Phật Thuyết Kinh đẳng Tập Chúng đức Tam Muội - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN HAI  

Này Lực sĩ! Ví như nước sông, ngòi, ao, rạch đều chảy về biển. Sự sinh ra các công đức về bố thí, trì giới, tích tập sự bình đẳng, tư duy về đạo tuệ, hữu lậu, vô lậu, vượt qua nghiệp ở đời, phước lành đã tạo giữa chốn Trời, Người đều quy tụ về ở Bồ Tát mới phát tâm.

Vì thế, thiện nam, Thiện Nữ muốn thâu giữ phước lành nên phát tâm bồ đề vô thượng. Ví như núi Tu Di, núi Thiết Vi, núi Tuyết, núi Hắc, các cây cỏ thuốc và các rừng cây khác, đất nước, quận huyện, thành ấp và bốn cõi thiên hạ, mặt trời, mặt trăng vận hành chiếu sáng khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Này Lực sĩ! Phước lành của phàm phu và phước đức của Hiền Thánh, Duyên Giác, Bồ Tát, Thế Tôn đều được thâm nhập vào Bồ Tát mới phát tâm. Vì vậy cần phải quán xét điều này. Nếu phát đạo tâm chánh chân vô thượng tức là thâu tóm tất cả công đức.

Phật bảo Lực sĩ: Ví như nơi các loài chúng sinh trong bốn châu thiên hạ thì Chuyển Luân Thánh Vương có ngôi vị tôn quý và phước đức thù thắng nhất.

Nếu đem phước đức ban cho dân chúng trong bốn cõi kia đều được ngang bằng phước đức của Chuyển Luân Thánh Vương, lại nhóm họp các phước đức cao vời này làm một Thánh Vương, khiến cho phước đức của chúng sinh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới, mỗi mỗi chúng sinh đều như Chuyển Luân Thánh Vương.

Mỗi mỗi Thánh Vương lại gấp bội chúng sinh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới. Tổng hợp các phước đức ấy lại làm phước đức của một người, khiến cho dân chúng trong hằng hà sa Thế Giới của Chư Phật đều được phước đức như một người kia.

Này Câu Tỏa! Ý ông nghĩ sao?

Phước đức ấy có thể biết được chăng?

Bồ Tát Câu Tỏa bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phước đức của Thánh Vương là không thể nghĩ bàn, huống chi là phước đức của tất cả các Chuyển Luân Thánh Vương thì chẳng thể tính kể.

Đức Phật dạy: Ví như tập hợp vô lượng phước đức này đem so sánh thì công đức của Bồ Tát phát tâm bồ đề gấp bội trăm ngàn vạn ức lần không gì sánh bằng, không thể ví dụ được. Đó là Tam Muội Đẳng tập chúng đức đã hội nhập lần thứ nhất của Bồ Tát mới phát tâm.

Phật bảo Bồ Tát Câu Tỏa: Ví như các Phạm Thiên ở ngàn Thế Giới đều muốn thực hành tâm từ, hoặc lại có người đem bảy báu đầy khắp ngàn Thế Giới dùng để bố thí, so với Phạm Thiên ở ngàn Thế Giới thực hành tâm từ thì phước đức thực hành tâm từ là thù thắng.

Hoặc ở ba ngàn Thế Giới cho đến năm ngàn, mười ngàn, hoặc đến trăm ngàn Thế Giới Phạm Thiên cùng thực hành tâm từ, hoặc dùng bảy báu đầy khắp trăm ngàn Thế Giới để bố thí, phước đức đã sinh ra đem so sánh sự hành tâm từ của Phạm Thiên ở trăm ngàn Thế Giới thì phước đức hành tâm từ nhiều không thể xưng tán được.

Giả sử phước đức của chúng sinh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới ngang bằng Phạm Thiên ở trăm ngàn Thế Giới hành tâm từ rộng khắp quần sinh, đem so sánh với phước đức hành tâm từ của người mới phát tâm tất gấp bội trăm ngàn vạn ức lần không thể sánh bằng, không thể ví dụ.

Vì sao?

Vì người mới phát tâm hướng đến đạo quả chánh chân vô thượng nên phước đức không thể hạn lượng. Vì vậy cần phải làm như điều thấy, biết. Nếu người có thể phát tâm bồ đề thì đầy đủ tất cả công đức. thiện nam, thiện nữ nào muốn được viên mãn vô lượng phước đức, nên phát tâm bồ đề cầu đạt đạo quả chánh chân vô thượng.

Đức Phật dạy: Này Lực sĩ! Đó là Tam Muội Đẳng tập chúng đức đã hội nhập lần thứ hai.

Phật bảo Bồ Tát Câu Tỏa: Hư không che trùm Thế Giới ở phương Đông, hư không xa gần có thể so lường được chăng?

Đáp: Bạch Thế Tôn! Không thể so lường, không thể tính kể, không có giới hạn.

Đức Phật dạy: Nên dẫn dụ như thế nào để người trí thông hiểu.

Thế Giới khắp mười phương đều được hư không bao trùm không thể cùng tận, giống như công đức, phước lành của định ý Đẳng tập chúng đức siêu vượt hơn vô lượng, tăng trưởng đầy đủ, vì các chúng sinh nên dùng các đạo đức để ủng hộ tâm ấy, nhờ đại tinh tấn viên mãn các hành. Giả sử có người đối với ba ngàn đại thiên Thế Giới này, dưới đến tận ranh giới của mặt nước, trên tới tận Cõi Trời Ba Mươi Ba với số hạt cải đầy khắp trong đó.

Mỗi mỗi hạt cải là một Cõi Phật. Đi qua vô số Cõi Phật ở phương Đông đặt xuống một hạt cải, đi qua mỗi mỗi Thế Giới đều như vậy bỏ hết số hạt cải ấy, cho đến chỗ không thể cùng tận ở Thế Giới phương Đông, khiến cho hằng hà sa Thế Giới đều đầy ắp những hạt cải. Có người đem hết số hạt cải ấy nghiền nát ra, làm thành hằng hà sa số hạt cải.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Ý ông nghĩ sao?

Lẽ nào có người tính toán, phân biệt biết được số hạt cải vụn nát ấy chăng?

Bồ Tát Câu Tỏa đáp: Bạch Thế Tôn! Số bột được nghiền nát ra của số hạt cải, giả như trí tuệ của Tôn Giả Xá Lợi Phất biết khắp Cõi Diêm Phù Đề dù trong một kiếp trù lượng tính toán cũng không thể biết được số lượng của hạt cải, huống chi là muốn biết số bột hạt cải đã nghiền nát ra của Hằng hà sa Thế Giới.

Giả như có người đi qua số hạt cải ở các Cõi Phật thả xuống một hạt cải, như vậy rồi đem hết số hạt cải ấy nghiền nát ra. Thế Giới ở phương Đông không thể biết được biên giới của nó. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương Đông Nam, phương Tây Nam, phương Tây Bắc, phương Đông Bắc, phương Trên, phương Dưới cũng như vậy.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Như hư không ở trong mười phương Thế Giới, các Cõi Phật đều có bảy báu trải khắp trong đó, lại đem tất cả ra để bố thí thì công đức đạt được có nhiều không?

Bồ Tát Câu Tỏa bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Công đức ấy là vô lượng.

Đức Phật dạy: Công đức của Bồ Tát mới phát tâm hành từ vượt hơn phước đức bố thí bảy báu của vô lượng Thế Giới ở phương Đông gấp bội trăm ngàn vạn ức lần, không thể sánh được, không thể ví dụ. Ví như hư không không thể đo lường được giới hạn. Tâm từ của Bồ Tát giống như hư không bao trùm khắp tất cả. Bồ Tát thực hành đại từ như vậy che phủ khắp cả.

Ví như chúng sinh thọ nhận vô số thân hình khắp các Thế Giới, Cõi Phật, Bồ Tát hành đại từ khiến cho các chúng sinh đều được thành tựu làm Chuyển Luân Vương, đầy đủ công đức như Đế Thích, Phạm Vương đã thực hành vô số công đức.

lại đem so sánh với Bồ Tát hành hóa thanh tịnh, trung thực, không dối, muốn độ chúng sinh an trụ nơi đại bi, vì lòng từ bi thương xót, bước đi bảy bước, thâu lấy các công đức siêu việt hơn các chúng sinh, làm phước đức cho Đế Thích, Phạm Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, phước đức ấy gấp bội trăm ngàn vạn ức lần không thể so lường, không thể ví dụ. Đó là định ý Đẳng tập chúng đức đã hội nhập lần thứ ba.

Đức Phật bảo Bồ Tát Câu Tỏa: Oai thần công đức của tất cả chúng sinh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới đều cao vời như công đức của Phạm Vương, Đế Thích, Chuyển Luân Thánh Vương, không thể nào so sánh với đại từ của Bồ Tát mới phát tâm. Giả sử, tất cả chúng sinh trong mười phương đều có công đức gấp trăm ngàn vạn ức lần Phạm Vương, Đế Thích, Chuyển Luân Vương cũng không thể so sánh được với Bồ Tát hành đại từ bi.

Giả sử tất cả chúng sinh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới đều có công đức như thanh tín nam, đem so sánh thì phước tuệ Tôn Giả Xá Lợi Phất gấp bội trăm ngàn vạn ức lần không thể sánh được.

Giả sử, chúng sinh khắp trong ba ngàn đại thiên Thế Giới đều có trí tuệ công đức như Tôn Giả Xá Lợi Phất, đem so sánh thì công đức trí tuệ của bậc Duyên Giác gấp bội trăm ngàn vạn ức lần, không thể so tính được, không thể ví dụ được.

Giả sử, chúng sinh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới đều thành tựu công đức trí tuệ như bậc Duyên Giác muốn đem so sánh thì hạnh Bồ Tát năm đời gấp bội trăm ngàn vạn ức lần, không thể sánh kịp, không thể ví dụ được. Đó là định ý Đẳng tập chúng đức đã hội nhập lần thứ tư.

Khi thuyết giảng phần kinh này, có hai vạn hai ngàn người đều phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng, ba ngàn đại thiên Thế Giới đều chấn động đủ sáu cách, ánh sáng kia chiếu khắp vô lượng ức trăm ngàn Thế Giới, nhạc Trời không tấu mà tự vang lên, mưa xuống hoa Trời che khắp Đạo Tràng tung rải trên chỗ Đức Phật, biến khắp đại chúng ngập đầy đầu gối.

Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, các chúng Trời, rồng, quỷ thần đều tán thán: Nguyện xin Đức Thế Tôn! thiện nam, Thiện Nữ một lòng chí thành phát tâm chánh chân vô thượng, như Đại Thánh vừa thuyết giảng, chúng con xin vâng theo. Giả sử người không phát tâm bồ đề thì quyết định không thành tựu định ý Đẳng tập chúng đức, huống chi là đạt được vô lượng công đức.

Lúc ấy, Lực sĩ Ly Cấu Oai bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nên thực hành pháp gì mới có thể thành tựu được định ý đẳng tập chúng đức?

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Có một pháp tu tập sẽ đạt được định này.

Pháp ấy là gì?

Phát tâm tu tập thần thông, trí tuệ. Đó là một pháp đạt được định này. Lại có hai pháp tu tập đạt được định này.

Hai pháp ấy là: Hoặc lắng nghe pháp, vâng theo không nhàm chán. Hoặc như pháp đã nghe, tư duy quan sát bàn luận. Đó là hai pháp. Lại có ba pháp tu tập đạt được định này.

Ba pháp ấy là: Diệt trừ các điều ác, tu tập nghiệp thiện, gieo trồng các gốc công đức. Đó là ba pháp. Lại có bốn pháp tu tập đạt được định này.

Bốn pháp ấy là: Giới cấm thanh tịnh, kiến giải thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh, trí tuệ thanh tịnh. Đó là bốn pháp. Lại có năm pháp tu tập đạt được định này.

Năm pháp ấy là: Lời nói thanh tịnh, ý chí kiên cố, tâm tánh chất trực không quanh co, tâm thanh tịnh, vững chắc không sai khác. Thường dùng tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, đó là năm pháp. Lại có sáu pháp tu tập đạt được định này.

Sáu pháp ấy là: Thân cận bạn lành, xa lìa bạn ác, tránh chỗ đông người, tu tập ở chốn vắng lặng thực hành đại từ, thương xót chúng sinh. Đó là sáu pháp. Lại có bảy pháp tu tập đạt được định này.

Bảy pháp ấy là: Phân biệt, tạo lập sự tĩnh lặng. Tư duy quan sát trừ diệt quả báo. Dùng duyên khởi để xa lìa chỗ kiến chấp. Hiểu rõ tội phước đều do sự liên lụy. Dẫn dắt lợi ích vượt ngăn ngại đạt đến bình đẳng. Vào nơi Đạo Tràng để cầu đạt đạo pháp. Nhẫn chịu sự mắng nhiếc, không có tâm sân giận. Đó là bảy pháp. Lại có tám pháp tu tập đạt được định này.

Tám pháp ấy là: Thân sống đạm bạc, miệng giữ im lặng, tư duy tịch tĩnh, quan sát chỗ thọ nơi các pháp, nghiệp ác chưa sinh khởi không nghĩ đến thì nó không phát sinh, nghiệp ác đã sinh khởi thì suy nghĩ để trừ bỏ, nghiệp thiện chưa sinh thì tư duy khiến cho nó sinh khởi, nghiệp thiện đã sinh thì làm cho nó tăng trưởng. Đó là tám pháp. Lại có chín pháp tu tập đạt được định này.

Chín pháp ấy là: Quán pháp quá khứ để biết vô thường, đối với pháp vị lai thì chưa sinh, pháp hiện tại thì không có hai, hội nhập vào ba đời đều bình đẳng. Tất cả các pháp giống như pháp nhẫn, không chấp trước về không, phân biệt vô tướng, xa lìa sở nguyện, giả sử có sinh thì có cứu giúp. Đó là chín pháp. Lại có mười pháp tu tập đạt được định này.

Mười pháp ấy là: Hiểu rõ vô ngã, không thọ mạng, không nhân, vô thường, tất cả sự sinh đều là khổ hoạn, vô vi tịch diệt là giải thoát, xa lìa điên đảo, cứu độ chúng sinh, thuận theo lời dạy nơi Kinh Điển giáo pháp đã nghe thì phụng hành theo.

Phật bảo Lực sĩ Ly Cấu Oai: Đó là mười pháp Bồ Tát đã thực hành, do đó đạt được tam muội Đẳng tập chúng đức.

Lực sĩ Ly Cấu Oai bạch Phật: Bồ Tát tích tập vô lượng công đức mới được nghe định ý này. Muốn thực hành các đức chân chánh nên lãnh hội định này. Muốn đạt được phước đức không thể nghĩ bàn thì nên lãnh hội định này. Muốn khiến cho lợi ích lớn không bị hao tổn nên học định này.

Lực sĩ Ly Cấu Oai lại bạch Phật: Làm sao đạt được phước đức vô lượng như biển cả?

Hơn hết các công đức, không thể nghĩ bàn.

Phật bảo Lực sĩ Ly Cấu Oai: Bồ Tát có ba việc đạt được công đức vô tận như biển cả, hơn hết các công đức, không thể nghĩ bàn.

Ba việc ấy là: Một là ưa thích bố thí, hai là hộ trì giới cấm, ba là học rộng không hề mệt mỏi, đó là ba.

Này thiện nam! Thế nào gọi là Bồ Tát ưa thích bố thí không tham tài vật, không nên dùng vật để khuyên bảo giáo hóa. Giả sử có vật không muốn bố thí, người nhận không nên nhận vật ấy.

Giả sử người nhận không bỏ vật đã lấy, không nên khuyên ngăn họ và quyến thuộc. Giả sử người xin có sự mong cầu, phát tâm không thọ nhận thì không nên khuyến hóa nhà Vua ban cho tài vật, nhà cửa, phòng ốc. Giả sử người xin có sự mong cầu, tâm ấy không khác.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nên phát tâm này: Ta vì tất cả chúng sinh nên ban cho thân mạng. Nếu có người đến muốn xin các vật có được của ta như voi, ngựa, xe, y phục, đầu, mắt, tủy não, mắt, tai, mũi, miệng, thân thể, tay chân, da, tóc, thịt, máu, tùy theo sự mong cầu đều bố thí cho họ, tâm không ân hận, nhẫn nhục ban cho, đã bố thí rồi, không mong đền trả, chỗ có thể xả bỏ thì cung cấp ban cho chúng sinh không hề luyến tiếc.

Chúng sinh được ân ban cho những sự thiếu thốn, từ đó trở đi là nhằm thâu giữ giáo hóa tất cả chúng sinh. Lúc thành Phật đạo, vì họ mà thuyết giảng kinh pháp, khiến mau được giải thoát.

Này thiện nam! Nếu có Bồ Tát phát tâm như vậy đó gọi là Bồ Tát không tham tiếc thân mạng. Thà mất thân mạng chứ không phạm vào việc ác, không hại sinh mạng người khác dùng để nuôi dưỡng thân ấy, không dùng thân mạng phạm vào việc bất thiện, không dùng tài vật hủy hoại người khác, không dùng quyến thuộc gây tranh cải kiện tụng thù oán.

Không tạo nguy hại cho con cái người khác để nuôi dưỡng vợ con mình, điều tự mình không vui thích thì không đem đến cho người khác, đã biết vừa đủ thì dốc lòng chuyên chú, không ưa thích các việc bất thiện, huống chi là phạm các việc ác, trừ bỏ tham lam, ganh ghét và những điều xấu ác, thường biết đủ, làm việc chân chánh, không có tâm sai khác, phân biệt, đạt đến bình đẳng.

Đạt bình đẳng rồi không còn các tà vạy tức là đạt được tâm từ, đã tu tập tâm từ liền gặp bạn lành, đã gặp bạn lành liền được nghe pháp tịch diệt, đã nghe pháp tịch diệt liền tạo lập các hạnh, đã tạo lập các hạnh liền hóa độ chúng sinh, hóa độ chúng sinh rồi liền giảng thuyết, bàn luận về pháp giải thoát.

Nếu Bồ Tát không vì chúng sinh, không tu pháp tịch diệt thì không đạt đến chỗ vi diệu, đã không đạt được chỗ vi diệu thì không đạt được đạo nhẫn, không đạt được đạo nhẫn thì không đạt được phương tiện thiện xảo, không thể thấy được căn cơ hướng đến của tất cả chúng sinh.

Này thiện nam! Bồ Tát ưa thích bố thí, học rộng, nghe nhiều vượt quá hơn đây, không thể tính kể.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần