Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG GIÀ TRA

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần  

PHẦN SÁU  

Khi ấy, ở trong hư không, phía trên Như Lai, Chư Thiên mưa xuống các thứ hoa vi diệu và nghĩ đến Phật Như Lai.

Vô lượng trăm ngàn Thiên Tử tự thân lại khởi ý tưởng về thân Phật, dùng hoa rải lên Phật và nói như vậy: Được lợi ích lớn! Sa Môn Cù Đàm mới thật là ruộng phước lớn cho thế gian. Là bậc đầy đủ thần lực tam muội tự tại. Chúng sinh đồng đẳng như vậy, dần dần đủ phương tiện, nói một lời thiện là lìa được sinh tử.

Lúc đó, Bồ Tát Dược Thượng từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Thiên Tử này, vì nhân duyên gì mà nói như vậy?

Lại còn hiện thần thông tán thán Như Lai?

Phật bảo Dược Thượng: Này thiện nam! Các Bồ Tát ấy, không tán thán ta, mà tự khen chính mình. Vì thân ấy ngồi vào ngôi vị Pháp Vương, thân ấy ngồi tòa pháp, thân ấy phóng ánh sáng pháp được Chư Phật hộ niệm. Các Bồ Tát ấy đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nói pháp Chánh Giác.

Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngày đêm Như Lai độ vô lượng chúng sinh, nhưng vẫn không hết chúng sinh?

Đức Thế Tôn khen Bồ Tát Dược Thượng: Hay thay, hay thay! thiện nam! Có thể hỏi Như Lai về nghĩa này.

Này thiện nam! Ví như người có rất nhiều của cải, nhiều tôi tớ, nhiều nhà cửa, ruộng vườn, lúa gạo, đại mạch, tiểu mạch, đậu, nếp, vừng. Đợi đến mùa Xuân, người này đem gieo trồng những giống ấy. Khi chín thì thu hoạch về, mỗi thứ đều chứa đầy kho, dự trữ để ăn lâu dài. Như thế, cứ đến mùa Xuân là gieo trồng.

Này thiện nam! Bản nghiệp của chúng sinh cũng lại như vậy. Khi hưởng hết quả vui rồi, lại tạo ra nghiệp thiện, gieo trồng căn lành. Trồng căn lành rồi, lại làm phát triển pháp thiện. Phát triển pháp thiện rồi thì được đại hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ, cho nên được quả vui, dù trải qua trăm ức kiếp cũng không mất.

Này thiện nam! Như Bồ Tát mới phát tâm thì đã không còn đọa vào đường ác nữa và biết rõ các pháp.

Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao đã phát tâm Bồ Tát, mà còn thấy mộng?

Phật đáp: Này thiện nam! Bồ Tát mới phát tâm, trong mộng thường thấy nhiều điều sợ hãi.

Vì sao?

Vì tất cả nghiệp đều thanh tịnh, không thể đem thân mà chịu các khổ. Do tội này, cho nên trong mộng thấy đều sợ hãi.

Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát mới phát tâm, trong mộng thấy những sợ hãi gì?

Phật đáp: Này thiện nam! Bồ Tát ấy, thấy lửa gom lại cháy hừng hực, liền nghĩ như vậy: Đống lửa này, đốt cháy tất cả phiền não của ta.

Dược Thượng! Đây là mộng thứ nhất, thấy sợ hãi.

Lại thấy nước chảy cuồn cuộn, cuốn phăng đi những thứ cấu bẩn bất tịnh.

Thấy vậy, Bồ Tát mới phát tâm đó, nghĩ: Nó sẽ cuốn trôi hết những phiền não trói buộc ta.

Dược Thượng! Đây là mộng thứ hai, mà Bồ Tát thấy sợ hãi.

Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát lại còn thấy sợ hãi nào nữa?

Phật đáp: Này thiện nam! Trong mộng Bồ Tát tự thấy cạo tóc.

Dược Thượng! Khi thấy như vậy, chớ nên sợ hãi.

Vì sao?

Vì nghĩ như vậy: Đây là cạo bỏ tâm tham, sân, si vì nó đã từng làm cho ta rơi vào sáu đường.

Thiện nam! Như vậy Bồ Tát Ma Ha Tát không còn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh không đọa vào loài rồng, hay Chư Thiên.

Này thiện nam! Bồ Tát mới phát tâm, chỉ có sinh vào cõi thanh tịnh của Phật.

Phật lại bảo Dược Thượng: Đời mạt pháp ở vị lai, sau năm trăm năm, có các Bồ Tát Ma Ha Tát do phát tâm nguyện Bồ Đề. Cho nên bị mọi người hủy nhục, chửi mắng, đánh đập!

Dược Thượng! Khi gặp phải những hoàn cảnh như thế, Bồ Tát nên vì họ, mà nói pháp. Chứ không nên khởi tâm sân hận.

Phật bảo Dược Thượng: Trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp, ta thực hành các hạnh khổ.

Thiện Nam! Lúc đó, ta không vì sự sống hay Quốc Độ, của cải, mà chỉ vì muốn biết thật tướng của các pháp.

Này Dược Thượng! Ta hành hạnh khổ, nhưng không được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đến khi ta nghe được pháp này thì liền chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Dược Thượng! Pháp này sâu xa vi diệu, rất khó nghe đến tên. Nếu ai nghe đến tên của pháp môn này thì liền được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Dược Thượng! Người này ngàn kiếp thoát khỏi sinh tử được sinh vào Quốc Độ thanh tịnh của Phật, khéo biết diệt đạo, biết được đệ nhất đạo, rõ biết đệ nhất thiện căn, thành tựu thần thông vô tỷ, biết vô tỷ diệt.

Dược Thượng! Ý ông nghĩ sao?

Thế nào gọi là diệt?

Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp xứ gọi là diệt.

Phật hỏi Dược Thượng Thế nào là pháp xứ?

Dược Thượng đáp: Thưa Thế Tôn! Pháp là pháp xứ.

Như Thế Tôn đã dạy: Siêng năng tinh tấn, cần hành trì giới, gắng tu nhẫn nhục, đó gọi là pháp tạng.

Phật khen: Hay thay, hay thay! thiện nam! Ông khéo giải thích về nghĩa mà Như Lai hỏi.

Khi ấy, Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì, mà Như Lai thị hiện ở đời?

Phật đáp: Này thiện nam! Vì muốn chúng sinh đầy đủ sự đa văn nên Như Lai thị hiện ở đời. Như Lai thị hiện ở đời, mở pháp cam lồ. Như Lai thị hiện ở đời, biết hết mọi pháp. Nhờ phương tiện, nên biết hết pháp thế gian và pháp xuất thế gian, biết trí thế gian và trí xuất thế gian.

Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn biết những pháp gì?

Phật đáp: Này thiện nam! Như Lai biết trí chánh pháp và đem trí này thâu giữ hết tất cả các pháp. Nếu chúng sinh nghe Như Lai xuất hiện ở đời, mà tin hiểu chánh pháp thì đó là lợi lạc đệ nhất.

Dược Thượng! Ví như có người ra đi tìm sự sống. Vì được lợi ích, cho nên dắt theo cả ngàn người, mang vác vàng bạc của báu.

Cha Mẹ người ấy, căn dặn con: Con hãy nghe lời cha mẹ, vàng bạc này là vật của người khác, con phải cố gắng giữ cho tốt, chớ để mất.

Sau khi nghe lời cha mẹ căn dặn, người ấy mang vác bạc vàng ra đi. Nhưng chưa được bao lâu, lại trở chứng buông lung, những vàng bạc của báu, mà lâu nay cất giữ, nay đều bị mất sạch. Người ấy đau như tên bắn vào tim, xấu hổ không dám quay về nhà.

Cha mẹ nghe tin ấy, lo buồn khóc lóc, nói: Chúng ta sinh ra thằng con ác này, giờ đây chỉ có tên nó ở trong nhà này, còn của cải đều bị mất sạch, làm cho chúng ta phải nghèo khổ! Cha mẹ than thở như thế, rồi đi làm nô bộc cho người khác tuyệt vọng mà chết.

Người con, khi nghe tin cha mẹ đã chết, cũng tuyệt vọng chết theo.

Như vậy, như vậy! Dược Thượng! Phật nói pháp này. Trong đó, không có niềm tin thanh tịnh, không có chỗ hy vọng. Cho nên khi sắp lâm chung, người ấy bị tên ưu não bắn vào tim mà chết. Cũng như cha mẹ người kia, vì lo buồn tuyệt vọng với vàng bạc ấy, mà chết.

Như vậy Dược Thượng! Ở trong pháp của ta, không có người có tâm thanh tịnh, đến khi sắp lâm chung, chịu mọi đau khổ, đã hưởng hết phước đời trước mà không gieo trồng thiện căn. Khi sắp chết mũi tên phiền não bắn, bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh chịu mọi đau khổ.

Lúc đó, người ấy nói như vậy: Ai cứu giúp ta, để ta lìa các khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Lại có cha mẹ bảo với con mình: Vị lai bệnh là khổ, bệnh có tử là khổ. Các con khi được giải thoát, sẽ thấy hành thức sinh, thân chịu đau khổ, toàn thân thể bị phiền não đốt. Tự quán mình đã chết, mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, tay chân đều đau nhức. Lúc đó, hoàn toàn trở về trạng thái chết, toàn thân ngu độn, khác gì gỗ đá, không có giác tri.

Người con trả lời: cha mẹ chớ nói như vậy, khiến con sợ hãi.

Con xét rằng thân không có phiền não, cũng không có các thứ bệnh, chỉ thấy sợ chết, đến lúc đó, con sẽ nương tựa vào ai?

Ai cứu giúp con?

Cha Mẹ hay Trời có thể cứu giúp?

Cha Mẹ đáp: Nếu cúng tế Trời thần thì nhất định được an ổn.

Người con nói với cha mẹ: Vậy hãy mau cúng tế, để cầu an lạc. Cha mẹ hãy nhanh đến thiên miếu. Khi ấy, cha mẹ đến thiên miếu, đốt hương cầu nguyện.

Thấy thế, người giữ miếu nói: Nếu cúng không như thế thì Trời thần sẽ nổi sân giận, cần phải giết dê, giết người để cúng tế thì họa may con nhà ngươi mới mong thoát.

Cha Mẹ liền suy nghĩ: Làm thế nào đây?

Chúng ta lại quá nghèo cùng, nếu Thiên Thần nổi giận thì con ta nhất định phải chết, nếu Thiên Thần hoan hỷ thì con ta được đại ân.

Sau khi nghĩ vậy rồi, cha mẹ liền vội về nhà bán hết của cải trong nhà, mà chỉ mua được một con dê. Do vậy, nên đến thương lượng với người khác, để vay mượn vàng và hứa mười ngày sau sẽ trả lại. Nếu sau mười ngày mà không trả nổi thì tôi sẽ làm tôi tớ cho ông.

Khi được vàng rồi, cha mẹ liền ra chợ mua người. Người được mua không biết mình sẽ bị giết, để cúng tế Thiên Thần.

Cha mẹ của người bệnh ngu si vô trí kia, sau khi mua được người rồi, không đem về nhà, mà lại mang thẳng ra miếu, nói với người giữ miếu: Ông hãy mau vì tôi thiết lễ cúng tế Trời.

Nói xong, cha mẹ tự tay giết dê, giết người đốt lửa tế Trời.

Sau đó Thiên Thần bảo với cha mẹ người bệnh: Ông bà chớ sợ, ta sẽ bảo vệ cho con của các người được an ổn.

Nghe Thiên Thần đã nói thế, cha mẹ hớn hở nói như vậy: Thiên Thần ban cho ta đại ân, khiến cho con của chúng ta được hết bệnh.

Trong lúc vui vẻ trở về nhà, cha mẹ thấy con đã chết. Thấy thế, cha mẹ sinh ra ưu não, đau như tên bắn vào tim tuyệt vọng mà chết.

Phật bảo Dược Thượng: Này thiện nam! Gần tri thức ác, cũng lại như vậy.

Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh như vậy sẽ đọa vào đâu?

Phật bảo: Này thiện nam! Chớ hỏi việc này.

Bồ Tát Dược Thượng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn Từ bi giảng nói, người này bị đọa vào đâu?

Phật đáp: Này thiện nam! Nay ông hãy lắng nghe, mẹ của người ấy bị đọa vào địa ngục Đại khiếu. Cha của người ấy, bị đọa vào địa ngục Chúng hợp, người con bị đọa vào địa ngục Lửa thiêu đốt. Còn người giữ miếu đọa vào địa ngục A tỳ.

Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người chết oan uổng kia sinh vào đâu?

Phật đáp: Người chết oan uổng kia, sinh lên Cõi Trời Tam Thập Tam.

Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì, mà người chết oan uổng kia, được sinh lên Cõi Trời Tam Thập Tam?

Phật đáp: Này thiện nam! Ông hãy lắng nghe: Lúc người kia sắp lâm chung, có khởi lên niệm thanh tịnh: Quy y Phật Đà. Nhờ thiện căn này, nên trong sáu mươi kiếp sẽ thọ hưởng thú vui ở Cõi Trời Tam Thập Tam, tám mươi kiếp, tự biết túc mạng. Đời đời sinh ra lìa mọi lo âu khổ não, chấm dứt tất cả khổ.

Dược Thượng! Nếu gần tri thức ác thì không được vào Niết Bàn.

Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao chúng sinh không thể vào Niết Bàn?

Phật đáp: Người mong cầu Niết Bàn phải siêng năng tinh tấn.

Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là tinh tấn?

Phật đáp: Này thiện nam! Tinh tấn là Tu Lô Đa Ba Đế, quả nghịch lưu gọi là tinh tấn. Quả Bà Kết Lợi Đà Già Di gọi là tinh tấn. Quả A Na Già Di gọi là tinh tấn. Quả A La Ha gọi là tinh tấn. Quả Ba La Đề Ca Phật Đà gọi là tinh tấn. Trí Duyên Giác gọi là tinh tấn. Danh tự Bồ Đề Tát Đỏa, quả Bồ Đề Tát Đỏa địa gọi là tinh tấn.

Này Dược Thượng! Những thứ như vậy gọi là tinh tấn.

Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là nghịch lưu?

Sao gọi là quả nghịch lưu?

Phật đáp: Này thiện nam! Ví như có người trồng cây. Chỉ trong ngày, mà cây đã đâm chồi, một ngày phát triển một do tuần. Lại có người khác, cũng trồng cây, nhưng không được như sở nguyện, bị gió thổi lay động, không thể mọc được, nên đành dời qua chỗ khác. Cuối cùng hai người tranh cãi, phỉ báng nhau.

Nhà Vua nghe việc ấy, liền ra lệnh cho quần thần: Các ngươi hãy đến nơi ấy, gọi hai người ấy, về đây cho ta.

Nhận lệnh, các quần thần liền truyền sứ đi bắt.

Lúc đó, sứ giả tuân phục ra đi, đến chỗ của hai người tranh cãi, truyền lệnh như vậy: Vua cho gọi các ngươi.

Nghe Vua đòi, cả hai đều lo sợ, ưu sầu, than: Nay cớ gì Vua bắt hai ta. Họ liền vội vã đến cung Vua, đến rồi cả hai đều đứng im lặng.

Thấy thế Vua hỏi: Cớ gì hai ngươi phỉ báng nhau, rồi khởi sự tranh cãi?

Người kia tâu: Tâu Đại Vương! Đại Vương hãy nghe kẻ thảo dân này tâu: Thảo dân mượn được số đất trống, để canh tác trồng cây. Cây mà thảo dân trồng, trong ngày đâm chồi, nảy lá, hoa quả chín phân nửa. Còn người này trồng cây không mọc, không có hoa quả, vài ngày lại dời đi trồng chỗ khác, nhưng cũng không mọc. Do vậy, mà người này đến chỗ thảo dân phỉ báng, rồi nổi lên tranh cãi.

Tâu Đại Vương! Việc này là như vậy, mong Đại Vương xét cho kẻ thảo dân không có tội.

Nghe thế, Vua cho triệu tập quần thần, gồm ba mươi ức người, khi quần thần đến rồi, Vua bảo: Các khanh mỗi người đều phải nói.

Quần thần tâu: Chúng thần không biết nói gì.

Vua hỏi quần thần: Các khanh có bao giờ thấy trồng cây, mà chỉ trong ngày, cây đâm chồi nảy lá và hoa quả chín đến phân nửa chưa?

Quần thần từ chỗ ngồi đứng dậy, tâu: Tâu Đại Vương! Chúng thần không thể nào tin lời nói như vậy.

Vì sao?

Tâu Đại Vương! Vì việc này rất hiếm có.

Nhà Vua liền quay sang hỏi người trồng cây: Theo như ngươi nói thì việc này có thật không?

Người kia tâu: Tâu Đại Vương! Đúng vậy không sai.

Vua lại nói: Theo như lời ngươi nói, trồng cây chỉ trong ngày mà đâm chồi nảy lá và có hoa quả thì thật là khó tin.

Người kia tâu: Tâu Đại Vương! Nếu Đại Vương muốn biết việc ấy thì Đại Vương hãy tự trồng lấy, rồi sẽ biết hư thật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần