Phật Thuyết Kinh đạo Thần Túc Vô Cức Biến Hóa - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠO THẦN TÚC VÔ CỰC BIẾN HÓA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn
PHẦN BỐN
Này Thiên Tử! Bồ Tát lại có bốn pháp, đối với giới sâu dày thực hành không buông thả.
Những gì là bốn?
Này Thiên Tử! Bồ Tát suy nghĩ: Những gì gọi là giới?
Chính mình thấy những việc của thân làm như vậy và đều biết thân làm lành, miệng nói điều tốt, tâm nghĩ tốt. Đó gọi là giới.
Thế nào là thân làm, miệng nói, tâm nghĩ?
Thân không phạm những việc: Không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục. Đó là thân làm lành.
Thế nào là miệng nói tốt?
Miệng không nói ác, không nói hai lưỡi, không nói dối trá, không nói thêu dệt. Đó là miệng nói tốt.
Thế nào là ý nghĩ tốt?
Không ganh ghét, không tức giận, không tà kiến. Đó là ý nghĩ tốt. Như vậy là tự thấy được chính mình. Vì lý do đó, cho nên được đầy đủ sở hành của thân, khẩu, ý là không làm những việc này, thì công đức ấy, không thể nói hết. Cũng không có màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, mà không lìa sắc, cũng không nhãn thức mà có thể biết, như vậy cũng không ý thức phân biệt mà có thể biết.
Vì sao?
Vì đối với không sinh, không chỗ sinh. Đối với khởi, không chỗ khởi. Như vậy, không sinh không chỗ sinh, không khởi không chỗ khởi liền được công đức không thể diễn nói khắp hết được. Khi ấy, tâm sẽ yên ổn không thể lay động, như vậy là không tương phùng, không có thể diễn nói hết.
Không có thể diễn nói hết được như vậy, cũng không tự nói ta có thể làm, hay là nói ta có thể thực hành, tâm cũng không thể thấy. Như vậy nói tâm, giới cũng lại không thể thấy hết dấu vết.
Này Thiên Tử! Như vậy Bồ Tát mau đạt được công đức của giới thâm sâu.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát biết công đức lìa sở kiến thân. Biết sở kiến không chỗ khởi. Hoặc giới hoặc không giới đều bình đẳng không có chỗ làm.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát được trụ vào pháp yếu sâu dày, nên dò xét như vậy: Mọi việc học được đều phải thực hành hạnh nguyện sâu xa. Đối với hạnh của tất cả các thừa đều phải thực hành. Đó là giới, thực hành như vậy, là không tự lừa dối mình, cũng không lừa dối người. Đó là giới thâm sâu.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát được giới không phạm, giới không thiếu sót, giới không quên mất.
Thế nào là Bồ Tát được giới không phạm, giới không thiếu sót, giới không quên mất?
Này Thiên Tử! Người có khả năng tự bảo vệ chính mình, thì có khả năng bảo vệ và giữ gìn.
Này Thiên Tử! Người tự biết chính mình, thì có khả năng biết giới, không khinh thường giới. Đối với sự học không chỗ khuyết, đối với giới không mất. Vì lý do đó, cho nên, không mất giới và đều biết được pháp của tất cả người khác.
Sao gọi là người khác, ta ở tại chỗ nào?
Việc không oán giận người khác, cũng vậy.
Này Thiên Tử! Vì lý do đó, cho nên, có thể độ thoát cho tất cả mọi người.
Này Thiên Tử! Đó là bốn pháp, Bồ Tát được giới sâu dày mà không buông lung.
Đức Phật lại nói kệ:
Việc thân miệng ý làm
Pháp trong sạch lại sạch
Hạnh ấy hơn ngọc báu
Chính là giới Bồ Tát.
Mười lành là hơn hết
Bồ Tát giữ gìn pháp
Thân miệng ý không khuyết
Giới ấy là rất sáng.
Không làm, cũng không sinh
Với sinh, mà không sinh
Không loài không nơi trụ
Làm sao được vô trí?
Không chỗ tạo tác giới
Mắt nhìn không thể thấy
Chẳng phải tai, mũi, miệng
Chẳng phải thân, ý, thức.
Không tạo gốc sáu tình
Cũng không chỗ để trụ
Giới này rất trong sạch
Giới cũng không chỗ trụ.
Giữ giới không buông lung
Với giới không ngã tưởng
Giữ giới, không nghĩ giới
Nên được giới sâu xa.
Như vậy thấy thân hành
Xa lìa mọi sự thấy
Không mong cầu chỗ thấy
Với giới, không nghĩ, tưởng.
Như luật vào pháp sâu
Hoàn tất được các hạnh
Diệt nghiệp lại hộ giới
Với giới không tưởng khác.
Có ta liền có giới
Không ta cũng không giới
Nói thế là sợ hãi
Biết ta thì có giới.
Không nghĩ giới rỗng lặng
Không chấp giới vắng lặng
Giới rỗng lặng, không thời
Vắng lặng không suy nghĩ.
Giới vô thượng không thiếu
Với giới không cống cao
Giới cũng không ngã tưởng
Đó là giới sâu dày.
Với giới rất dũng mãnh
Giới chẳng làm, chẳng thiện
Giới đầy đủ các hành
Không thể được các pháp.
Giới có tưởng là si
Không giới nói giữ giới
Đó là diệt quả giới
Không thoát khỏi năm đường.
Xa lìa mọi tà kiến
Ngã sở đều không dùng
Giới cũng không chỗ thấy
Không sợ ở năm đường.
Nhìn không thấy là thấy
Giới không thêm không tốt
Với ta mà không bệnh
Đều thấy tu tập giới.
Lúc đó, Nguyệt Thiên Tử lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất kỳ lạ, chỉ có Đức Như Lai thâm diệu mới được như vậy. Đấy chính là đạo vô thượng chánh chân của Phật Thế Tôn, chỗ thực hành sự bố thí của Bồ Tát, rất kỳ lạ. Như vậy gọi là mắt thấy các pháp hạnh, không khởi lên hành nghiệp, tự cho mình tốt, lợi ích cho bản thân thì sẽ hoại chánh đạo.
Từ lâu, hành nghiệp đã đoạn lìa thân tưởng, thực hành trong vô số kiếp mà không rơi xuống địa vị Thanh Văn và Bích Chi Phật, lại không rơi vào rốt ráo đối với đạo. Pháp Phật đầy đủ có bao nhiêu pháp.
Bạch Thế Tôn! Bồ Tát đối với pháp hạnh sâu xa, chứ không đối với ức, trăm, ngàn, vạn Phật, mà chứng đắc.
Đức Phật bảo: Này Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc để được pháp hạnh sâu xa, không đối với ức, trăm, ngàn, vạn Phật làm chỗ chứng đắc.
Những gì là bốn?
Này Thiên Tử! Bồ Tát vững vàng ở các pháp yếu, dùng nhất thiết trí xuất gia rống tiếng rống lớn để được tinh tấn, mà không khiếp nhược. Lại vì tất cả, bỏ mọi cái mình có. Trụ vững ở việc bố thí thì liền được đại bi. Như Đức Phật đã nói, đã hỏi, đều trả lời là mau được quyền biến phương tiện khéo léo đối với tất cả công đức đã thành tựu, lại thành tựu các công đức khác.
Này Thiên Tử! Đó là bốn việc, đối với pháp hạnh sâu xa của Bồ Tát, không đối với vô số ức, trăm, ngàn Phật mà cầu chứng đắc.
Đức Phật lại nói kệ:
Đứng vững vào việc làm
Trí ấy cũng như vậy
Đời trước đã được trí
Cũng quyết không buông bỏ.
Nên dùng nhất thiết trí
Việc làm không sầu lo
Tất cả mọi hình sắc
Đều biết rõ hết thảy.
Việc làm luôn siêng năng
Suốt đời không buông lung
Tâm cũng không mệt mỏi
Các hành cũng như vậy.
Tất cả việc làm ấy
Đều mong cho tất cả
Với chúng sinh như vậy
Thường có tâm bình đẳng.
Luôn khởi lòng thương lớn
Lo nghĩ đến mọi người
Thương xót người đau khổ
Đều muốn khiến an ổn.
Nguyện mau được thành Phật
Chấm dứt mọi khổ não
Đạt được các ngọc báu
Nhiều không thể kể hết.
Thường dùng tuệ thiện quyền
Học hỏi các phương tiện
Siêng năng làm công đức
Thực hành không nhàm chán.
Chỗ làm được rốt ráo
Ứng hợp với hạnh ấy
An ổn nơi chánh đạo
Không nghĩ đến chỗ ở.
Đem các pháp như thế
Giữ gìn cho chắc chắn
Là hạnh của Bồ Tát
Các hạnh đều biết rõ.
Đối với pháp sâu xa
Các hành đều đầy đủ
Với ức trăm ngàn Phật
Việc làm không biếng nhác.
Khi ấy, Nguyệt Thiên Tử bạch Phật: Thế nào là Bồ Tát được pháp hạnh sâu xa?
Đức Phật nói: Này Thiên Tử! Bồ Tát không mong cầu pháp của người phàm. Cũng không mong cầu của Phật. Cũng không nghi ngờ pháp của người phàm. Đối với pháp của Phật, pháp của người phàm đều bình đẳng không khác. Không cầu pháp của người phàm.
Cũng không nắm bắt, không quên mất pháp của Phật. Đối với người phàm, cũng không khác. Đối với Pháp Phật cũng không khác, cũng không nghĩ đến điều đó. Không nói pháp người phàm là không tôn kính, pháp của Phật là tôn kính.
Đối với pháp người phàm, cũng không chỗ dứt bỏ, đối với Pháp Phật cũng không chỗ dứt bỏ. Như vậy trong cái sinh lại sinh, đó gọi là pháp người phàm. Pháp Phật cũng như vậy. Hai pháp này là rỗng không, là vắng lặng, là chắc chắn, như vậy là biết không xứ.
Đối với pháp người phàm cũng không có chỗ cầu. Đối với Pháp Phật cũng không có chỗ cầu. Đối với pháp của người phàm không có nơi sở hữu. Đối với Pháp Phật cũng không có nơi sở hữu. Hai pháp này, không thấy có người phàm, cũng không thấy không có người phàm. Như vậy cái biết như là mắt thấy, sự thấy đó đều là không, đều là vô tướng, đều là vô nguyện như vậy trí tuệ như chỗ mắt đã thấy.
Trí như vậy là Pháp Phật. Đối với Pháp Phật cũng không có và không, cũng không nghĩ là có chỗ an ổn, có chỗ khổ, cũng không nghĩ là tốt, là xấu, tất cả đều không, cũng như hư không. Trong cái không, cũng không ở trong cái không mà thấy cái không, cũng không biết, cũng không cầu.
Vì sao?
Vì đã là tập thì có già, có khởi.
Này Thiên Tử! Mỗi một pháp, đối với pháp, gọi là pháp trụ, pháp diệt, pháp tịch, lúc đó cũng không tự thấy, cũng không chỗ thấy, cũng không tự biết, cũng không chỗ biết.
Vì sao?
Vì hoặc người phàm, hoặc đệ tử, hoặc Bích Chi Phật, hoặc Chánh Đẳng Giác, hoặc thọ ký, hoặc hành nghiệp ở các địa.
Này Thiên Tử! Bồ Tát chẳng đối với các pháp chẳng không, với Pháp Phật chẳng không.
Vì sao?
Này Thiên Tử! Pháp là âm thanh pháp, là âm lành này và âm lành kia, thế nên không thể được và như vậy là không thể được. Đó là vô ngã. Vì vô ngã như vậy, cho nên không nói là có trụ, không trụ mà qua.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba