Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH DIỆU PHÁP THÁNH NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẦN BỐN  

Tỳ Kheo nên biết! Đối với tài vật của người khác mà khởi lên hành động dối lừa trộm lấy. Thì do nhân này, đọa vào địa ngục chịu các thứ khổ não, thiêu đốt thân kia. Tay, chân, thân thể bị tan nát, luôn ở chỗ tối tăm, chẳng có chút ánh sáng, tâm bị ngu mê che lấp không thể lìa bỏ, không có được chút an vui, xa lìa Niết Bàn.

Một khi quả báo hết, lại đọa vào ngạ quỷ và súc sinh, luôn chịu khốn khổ đói khát, bị đọa đày khổ nhọc, các khổ thúc ép không có cùng tận. Nếu sinh trong loài người, của cải thiếu thốn, lòng ham muốn lại quá lớn, làm người thấp hèn, khổ nhọc liên tục, không có chút giận tạm dừng.

Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Dối gạt, trộm của người

Tự chịu ba nẻo khổ

Thường liên tục đói khát

Các khổ không dừng nghỉ,

Ngu si che trí tuệ

Ánh sáng mãi xa lìa

Trôi lăn trong đường ác

Nghiệp hết mới ra khỏi.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu lại có người đối với các cảnh, thuận theo ý, xúc chạm thích thú mà khởi lên sự dính mắc, mãi chẳng lìa bỏ, thì phải tạo ra ý tưởng cứng, khổ, thô ngạnh, là vô thường, sẽ tan mất, thể nó không có tồn tại, như điên, như mộng, tự tánh chẳng có. Đối với các thứ xúc chạm dịu dàng thảy đều nên xa lìa.

Tỳ Kheo nên biết! Đối với các cảnh dục, chớ để lòng yêu thích bị lôi kéo. Trần cảnh nhiễm dục của thế gian, trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu có ưa thích, thì phải nên xa lìa.

Khi ấy, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu lại có người, đối với đời vị lai, cầu sinh Cõi Trời, Người vì nhàm chán muốn lìa khổ. Thì phải nên xa lìa các nghiệp phiền não, bạo ác, dâm dật và lìa nói dối phá hoại những tổn não cho tất cả hữu tình, tu các nghiệp lành khiến cho tăng trưởng, liên tục được quả báo an vui, lìa bỏ khổ não.

Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Hãy xa lìa bạo ác

Quả khổ sở chẳng có

Không xem thường nói dối

Nghe danh đều vui vẻ,

Tà chấp cùng oán tặc

Hàng phục khiến không khởi

Tỏ ngộ phiền não nhiễm

Luôn tu pháp đối trị.

Bấy giờ, Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Nếu lại có người, gặp duyên trái ngược đối với mình và người, thì phải nên giác ngộ, phá bỏ và xa lìa sự giả dối dính mắc, nghĩ tưởng đến các bậc Thánh Hiền tu tập hạnh nhẫn.

Đối với của cải, bỏ ý tưởng tham vọng, nhân và phi nhân, thế gian và xuất thế gian, chánh đạo phi đạo, hoặc nam, hoặc nữ, nghiệp quả xấu tốt, chân thật hư vọng, cung điện nhà cửa, cung kính cúng dường… cho đến tất cả các cảnh nhơ và sạch, chớ khởi lên vọng chấp, cũng chẳng ganh ghét.

Chân thật xa lìa sự hư vọng, thương xót hữu tình nhập dần vào bậc Thánh, xa lìa địa ngục, tổn hại Diêm Ma, trừ diệt đen tối, tu tập trí tuệ, dính vào tham giận, giống như lửa độc, phải nên lìa bỏ, nghiệp báo gian khổ cay đắng, phát lồ sám hối, không nên che giấu, hiểu rõ văn tự, tuyên nói nhân khổ, đều nên xa lìa.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu lại có người, đối với bạn ác và quyến thuộc của người khác, mà sinh tâm ghét thì nên khởi lên ý nghĩ này: Ta đã nhiều kiếp từ xa xưa đến nay, luân chuyển các nẻo. Cha mẹ, thân tộc, bạn lành, tri thức cũng luân chuyển trong sinh tử, qua lại không dừng. Đối với các hữu tình phải nên thương xót, khởi lên ý tưởng thân yêu, do diều này mà được xa lìa tham, sân và mê hoặc.

Khi ấy, các Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Kính thưa Thế Tôn!

Nếu lại có người giả dối nói hai lời làm chia lìa người nọ kẻ kia, thì sẽ chịu quả tương ứng gì?

Cúi xin Thế Tôn diễn nói, chúng con thích nghe, để làm lợi ích cho tất cả hữu tình đời vị lai.

Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Nên biết nói hai lời mắc nhiều quả báo sai khác, nói gọn có mười loại:

1. Dòng họ thấp hèn quyến thuộc xa lìa.

2. Bạn lành xa lìa, thêm nhiều bạn ác.

3. Ngu si ám độn, tăng trưởng lỗi lầm.

4. Chê bai Thánh Hiền không tin nhân quả.

5. Che giấu lỗi mình, ưa nói lỗi người.

6. Giả dối thì nhiều, trung thực thì ít.

7. Chết đọa địa ngục, chịu khổ vô cùng.

8. Phóng túng tham, sân tiếng xấu đồn khắp.

9. Của cải tan mất mãi, luôn sầu khổ.

10. Xa lìa Chánh Pháp, thường sinh nơi biên địa.

Tỳ Kheo nên biết! Nghiệp của nói hai lời mắc quả báo như vậy, không nên dính mắc vào phải xả bỏ nó.

Lúc đó, có Tỳ Kheo lại bạch Đức Phật: Thưa Thế Tôn! Nếu có chúng sinh, lời nói thô ác sẽ chiêu cảm quả gì?

Đức Phật bảo: Nên biết ngữ nghiệp, mắc người quả báo:

1. Miệng nói ra như dao kiếm, tự thân bị thiêu đốt.

2. Tà kiến hừng hẫy, không có điều ác nào mà không làm.

3. Xa lìa Thánh Hiền, càng ngày thêm nhiều bạn ác.

4. Chúng đều nhàm chán, giống như các thứ độc.

5. Hình dáng bên ngoài hiểm ác, cao thấp không bằng nhau.

6. Phiền não hừng hẫy, của cải tiêu tan.

7. Thiêu đốt điều lành, pháp không thật càng tăng.

8. Thân thể hôi hám, nghe đều ngờ chán.

9. Xương khớp khô cạn, luôn bị bệnh khổ.

10. Chết đọa đường ác, luân chuyên sinh tử.

Tỳ Kheo nên biết! Ngữ nghiệp thô ác, chiêu cảm quả báo như vậy, ông nên xa lìa.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Điều lành nên ưa thích

Như cha hay như mẹ

Lành đẹp thể đều vậy

Hãy xa lìa tranh cãi.

Đẹp lành Trời, Người vui

Đẹp lành càng siêng năng

Đẹp lành quyến thuộc nhiều

Đẹp lành lìa tam đồ

Đẹp lành dứt các ác

Đẹp lành lìa phiền não

Hay bỏ lời lỗi lầm

Nên tu các điều lành.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo các Tỳ Kheo: Như vậy, lời nói thô ác phải nên xa lìa, hàng phục không cho nó khởi lên, chớ khiến nó tăng trưởng.

Người hay nói lời thô ác kia, đọa vào địa ngục, chịu khổ đói khát, đủ các thứ sầu não, đối với nẻo ác kia, luôn luôn chịu đói khát, như lửa thiêu đốt, thường nghĩ đến ăn uống, số lượng chỉ cần bằng hạt cải, mà cũng không thể được huống gì ăn nhiều!

Tỳ Kheo nên biết! Các hữu tình kia, do nghiệp ác này, mà bị các khổ trói buộc, lửa cháy và đói khát liên tục thúc ép, không lúc nào tạm dừng. Quả khổ như vậy, đều do ngữ nghiệp thô ác giả dối cảm ứng tạo nên.

Tỳ Kheo nên biết! Nghiệp ác giả dối và các công đức lành cao đẹp của Trời, Người đều do tâm tạo.

Nếu ngu si tăng cao khiến khinh khi chê bai hiền thiện, khởi lên ý nghiệp ác, xa lìa bình đẳng, ưa nói chuyện phải trái cái tốt cái xấu của người này người kia sẽ giống như dầu sắp hết, ánh sáng mờ dần, trí tuệ tổn giảm, phạm phải tội lỗi càng nhiều.

Thế nên Tỳ Kheo! Thường phải xa lìa nghiệp ác giả dối, đừng để nó xâm hại. Đối với danh lợi người khác, nếu sinh ganh ghét và giận dữ, thì thân tâm não loạn không khi nào tạm dừng.

Tỳ Kheo nên biết! Các nhân ác này, thiêu đốt điều lành, đối với đời tương lai, chắc chắn chiêu cảm quả khổ, xoay tròn không dừng, phải nên lìa bỏ.

Khi ấy, các Tỳ Kheo lại bạch Phật: Kính thưa Thế Tôn, nếu có chúng sinh, đối với hữu tình hay chẳng phải hữu tình luôn khởi tâm sân giận thì phải chịu quả báo gì?

Đức Phật bảo: Nên biết sân giận, đối với đời vị lai, bị mười điều suy tổn:

1. Oan gia càng nhiều, người đều nghi ngờ nhàm chán.

2. Sinh ở biên địa, xa lìa chánh pháp.

3. Các bệnh trói buộc, làm cho nghèo nàn khốn khổ.

4. Chết đọa làm chó sói, bạo ác ở nơi hoang dã.

5. Ở chỗ rắn độc, luôn luôn sân giận.

6. Căn xấu xí, quyến thuộc xa lìa.

7. Chết đọa địa ngục Hắc thằng, chịu khổ liên tục.

8. Các khổ thiêu đốt, tay chân thân thể cháy khô.

9. Càng thêm tà chấp, chê bai Thánh Hiền.

10. Luôn ở trong ba nẻo ác luân chuyển không dừng.

Mười điều suy tổn như vậy, đều do sân giận. Tỳ Kheo phải biết và nên xa lìa.

Lúc đó, có Tỳ Kheo lại bạch Phật: Kính thưa Thế Tôn! Nếu có chúng sinh, luôn tu hạnh không sân giận, thì sẽ được quả báo gì?

Đức Phật bảo: Chúng sinh đó được mười điều lợi ích đặc biệt tốt đẹp:

1. Điều đẹp lành vang khắp.

2. Xa lìa tánh cao ngạo, xem thường.

3. Có khả năng hàng phục sân giận.

4. Lìa bỏ ba nạn khổ.

5. Oán địch không hại được.

6. Thường sinh Cõi Trời, Người.

7. Quyến thuộc sum hợp.

8. Các căn không thiếu.

9. Sắc tướng đầy đủ.

10. Thành tựu sự giải thoát.

Tỳ Kheo nên biết! Mười điều lợi ích tốt đẹp đặc biệt như vậy, ông nên tu tập.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Suy tổn do sân giận

Chìm đắm trong biển khổ

Các căn nhiều xấu xí

Bức bách khó chịu đựng,

Nhân lành sinh đường lành

Phi pháp vào địa ngục

Súc Sanh và quỷ thú

Tùy theo nghiệp ác lành.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo các Tỳ Kheo: Nghiệp của thiện ác, tổn hại và lợi ích không đồng, tăng giảm lẫn nhau, tùy theo nghiệp lực, phải chịu quả báo, không sao tránh khỏi.

Lúc đó, các Tỳ Kheo lạc bạch Phật: Thưa Thế Tôn, hữu tình keo kiệt tham lam không thực hành tuệ thí, tự mình không có chỗ nương tựa, mê tối ngu si, không tin nhân quả, chê bai Thánh Hiền, sẽ mắc quả báo như thế nào?

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu các hữu tình keo kiệt tham lam không có niềm tin. Đối với tài vật, tự mình không dám thọ dụng, huống gì bố thí cho người khác.

Tỳ Kheo nên biết! Người ngu vô trí thường xa lìa bạn lành, lại hay tạo các tội. Do nhân duyên này, đọa vào địa ngục, chịu khổ vô cùng.

Các Tỳ Kheo kia, nghe lời nói này rồi, lo sầu khổ ở kêu gào khóc lóc, bạch với Đức Phật: Thưa Thế Tôn! Các hữu tình này, cho đến bao giờ, mới hết khổ?

Xin Đức Phật diễn nói, để làm lợi ích cho đời vị lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo bằng bài kệ:

Nhân gian sáu vạn năm

Ngày đêm A bộ đà

Gom cả năm tháng kia

Trước ba vạn sáu ngàn,

Thừa thọ mạng đó ra

Sáu đó tăng hai vạn

Tám thứ lạnh địa ngục

Khổ liên tục vô tận.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo các Tỳ Kheo: Đại địa ngục này, hữu tình bị khổ là do thân, ngữ, ý cao ngạo xem thường bậc Hiền thiện, chê bai chánh pháp, tạo tác chẳng thật, phá hoại tượng Phật, thiêu đốt Kinh Điển, chê bai pháp chân thật, lời nói vô nghĩa, do nhân nơi nghiệp này, lối kéo dẫn dắt hữu tình, đọa vào chỗ hiểm ác, đủ các thứ trị phát, chịu khổ liên tục, không có cùng tận.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần