Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - phẩm Một - Phẩm Tựa - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM MỘT
PHẨM TỰA
PHẦN HAI
Lúc bấy giờ, Ngài Văn Thù Sư Lợi nói với Ngài Di Lặc Đại Bồ Tát cùng các vị Đại Sĩ: Các thiện nam tử! Như chỗ tôi xét nghĩ thì nay Đức Phật Thế Tôn muốn nói pháp lớn, mưa pháp vũ lớn, thổi pháp loa lớn, đánh pháp cổ lớn và diễn pháp nghĩa lớn.
Các thiện nam tử! Ta từng ở nơi các Đức Phật đời quá khứ thấy điềm lành này, Phật kia phóng hào quang đó rồi liền nói pháp lớn. Cho nên chắc biết rằng hôm nay Đức Phật hiện hào quang cũng lại như vậy.
Phật vì muốn cho chúng sanh đều được nghe biết pháp mầu mà tất cả trong đời khó tin theo, cho nên hiện điềm lành này.
Các thiện nam tử! Như vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp về trước. Bấy giờ có Đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, diễn nói chánh pháp.
Ban đầu, giữa, rốt sau ba chặng đều lành, nghĩa lý rất sâu xa, lời lẽ khéo mầu, thuần một không tạp, đầy đủ cả tướng phạm hạnh thanh bạch. Phật, vì người cầu đạo Thanh Văn, nói pháp Tứ Đế thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, cứu cánh Niết Bàn.
Vì hạng cầu quả Duyên Giác, nói pháp mười hai nhân duyên, vì hàng Bồ Tát nói sáu pháp Ba la mật làm cho chứng được quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thành bậc nhất thiết chủng trí. Kế lại có Đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, lại có Đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh.
Như thế đến hai muôn Đức Phật đều đồng một tên, hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, lại cùng đồng cùng một họ, họ Phả La Đọa.
Di Lặc nên biết! Đức Phật trước, Đức Phật sau đều đồng một tên, hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, đầy đủ mười hiệu, những pháp được nói ra, đầu, giữa, sau đều lành.
Đức Phật rốt sau cả, lúc chưa xuất gia có tám vị Vương Tử: Người thứ nhất tên Hữu Ý, thứ hai tên Thiện Ý, thứ ba tên Vô Lượng Ý, thứ tư tên Bửu Ý, thứ năm tên Tăng Ý, thứ sáu tên Trừ Nghi Ý, thứ bảy Hưởng Ý, thứ tám tên Pháp Ý. Tám vị Vương Tử đó có uy đức tự tại đều lãnh trị bốn châu thiên hạ.
Nghe vua cha xuất gia chứng đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đều bỏ ngôi vua cũng xuất gia theo, phát tâm đại thừa, thường tu hạnh thanh tịnh, đều làm bậc Pháp Sư, thuở trước đã từng ở chỗ nghìn muôn Đức Phật vun trồng các cội lành.
Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh lúc đó nói Kinh Đại Thừa tên Vô Lượng Nghĩa Xứ là pháp giáo hoá Bồ Tát được Chư Phật hộ niệm.
Nói Kinh đó rồi, Phật liền ở trong đại chúng ngồi xếp bằng nhập vào cảnh chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ, thân và tâm chẳng động.
Khi ấy Trời mưa hoa Trời La, hoa Ma Ha Trời La, hoa Mạn Thù Sa cùng hoa Ma Ha Mạn Thù Sa để rải trên Đức Phật và hàng đại chúng. Khắp Cõi nước Phật sáu điệu vang động.
Lúc đó trong hội, hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà, Nhân, Phi Nhân cùng các vị Tiểu Vương, các vị Chuyển Luân Thánh Vương v.v... các đại chúng đó được điều chưa từng có, mừng rỡ chắp tay một lòng nhìn Phật.
Bấy giờ, Đức Như Lai từ tướng lông trắng chặn giữa chân mày phóng ra luồng ánh sáng soi khắp cùng cả một muôn tám nghìn Cõi nước ở phương đông, như nay đương thấy ở Cõi Phật đây.
Di Lặc nên biết! Khi đó trong hội, có hai mươi ức Bồ Tát ưa muốn nghe pháp, các vị Bồ Tát ấy thấy ánh sáng chiếu khắp các Cõi Phật được điều chưa từng có, đều muốn biết vì duyên cớ gì mà phóng ánh sáng này. Khi ấy, có vị Bồ Tát hiệu Diệu Quang có tám trăm người đệ tử.
Bấy giờ, Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh từ trong chánh định mà dậy, vì Diệu Quang Bồ Tát nói Kinh Đại Thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa là pháp giáo hoá Bồ Tát được Chư Phật hộ niệm, trải qua sáu mươi tiểu kiếp chẳng rời chỗ ngồi.
Lúc ấy trong hội, người nghe pháp cũng ngồi một chỗ đến sáu mươi tiểu kiếp thân tâm đều không lay động, nghe Đức Phật nói pháp cho là như trong khoảng bữa ăn.
Bấy giờ trong chúng không có một người nào hoặc là thân hoặc là tâm mà sanh lười mỏi.
Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh trong sáu mươi tiểu kiếp nói Kinh đó rồi, liền ở trong chúng Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, và Trời, Người, A Tu La mà tuyên rằng: Hôm nay vào nửa đêm, Như Lai sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn.
Khi đó có vị Bồ Tát, tên Đức Tạng Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh liền thọ ký cho, bảo các Tỳ Kheo rằng: Ông Đức Tạng Bồ Tát này kế đây sẽ thành Phật Hiệu là Tịnh Thân Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đức Phật thọ ký xong, vào nửa đêm bèn nhập Vô Dư Niết Bàn. Sau khi Đức Phật diệt độ, Diệu Quang Bồ Tát trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa trải tám mươi tiểu kiếp vì người mà diễn nói.
Tám người con của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đều học với Ngài Diệu Quang, Ngài Diệu Quang dạy bảo cho đều vững bền ở nơi đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Các vị Vương Tử đó cúng dường vô lượng trăm nghìn muôn ức Đức Phật đều thành Phật Đạo. Vị thành Phật rốt sau hết, hiệu là Nhiên Đăng.
Trong hàng tám trăm người đệ tử có một người tên: Cầu Danh, người này tham ưa danh lợi, dầu cũng đọc tụng các Kinh mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất, nên gọi là Cầu Danh.
Người này cũng do có trồng các nhân duyên căn lành nên được gặp vô lượng trăm nghìn muôn ức Đức Phật mà cúng dường cung kính tôn trọng khen ngợi.
Di Lặc nên biết! Lúc đó Diệu Quang Bồ Tát đâu phải người nào lạ, chính là ta đấy. Còn Cầu Danh Bồ Tát là Ngài đấy.
Nay thấy điềm lành này, cùng với xưa không khác, cho nên ta xét nghĩ hôm nay Đức Phật Như Lai sẽ nói Kinh Đại Thừa tên: Diệu Pháp Liên Hoa là Pháp giáo hoá Bồ Tát được Chư Phật hộ niệm.
Bấy giờ, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở trong đại chúng, muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Ta nhớ thuở quá khứ
Vô lượng vô số kiếp
Có Phật Nhân Trung Tôn
Hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh
Đức Thế Tôn nói pháp
Độ vô lượng chúng sanh
Vô số ức Bồ Tát
Khiến vào trí huệ Phật.
Khi Phật chưa xuất gia
Có sanh tám Vương Tử
Thấy Đại Thánh xuất gia
Cũng theo tu phạm hạnh
Phật nói Kinh Đại Thừa
Tên là Vô Lượng Nghĩa
Ở trong hàng đại chúng
Mà vì rộng tỏ bày.
Phật nói Kinh ấy rồi
Liền ở trong Pháp Tòa
Xếp bằng nhập chánh định
Tên Vô Lượng Nghĩa Xứ
Trời rưới hoa Trời
Trống Trời tự nhiên vang
Các Trời, Rồng, Quỷ, Thần
Cúng dường Đấng Nhân Tôn,
Tất cả các Cõi Phật
Tức thời vang động lớn,
Phật phóng sáng giữa mày
Hiện các việc hi hữu
Ánh sáng chiếu phương Đông
Muôn tám nghìn Cõi Phật
Bày sanh tử nghiệp báo
Của tất cả chúng sanh
Lại thấy các Cõi Phật
Dùng các báu trang nghiêm
Màu lưu ly pha lê
Đây bởi Phật Quang soi.
Lại thấy những Trời, Người
Rồng, Thần, chúng Dạ Xoa
Càn Thát, Khẩn Na La
Đều cúng dường Phật mình
Lại thấy các Như Lai
Tự nhiên thành Phật Đạo,
Màu thân như núi vàng
Đoan nghiêm rất đẹp mầu
Như trong lưu ly sạch
Hiện ra tượng chân kim
Thế Tôn trong đại chúng
Dạy nói nghĩa thâm diệu.
Mỗi mỗi các Cõi Phật
Chúng Thanh Văn vô số,
Nhân Phật Quang soi sáng
Đều thấy đại chúng kia.
Hoặc có các Tỳ Kheo
Ở tại trong núi rừng
Tinh tấn giữ tịnh giới
Dường như gìn châu sáng
Lại thấy các Bồ Tát
Bố thí nhẫn nhục thảy
Số đông như hằng sa
Đây bởi sáng Phật soi.
Lại thấy hàng Bồ Tát
Sâu vào các thiền định
Thân tâm lặng chẳng động
Để cầu đạo vô thượng.
Lại thấy các Bồ Tát
Rõ tướng pháp tịch diệt
Đều ở tại nước mình
Nói pháp cầu Phật Đạo.
Bấy giờ bốn bộ chúng
Thấy Phật Nhật Nguyệt Đăng
Hiện sức thần thông lớn
Tâm kia đều vui mừng
Mỗi người tự hỏi nhau
Việc này nhân duyên gì?
Đấng của Trời người thờ
Vừa từ chánh định dậy
Khen Diệu Quang Bồ Tát
Ông là mắt của đời
Mọi người đều tin về
Hay vâng giữ tạng pháp
Như pháp của ta nói
Chỉ ông chứng biết được
Đức Phật đã ngợi khen
Cho Diệu Quang vui mừng
Liền nói Kinh Pháp Hoa
Trải sáu mươi tiểu kiếp
Chẳng rời chỗ ngồi ấy
Ngài Diệu Quang Pháp Sư
Trọn đều hay thọ trì
Pháp thượng diệu của Phật.
Phật nói Kinh Pháp Hoa
Cho chúng vui mừng rồi
Liền chính trong ngày đó
Bảo hàng chúng Trời, người
Các pháp nghĩa thật tướng
Đã vì các ông nói
Nay ta giữa đêm này
Sẽ vào Cõi Niết Bàn
Phải một lòng tinh tấn
Rời các sự buông lung
Các Phật rất khó gặp
Ức kiếp được một lần
Các con của Phật thảy
Nghe Phật sắp nhập diệt
Thảy đều lòng buồn khổ
Sao Phật gấp Niết Bàn?
Đấng Thánh chúa Pháp Vương
An ủi vô lượng chúng:
Nếu lúc ta diệt độ
Các ông chớ lo sợ
Đức Tạng Bồ Tát đây
Tâm đã được thông thấu
Nơi vô lậu thiệt tướng
Kế đây sẽ thành Phật
Tên hiệu là Tịnh Thân
Cũng độ vô lượng chúng.
Đêm đó Phật diệt độ
Như củi hết, lửa tắt
Chia phân các Xá Lợi
Mà xây vô lượng Tháp
Tỳ kheo, Tỳ Kheo Ni
Số đông như hằng sa
Lại càng thêm tinh tấn
Để cầu đạo vô thượng
Diệu Quang Pháp Sư ấy
Vâng giữ Phật Pháp tạng
Trong tám mươi tiểu kiếp.
Rộng nói Kinh Pháp Hoa.
Tám vị Vương Tử đó
Được Diệu Quang dạy bảo
Vững bền đạo vô thượng
Sẽ thấy vô số Phật
Cúng dường các Phật xong
Thuận theo tu đại đạo
Nối nhau đặng thành Phật
Chuyển thứ thọ ký nhau,
Đấng Phật rốt sau cả
Hiệu là: Phật Nhiên Đăng
Đạo Sư của Thiên Tiên
Độ thoát vô lượng chúng.
Diệu Quang Pháp Sư đó
Có một người đệ tử
Tâm thường cưu biếng trễ
Tham ưa nơi danh lợi
Cầu danh lợi không nhàm
Thường đến nhà sang giàu
Rời bỏ việc tụng học
Bỏ quên không thông thuộc
Vì bởi nhân duyên ấy
Nên gọi là cầu danh
Cũng tu các nghiệp lành
Được thấy vô số Phật
Thuận tu theo đại đạo
Đủ sáu Ba la mật
Nay gặp đấng Thích Ca
Sau đây sẽ thành Phật
Hiệu rằng: Phật Di Lặc
Rộng độ hàng chúng sanh
Số đông đến vô lượng.
Sau Phật kia diệt độ
Lười biếng đó là Ngài
Còn Diệu Quang Pháp Sư
Nay thời chính là ta.
Ta thấy Phật Đăng Minh
Điềm sáng trước như thế
Cho nên biết rằng nay
Phật muốn nói Pháp Hoa
Tướng nay như điềm xưa.
Là phương tiện của Phật
Nay Phật phóng ánh sáng
Giúp bày nghĩa thiệt tướng
Các người nay nên biết
Chắp tay một lòng chờ
Phật sẽ rưới nước pháp
Đầy đủ người cầu đạo
Các người cầu ba thừa
Nếu có chỗ nghi hối
Phật sẽ dứt trừ cho
Khiến hết không còn thừa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba