Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Bốn - Phẩm Vô Tận Tạng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH HẢI LONG VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
PHẨM VÔ TẬN TẠNG
Đức Phật bảo: Này Long Vương, sao gọi là Bồ Tát kiến lập trí tuệ vì người nói pháp chẳng thấy có người?
Người là không ngã, không nhân, chẳng phải thân.
Người là tịch mịch, người không thật có.
Người vốn thanh tịnh.
Người là âm thanh.
Người là cái tên gọi vậy.
Người là không, vô tướng, vô nguyện.
Người chẳng phải có số.
Người như xét về chân lý.
Người không sinh ra.
Người chẳng sinh khởi.
Vì người nói pháp là giảng nói người thanh tịnh, chẳng chấp ngã, ngã sở, không thọ, không mạng, chẳng diệt tự nhiên, chẳng diệt sở hữu. Theo hạnh vốn có của người mà vì họ nói pháp, huống là chúng sinh vốn tự nhiên tịnh, tự nhiên không ngã, tự nhiên không hình tức là người tự nhiên. Giả sử, người tự nhiên mà do đây tự nhiên thì các pháp tự nhiên.
Giả sử các pháp tự nhiên thì tất cả Phật Pháp cũng lại tự nhiên. Đó gọi là tất cả các pháp đều là Phật Pháp. Tất cả các pháp chỉ là giả danh vậy, do gọi mà có tên. Giả sử nói các pháp tức là giảng nói phi pháp.
Vì sao?
Vì lời nói đúng như pháp thì phi pháp cũng vậy. Như nói lên âm pháp tức là âm phi pháp.
Vì sao?
Vì pháp giới của các pháp vốn đều thanh tịnh, chẳng thể ngôn thuyết, cũng không sở đắc. Pháp giới vốn tịnh cũng không có cái để nắm giữ.
Các pháp của tất cả pháp giới vốn tịnh, hủy hoại tất cả pháp thì thành tựu chỗ nào?
Đó là các Đức Phật vì chúng sinh nói Kinh Pháp. Do nhân duyên tịch mịch như vậy nên chẳng có sự giáo hóa hiểu biết của âm thanh các Phật Pháp vậy. Phật Pháp không giáo hóa mà chẳng thể ở hữu vi, vô vi.
Vì sao?
Vì chẳng lìa khỏi hữu vi, vô vi mà có giải thoát.
Chắc có pháp khác có thể tính kể ư?
Long Vương đáp: Bạch Thế Tôn! Chẳng có vậy! Vì các pháp vô số, Như Lai vô số!
Đức Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời nói của ông! Các pháp vô số, Như Lai vô số tức là không có hai.
Này Long Vương!
Ý ông thế nào?
Nói vô số là có xứ sở ư?
Đáp rằng: Bạch Thế Tôn, chẳng phải vậy!
Đức Phật dạy: Vì sao vậy?
Ông nên biết! Ông phải khởi sự quan sát ấy!
Phật Pháp không xứ, không lời! Như Phật Pháp không xứ, không lời thì tất cả các pháp không xứ, không lời cũng lại như vậy.
Này Long Vương! Ông hãy nhìn xem đại bi của Như Lai vòi vọi!
Nếu đem điều ấy khai hóa chúng sinh thì khiến cho họ an lập kiên cố.
Lại tất cả pháp không xứ sở, không ngôn thuyết nên nói chỉ là lời dạy phương tiện: Đây là pháp hữu lậu, đó là pháp vô lậu, đây là việc thế gian, đó là việc xuất thế gian, chấp trước, vô trước, hữu số vô số, hữu vi vô vi, phiền não sân hận, là tích tập là xả bỏ, pháp của phàm phu pháp của Thánh Hiền, pháp học, pháp chẳng học, pháp Thanh Văn, pháp Duyên Giác, pháp Bồ Tát, pháp của Phật...
Đức Phật dạy: Này Long Vương! Như vậy, Như Lai vì người thuyết pháp giảng nói xứ sở ấy, cũng chẳng thấy pháp và không có các pháp tưởng. Ví như có người, đối với hư không không sắc, không thấy mà muốn dùng các sắc vẽ vào hư không.
Họ vẽ tượng Trời và tượng người, tượng voi, ngựa, tượng người đi bộ, kẻ ngồi xe... người đó vẽ thế có khó không?
Đáp rằng: Rất khó, rất khó, thật chưa từng có! Thưa Đấng Thiên Trung Thiên!
Đức Phật dạy rằng: Này Long Vương!
Việc làm của Như Lai là rất khó. Đối với các pháp đó không sắc, không chấp thủ mà chẳng thể thấy, cũng không văn tự, cũng không sở đắc mà vì tất cả giảng nói dạy bảo, thị hiện ra văn tự. Thiết lập bằng phương tiện này mới là rất khó.
Nếu có người tin vào Tượng pháp như vậy thì chính là những người phần lớn được thành tựu. Nếu người nhận nghĩa pháp thâm diệu này thì chẳng bị sự chi phối của các ma.
Nhớ lại đời quá khứ của ta, này Long Vương! Ta lại thấy cúng dường vô lượng số Đức Phật, luôn sẳn sàng bỏ nhà, tịnh tu phạm hạnh. Nhưng những Đức Như Lai đó chưa từng vì ta nói pháp thâm diệu, ứng với bệnh mà giảng nói bố thí, trì giới, pháp học đạo, lắng nghe lời dạy nhẫn nhục, nhân ái, hòa thuận, ở yên nơi vắng lặng, công đức của chỉ túc.
Vì sao?
Vì đức tu hành chưa xong. Đức tu hành xong rồi, từ Đức Như Lai Đại Thù Diệu, ta liền được nghe pháp thâm diệu ấy, ngay tức thời chứng pháp nhẫn nhu thuận.
Cho ông nên biết ý nghĩa này, ông nên khởi sự quan sát này: Nghe pháp thâm diệu đó thì công đức đầy đủ. Từ đời quá khứ bậc Chánh Giác nhận Kinh thâm diệu này, không tưởng, không danh, mọi nhân duyên nhơ uế, không ngã, không nhân, không thọ mạng, tin ưa, thọ trì, phúng tụng vì người khác giảng nói thì phước ấy rất nhiều.
Nếu có Bồ Tát thương xót tất cả muôn khiến cho yên ổn, khiến cho mỗi một chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều được yên ổn, Chư Thiên, nhân dân tập hợp công đức này thí cho một người.
Này Long Vương! Ý ông thế nào?
Bồ Tát ấy chắc đã vì chúng sinh gia tăng thêm yên ổn vô cực chăng?
Đáp rằng: Rất nhiều, rất nhiều, thưa Đấng Thiên Trung Thiên!
Đức Phật dạy: Có Bồ Tát cho những chúng sinh ngần ấy yên ổn, nhưng nếu ông vì người nói một câu về nghĩa của vô thường, khổ, không, phi thân, về việc không, vô tướng, vô nguyện, vô ngã, vô nhân, vô thọ, vô mạng, chẳng sinh, chẳng khởi thì phước bố thí yên ổn đó khó xưng lường.
Vì sao?
Vì sự yên ổn hữu vi thì chúng sinh đều trải qua, còn sự yên ổn vô vi thì họ chưa từng trải vậy. Bồ Tát ấy dùng pháp thâm diệu này làm âm thanh, lấy yên ổn vô vi làm đồ ăn uống. Vậy nên, Bồ Tát muốn tự lập nghĩa, đủ nguyện cho thế gian thì phải học pháp thâm diệu.
Nếu có Bồ Tát đã ngồi tại Pháp Hội mà bỏ pháp thâm diệu, nói tạp cú, trau chuốt thì đó là người đoạn tuyệt sự giáo hóa của chánh pháp.
Vì sao?
Vì pháp thâm diệu đó ban bố khắp cõi Diêm Phù Lợi mà chẳng mất hết sự nghe nhận của con người. Người ưa thích pháp thì chẳng đủ để nói, còn chẳng phải người nghe pháp thì rất nhiều. Giả sử pháp Sư giấu pháp thâm diệu, đọc tụng tạp cú, là người chẳng ưa pháp sâu xa thì Trời chẳng hoan hỷ. Thiện nam đó đã theo niềm vui của đời mà nói việc thế tục.
Than ôi! Đau đớn thay! Trong chúng hội này, người không nói pháp, lòng lo buồn mà lui ra, bỏ đi.
Hải Long Vương bạch Đức Thế Tôn: Pháp học đạo bố thí, trì giới là việc thế tục sao?
Bỏ nhà xuất gia học tịnh tu phạm hạnh chẳng phải là Phật Pháp sao?
Đức Thế Tôn đáp: Các Đức Phật ra đời rồi khởi lên pháp vô khởi. Hành hóa ở ba cõi, có sự cứu hộ đều là việc thế tục, chẳng phải là lời nói của Phật.
Những cái đó thì sao gọi là bốn thiền, bốn tâm bình đẳng, bốn định vô sắc, năm thông, mười hạnh thiện, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, sách sớ, tính toán.
Kinh quyển, y học, phương thuốc, nghề khéo, kỹ thuật, thân tưởng, y thực, tài vật, cái yêu thích, thiền định... hành động tại ba cõi đều là việc thế tục, chẳng phải là lời của Như Lai?
Đức Phật bảo Long Vương: Phật xuất hiện ở thế gian chưa từng nghe khổ của phi thường, tịch của phi ngã, trừ tan nghĩa khổ, đoạn dứt nghĩa tập, chứng đến nghĩa diệt, tuân tu nghĩa đạo, vào đến nghĩa không, qua khỏi vô tướng, dẫn đến vô nguyện, đối với các hạnh chẳng sinh, chẳng khởi, nghĩa ý chỉ, ý đoạn, căn, lực, thần túc, giác ý.
Quan sát tám đường tịch tĩnh, cầu Chân Đế bản tịnh, như không khởi lên ấm, gieo trồng các nhập là nghĩa không tịch, do các nghĩa chẳng hoại các pháp, chẳng hoại phi pháp, hiểu tất cả pháp chẳng sinh chẳng trưởng thì đều không có cái để khởi lên, chẳng chấp là có thường, không thường, do nhân duyên khởi nên không chỗ sinh ra.
Trở lại với bản tịnh mà lìa khỏi sắc dục, hiện vô số pháp vào với đạo pháp. Ở trong đạo pháp không tưởng gì chẳng tưởng, không ứng gì chẳng ứng, xả bỏ tất cả niệm tưởng thanh tịnh, chẳng tịnh, không nâng lên không hạ xuống, cửa ấm tối tăm tự nhiên như không, được hạnh bình đẳng thì đối với tưởng bình đẳng với tưởng, vô tưởng, đối với tưởng lìa khỏi tưởng đồng đều với tất cả tưởng.
Lìa khỏi tất cả tưởng thì không quan sát thấy tịch nhiên, đối với các kiến chấp hiện lên các điên đảo, tất cả bình đẳng, nên gọi là được quả Tu Đà Hoàn đều là âm thanh vậy, cái đó không sở đắc, cũng không chẳng đắc, chẳng thọ, chẳng xả.
Đức Phật nói với Long Vương: Những điều trước đó nói về sự ngự trị của các pháp, sở đắc chẳng thể xưng nói, đến với Thanh Văn thì được thừa Thanh Văn, đến với Duyên Giác được thừa Duyên Giác, đến với Bồ Tát chứng được pháp nhẫn bất khởi, thành đạo Như Lai vô thượng chánh chân, làm bậc Tối Chánh Giác.
Ấy gọi là lời nói của Phật. Lời nói đó là lời dạy theo tập tục đều là pháp giáo của Phật đối với Chân Đế. Phật Đạo không văn tự, lời Phật không lời, lời Phật không dấu vết, lời Phật không hình tướng, lời Phật không khen ngợi, lời Phật không giáo hóa, lời Phật không dừng lại, lời Phật không danh tự, lời Phật không suy nghĩ, lời Phật dạy không có tâm ý, thức, cũng không có điều để nghĩ. Đó gọi là lời Phật dạy mà chẳng thể nói, cũng không ngôn giáo, chẳng thể chỉ ra, hiện lên.
Đức Phật nói với Long Vương: Lời dạy so sánh như vậy mới là lời nói của Phật. Như Lai chẳng dùng văn nghĩa nói pháp, lời dạy không văn tự mới là nói pháp. Vậy nên, không văn tự thì chính là lời Phật. Pháp của Đức Phật nói chẳng có cái để chứng. Diệt tất cả là được pháp của Đức Phật nói. Vậy nên, không được là lời nói của Đức Phật. Kinh Phật đã nói từng không ngôn giáo, ngôn giáo tịch diệt.
Do vậy nên nói rằng, vô giáo là Phật Ngôn! Nói pháp không chấp thủ pháp, không nương cậy vào pháp, không buông lung pháp, chẳng tưởng đến pháp, không khởi lên pháp. Không hủy hoại pháp, không rốt ráo pháp, không chứng đắc pháp, không chí nguyện pháp, không niệm pháp, không tu hành pháp, không phân biệt pháp, không tưởng đến pháp, không mong được pháp, không tư duy pháp.
Đức Phật nói với Long Vương: Như Lai vì người nói pháp chưa từng có hành hóa, có sự chứng đắc. Lời nói của ta, tất cả vốn thanh tịnh, pháp không hình sắc.
Vậy nên, này Long Vương! Các pháp không hình dáng đó gọi là lời nói của Phật.
Lại nữa, sao gọi là lời nói của Phật?
Hiểu rõ tất cả âm thanh không gì chẳng thấu đạt nên gọi là lời Phật nói. Quan sát quá khứ, vị lai và hiện tại không gì ngăn ngại nên gọi là lời Phật nói, hiểu hết mọi lời nói nên gọi là lời Phật nói, đáp lại được các vấn đề nên gọi là lời Phật nói.
Tất cả nhân duyên đã nói bằng lời nói không gì chẳng rộng rãi nên gọi là lời Phật nói, hiểu biết những lời nói như âm vang của tiếng kêu nên gọi là lời Phật nói, không văn tự, không lời nói nên gọi là lời Phật nói, những văn tự, ngôn thuyết Phật đã dùng cũng đều là lời Phật nói.
Vì sao?
những văn tự đó là lời nói của Phật quá khứ, vị lai và hiện tại. Lời nói của Phật hôm nay đã nói và vị lai sẽ nói. Do đó tất cả văn tự, các sự ngôn giáo đều gọi là lời Phật nói. Vào được sự so sánh như thế này, hiểu rõ mọi tuệ đó gọi là Bồ Tát phân biệt đạo nghĩa. Vậy nên nói rằng văn tự, ngôn thuyết đều là lời Phật nói.
Chẳng hoại pháp giới, để tâm vào một vị tuệ đó gọi là Bồ Tát phân biệt Kinh bản. Vậy nên nói rằng, văn tự ngôn thuyết đều là lời Phật nói. Nếu ứng hợp thuận với pháp tuệ thì đó gọi là Bồ Tát phân biệt thuận tịch. Vậy nên nói rằng, văn tự, ngôn thuyết đều là lời Phật nói.
Người nào nói tuệ không xứ sở, không chấp trước thì đó gọi là Bồ Tát phân biệt hiểu rõ.
Vậy nên, này Long Vương! Tất cả các pháp không gì chẳng trở về sự phân biệt bốn nghĩa này. Bồ Tát hiểu bốn nghĩa này thì văn tự, ngôn thuyết, các chỗ hướng đến, thân hiện tại không gì chẳng khuyên tiến tới đều hiểu lời Phật dạy. Vậy nên không chấp trước vốn không chỗ trụ. Ở trăm ngàn kiếp có ngôn thuyết không thể hạn chế.
Vì sao?
Vì đó gọi là Vô Tận Tạng Tổng Trì Môn. Giả sử Bồ Tát chứng được tổng trì ấy thì nói vô tận cú, khéo thuận với lời dạy, bỏ được lỗi lầm đến đi, luôn ứng hợp, không dựa vào sự trang nghiêm hay trăm ngàn lời lẽ vi diệu.
Nhẫn với bản tịnh hỗ tương chẳng loạn, nghĩa tôn ty hiểu rõ bình đẳng, soi sáng phiền não sân nhuế, vào tất cả hạnh mà thuận giải thoát, tám muôn bốn ngàn các căn liền ứng hợp, khéo giảng bản tánh mà vì họ nói pháp, chẳng hết tám nạn.
Các pháp âm thanh cũng không hết và ví dụ tuệ ba đời không hết mà nguyện quả báo ứng có thể hết sao?
Kinh Điển thuận khắp có thể hết sao?
Sở nhập của tâm có thể hết sao?
Dấu ngu của nhân duyên có thể hết sao?
Thuận tại ái dục có thể hết sao?
Phát khởi tổng trì ấy có thể hết sao?
Nói chỗ của thừa có thể hết sao?
Phân biệt chỗ của pháp có thể hết sao?
Tạp cú thâm diệu có thể hết sao?
Đến với cứu cánh có thể hết sao?
Lời nói nghịch, thuận có thể hết sao?
Lời nói khuôn phép của văn tự có thể hết sao?
Khen ngợi Phật, Pháp, Tăng có thể hết sao?
Nói chánh đế có thể hết sao?
Phật Đạo, pháp phẩm có thể hết sao?
Sự đáp ứng tội, phước có thể hết sao?
Giảng Độ Vô Cực có thể hết sao?
Đức Phật nói với Long Vương rằng: Đó gọi là giảng thuyết vô tận, hiệu là Pháp Tạng Vô Tận, là Pháp Môn Tổng Trì vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Bảy - Thọ Ký Long Nữ
Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Xưng - Phẩm Hữu Tình
Chú đại Bi. đại Bi Tâm đà La Ni
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Thứ Mười Một - Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thiện Giác
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sở Cầu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đề Sa
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Tám - Phẩm Vô Tận
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên - Phẩm Một - Phẩm Tỳ La Ma