất cả hạnh của chúng sinh thì có thể xem xét hạnh của chúng sinh để giáo hóa họ. Bồ Tát nào tu tập như vậy là đã thực hành tương ưng với đạo.

Hỏi: Thế nào gọi là hạnh của tất cả ma là hạnh Bồ Tát?

Đáp: Bồ Tát đều nên hội nhập vào tâm của ma để thực hành, không sinh khởi làm cho sinh khởi, giáo hóa không tùy theo việc của ma, học nơi hạnh ma rồi giáo hóa chúng sinh, đã quan sát hạnh ấy nhưng không tu tập theo hạnh đó, chỉ ở trong chúng ma để thị hiện, không làm theo việc của ma. Lại nên tu tập, hiểu rõ về việc của ma để giáo hóa, tuy ở trong chúng ma mà không làm việc theo ma.

Hỏi: Sao gọi hạnh tất cả Thanh Văn, Duyên Giác là hạnh Bồ Tát?

Đáp: Này Thiện Nam! Giả như Bồ Tát vì hàng Thanh Văn, Duyên Giác giảng thuyết kinh pháp đầy đủ sở nguyện, đối với hành ấy nên tôn kính, tăng thêm tinh tấn, siêng cầu trí tuệ, không cầu thừa khác mà được giải thoát.

Này Thiện Nam! Tất cả các hạnh đều tự nhiên vắng lặng. Người thực hành hạnh Bồ Tát nên tin ưa, thực hành hạnh ấy rồi, đối với tất cả các hạnh đều như thế mà quán xét kỹ. Tất cả các hạnh đều không chỗ trụ, tất cả các hạnh đều là hạnh vô vi, cũng không tụ hội, cũng không sinh khởi, không chỗ trụ, Bồ Tát nên tôn sùng hạnh ấy.

Ma Ba tuần hỏi Bồ Tát Văn Thù: Ông có thể thương xót mọi người giảng nói lại hạnh này chăng?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Đầy đủ biện tài để đảm nhiệm đều có thể độ thoát tất cả. Hết thảy cảnh giới là hạnh của Bồ Tát.

Vì sao?

Hạnh ấy không cùng với nhãn giới kết hợp, không cùng với sắc giới kết hợp, không cùng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới và thanh, hương, vị, xúc, pháp giới để kết hợp. Thế nên, ma nên quan sát như vậy. Nếu có thể độ thoát các cảnh giới thì hiệu là Chánh Sĩ.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có khả năng thực hành như vậy là không hư dối đối với Chư Phật Thế Tôn. Bồ Tát hành như vậy là ứng hợp với đạo.

Hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù! Vì sao gọi Bồ Tát hành như vậy là không hư dối đối với Chư Phật Thế Tôn và các pháp?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Như Lai đã thuyết giảng kỹ về các pháp không, tất cả đều không thể đạt tới quả vị Tối Chánh Giác. Nếu Bồ Tát nương dựa vào thân kiến và pháp của Chư Phật để cho là thấy Niết Bàn thì là hư dối với chư Như Lai.

Này Thiên Tử! Ông nên biết sự hành hóa của Như Lai là ở nơi hết thảy pháp không có tưởng niệm, vướng mắc, mới đạt đến chánh giác. Nếu Bồ Tát đối với tất cả pháp có tưởng niệm, mong cầu cùng với vọng tưởng buông lung tức là hư dối với Như Lai.

Này Thiên Tử! Như Lai đã quán xét rõ ràng về các pháp không có chỗ phát xuất, cũng không chốn sinh, cũng không chỗ khởi, cũng không có, cũng không nương tựa, cũng không có tướng đến, không chốn đến, không chỗ trụ, bản tánh thanh tịnh, sáng tỏ tịch diệt giống như hư không, không có hình tướng, hiểu hết thảy các pháp đều như vậy mới đạt đến chánh giác.

Nếu Bồ Tát xem các pháp có qua có lại, có vào có ra, có sinh khởi, bỗng nhiên hiển hiện, hiện ra để có là nương nơi tướng. Nếu có qua lại hoặc có chỗ đứng đều không thanh tịnh, hoặc có phiền não luôn trói buộc, được chỗ hiện có của sắc là phóng dật, có suy nghĩ là khinh dối Như Lai.

Này Thiên Tử! Nếu Bồ Tát lãnh hội về không, thấu tỏ tất cả pháp thì đối với mọi nhận thức không còn suy niệm, bình đẳng nơi các hành, hiểu rõ hết thảy pháp, trừ diệt mọi tưởng chấp, bình đẳng, vô nguyện, phân biệt các pháp, vượt qua ba cõi, bình đẳng như hư không. Do hiểu rõ tất cả pháp nên không vướng mắc vào chốn thanh tịnh. Bồ Tát tu hành như vậy là không hư dối đối với Chư Phật Thế Tôn.

Lúc ấy, Đức Phật khen ngợi Bồ Tát Văn Thù: Lành thay! Lành thay! Này Bồ Tát Văn Thù! Hạnh ấy là hạnh Bồ Tát. Nếu Bồ Tát thực hành như vậy thì mau chóng được thọ ký thành Phật.

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát Văn Thù! Ta nhớ xưa kia vào thời Đức Phật Định Quang, Ta đã khuyến khích, giúp đỡ người thực hành pháp thanh tịnh. Nẻo hành hóa là không hành, cũng không tịch diệt mà được thọ ký.

Vì sao?

Vì ở nơi tất cả các hành đều có ánh sáng hiển hiện. Vừa thấy ánh sáng ấy, không biết là hành tướng gì?

Lúc đó, từ màu sắc của ánh sáng mà dốc cầu nghĩa lợi thích hợp, hiểu rõ về bản tánh thanh tịnh nơi các pháp, hết thảy mọi pháp đều không chốn phát khởi. Sau đấy được Đức Như Lai Định Quang nhận biết và thọ ký.

Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu là Như Lai Năng Nhân gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ta ở ngay Thế Giới ấy đạt được pháp nhẫn Bất khởi.

Thế nên, này Bồ Tát Văn Thù! Bồ Tát nào muốn mau đạt được pháp nhẫn Bất khởi thì nên tu tập hạnh này, cứu độ chúng sinh, tâm không vướng mắc, không vì lợi dưỡng, tinh tấn thực hành pháp này, không có nơi chốn giải thoát, diệt độ, không có chỗ hóa độ mới có thể giải thoát.

Bồ Tát Văn Thù bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lúc ấy do đâu mà đạt được pháp nhẫn?

Đức Phật dạy: Không vướng mắc nơi sắc mới đạt được pháp nhẫn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không vướng mắc mới đạt được pháp nhẫn. Không vướng mắc nơi các ấm, nhập mới đạt được pháp nhẫn. Không chấp trước nơi thường, tịnh, an ổn cùng với ngã, ngã sở mới đạt được pháp nhẫn. Lại nữa, hoàn toàn thấy không vướng mắc nơi các pháp mới đạt được pháp nhẫn.

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát Văn Thù! Các pháp đều diệt tận nên không chỗ thủ đắc.

Này Văn Thù! Các pháp không thu đắc cũng không có chỗ thủ đắc, tùy theo sự tu tập thực hành nên gọi là thủ đắc, chẳng phải pháp phàm phu, chẳng phải pháp của bậc hữu học, chẳng phải pháp của bậc vô học, chẳng phải pháp Duyên Giác, chẳng phải pháp Bồ Tát, cũng chẳng phải pháp Phật mà có thể thực hành.

Đối với tất cả pháp đều không có chỗ thực hành nên gọi là đạt được pháp nhẫn vô tận. Tất cả các pháp cũng không thể thủ đắc nên gọi là đạt được pháp nhẫn vô tận. Nếu như pháp nhẫn là không, không thật có thì đối với tất cả các tưởng, tất cả các hành đều không có chỗ lo sợ nên gọi là đạt được pháp nhẫn vô tận.

Pháp ấy không có nhãn cũng không nhãn thức, không có nhĩ cũng không nhĩ thức, không có tỷ cũng không tỷ thức, không có thiệt cũng không thiệt thức, không có thân cũng không thân thức, không có ý cũng không ý thức. Các giới vô tận tức là pháp nhẫn, giới vô vi tức là pháp nhẫn, không có ý giới tức là pháp nhẫn, đều rốt ráo tất cả mới đạt được pháp nhẫn.

Lúc thuyết giảng về pháp nhẫn vô tận này, có năm trăm Bồ Tát đạt được pháp nhẫn Bất khởi, đồng thanh bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn đầy đủ Tam Muội Đẳng tập chúng đức, cũng tu tập đầy đủ tất cả các pháp, đạt đến chỗ không còn sinh khởi. Các pháp sâu xa vi diệu này, Bồ Tát nên tu học và phụng hành. Nếu có người được nghe thì nên hoan hỷ tin thọ, đọc tụng, như pháp mà thực hành.

Khi ấy, Bồ Tát Câu Tỏa hỏi Bồ Tát Văn Thù: Như lời Bồ Tát nói, việc làm đã xong, đã được thành tựu.

Bồ Tát nên dùng pháp gì để thành tựu các việc?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Này Thiện Nam! Nếu Bồ Tát biết tất cả pháp không chỗ tạo tác thì việc làm của Bồ Tát ấy đã thành tựu hoàn hảo. Tất cả các pháp đều không thật có, cũng không chỗ thực hành.

Người hiểu rõ các pháp như vậy là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Tất cả các pháp cũng không có trí cũng không có hai. Người hiểu như vậy là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Tất cả các pháp cũng không lìa sự tạo tác, cũng chẳng phải là không tạo tác, cũng là tạo tác.

Người hiểu như vậy là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Nếu có người tuyên dương về các pháp, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Nếu được báo ân thì việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Gặp chỗ không xét kỹ thì tăng thêm sự xét kỹ, đó là việc làm đã xong, tăng thêm sự rốt ráo.

Người đáng được cúng dường thì làm việc cúng dường, khiêm nhường làm lễ, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Người biết xét kỹ hoặc không xét kỹ, hoặc có thể biện luận, xa lìa không biện luận, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Nếu người xem thường mà vẫn khiêm tốn làm lễ là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo.

Có sự tạo tác không có sự tạo tác và thực hành pháp tạo tác, có sự tiếp xúc không lỗi lầm là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Nếu người bố thí giúp người vào đạo, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Cũng không bố thí cũng không đắc đạo, cũng không có ta, cũng không có người, cũng không có người khác, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo.

Cũng không trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Cũng không khuyên người khác hướng đến đạo là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Hoặc có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, khuyên người vào đạo, đó là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo.

Chẳng phải trí, chẳng phải ngu, không ta không người cũng không chỗ thủ đắc, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Thân, miệng, ý nghiệp vâng làm các việc thiện, phân biệt việc này. Nếu thân, miệng, ý không làm các việc thiện, cũng không chỗ nắm bắt, cũng không chỗ vướng mắc, đó gọi là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo.

Bấy giờ, Bồ Tát Thường Kiên Tinh Tấn hỏi Bồ Tát Văn Thù: Tôi có thể nêu bày về việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo không?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Có thể.

Bồ Tát Thường Kiên Tinh Tấn thưa: Nếu khuyến khích một người nghe đạo là việc làm đã xong thì pháp tạng của Bồ Tát liền được tự tại.

Nếu khiến được nghe về Phật, Pháp, Tăng thì nên xem xét việc làm đã xong. Nếu hóa độ một người lãnh thọ giới cấm, khiến quy y Phật, Pháp, Tăng, chí luôn ở nơi Tam Bảo, là việc làm đã xong, cúng dường đầy đủ giới tạng của Bồ Tát. Hoặc có chỗ qua lại, hoặc có người bố thí, hoặc có người thọ nhận khuyến khích hướng đến đạo, hai việc ấy, là Bồ Tát làm thanh tịnh pháp Phật.

Hoặc có người bố thí, có người thọ nhận thực hành hai pháp ấy rồi khuyến hóa người thực hành hai pháp đó là Bồ Tát làm thanh tịnh Phật Pháp. Nếu Bồ Tát nhớ nghĩ về Phật, hoặc nhớ nghĩ về Pháp, hoặc nhớ nghĩ về Tăng, Bồ Tát, chúng sinh, là việc làm đã xong, thọ nhận sự cúng dường giới tạng của Bồ Tát.

Nếu Bồ Tát tu hành tâm từ, bi, hỷ, xả mà gặp một người thấp kém, bần cùng, trộm cắp, chém giết, chửi mắng có thể nhẫn nhịn, không sân giận, tiếp tục thực hành tâm từ, ý hoan hỷ đối với người, muốn làm lợi ích càng thêm tinh tấn là việc làm đã xong.

Hoặc đạt được trăm lợi ích, hoặc ngàn lợi ích, hoặc trăm ngàn lợi ích, ức trăm ngàn lợi ích, hoặc dùng ngọc ngà châu báu đầy khắp Cõi Diêm Phù Đề đạt được lợi ích này chưa từng đem của báu mà nói hai lời, lại bàn luận, chất vấn về sự hiểu biết của người khác, thà mất thân mạng chứ không nương theo việc ấy mà nói lời ác, không quên mất chánh pháp, không nương theo phi pháp. Bồ Tát quán như vậy thì việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo.

Lại nữa, này Bồ Tát Văn Thù! Nếu trong bảy ngày Bồ Tát không được sự cúng dường, không được thức ăn, nếu lại có người cúng dường thức ăn thì người ấy gần kề với các thông tuệ, tâm không hư vọng, lại muốn độ thoát tất cả chúng sinh, luôn nhớ nghĩ việc cứu độ chúng sinh, Bồ Tát quán như vậy là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo.

Giả sử khắp thế gian, nước tràn khắp mặt đất, nên vượt qua cõi nầy để cầu mong được giải thoát. Hoặc lửa tràn khắp, cũng nên vượt qua, cầu nghe chánh pháp, cũng không tiếc thân, cũng không tham mạng, cũng không yêu mến tuổi thọ, quán xét về các ấm nhập luôn di chuyển, Chư Phật Thế Tôn khó được gặp, kinh pháp khó được nghe, cung kính đối với pháp cũng khó gặp. Nếu Bồ Tát quán như vậy là thành tựu rốt ráo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần