Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH DIỆU PHÁP THÁNH NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẦN HAI  

Bấy giờ, Đức Phật lại bảo tiếp các Tỳ Kheo: Phải nên biết tỉnh giác, ưa thích kinh hành, thiền định, trí tuệ, thường hành tâm từ hướng cầu giải thoát chân thật cao tột, đạt được chánh kiến, thấu hiểu rõ ràng các pháp, mãi luôn tu tập nhẫn nhục, tinh tấn, lìa bỏ tham lam, sân giận và các tán loạn.

Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Phải nên ưa thích tất cả hữu tình luôn nhớ nghĩ thương xót đến họ. Khiến cho họ lìa bỏ điên đảo và mọi trói buộc, giải thoát các khổ.

Tỳ Kheo nên biết! Đối với các cảnh giới nên xa lìa các nhiễm xâm hại. Giống như thể tánh của vàng là xa lìa nhơ bẩn vậy.

Tỳ Kheo nên biết! Đối với bạn thân và bạn không thân, phải nên xa lìa sự tham lam, sân giận. Biết rõ đâu là tổn hại lợi ích, tội, chẳng phải tội, an ổn, gian khổ, cay đắng mà có phương tiện hàng phục, nói các pháp yếu. Tùy theo căn tánh lanh lợi hay ngu độn, thông minh hay ngu muội, chỉ dẫn con đường cao đẹp hay thấp kém, có lời nói dạy dỗ chân chánh cho họ.

Tỳ Kheo nên biết! Kinh hành giữa rừng tu thiền định chỗ vắng, lìa bỏ được tội lỗi, ưa thích chân như, tin rõ nhân quả, hơn kém sai khác. Xa lìa các ác độc. Hàng phục các căn, không khởi lên lỗi lầm. Trí tuệ sẽ tương ưng, khiến tâm hoan hỷ, chấm dứt sự chê bai, như biển sâu xa tương ưng vô tận.

Tâm ý chắc chắn không khởi nghi ngờ, không tham sắc đẹp, sáng suốt, thương xót bình đẳng. Hợp thời khéo nói, Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc, đều là giả dối không chân thật, không nói lời phải trái của thế gian, xa lìa các cảnh giới hoạn nạn.

Coi đó như là các độc và chỗ bùn nhơ, chớ để cho xâm hại. Giải thoát luân hồi. Xa lìa vô minh, dùng thiền định, trí tuệ biện tài, tuyên nói nghĩa pháp tối thượng, lìa mọi giả dối điên đảo và tất cả trần cấu, khiến không bị nhiễm ô.

Tất cả việc làm đều vì lợi ích. Ở nơi Chúng Tăng, không khởi sự chống đối. Nghiệp thân, ngữ, ý, lìa những trói buộc, không cầu Trời, Người, tu các nghiệp lành không vì danh lợi, hướng đến Niết Bàn.

Tỳ Kheo nên biết! Luôn lìa bạn ác. Không tạo lỗi lầm. Thường dùng từ tâm, quán sát bình đẳng, tâm ý nhu hòa, giữ giới thanh tịnh tùy thuận chân thật, lìa giả dối và sợ sệt, không mê luân hồi. Với các thiền định hiểu rõ vô thường, trí không tự tại. Chúng Trời cõi Phạm an trụ thiền định hướng đến Niết Bàn, lắng nghe diệu pháp, thành thật hiểu rõ, vui mừng phấn khởi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Quả nghiệp tốt, không tốt

Đã làm, nhất định chịu

Mình tạo, mình trói buộc

Như tằm, không khác gì!

Vất vả và ngọt đẹp

Các khổ và phiền não

Như bóng mãi bám theo

Uống độc tự hại vậy.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo với các Tỳ Kheo: Nếu có chúng sinh, khéo tu trí tuệ, phá lửa phiền não, an trụ phạm hạnh, ưa thích Tam Bảo, thấy nghe tùy hỷ, không khởi tham giận, luôn tưởng đến giải thoát, hiểu rõ không lay động, hướng đến chân thật, an trụ nơi cao tột thì sẽ thoát khỏi luân hồi già, bệnh, chết và các oan gia phiền não.

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ Kheo: Nếu ở chỗ vắng mà tu tập phạm hạnh, hướng tới trí tự nhiên. Thì được các chúng Phạm Thiên luôn đến để gần kề cung kính cúng dường.

Vì sao?

Vì ưa thích Phạm hạnh có thể phá bỏ luân hồi, xa lìa phiền não, khiến tâm được điều phục, lìa bỏ tối tăm và các oan gia chẳng thể xâm hại. Giống như cỏ khô lìa được lửa thiêu đốt, lìa bỏ phiền não, cũng lại như vậy.

Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Nếu lại có người, mê các cảnh giới, buông thả các căn, chống đối Niết Bàn, tâm không bình đẳng, luôn tạo nhân khổ, tà kiến trói buộc, tất cả các hoặc, không thể hàng phục, chứa nhóm những thứ cần dùng, tâm vô cùng tham lam, đối với ruộng phước cao cả bị ngu muội ngăn che, chưa từng tỉnh ngộ.

Nếu gặp Pháp Sư chỉ bày phương tiện khai hóa, xa lìa các hoặc và tham nhiễm… liền trừ được lửa dữ và lìa các xúc, hướng đến pháp cam lồ vi diệu cao cả an trụ chỗ tối thượng. Các bạn lành tri thức, ưa thích vắng lặng, tu tập trí tuệ.

Thì phiền não như núi cũng có thể phá hoại, an trụ tuệ sáng, bỏ mọi ngu ám, xa lìa luân hồi, được quả báo tốt đẹp. Trí tuệ thông minh cao tột, tu tập các hạnh cao đẹp, tâm ý liên tục, bớt ham muốn, biết đủ, trừ hết tà chấp, thảy đều xa lìa phan duyên trói buộc. Như cá nuốt câu vì tham mùi vị, tự bị trói buộc, hữu tình cũng vậy.

Vì ưa thích năm dục luôn luôn không bỏ, mà khởi lên các nghiệp, làm cho sinh tử luân chuyên không lúc nào dừng nghĩ, đó là nguyên nhân nhiễm mê muội làm sai khác các nẻo, không có sự chấm dứt.

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu người tạo nghiệp ác

Luân hồi địa ngục khổ

Ngạ quỷ và súc sanh

Chìm đắm không cùng tận

Đẳng hoạt và Hắc thằng

Chúng hợp và Hiệu khiếu

Và ngục lớn A tỳ

Thiêu đốt rất dữ dội

Gian nan nghiệp ác khổ

Nhọn dài mười sáu ngón

Bốn vách và bốn cửa

Đều làm bằng sắt nhọn.

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ Kheo: Các địa ngục kia, lửa cháy hừng hực, rất nhiều bạo ác, liên tục không gián đoạn, trải qua trăm du thiện na, khó có thể điều phục, toàn thân lông dựng ngược, rất là sợ hãi, tiếng rất độc ác, nghe đều khổ sở.

Nếu hữu tình tạo ác nghiệp, khi đọa vào địa ngục này, thân thì treo lên, đầu lại chúc xuống, trong khoảng sát na, chịu nhiều khổ sở, lần lượt thiêu đốt, ngày đêm than khóc, tiếng kêu phát ra rất đau đớn, như xâu cá nướng, da thịt nức nẻ, đầy dẫy hắc ám, tâm ý mê loạn.

Tội nhân thấy cõi Diêm Ma La kia, bị lửa thiêu đốt, mê loạn tuyệt vọng, những người cùng tạo một nghiệp, cùng ở một ngục, người nào cũng bị trói buộc, cai ngục lôi kéo, chịu các nạn khổ, không có gián đoạn.

Hoặc người thiếu trí, hư vọng tạo tội, do luân chuyển này mà oan gia tụ hội, chịu khổ địa ngục.

Lúc đó, các Tỳ Kheo bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Cõi Diêm Ma la này, người chịu tội, vì sao phải trói buộc, chịu khổ vô lượng?

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Người này thường luôn chê bai chánh pháp, không sinh tâm tín thọ, nhân quả không hiểu rõ, mê các địa ngục chẳng sinh sợ hãi, lại khởi lên lửa phiền não, thiêu đốt các điều lành, vì nhân duyên này, bị đọa vào cõi Diêm Ma, chịu khổ như vậy, chịu hết mọi nạn lửa, không hề gián đoạn, sân giận oan gia, ngu si tối tăm, tùy theo nghiệp mà phải chịu, khi nghiệp hết, mới ra khỏi.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu lại có người, khinh khi dối trá đối với vợ người, đam mê không bỏ, sống trong bóng tối ánh sáng bị che làm sao có thể hiểu rõ!

Khi ấy, các Tỳ Kheo lại bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Chỗ người thấp hèn ngu muội, vô trí, phải nhân gì mà hứng chịu quả như vậy?

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Người ấy, ở đời quá khứ, tâm cống cao, ngã mạn, khinh khi, hủy báng Hiền Thánh, tham lam ganh ghét, nên phải chịu quả báo ấy. Hoặc lại có người, làm chuyện chia lìa đây đó và tạo ác nghiệp, do nhân duyên này, đọa vào các địa ngục, nếu được sinh trong loài người thì không có con cái, tài vật tiêu tan, xa lìa tri thức, khi mạng hết điên cuồng sợ hãi, nhờ quyến thuộc bảo vệ, mê các cảnh giới, không thể hiểu rõ.

Lúc đó, Đức Phật nói kệ tụng:

Tự tạo phải tự nhận

Tội tàn hại hữu tình

Chịu cảnh khổ bạo ác

Nghiệp hết mới ra khỏi.

Thế gian tạo các nghiệp

Thường tùy lành hay ác

Thí như mùi hương hoa

Xa gần đều cùng thích.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ví như loài chim bay, việc đậu, nghỉ luôn ở trong rừng cây, việc họp tan cũng chẳng đúng kỳ! Cha mẹ bà con cũng lại như vậy.

Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Nếu lại có người, ở nơi vắng lặng, trói buộc những suy tư nhớ nghĩ, tu tập nghiệp lành, lìa bỏ ngu tối, cắt đứt trói buộc bạo ác phi pháp, đến khi mạng hết, thân tâm không còn áo não, lìa mọi sự sợ hãi, được quả báo sinh Thiên, ăn uống, y phục, tùy tâm mong muốn liền có, quyến thuộc và cung điện thảy đều đầy đủ, thông minh trí tuệ.

Của cải vườn tược, đầy đủ không thiếu, thọ mạng hình sắc viên mãn đầy đủ. Nếu lại có người, dối trá chính mình, làm mê hoặc thế gian.

Đối với nam nữ quyến thuộc, bạn bè tri thức thì chửi bới xúc phạm tạo nhiều tội lỗi, sau khi người đó mạng hết sẽ đọa vào đường ác, chịu khổ vô lượng. Từ chỗ ác kia xa, nếu lại sinh trong loài người thì nghèo khổ hèn hạ, cơm ăn áo mặc thiếu thốn.

Nam nữ quyến thuộc thảy đều nhàm chán xa lìa, giả dối ngu mê, không rõ nhân quả, tham lam lầm lẫn, tất cả tương ưng không gián đoạn, đối với việc lành không hề tu tập, luôn luôn tìm cách gần gũi bạn ác và pháp chẳng thật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Từ nghiệp sinh các khổ

Bị địa ngục thiêu đốt

Con người bị khổ trói

Đều tự tâm mình tạo.

Xoay tròn trong ba cõi

Qua lại như kiến bò

Nghiệp quả duyên với nhau

Liên tục không cùng tận.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo các Tỳ Kheo: Nếu được chánh quả, mới thoát khỏi luân hồi, không còn trói buộc, tự tại an lạc, nghiệp và quả của nghiệp không thể làm nghiêng ngã lay động.

Hoặc lại có người, khởi tham giận, mê hoặc và tạo các tội lỗi thì bị đọa vào địa ngục, bị lửa dữ thiêu đốt, cả thân thể chịu các thứ khổ, phát tiếng kêu khóc, suy nghĩ tìm cách đều không thể giải thoát. Khổ sở như vậy là do nghiệp ác ngu mê tự tạo. Ví như lửa dữ thiêu đốt rừng hoang, tất cả cỏ cây, đều bị cháy rụi.

Ác nghiệp cũng vậy, xoay tròn trong địa ngục, chịu các khổ não, không thể xa lìa. Hoặc lại có người, lìa bỏ bạn ác, không tạo tội lỗi, hiểu rõ nhân quả, lìa mọi nghi ngờ chê bai, tu tập chánh kiến, tin ưa chân như, an lạc vắng lặng, xa lìa luân hồi và các khổ não, cao cả không gì sánh bằng, vô tướng, vô vi, lìa những dối lừa điên đảo, thường, lạc, ngã, tịnh. Tự tại không ngại, lìa mọi trói buộc, nghiệp lành hay ác, thảy đều xa lìa.

Bấy giờ, tất cả các Tỳ Kheo trong chúng hội, nghe Đức Phật nói về địa ngục thiêu đốt, chịu khổ vô lượng mà buồn khóc, nước mắt như mưa, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi bạch: Hữu tình chịu tội ở các địa ngục này. Tu nhân gì, để được giải thoát các khổ não.

Ở đời vị lai, không bị trói buộc, mau được giải thoát. Cúi xin Đức Từ Bi, rộng giảng việc này, để làm lợi ích cho đời vị lai.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta nay vì các ông mà phân biệt giảng nói.

Hoặc lại có người, tu hành các giới trong sạch, xa lìa tà chấp, ngu mê điên đảo. Nếu người đã tạo tội thì ăn năn, không cho tăng trưởng. Nếu người chưa tạo tội thì ngăn ngừa không cho sinh, tu tập nghe nghĩ và các nghiệp lành. Lìa bỏ tham lam, keo kiệt, dối trá và bạo ác, tin sâu nhân quả. Do nhân duyên này sẽ không bị nỗi khổ địa ngục thiêu đốt.

Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Hoặc lại có người muốn cầu sự xa lìa, thiêu đốt oán hại, không uống các thứ rượu, tu hành bố thí và giữ giới.

Tỳ Kheo nên biết! Lỗi của rượu là trên hết vì phá hoại pháp lành. Lỗi của rượu là trên hết vì có thể phá hoại sự sáng suốt của trí tuệ.

Lỗi của rượu là trên hết vì phá hoại sự an vui. Lỗi của rượu là trên hết vì làm xa lìa bạn lành. Lỗi của rượu là trên hết vì hay sinh các bệnh. Lỗi của rượu là trên hết vì phá hoại sự giải thoát. Lỗi của rượu là trên hết vì oan gia tìm được sơ hở.

Lỗi của rượu là trên hết vì tài vật tan mất. Lỗi của rượu là trên hết vì tăng trưởng pháp không thật. Lỗi của rượu là trên hết vì xa lìa châu báu. Lỗi của rượu là trên hết vì nói loạn việc phá trái. Lỗi của rượu là trên hết vì tăng trưởng sự tán loạn.

Lỗi của rượu là trên hết vì hay sinh tham lam giận dữ. Lỗi của rượu là trên hết vì tăng trưởng vô minh. Lỗi của rượu là trên hết vì trung thực biến thành giả dối. Lỗi của rượu là trên hết vì tiết lộ bí mật. Lỗi của rượu là trên hết vì tăng thêm phiền não. Lỗi của rượu là trên hết vì thành tựu địa ngục.

Lỗi của rượu là trên hết vì thiêu đốt căn lành. Lỗi của rượu là trên hết vì hủy hoại Tam Bảo. Lỗi của rượu là trên hết vì tiếng ác đồn khắp. Lỗi của rượu là trên hết vì say sưa, sắc mặt đỏ gấc. Lỗi của rượu là trên hết vì bay mùi hôi hám. Lỗi của rượu là trên hết vì tăng trưởng ba nẻo khổ.

Tỳ Kheo nên biết! Rượu có thể hủy hoại nghiệp Cõi Sắc, Vô Sắc. Rượu có thể thiêu đốt bốn nghiệp Thánh quả. Rượu làm tăng trưởng các nghiệp bạo ác. Rượu có thể làm không tin nhân quả chân chánh. Rượu làm tăng trưởng các khổ phiền não. Rượu có thể phát khởi bốn lỗi lầm của miệng và những việc sợ hãi, rượu luôn luôn khởi lên các sự dối trái cao ngạo.

Rượu có thể chê bai bạn lành, tri thức. Rượu có thể đem lại các nỗi khổ buồn lo. Rượu làm tăng trưởng tất cả tội lỗi. Rượu đọa hữu tình vào chỗ tối tăm. Rượu đọa hữu tình vào ngạ quỷ và súc sanh.

Rượu làm xa lìa sự thông minh trí tuệ. Rượu làm xa lìa Chư Thiên, Thần Tiên. Rượu có thể hủy hoại việc chuyển bánh xe Phật Pháp. Rượu làm tăng trưởng dâm dục hừng hẫy. Rượu làm hủy hoại phạm hạnh thanh tịnh. Rượu làm tăng trưởng ngã mạn buông lung.

Rượu giống như bão tố phá hoại thế gian. Rượu làm hủy hoại não loạn các hạnh của trưởng giả. Rượu làm quên mất tâm của nhẫn nhục. Rượu làm mê loạn sự thông tuệ của thế gian. Rượu có thể chê bai pháp giải thoát. Rượu làm xa lìa giới trong sáng của Chư Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần