Phật Thuyết Kinh đạo Thần Túc Vô Cức Biến Hóa - Phần Mười
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠO THẦN TÚC VÔ CỰC BIẾN HÓA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn
PHẦN MƯỜI
Này Mục Liên! Thế Giới bốn thiên hạ đó, có cây, tên là Mạt Đầu Tam Phi đời Tấn dịch là Thử thọ.
Hoa trái của cây đó luôn đầy đủ, mùi vị của hoa trái ấy giống như mùi vị của trăm món thức ăn. Con trai con gái của nước ấy có được một hoa một quả mà ăn, ăn rồi, no đủ bảy ngày, không đói, không gầy yếu, sắc mặt hình dáng không giảm, thân thể cường tráng, nhẹ nhàng có khí lực, khi ăn xong rồi như uống cam lồ, cũng không tiểu tiện, đại tiện, cũng không có nước mũi, nước miếng, nhân dân trong cõi ấy không có ruộng trồng trọt, không có buôn bán đổi chác, trong nước đó tất cả đều cùng ăn hoa quả ấy.
Nước ấy từ xa xưa, cũng không biết đến giàu nghèo. Tất cả đều bình đẳng không khác.
Này Mục Liên! Thế Giới của Đức Như Lai đó, có chín mươi sáu ức na thuật trăm ngàn chúng đệ tử. Chúng Bồ Tát thì gấp bội chúng đệ tử.
Có vườn, tên là Tam Mạn Đà Câu Trùng đời Tấn dịch là Pháp Viên, vườn đó có nhiều loại trái cây, để các chúng đệ tử ăn uống, chúng đệ tử luôn ngồi ở trong vườn, chúng đệ tử và chúng Bồ Tát đều ngồi ở dưới gốc cây, khi muốn ăn, cây tự nhiên lay động, hoa quả rơi vào trong bát, ăn uống no rồi, hoa quả không rơi nữa, cây trở lại như cũ.
Này Mục Liên! Tất cả những sự vật trong Thế Giới ấy còn hơn thế nữa, không thể tính được.
Này Mục Liên! Đức Như Lai ở Thế Giới ấy chính là ta đây. Ta ở Thế Giới đó, đem giáo pháp mà hướng dẫn, dạy dỗ cho họ.
Này Mục Liên! Do vậy mà gọi là Như Lai đạo thần túc biến hóa vô cực, tất cả các đệ tử và Duyên Giác không thể biết được.
Lại nữa, này Mục Liên! Lúc đó, ở phương Tây Nam của cõi tam thiên đại thiên, cách Thế Giới bốn thiên hạ này, bảy vạn bốn thiên hạ.
Thế Giới đó, tên là Tỷ Bảo Bạt Điền đời Tấn dịch là Dung Thọ, có tám vạn quốc vương, mỗi một thiên hạ có tám vạn thành, ngoài thành có tám vạn thôn xóm, có chỗ cho tám vạn vị Vua cai trị tám vạn thành, có tám vạn thành nhỏ, mỗi một thành có xóm làng có thành nhỏ và trăm ngàn Câu Lợi thành. Các vị Vua ở trong đó, thực hành giáo pháp, bài trừ những việc phi pháp.
Hết thảy các vị Vua ấy, đều có tám vạn bốn ngàn phu nhân, thể nữ, thời bấy giờ, thể nữ rất đoan chánh cao đẹp, mỗi một vị Vua có năm trăm thái tử và một vạn hai ngàn người con gái, một vạn hai ngàn người con gái này cũng ngay thẳng cao đẹp, luật pháp của các vị Vua ấy không có roi gậy, cũng không có binh khí, mỗi một vị Vua đều tự cai trị ở nước của mình.
Này Mục Liên! Thế Giới Dung thọ kia có Đức Phật, hiệu là Ba Vật Đa La Đà Na Lại Tỷ Hằng Tát A Kiệt A La Ha Tam Da Tam Phật đời Tấn dịch là Bảo Phóng Quang Minh Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp.
Này Mục Liên! Đức Như Lai ấy, khi đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, ở Thế Giới bốn thiên hạ này, liền vọt lên hư không, ngồi kiết già, cách đất bảy thước, một lần, ngồi kiết già, rồi phóng ra ánh sáng lớn.
Làm cho Thế Giới bốn thiên hạ, thảy đều thấy nhau, mưa đầy các hoa Trời, các khí cụ âm nhạc không đánh tự kêu, mỗi một nhạc cụ phát ra trăm ngàn âm thanh, mặt đất chấn động sáu cách, các tiếng âm nhạc giống như tiếng Phạm âm, khiến người người tạo ra trăm ngàn công đức, không thể tính.
Khi Đức Phật chuyển bánh xe pháp, khiến cho tất cả đều dứt hết các dục cấu nhập vào vô dư Niết Bàn. Bồ Tát đem chỗ hiểu biết vì chúng sinh mà thuyết pháp.
Đức Như Lai đó cũng thuyết pháp cho Thế Giới bốn thiên hạ này, tám vạn vị Vua và phu nhân thể nữ, những người con trai, những người con gái, thấy Đức Phật biến hóa rồi, đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Trong nước đó, tất cả nhân dân, nam nữ, bé trai, bé gái đều xa lìa các bụi nhơ phiền não được sinh pháp nhãn.
Các vị Vua này và phu nhân, thể nữ, trai, gái, theo Phật cầu làm Sa Môn. Khi ấy, Đức Như Lai đều cho những người ấy làm Sa Môn. Làm Sa Môn rồi. Khi đi đến bất cứ chỗ nào, nơi thành quách, huyện ấp, xóm làng họ đều đi bộ, không dùng xe, ngựa, nghỉ ngơi xong rồi, dậy ăn uống, thường ở trong chùa chiền, lại không có ruộng để trồng trọt, ăn uống tự nhiên, Chư Thiên giáng xuống, để cúng dường thức ăn.
Khi Đức Như Lai trở lại hội thuyết pháp, tất cả người thực hành hạnh đệ tử đều được quả Tư Đà Hàm. Người thực hành Bồ Tát đều được hoan hỷ nhẫn.
Khi đến hội thuyết pháp lần ba, thì tất cả mọi người đều được quả A Na Hàm, người thực hành Bồ Tát đạt được năm thần thông, khi đến hội thuyết pháp thứ tư hết thảy đều được A La Hán, người thực hành Bồ Tát đều được Bất khởi pháp nhẫn, phu nhân, thể nữ, nam, nữ cũng đều được Bất khởi pháp nhẫn.
Lúc đó, phu nhân, thể nữ và các người con gái đều chuyển thân nữ thành thân nam, không còn thấy giống hình dạng người nữ nữa. Lúc này Đức Như Lai đều thọ ký cho họ được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Mục Liên! Ý ông thế nào?
Ông có biết Đức Bảo Phóng Quang Minh Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác ở cõi đó là ai không?
Mục Liên thưa: Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Con không biết.
Đức Phật nói: Đức Như Lai đó, chính là ta đây, đó gọi là Như Lai đạo thần túc biến hóa vô cực.
Thế nên, này Mục Liên! Tất cả đệ tử và Duyên Giác không thể biết được.
Lại nữa, này Mục Liên! Lúc đó, ở phương Tây Bắc của Thế Giới tam thiên đại thiên cách Thế Giới này, năm vạn năm ngàn bốn thiên hạ. Thế Giới đó, tên là Kiền Đạp Đề đời Tấn dịch là Hưng Khí. Thế Giới này, hoàn toàn dùng Chiên đàn Ô Lặc Ca Sa La, Chiên đàn đó lớn, trị giá như một tiền. Thế Giới đó đang có cây là Tam Mạn Đà Kiền Đà đời Tấn dịch là Kỳ Hương Phổ Huân, mỗi một cây tỏa hương thơm tới bốn trăm dặm.
Cõi đó nhiều hoa sen lớn như bánh xe, một hoa có trăm ngàn lá, vô số màu sắc không thể tính, hoa ấy mềm mại như hoa Trời Uyển Điên, mọc cao hai trượng, mùi thơm của hoa ấy lan tỏa khắp bốn thiên hạ.
Chiên đàn ở thế gian bốn thiên hạ đó đan chéo nhau, chỗ kinh hành cũng đều là hoa Chiên Đàn Ba Đàm mọc ở hai bên. Thế Giới đó không có thành quách, huyện ấp, xóm làng, chỉ có những giao lộ ngăn cách, được lọng che ở trên. Nhân dân ở Thế Giới ấy, ăn uống như Trời Ni Mạn La thứ năm.
Lại nữa, Thế Giới đó hương thơm bay xông khắp nơi Đức Phật hiệu là Kiền đà vật lại tỷ đời Tấn dịch là Hương Khí Phóng Quang Minh Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp. Thế Giới của Đức Phật đó toàn là Bồ Tát hạnh, không có đệ tử thực hành Duyên Giác, những người ở thế gian bốn thiên hạ đó, tất cả đều được thần túc. Các Bồ Tát đó đều đắc nhẫn không thể nghĩ bàn.
Trong số các Bồ Tát này có Bồ Tát tên là Tát Hòa Đàm Vô Duy Quật La Du đời Tấn gọi là Nhất Thiết Pháp Vô Cực Tích Tụ đã được nguyện không thể nghĩ bàn, đã được ba nhẫn thần thông, nhờ đó mà báo ân cho tất cả, cúng dường Chư Phật rất nhiều không thể tính.
Lại nữa, này Mục Liên! Bồ Tát Nhất Thiết Pháp Vô Cực Tích Tụ đó tự suy nghĩ: Nay ta muốn thưa hỏi Đức Phật, không biết Đức Phật có bằng lòng nói những gì mà mình muốn hỏi không!
Nghĩ như thế rồi, liền từ chỗ ngồi, đứng dậy, mỗi một sợi lông trong thân đều phóng ánh sáng, chiếu khắp bốn trăm dặm, toàn thân phóng ánh sáng chiếu khắp cảnh giới, có rất nhiều trăm ngàn loại hoa với vô số màu sắc rất tươi đẹp, hoa ấy cách đất bảy thước, ở trên hư không.
Lòng suy nghĩ muốn đem hoa này để cúng dường, ngay lúc đó, giữa hư không, nghe tiếng âm nhạc dịu dàng giống như nhạc Trời, tiếng âm nhạc này, phát ra tám thứ tiếng Pháp ấn. Mỗi một tiếng Pháp ấn hiện ra tám vạn bốn ngàn Câu Lợi quyển Kinh và bảy vạn hai ngàn bài kệ.
Lúc đó Bồ Tát rất phấn khởi liến ngồi kiết già giữa hư không, cùng với chín mươi sáu Câu Lợi na thuật trăm ngàn người, đều trụ vào địa vị không thoái lui, đều đạt vô sở tùng sinh pháp nhẫn, sẽ đạt được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sắc tướng diện mạo của Bồ Tát như vậy.
Này Mục Liên! Tất cả mọi người trong Thế Giới kia, không có người mù, què, điếc, nghèo, xấu xí. Tất cả nhân dân đó đều là Bồ Tát, có ba mươi hai tướng của bậc đại nhân.
Trong Thế Giới đó, không có những người làm các việc, người trong nước đó cũng không ăn uống, chỉ dùng thiền định vui vẻ làm ăn uống. Trong nước đó, không có giống người mọi rợ, cũng không có ba đường ác, cũng không có những nơi xa xôi, hiểm nghèo, cũng không ở nơi đây chết, rồi sinh đến cõi nước khác. Nếu khi chết đi thì người ấy liền được Như Lai.
Đức Phật nói: Này Mục Liên! Đức Như Lai ở Thế Giới kia, chính là ta đây. Ta ở cõi đó, đem giáo pháp hướng dẫn, dạy dỗ cho họ. Đó gọi là đạo thần túc biến hóa vô cực, tất cả đệ tử và Duyên Giác không thể biết được.
Lại nữa, này Mục Liên! Lúc đó, ở phương Đông Bắc Cõi tam thiên đại thiên, cách Thế Giới này, bốn vạn hai ngàn bốn thiên hạ. Thế Giới đó, tên là Du Mạn Đà Na đời Tấn gọi là Ưng Thời.
Nhân dân ở Thế Giới này, dâm dục rất nhiều nào tham dâm, sân giận, ngu si, tham lam, keo kiệt, ồn ào, nghênh ngang làm các việc tà, không tin, ganh ghét, làm ác, đa nghi, che giấu tội lỗi, tánh tình nóng nảy, biếng nhác, thích muốn gây hại, không biết sợ sệt, chấp có ta, ngã, nhân, thọ mạng, không có trí tuệ. Ví như loài cầm thú, không biết xấu hổ, tâm ý cuồng loạn, không có lễ độ.
Những người ở Thế Giới ấy, diện mạo xấu ác, không có sắc mặt, không có định tĩnh. Đất ở cõi ấy, chỉ có bùn nhơ và các thứ không sạch, đời sống khổ sở, áo mặc, cơm ăn không đủ. Ưa đấu tranh, lại mắng chửi nhau, sáu tháng mưa một lần, một năm mới mưa lại, ngũ cốc thiếu thốn, việc ác ập đến.
Thế Giới đó, đất cứng như sắt, đá lồi lõm không bằng, ví như Cổ Tật Lê, người đạp chân lên thì bị tổn thương, ác độc không dừng, đất chỉ sinh gai gốc, tất cả nhân dân chỉ uống nước dơ bẩn, vị mặn của nước đắng hôi nhơ bẩn, áo mặc đều dùng cỏ khô, bần cùng khốn khổ, lại chỉ biết nhìn nhau, sai khiến lẫn nhau.
Quốc vương ở Thế Giới ấy, tánh tình nóng nảy, thường ưa sân giận. Nhân dân trong đó bị sai khiến làm việc rất là khổ sở, đời sống của nhân dân đều phụ thuộc vào ruộng nhưng làm ra lúa thóc, tiền tài đều bị Vua đoạt lấy, đánh đập tàn ác, luôn bị tai ương.
Này Mục Liên! Trong cõi nước đó, đời hiện tại chịu tai ương, xót thương đến như thế, nếu so sánh với các loài, lại còn hơn thế nữa. Người trong Thế Giới đó, khi chết đi đều đọa trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
Lại nữa, này Mục Liên! Thế Giới bốn thiên hạ đó, có Đức Như Lai hiệu là Chấn Ba Ca Luận Chân Đà Ma Na Ca Lâu đời Tấn dịch là Thương Bi Lân Niệm Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác đang thuyết pháp.
Này Mục Liên! Đức Như Lai đó hiện ra mười tám đại biến hóa mà thuyết pháp bảy trăm năm. Thuyết pháp bảy trăm năm xong mà không có một người nào hiểu giáo pháp. Lúc đó, Thế Tôn cũng thuyết pháp như vậy, không mỏi mệt nhàm chán, thường đem lòng thương xót lớn mà giảng nói.
Này Mục Liên! Thế Tôn đó hoặc đến xóm làng, quận quốc, huyện ấp. Hoặc ở rải rác, luôn du hóa khắp nơi. Nếu đi đến nước kia mà nhân dân mắng chửi, xem thường, có lời nói thô lỗ, có hiện tướng giận dữ, thì Thế Tôn đó, đối với họ đều nhẫn chịu và khuyên nhũ, thương xót, giúp đỡ, muốn làm cho họ được độ thoát đến Niết Bàn.
Này Mục Liên! Khi ấy, Đức Như Lai ở trong thời gian đó thuyết pháp giúp đỡ họ. Lúc nói pháp có tám vạn bốn ngàn na thuật người đạt được quả A La Hán. Lại có tám vạn bốn ngàn na thuật người đạt quả A Na Hàm. Lại có tám vạn bốn ngàn na thuật người đạt quả Tư Đà Hàm.
Lại có tám vạn bốn ngàn na thuật người đạt quả Tu Đà Hoàn và tất cả đại chúng trong một ngày đều cạo bỏ râu tóc, làm Sa Môn, thọ đại giới. Như vậy, là hàng có học hay không học, ở trong ba tháng trước đã tạo các việc ác.
Nay nghe lời dạy của Đức Phật đều được xa lìa, ngay lúc đó tất cả đều được Bát Niết Bàn. Đức Phật đó luôn luôn trụ và thương xót, giúp đỡ hàng Duyên Giác và Bồ Tát. Họ đã tạo ra tội ác, nên bị sinh ở cõi ấy, chịu thống khổ đến như vậy, cho đến một lúc họ đều được xa lìa.
Lúc đó Mục Liên bạch Phật: Cúi xin Đức Thế Tôn! Các Bồ Tát này, tạo ra những tội gì, mà sinh ở cõi đó?
Đức Phật bảo Mục Liên: Bồ Tát có bốn việc bị sinh qua cõi đó:
1. Bồ Tát cậy vào danh để cầu cúng dường, không học việc của Bồ Tát.
2. Đối với việc của Bồ Tát, không thực hành lại còn biếng nhác, tuy có thấy cũng không thể nắm giữ.
3. Bồ Tát thấy các Bồ Tát khác, được sự cúng dường, liền ganh ghét, nói vì sao lại được cúng dường, xem thường cắt đứt công đức của người khác.
4. Bồ Tát không thể giữ gìn thân, khẩu, ý. Vì làm những việc như thế, nên bị sinh ở cõi đó.
Đức Phật bảo: Này Mục Liên! Đức Phật kia chính là ta đây. Ta ở cõi đó, đem giáo pháp dạy dỗ, hướng dẫn cho họ. Đó gọi là Như Lai quyền đạo thần túc biến hóa vô cực. Những việc như vậy, đệ tử và hàng Duyên Giác không thể biết được.
Này Mục Liên! Lúc đó Đức Như Lai làm Phật sự ở cõi tam thiên đại thiên Thế Giới như vậy, các ông cũng đều không thể biết được.
Vì sao?
Vì đệ tử không thể thọ trì, cho nên đều không thể thấy.
Lại nữa, này Mục Liên! Lúc đó ở trong tam thiên đại thiên Thế Giới, trăm Câu Lợi Thế Giới bốn thiên hạ. Đức Như Lai kia tùy theo ý của họ mà thuyết pháp.
Có lúc giống như hình thể Trời Phạm, mặc y phục mà thuyết pháp, Thế Giới đó Đức Như Lai chẳng xuất gia, cạo bỏ râu tóc. Có lúc lại giống như hình thể của Thích Đề Hoàn Nhân mặc y phục mà thuyết pháp. Hoặc giống như hình thể Nhật Thiên Vương, mặc y phục mà thuyết pháp. Hoặc lại giống như hình thể của Vua Giá Ca Việt mặc y phục mà thuyết pháp rất nhiều sự giống nhau như vậy.
Này Mục Liên! Lúc đó cả trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều giống như sở nguyện của mọi người mà thuyết pháp, có vô số sự giống nhau như vậy. Lại có vô số Cõi Phật khác, không thể tính đếm là chỗ mà tất cả đệ tử Duyên Giác không thể biết được. Ví như cung điện của mặt trời, mặt trăng, Chư Thiên nhật nguyệt đều ngồi trong cung điện đó, không ra, không vào vẫn thấy khắp bốn thiên hạ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết kinh đại Tập Hư Không Tạng Bồ Tát Sở Vấn - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bảy Mươi Năm - Phật Thuyết Kinh Người Nữ Cầu Nguyện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi Sáu - Kinh Nói Và Làm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Hai - Phẩm Thập Luân - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Thập Thiện Nghiệp đạo