Phật Thuyết Kinh Giải Tiết - Phẩm Ba - Phẩm Quán Nhất Dị

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần

PHẬT THUYẾT KINH GIẢI TIẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần  

PHẨM BA

PHẨM QUÁN NHẤT DỊ  

Khi ấy, Bồ Tát Tịnh Tuệ bạch: Bạch Thế Tôn! Lời nói này là chân chánh sâu xa, hiếm có, như Đức Thế Tôn nói lý chân thật này rất tinh tế vi diệu và sâu dày, khó có thể thông đạt. Nó vượt lên tướng một và khác.

Bạch Thế Tôn! Một thời, con thấy ở một nơi có chúng Đại Bồ Tát, tu hạnh bồ đề, ở địa vị nguyện lạc.

Đối với nơi này, họ tụ tập và ngồi lại với nhau, vì muốn lo nghĩ tính toán về thật tướng của các pháp, cùng với các pháp hành, là một hay là khác?

Khi ấy, trong chúng có các Bồ Tát nói lời như vậy: Tướng chân thật này không khác các hành.

Lại có Bồ Tát nói: Tướng chân thật cùng với các hành, chẳng phải một.

Lại có Bồ Tát khởi tâm nghi hoặc, không tin là một hay là khác, nói lời như vậy: Trong một và khác đó, người nào nói đúng, người nào nói sai?

Sao lại là chánh hạnh?

Sao lại là tà hành?

Vì sao phải cho là một, vì sao phải cho là khác?

Bạch Thế Tôn! Con thấy việc ấy, nên suy nghĩ: Các thiện nam là những anh nhi ngu si. Họ không hiểu, không rõ, chẳng hành như lý.

Vì sao?

Vì thiện nam này chưa có thể không đạt pháp chân thật vi diệu sâu xa tinh tế cùng với các hành, vượt qua tướng một và khác.

Bồ Tát nói xong, Đức Phật liền bảo: Đúng vậy! Này Tịnh Tuệ! Đúng thật là các thiện nam anh nhi ngu si, không hiểu, không rõ, chẳng thực hành như lý. Như Lai thông đạt pháp vi diệu sâu xa tinh tế chân thật, vượt lên tướng một, tướng khác của các hành.

Vì sao?

Này Tịnh Tuệ! Nếu cứ ôm giữ như vậy, mà nương vào các pháp hành, để tu quán chân thật rồi có thể thấu đạt, có thể chứng đắc được lý của chân như sao, không bao giờ có như vậy.

Vì sao?

Này Tịnh Tuệ! Nếu chân như cùng với hành tướng là chẳng khác nhau, thì tất cả phàm phu lẽ ra cũng thấy chân như sao.

Lại nữa, tất cả chúng sinh, chính tại địa vị phàm phu, lẽ ra cũng được vô thượng như an Niết Bàn.

Lại nữa, tất cả chúng sinh ở trong địa vị phàm phu, cũng có khả năng có thể đạt được vô thượng bồ đề. Nếu tướng của chân như, khác với hình tướng. Tất cả Thánh Nhân đã thấy chân như, thì không thể hàng phục diệt trừ được hành tướng.

Do không hàng phục, diệt trừ các hành tướng. Nên tuy thấy chân như, nhưng không thể giải thoát các tướng ràng buộc. Nếu đối với các tướng, không được giải thoát. Cũng không giải thoát thô trọng ràng buộc. Nếu không giải thoát hai thứ ràng buộc, thì không thể được vô thượng như an vô dư Niết Bàn, cũng không được vô thượng bồ đề.

Này Tịnh Tuệ! Do các phàm phu không thấy chân như, ở địa vị phàm phu không được vô thượng như an Niết Bàn, cũng không có khả năng được vô thượng bồ đề. Vì lý do đó, nên lý của chân như cùng với các hành là một, nghĩa này không đúng. Nếu có người nói chân như cùng với hành tướng không khác, do nghĩa này, nên biết, người ấy không thưc hành như lý.

Lại nữa, này Tịnh Tuệ! Tất cả Thánh Nhân do thấy chân như, rồi có thể hàng phục diệt trừ các tướng hành, chẳng phải là không thể được. Đã có thể giãi thoát tất cả tướng kết và các nghi hoặc thô trọng chẳng phải là không giải thoát. Do hai giải thoát, nên được vô thượng như an Niết Bàn, cho đến được vô thượng bồ đề.

Thế nên, chân như cùng với hành tướng là khác. Nghĩa này không đúng. Nếu có người nói, chân như khác hành tướng, vì lý do đó, nên biết, người này không thực hành như lý.

Lại nữa, này Tịnh Tuệ! Nếu như chân cùng với hành tướng không khác. Giống như hành tướng rơi vào tướng hoặc, tướng chân cũng rơi vào tướng hoặc vậy.

Lại nữa, này Tịnh Tuệ! Nếu tướng chân như khác với hành tướng, thì tướng chân như chẳng phải thông với các hành.

Này Tịnh Tuệ! Vì chân như này, không rơi vào tướng nghi hoặc, lại thông với tướng của tất cả các hành. Do nghĩa này, nên chân như cùng với hành cũng một, cũng khác, nghĩa này không đúng. Nếu có người nói, chân như cùng với hành cũng một, cũng khác, vì lý do đó, nên biết, người này không thực hành như lý.

Lại nữa, này Tịnh Tuệ! Nếu chân như cùng với hành tướng không khác. Thật tướng của chân như ở trong các hành, thông suốt không sai khác. Hành tướng cũng vậy, thông suốt không sai khác. Thế nên, người tu quán hạnh, ở trong các hành, không nên vượt qua thấy, nghe, hay, biết mà tu quán thắng chân.

Lại nữa, tướng của chân như khác với hành tướng. Vì lý do đó, nên tất cả các hành chỉ là vô ngã và vô tánh, chẳng phải chân thật. Lại nữa, đồng thời phẩm sạch và không sạch mỗi mỗi tướng sai khác.

Này Tịnh Tuệ! Do các hành tướng chỉ khác không thông. Do người quán hạnh, ở trong các hành vượt qua thấy, nghe, hay, biết mà tu quán thù thắng chân thật. Do các hành vô ngã, vô tánh, tỏ rõ là chân, cho đến phẩm sạch và không sạch cũng chẳng đồng thời, mỗi mỗi tướng sai khác. Vì lý do đó, nên chân như cùng với hành. Cũng một, cũng khác, nghĩa này không đúng. Nếu có người nói chân như cùng với hành cũng một, cũng khác, nên biết, người ấy không thực hành như lý.

Này Tịnh Tuệ! Ví như con ốc báu màu trắng, không thể an lập cùng với một con ốc khác màu đỏ, cùng với màu vàng không một không khác, cũng lại như vậy.

Ví như âm thanh của Tỳ Noa rất hay, không thể an lập cùng với Tỳ Noa một cùng Tỳ Noa khác.

Lại như hương khí của trầm hương rất đáng yêu, thì không thể an lập cùng với một trầm hương khác.

Cũng như mùi vị của Ma Lê Giá cay đắng, không thể an lập cùng với Ma Lê Giá là một là khác. Ma lê lặc chát, cũng lại như vậy.

Lại như xúc chạm bông tơ mền mại, không thể an lập cùng với một bông tơ khác.

Sữa cùng với đề hồ không một, không khác. Cũng lại như vậy.

Lại như, tất cả các cõi đều là khổ, tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã. Như vậy, những nỗi khổ, không thể an lập cùng với một pháp khác. Cũng như tham dục, sân giận, ngu si, ngã mạn, … tướng không vắng lặng. Không thể an lập, cùng với một cái gì khác.

Này Tịnh Tuệ! Như vậy chân như, cùng với tất cả hành, không thể an lập, là một, là khác.

Này Tịnh Tuệ! Như vậy, chân như vi diệu tinh tế, sâu xa, khó có thể thông đạt. Ta hiểu rõ, rồi giải nói, an lập chánh giáo, mở bày cho rõ ràng cái nghĩa, để cho người khác dễ hiểu.

Đức Phật nói kinh này xong, liền nói bài kệ:

Chân thật cùng hành pháp

Tướng không một, không khác

Nếu chấp một và khác

Nói hành không như lý.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần