Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH DIỆU PHÁP THÁNH NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Thiên, Đời Tống
PHẦN NĂM
Khi ấy, các Tỳ Kheo lại bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Nếu lại có người, đối với chánh pháp và Kinh Điển sâu xa của Đức Phật, đọc tụng, diễn nói, khiến người khác tin thọ, phát tâm Bồ Đề thì sẽ được quả lợi ích thù thắng gì?
Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Người đó được vô lượng công đức rất cao cả và tốt đẹp. Các hữu tình này, thọ trì đọc tụng pháp sâu xa như vậy, phô diễn giảng nói, nương theo pháp tu hành, khởi lên niềm tin chân chánh, hàng phục chướng nhiễm, xa lìa đường ác.
Luôn ở chỗ Trời, Người, an ổn thích thú, tất cả Thánh Hiền che chở giúp đỡ ngợi khen. Đối với đời tương lai, đạt được Đa văn tổng trì, phước đức trí tuệ cao cả nhớ nghĩ không quên, cung điện châu ngọc thảy đều đầy đủ, cho đến khi mạng hết mau được thành tựu, thường lìa già bệnh, keo kiệt, tham lam, ganh ghét, mê hoặc, say loạn, chê bai chánh pháp, giả dối ôm giữ cái tà, tám nạn hiểm ác và các pháp không thật, tất cả thảy đều lìa bỏ.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Nếu lại có người, ngu mê ôm giữ tà ác. Đối với thế gian, ưa thích sự giả dối, tạo nhiều tội lỗi. Đối với việc làm đó, lại không hối hận, tâm ấy lại càng tăng thêm, tạo điều ác liên tục, không sợ chỗ hiểm ác, xa lìa bạn lành. Do nhân nơi nghiệp này mà luân chuyển trong địa ngục, chịu quả khổ, chắc chắn không sao tránh khỏi.
Tỳ Kheo nên biết! Những người có trí đều lìa bỏ các nghiệp ác, phát khởi lòng tin chân chánh, tu tập pháp sửa đổi.
Tỳ Kheo nên biết! Do tâm tạo tội, nên chịu quả như vậy. Giải thoát sự sinh tử luân chuyển trong các nẻo, cũng do từ nơi tâm. Hay làm việc lừa dối nịnh hót, lại có thể điều phục, cũng có thể bạo ác, hay hướng đến tam đồ rất đáng sợ, cũng do từ nơi tâm tạo nên. Lại có khả năng xả bỏ, tu tập pháp lành.
Cũng có thể từ bỏ chân thật, an vui và cũng có thể xa lìa hư dối điên đảo, với đủ các loại nhân duyên và quả báo sai khác, hoặc giả hoặc thật, được quả báo chắc chắn hay không chắc chắn, có lợi ích hay không lợi ích, hoặc tốt hoặc chẳng phải tốt, đều có thể xa lìa, cũng có thể hiện bày đối với lý nhị không.
Ví như đèn sáng, xua tan màn đêm, lại có thể hiện rõ ra các vật tượng… tâm cũng như vậy. Lại như nhân quả tốt xấu có sai khác, theo đuổi lẫn nhau, thường chẳng lìa bỏ, bị luân chuyển các nẻo, cũng do từ nơi tâm.
Lại như sạch nhơ ẩn hay lộ, tuy có khác, nhưng cùng nhau tăng giảm sự lý giả hay thật, cũng chẳng xa lìa. Chánh kiến hay tà chấp. Nghiệp ái hay chẳng phải ái. Xuất ly hay chìm đắm, có lý hay phi lý, tưởng tức hay xa lìa, đều là do tâm tạo.
Tỳ Kheo nên biết! Các nghiệp trói buộc, qua lại trong sinh tử, giống như cạm bẫy, trói buộc hữu tình, không được tự tại. Ngu mê giả dối, bị phiền não trói buộc, ngăn che chân lý, khiến trí không phát khởi. Đối với pháp hay chẳng phải pháp, không thể hiểu rõ, cũng chẳng tu tập, thực hành, để chứng đắc, chân lý nhị không, không do đâu hiện ra để chứng đắc.
Tỳ Kheo nên biết! Do vô minh này làm mê lầm chân lý. Đối với giáo pháp của Đức Phật, chưa từng tỏ ngộ, chướng ngại khó giữ lại, tự mình không theo đó mà tu tập, trái lại còn ngăn ngừa người khác tu học, nói dối lỗi lầm, tăng thêm nhàm chán xa lìa.
Nghiệp này do nhân chê bai chánh pháp, oán tặc đối với Chư Phật. Nên đời đời ngu muội, luôn bị đọa vào địa ngục tối tăm, chịu đủ thứ khổ, không có cùng tận.
Từ địa ngục này ra, rồi lại đọa làm ngạ quỷ, ngu mê, bạo ác, tàn hại lẫn thứ khổ. Lại từ ngạ quỷ ra, rồi đọa trong loài súc sinh, đói khát khốn cùng, các khổ trói buộc, luôn không dừng nghỉ, tâm sân thêm mạnh, giành nhau ăn uống, ý vui với ác, liên tục không gián đoạn, giống như lửa ở đời, thiêu đốt rừng hoang, nghiệp này cũng vậy, thiêu đốt điều lành làm tổn hại đến hữu tình.
Đức Thế Tôn lại nói kệ:
Chúng hữu tình mê hoặc
Chê Phật, phá chánh pháp
Đọa vào ba nẻo khổ
Tận kiếp, không thể ra,
Chịu khổ nơi địa ngục
Tối tăm không chút sáng
Ngạ quỷ và súc sanh
Đói khát không cùng tận,
Hữu tình do nghiệp trói
Phiền não che trí tuệ
Chìm đắm biển hiểm ác
Kiếp hết không ra khỏi.
Đức Thế Tôn nói kệ này rồi bảo các Tỳ Kheo: Do trước kia chê bai chánh pháp, tạo nhân của nghiệp ác, bị luân chuyển trong tam đồ, chịu khổ vô lượng, từ chỗ tam đồ kia, ra rồi, nếu được sinh trong loài người, thì nghèo hèn khốn khổ, các căn không đủ bị đói khát thúc ép, phiền não càng tăng, tánh lại bạo ác.
Giống như voi ngựa hung dữ, khó chế ngự. Ngu mê ôm giữ cái xấu luôn luôn tương ưng, bệnh khổ trói buộc, không có gián đoạn, tâm họ buông lung, phan duyên giả dối không dừng nghỉ, đui điếc câm ngọng, khó gặp chánh pháp, ở chỗ biên địa, không có trí tuệ. Ngu si theo điều tà phải chịu các thứ khổ, không có cùng tận.
Tỳ Kheo nên biết! Tội chê bai chánh pháp, mắc quả báo vô lượng, nói không thể hết.
Đức Phật lại bảo Tỳ Kheo: Nếu lại có người tu các thiền định để mong cầu giải thoát, đối với Phật, Pháp, Tăng không sinh lòng chê bai, luôn luôn tôn trọng khen ngợi tin nhận thọ, giống như cha mẹ và bạn lành, luôn luôn thương yêu, giúp đỡ, tôn trọng và tin tưởng, không khởi lên ý xấu chê bai khiến cho tâm vui vẻ.
Khi ấy, các Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hữu tình làm sao lìa bỏ tội lỗi, tu tập hạnh thù thắng?
Xin Thế Tôn Giảng nói, để làm lợi ích cho đời vị lai.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ Kheo: Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Nay ta vì các ông, mà nói.
Nếu lại có người, lìa bỏ thân ngữ và các nghiệp ác, luôn tu tập nghiệp lành, lại đối với ba đời, an trụ quán sát, trừ bỏ các tà mạn, tôn trọng Tam Bảo, sáng suốt thực hành tốt ba nghiệp, hướng chứng bồ đề, đối với ba thời, xa lìa mọi dính mắc và tham sân…
Lại nữa, này Tỳ Kheo! Do nơi ba nghiệp mà xa lìa các lỗi lầm, ưa thích an trụ ở ba tụ tịnh giới, hướng đến ba Bồ Đề, ba chân như, xa lìa phiền não, an ổn suy nghĩ, khiến tâm bình đẳng, quán sát được tốt đẹp.
Lại xa lìa mạn nghi, được ba nghiệp thanh tịnh, hàng phục nhơ bẩn làm chướng ngại ở bất cứ chỗ nào cũng có thể lìa trói buộc, tu tập chánh hạnh, nhớ nghĩ khổ không, ưa thích giải thoát sâu xa cao đẹp, xa lìa các ác, phát khởi phương tiện để phá hoại ngu si và các tham dục.
Vì thế Tỳ Kheo, nên tu hạnh lành, xả bỏ mọi lỗi lầm và hay xa lìa đói khát, lạnh nóng, dung nhan tiều tụy, phá trừ ngu tối, sầu não, hối hận, những thứ khổ nay thảy đều xả bỏ, được sinh Cõi Trời, Người giàu có an vui, thông minh trí tuệ, nghe nhiều hiểu rộng, luôn tu hạnh xả bỏ và đầy đủ các thứ để cúng dường, như: Hương, đèn, vòng hoa và chuỗi ngọc.
Này các Tỳ Kheo! Nếu khởi lên tà chấp, keo kiệt, tham lam, ganh ghét, giả dối nịnh hót, thì sẽ bị đọa làm ngạ quỷ, chịu các khổ não thúc ép, tàn hại liên tục, không gián đoạn, đói khát thiêu đốt, khi nghiệp nhân thành thục, một mảy may cũng khó thoát khỏi sầu khổ trói buộc lại xa lìa giải thoát.
Khi ấy, các Tỳ Kheo bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Các hữu tình này vì sao bị khổ như vậy?
Cho đến bao giờ, mới được giải thoát và được chánh tín?
Nay con suy nghĩ, không thể hiểu rõ. Lại nữa, hữu tình này ở trong đường ngạ quỷ, ngày đêm mãi mãi chịu đói khát, nóng lạnh, sầu khổ, thân thể khô khan, si ám mê mờ thường không tạm bỏ. Cúi xin Phật diễn nói, để làm lợi ích cho đời vị lai.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Các hữu tình này, đối với đời quá khứ, tạo các nghiệp ác, không tu phước tuệ, keo kiệt, tham lam, giả dối, phiền não quá mạnh, tự do buông thả, tham sân không thể hàng phục. Sau khi mạng hết, đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng.
Từ địa ngục ra, lại đọa vào ngạ quỷ, các khổ thúc ép, đói khát trói buộc, bất cứ ở chỗ nào cũng luôn chịu khổ, không người cứu giúp, không nơi nương tựa, nhớ nghĩ ăn uống, trọn không thể được, hối hận khóc lóc biết khi nào mới bỏ được khổ này!
Tỳ Kheo nên biết! Hữu tình ngu si, bị phiền não trói buộc, đều do ba nghiệp ác, luân chuyển trong tam đồ, nên chịu khổ như vậy.
Tỳ Kheo phải biết! Nếu lại có người cận sự nam, cận sự nữ, các Trời, Phạm, phá trừ được nghiệp ác kia, tu tập pháp lành, ưa thích chân đế tự quán kỹ thân mình chỉ là bốn đại, năm uẩn, khổ, không, vô thường, giống như bọt nước, cây chuối, giấc mộng, ánh điện, thảy đều là giả tạm.
Thế nên Tỳ Kheo! Đối với các pháp lành tu tập làm cho tăng trưởng. Đối với mọi điều ác phải sửa đổi không cho khởi lên, an trụ Cõi Trời, Người rất đáng được tôn trọng, thân, ngữ, ý, nghiệp tất cả đều được tự tại, xa lìa các lỗi lầm, giả tạm, dối trá và mọi kinh sợ nhất định xả bỏ, ưa thích hơn cả sự suy nghĩ vắng lặng, lìa mọi sự tán loạn, tạo ra các điều lành, đầu giữa và cuối không cho gián đoạn, hàng phục các căn, lìa bỏ trói buộc và các nẻo ác.
Kẻ ngu si tối tăm, không rõ nhân quả, tạo nhiều điều ác, sẽ luân hồi trong ba nẻo khổ bị đầy dẫy các khổ não.
Đức Thế Tôn bèn nói kệ:
Nếu ưa thích trụ xứ
Nên quán thai tạng khổ
Xa lìa tham điên đảo
Phá hoại không cho khởi,
Dây nghiệp đã trói buộc
Tam đồ khổ vô tận
Như kiến bò vòng tròn.
Chìm đắm khó ra khỏi.
Đức Thế Tôn nói kệ này rồi bảo các Tỳ Kheo: Khổ của già, bệnh, chết trói buộc hữu tình, không một chút lìa bỏ. Ví như cá mắc lưới, nai trúng tên. Trói buộc cũng lại như vậy.
Lại nữa, này Tỳ Kheo! Tham ái như độc, sân hận tợ như lửa, giả dối nịnh hót mê mờ, che lấp tâm sáng phiền não mạnh mẽ luôn theo đuổi nhau, khiến chẳng ra khỏi. Nếu lại có người, tham cầu của cải, làm nhiều điều giả dối, nịnh hót để nuôi sống thân mạng. Do vọng chấp trói buộc nên chịu luân hồi các nẻo. Như cá nuốt câu. Nhân tham mà khởi lên, như lửa nung nước, đều từ tâm sinh ra.
Đức Thế Tôn lại nói kệ:
Mê chấp hư vọng kiến
Nghiệp duyên hữu huyễn thân
Quả nhân thường ly đảo
Lìa nhân quả chẳng nhân,
Nhân luân chuyển phiền não
Hiểu rõ chứng chân không
Giải thoát, lìa phiền não
Lý chân thật chẳng không,
Bậc Diệu Giác Tối Thượng
Thảy đều quên hai chướng
Sâu lắng mãi không động
Lợi vui các hữu tình.
Đức Thế Tôn nói kệ này rồi lại bảo các Tỳ Kheo: Nếu lại có người, khởi lên tâm chê bai không tin tưởng làm tổn hại Tam bảo, lấy các thứ hoa quả đem buôn bán đổi chác, để nuôi sống thân mạng.
Do nhân duyên này, đọa vào đường ác, gặp các loài cáo, chim thú hoang dã, mỏ nhọn sắc bén, giống như Kim Cang, hình thể xấu ác, nhiễu loạn rất đáng sợ, tập hợp lại đến ăn thịt, tay, chân, mắt, xương, tủy không để lại một thứ gì, hữu tình chịu khổ vô lượng, dây nghiệp trói buộc, luôn theo đuổi không bỏ, không nơi nương tựa, không ai cứu giúp, luân chuyển qua lại trong ba đường ác như vậy, mãi chẳng lìa bỏ.
Từ chỗ này ra, rồi lại đọa vào ngạ quỷ, bị đói khát thúc ép các điều khổ tăng thêm, miệng nói ra lửa cháy giống như núi lửa liên tục không gián đoạn, giá như có mưa lớn xuống khắp mọi nơi, nhưng lửa ác nghiệp này, trọn không thể diệt.
Tỳ Kheo nên biết! Nếu lại có người tu tập bố thí và giữ giới, cho đến trí tuệ. Thì có thể giải thoát các thứ khổ sở.
Lại nữa Tỳ Kheo! Nghiệp ác làm nhân, sẽ chiêu cảm quả ba nẻo khổ, hữu tình mê chấp, không thể hàng phục, phân biệt câu sinh phiền não. Có một trăm hai mươi tám sử, ở trong ba cõi. Muốn thực hành bốn đế thì có mười hai, hợp hai các trên mà bàn thì có hai mươi bốn. Nói hai mươi bốn là ước lược của ba cõi mà nói.
Lại nữa Tỳ Kheo! Bốn đế, bốn trí có mười sáu và hai kiến đạo, tu tập bốn niệm xứ, tám chánh đạo, năm căn, năm lực. Sẽ giải thoát bạo ác và xa lìa thiêu đốt.
Lại nữa Tỳ Kheo! Nhị đế là cao tột, người trí nên tu tập và trụ vào ba niệm, xa lìa chúng ma và các ngạ quỷ, đói khát khốn khổ, pháp lành liền được tăng trưởng.
Đức Thế Tôn lại nói kệ:
Mười ác do tâm tạo
Chìm đắm, đường hiểm nguy
Cảnh tham si trói, chấp
Cảm quả, ắt theo sau,
Cực khổ đường địa ngục
Rên siết không chỗ nương
Duyên nóng tạo bóng vang
Kiếp hoại báo khó rời.
Ba nghiệp cần tinh tấn
Đa văn, học Tổng trì
Nhị nghiêm tu Lục Độ
Viên mãn chứng bồ đề.
Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, liền bảo các Tỳ Kheo: Nếu lại có người tu ba nghiệp lành, ra sức học tập, bố thí, giữ giới, lìa bỏ bạo ác, ngu mê, tham ái, giải thoát các khổ. Thì lìa được những điều ác của địa ngục ngạ quỷ.
Tỳ Kheo nên biết! Các cõi ngạ quỷ phải chịu mọi thứ khổ, nóng lạnh, đói khát, khổ não, bức bách mà không thể xa lìa. Do cao ngạo giả dối do các nghiệp ác này mà đọa lạc trong tam đồ. Ở trong nẻo đó tàn hại lẫn nhau, tham, sân trói buộc, luôn luôn không rời.
Do thuở xưa, xa lìa, bố thí, trì giới và đa văn, tạo ra các lỗi lầm, không thể biết rõ pháp và chẳng phải pháp… đối với chánh tín cũng đều mê ám, cũng chẳng tỉnh ngộ. Do chướng ngại này mà nẻo lành của Cõi Trời, người không thể tu tập, cũng chẳng quán sát những việc được mất.
Lúc đó, các Tỳ Kheo lại bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Nẻo A Tố La bị chiêu cảm bởi nghiệp gì?
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Lắng nghe, lắng nghe! Nay ta vì các ông mà nói. A Tố La do thuở xưa giả dối luôn luôn tạo nghiệp nịnh hót, quanh co và các nghi hoặc trói buộc không bỏ được nên bị đọa vào A Tố La. Cũng do không tin, chê bai bậc hiền thiện.
Đối với nhân quả chân chánh, không thể hiểu rõ, nên đọa vào nẻo ấy không có trí tuệ, ngu mê, vọng chấp, sợ hãi, khiếp nhược, chẳng được an ổn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Hai - Phẩm Nghiệp Tương ưng - Kinh La Vân
Phật Thuyết Kinh Ma Lợi Chi Bồ Tát đà La Ni - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Một - Phẩm Con Rắn - Chuyện Con Voi
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ đại Thiên Quốc Thổ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Một - Một Pháp - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Một Pháp
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bảy Mươi - Phẩm Bất Khả động - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Nhân Duyên Xá Lợi Phất