Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Một - Phẩm Một Kệ - Phẩm Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP TÁM
TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ
CHƯƠNG MỘT
PHẨM MỘT KỆ
PHẨM NĂM
Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Ràjagaha Vương Xá, trong nhà một Bà La Môn giàu có. Khi Vua Bimbisàra gặp Bậc Ðạo Sư, do nghiệp duyên đời trước, Ngài xuất gia, đi đến một ngọn núi gần Vebhàra và Pandava, và trú tại chỗ ấy, chuyên hành tu tập.
Một hôm, một cơn giông tố lớn nổi lên và sét đánh vào hang, nhưng nhờ gió lớn của các đám mây, làm nhẹ bớt sức nóng đang đè nặng trên Ngài, nhờ vậy với một nhiệt độ thích hợp, Ngài có thể thiền định, Thiền Quán và cuối cùng chứng quả A La Hán.
Với bài kệ nói lên chánh trí của mình, Ngài thốt lên những lời như sau:
Giữa đồi Vebhara,
Giữa đồi Pandava,
Sét đánh vào cửa hang,
Ðứa con bậc vô tỷ,
Như vậy, vẫn ngồi thiền.
Trong thời Đức Phật tại thế, Ngài sanh ở nước Ma Kiệt Đà tại làng Nàlaka, con của nữ Bà La Môn Rùpasàrì.
Khi Ngài lớn lên, mẹ Ngài muốn Ngài lập gia đình, nhưng khi nghe Sàriputta xuất gia, Ngài bắt chước Sàriputta, đến các Tỳ Kheo xin được thọ giới, tự xưng là em trai của Sàriputta.
Khi Ngài chứng quả A La Hán tại rừng cây xương rồng, Ngài đi đến Xá Vệ để đảnh lễ Thế Tôn, và ở lại một vài ngày tại Tịnh Xá Kỳ Viên. Rồi Thế Tôn, ngồi giữa đại chúng Tỳ Kheo, xác nhận Ngài là Tỳ Kheo ở rừng đệ nhất.
Một thời khác, Ngài đi đến làng sanh quán, đem ba người cháu trai là con trai của ba người chị Càlà, Upacàlà, Sisùpacàlà, cũng tên là Càlà, Upacàlà và Sisùpacàlà cho chúng xuất gia.
Một hôm Ngài bị ốm và Sàriputta đi đến thăm, Revata muốn dạy cho ba người cháu chớ có phóng dật, nên khi thấy Sàriputta từ xa đến, bèn nói lên bài kệ:
Hỡi này cháu Càlà,
Này Upacàlà,
Sisùpacàlà,
Hãy sống, trú chánh niệm,
Vị đang đến các con,
Như vị bắn chẻ tóc.
Ngài sanh ở tại một làng nhỏ, gần Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khó. Lớn lên, Ngài tự nuôi sống giữa đồng ruộng, với cái liềm, cái cuốc và cái cày.
Một hôm Vua Pasenadi cúng dường Đức Phật với Chư Tăng và Ngài đi đến. Đem theo sữa và bơ cùng với các người làm công khác.
Khi thấy các Tăng, Ni được cung kính cúng dường, Ngài nghĩ các Tăng, Ni này sống trong các nhà cửa được che kín và mặc các y phục tốt đẹp và Ngài xin xuất gia để hưởng những tiện nghi này.
Một Trưởng Lão Tăng vì lòng từ chấp nhận Ngài được xuất gia, cho Ngài một đề tài tu hành và bảo Ngài đi vào rừng để tu tập.
Nhưng trong hạnh độc cư, Ngài cảm thấy buồn bã chán nản và đi về lại làng của mình. Khi về, Ngài thấy các dân quê cày bừa với áo quần nhớp nhúa, đầy bụi bặm và bị nóng bức.
Thấy vậy, Ngài trở lại tu tập, đi đến dưới gốc cây, tu tập thiền định, sống cô độc, phát triển thiền quán. Cuối cùng, Ngài chứng được quả A La Hán.
Ðể nói lên sự giải thoát khỏi nỗi khổ cuộc đời, Ngài thốt lên bài kệ này:
Khéo thoát! Ôi khéo thoát!
Thật sự ta khéo thoát,
Thoát ba sự cong queo,
Ta thoát cong với liềm,
Ta thoát cột với cày,
Ta thoát cực với cuốc,
Nếu có đây, có đây,
Thật đủ chán, đủ chán,
Hỡi Sumangala!
Hỡi Sumangala!
Hãy thiền, hãy thiền định!
Hỡi Sumangala!
Hãy sống không phóng dật.
Trong thời Đức Phật tại thế, Ngài sanh ở Xá Vệ trong gia đình một cư sĩ, sau khi người cha đã từ bỏ gia đình.
Bà mẹ, đặt tên Ngài là Sànu, khi Ngài lên bảy tuổi, được đưa đến ở với các Tỳ Kheo, nghĩ rằng như vậy con mình được sống hạnh phúc.
Rồi Sànu trở thành một vị học hành giỏi, một vị Pháp Sư, Thiền Sư với lòng từ bi, được Chư Thiên và loài người ái kính.
Trong đời trước, mẹ Ngài là một nữ Dạ Xoa. Sau một thời gian, Ngài mất sự sáng suốt, sống sầu khổ và muốn đi lang thang đây đó.
Bà mẹ Dạ Xoa của Ngài thấy vậy liền báo động với bà mẹ hiện tại và bảo bà khích lệ con bà phải tinh tấn, và đọc lại lời nói của các Dạ Xoa:
Chớ có làm điều ác,
Công khai hay bí mật,
Nếu người làm điều ác,
Sẽ làm hay đang làm,
Người không thoát khổ đau,
Dầu có đứng lên chạy.
Nói như vậy xong, người mẹ Dạ Xoa biến mất, nhưng người mẹ hiện tại, nghe vậy rất lấy làm sầu khổ. Rồi Sa Di Sànu cầm y và bát đến thăm bà mẹ rất sớm.
Thấy mẹ sầu muộn, Ngài hỏi và được bà mẹ trả lời lý do, Ngài nói bài kệ:
Thưa mẹ, người ta khóc,
Khóc vì người đã chết,
Hay có khóc người sống,
Khi sống, không được thấy,
Thưa mẹ, con đang sống,
Và mẹ đang thấy con,
Vậy vì sao, thưa mẹ,
Mẹ lại khóc cho con?
Bà mẹ trả lời, từ những lời trong Kinh:
Ðây là sự chết, này các Tỳ Kheo trong giới luật của Bậc Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục, và nói bài kệ như sau:
Người ta khóc cho con,
Là khóc cho con chết,
Hay khóc cho con sống,
Nhưng không được thấy mặt.
Ai đã bỏ dục vọng,
Lại trở lui đời này,
Này con, người ta khóc,
Là khóc cho người ấy,
Vì người ấy được xem,
Còn sống cũng như chết,
Này con, được kéo ra,
Khỏi than hầm lửa rực,
Con còn muốn rơi vào,
Ðống than hồng ấy chăng?
Khi Ngài nghe vậy, Sa Di Sànu lấy làm xấu hổ sầu muộn, và tinh tấn phát triển thiền quán, không bao lâu Ngài chứng quả A La Hán.
Suy nghĩ rằng Ngài chiến thắng là nhờ những bài kệ này, nên lấy những bài kệ ấy thành những bài kệ của Ngài.
Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Vương Xá, con một công dân có tên tuổi và sống đời sống tuổi trẻ trác táng.
Một hôm, Ngài thấy các quân lính nhà Vua bắt một người thông dâm, Ngài sanh tâm dao động, nghe lời Phật dạy và xuất gia.
Là Tỳ Kheo, Ngài vẫn còn những ái dục về thân, Ngài sắp đặt phòng Ngài thật đầy đủ bàn ghế, đầy đủ đồ ăn, đồ uống, đồ nằm và sống như vậy.
Do vậy, Ngài được tên là Ramanìyavihìrim người sống trong lạc dục. Nhưng đời sống cũ của Ngài làm Ngài khó sống đời sống Tỳ Kheo, Ngài cảm thấy không xứng đáng để nhận đồ cúng dường, Ngài bỏ đi, bộ hành lang thang đó đây.
Trên đường đi, khi ngồi nghỉ dưới gốc cây, Ngài thấy các xe bò đi ngang qua, một con bò vì mệt mỏi nên vấp ngã, người đánh xe cởi dây cho con bò, cho nó rơm và nước, và làm cho nó đỡ mệt, xong lại cột con bò vào xe và bắt nó kéo xe đi.
Ngài suy nghĩ: Con bò này đã vấp ngã nhưng đã đứng dậy và kéo đi gánh nặng của mình. Vậy ta phải tinh tấn, sau khi rơi vào rừng nhục dục, cần phải đứng dậy và làm tròn bổn phận của người tu hành.
Rồi Ngài trở về, kể lại câu chuyện cho Trưởng Lão Upàli và được Upàli chấp nhận cho sám hối các lỗi lầm, và giúp Ngài trở lại nếp sống chân chánh. Không bao lâu, Ngài chứng quả A La Hán.
Về sau, hưởng thọ an lạc giải thoát, Ngài nói lên sai lầm của Ngài, và sự trở lui lại nếp sống chân chánh trong bài kệ này:
Như con thú hiền thiện,
Giống tốt, huấn luyện khéo,
Sau khi đã vấp ngã,
Lại đứng lên, an trú,
Ta đầy đủ Chánh kiến,
Ðệ tử bậc Chánh Giác.
Ngài sanh ra trong đời Đức Phật hiện tại, ở Vương Xá con một gia đình quý tộc. Từ khi sanh Ngài, tài sản của gia đình được tăng trưởng, Ngài lại đẹp trai, có giới hạnh và được đặt tên là Samiddhi Thịnh Vượng, Ngài chứng kiến sức mạnh của bậc Ðạo Sư khi gặp Vua Bình Sa, khởi lên lòng tin, xuất gia, tinh tấn tu thiền.
Khi Đức Phật sống ở vườn Tapoda, Samiddhi đang cảm thấy an lạc được sống hạnh Tỳ Kheo, thời ác ma hiện ra quấy phá, phát ra tiếng động như quả đất nổ tung.
Ngài thưa với Đức Phật và Đức Phật khuyên nên bình tĩnh, vẫn kiên trì tu tập và đừng nghĩ đến vấn đề ấy nữa. Ngài vâng theo và không bao lâu Ngài chứng quả A La Hán.
Ác ma không biết sự kiện ấy, ác ma lại tạo nên một tiếng động kinh khủng, nhưng Ngài không có sợ hãi, Ngài nói lên chánh trí của Ngài với bài kệ như sau:
Ta với lòng tín ngưỡng,
Bỏ gia đình, xuất gia,
Niệm tuệ ta tăng trưởng,
Tâm tư ta thiền định,
Dầu ngươi tạo sắc gì,
Không làm ta sợ hãi.
Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Vương Xá, con một Bà La Môn theo truyền thống. Lớn lên và giỏi về ba tập Vệ Đà, Ngài thấy không có cốt tủy, với nghiệp lành chín muồi, Ngài đi đến rừng Trúc nghe Thế Tôn Giảng và xuất gia, thiền tư về giới hạnh trong rừng, không bao lâu Ngài chứng quả A La Hán.
Rồi Ngài đi đến Thế Tôn đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên, tán thán Thế Tôn, Ngài nói lên bài kệ đề cập đến chánh trí của Ngài:
Ðảnh lễ Phật, anh hùng,
Ngài giải thoát mọi chỗ,
Trong nếp sống của Ngài,
Gồm cả phần giáo điển,
Con sống không lậu hoặc,
Không còn bị trói buộc.
Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Vương Xá, con một Bà La Môn giàu có. Khi lớn lên, Ngài theo gương Brahmàya, Pokkhanrasàti và các vị Bà La Môn danh tiếng khác, các vị này khởi lòng tin bậc Ðạo Sư và chứng được Sơ Quả.
Về sau, Ngài xuất gia và chứng được sáu Thắng trí.
Nói lên chánh trí, Ngài dùng bài kệ này:
Từ khi ta xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ta không có tư duy,
Những tư tưởng phàm phu,
Những tư niệm phi thành,
Liên hệ đến sân hận.
Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Xá Vệ con một gia đình giàu có. Tâm Ngài rất xúc động khi Kỳ Viên được dâng cúng Đức Phật và Ngài xuất gia.
Sống trong rừng, Ngài thiền quán về giới hạnh, vì quả chứng và hạnh dễ thương của Ngài, Ngài được gọi là Ràmaneyyaka hạnh khả ái, dễ thương.
Một hôm, ác ma muốn phá hoại Ngài, đã phát ra một tiếng động rất lớn, Ngài dùng bài kệ nói lên sự không xúc động của mình.
Dầu tiếng người hò hét,
Tiếng náo động chim muông,
Tâm ta không dao động,
Ta ưa thích độc cư.
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của Ngài. Trong thời Đức Phật hiện tại, Ngài sanh ở Vương Xá, từ một gia đình giàu có.
Do Hạnh Nguyện đời trước, Ngài có một thân thể thật trong sạch như giọt sương trên lá sen, bởi vậy, được tên là Vimala.
Khi lớn lên Ngài khởi tín tâm khi gặp được Đức Phật ở Ràjagaha, rồi Ngài xuất gia, tìm một đề tài học tập, đến ở trong một hang núi ở Kosala.
Một hôm Trời chuyển giông, mưa rơi xuống, làm nhẹ bớt sức nóng, Ngài có thể định tâm, chứng được quả A La Hán.
Sung sướng với quả chứng của mình, Ngài thốt lên bài kệ này:
Ðất, nước mưa ướt thấm,
Gió thổi mát không gian,
Trên Trời, chớp vạch đường,
Tư tưởng ta lắng dịu,
Tâm ta thật định tĩnh.
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của Ngài.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Tám - Pháp Hội đại Thừa Phương Tiện - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi Bảy - Thiền Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Một - Phẩm Hạnh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thánh Mặc Nhiên
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Sáu - Phẩm Vương Tương ưng - Kinh Tần Bệ Sa La Vương Nghinh Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Thi Lợi Hành
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Mười Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Sáu - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Sáu