Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Mười Bốn - Phẩm đẳng Hạnh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

TRÌ TÂM PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM ĐẲNG HẠNH  

Bấy giờ, trong chúng hội có vị Thiên Tử tên là Hiện Bất Thoái Chuyển bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là kính giữ chánh pháp, tôn trọng Kinh Điển?

Đức Phật dạy: Này Thiên Tử! Muốn biết thế nào là kính giữ chánh pháp, tôn trọng Kinh Điển thì nên kính thuận các pháp, đó gọi là kính giữ, tôn trọng. Nếu kính thuận theo tất cá các pháp thì gọi là thực hành chánh pháp.

Vì sao?

Nếu kính thuận theo các pháp thì không thực hành các pháp cũng chẳng phải là không thực hành, vì có đối tượng để hành hóa là chẳng có đối tượng để hành hóa, đây gọi là tu tập chánh pháp.

Nếu không tu theo các nguồn gốc về căn lành, phước đức, cũng chẳng phải là không tu căn lành, đó gọi là tu tập chánh pháp.

Pháp ấy không có hữu lậu cũng chẳng phải vô lậu, không có tội cũng chẳng phải không có tội, không phải thế gian cũng chẳng phải xuất thế gian, không có hình tướng cũng chẳng phải là không có hình tướng, không có sinh tử cũng chẳng cổ diệt độ, không có đối tượng thực hành cũng chẳng phải là không thực hành, đó gọi là tu tập chánh pháp.

Nếu có thể tu hành nơi tất cả các pháp thì gọi là tu tập chánh pháp. Không có tưởng về pháp mà thực hành pháp, đó gọi là tu tập chánh pháp.

Nếu nghĩ rằng ta đang thực hành pháp này thì chẳng phải là thực hành. Người nào lãnh thọ các pháp mà xả bỏ tất cả các pháp thì gọi là người thực hành chánh pháp. Những ai ở nơi đối tượng thực hành mà không thấy có đối tượng thực hành các pháp, thì gọi là tu tập chánh pháp.

Thiên Tử Hiện Bất Thoái Chuyển bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người nào đối với pháp này mà không thực hành chân chánh thì người ấy chẳng phải là kính giữ, tôn trọng và không thuận theo chánh pháp.

Vì sao?

Vì thực hành chân chánh là không bị luân hồi, chẳng lưu chuyển trong đường sinh tử.

Thế nào là thực hành?

Là an trụ nơi nẻo bình đẳng mới gọi là thực hành.

Bạch Đấng Đại Thánh! Thực hành bình đẳng thì không có pháp tà.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều bình đẳng, không hề sai khác.

Phạm Thiên Trì Tâm hỏi Thiên Tử Hiện Bất Thoái Chuyển: Thưa Thiên Tử! Thiên Tử có thực hành theo hạnh này không?

Thiên Tử Hiện Bất Thoái Chuyển đáp: Thưa Phạm Thiên! Tôi sẽ thực hành. Giả sử Đức Thế Tôn Giảng nói có hai nẻo, nhưng thực hành theo hai nẻo ấy là có đối tượng để thực hành. Nếu có đối tượng để thực hành là chẳng phải thực hành.

Lại nữa, thưa Phạm Thiên! Tôi đã lìa bỏ hai nẻo để thực hành các pháp, đối với sự thực hành theo các pháp cũng vậy, sự tôn trọng các pháp cũng như đối tượng được tu hành cũng thế, đó là tu tập chánh pháp.

Phạm Thiên hỏi: Thưa Thiên Tử! Thiên Tử chưa từng thấy cõi Phật này sao?

Thiên Tử đáp: Tôi chưa từng thấy Cõi Phật này.

Phạm Thiên hỏi: Nếu không khởi tưởng đối với Cõi Phật ấy thì không có điều ứng hợp nào mà chẳng ứng hợp, nơi đối tượng được thấy cũng chẳng có đối tượng để thấy chăng?

Thiên Tử đáp: Thưa Phạm Thiên! Nay tôi không khởi tưởng cũng chẳng phải là không khỏi tưởng, không có điều ứng hợp nào mà chẳng ứng hợp tôi đã từng thấy cũng là chưa từng thấy.

Phạm Thiên hỏi: Thưa Thiên Tử! Thiên Tử đã thấy được điều gì?

Thiên Tử đáp: Tôi chưa từng thấy các Bậc Hiền Thánh và tất cả hàng phàm phu thoát khỏi các cõi ác cũng chẳng thấy được giải thoát.

Thưa Phạm Thiên! Như vậy, người nào đạt được bình đẳng thì được giải thoát, gọi là chánh kiến, thấy điều chưa từng thấy, không có danh tự cũng không có nơi hướng đến, mắt không khác thức, cho đến tai, mũi, miệng, thân và ý cũng chẳng khác thức.

Nếu thấy được như là không có nguồn gốc thì mắt là như, ngã và ngã sở cũng vậy. Do thấy không có nguồn gốc nên chẳng có đối tượng được thấy, đấy gọi là sự thấy bình đẳng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần