Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Nhân Duyên độ Ni đề

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH HIỀN NGU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA MƯƠI NĂM

PHẨM NHÂN DUYÊN ĐỘ NI ĐỀ  

Tôi nghe như thế này! 

Thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà, thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ trong thành Xá Vệ, nhân dân đông đúc, chỗ ở chật hẹp, nhà xí rất ít, nên việc đi đại, tiểu phần nhiều phải ra ngoại thành.

Có những nhà giàu không thể đi ra ngoài, bèn đại tiện trong cái bô rồi thuê người đem đổ ngoài thành. Khi đó có một người tên Ni Đề, rất nghèo, hàng ngày sinh sống bằng nghề đổ phân thuê. Bấy giờ Thế Tôn biết ông là người nên độ, dẫn riêng A Nan tôi vào thành muốn giúp ông, đi đến đầu phố thì gặp Ni Đề gánh hai thùng đầy những thứ bất tịnh để đem đi đổ.

Từ xa, ông trông thấy Thế Tôn, trong lòng tủi hổ, quẹo sang đường khác để lánh mặt. Vừa ra khỏi hẻm thì lại gặp Thế Tôn, càng xấu hổ, rẽ sang lối khác, muốn tránh đi, tâm ý hoảng hốt, thùng va vào vách vỡ ra, phân bắn dính đầy người, càng thêm hổ thẹn không dám nhìn Phật.

Lúc đó Thế Tôn đi đến chỗ Ni Đề nói với ông: Này Ni Đề, ông có muốn xuất gia không?

Ni Đề thưa: Đức Như Lai tôn quý là dòng Kim Luân Vương, các đệ tử theo

Ngài cũng là dòng quý tộc, con là kẻ rất hạ tiện xấu ác, đâu có đồng với các vị kia, làm sao mà được xuất gia?

Đức Thế Tôn bảo: Giáo pháp của ta thanh tịnh nhiệm mầu, cũng như nước sạch, có thể rửa sạch tất cả cấu uế, cũng như lửa lớn có thể đốt cháy mọi vật, lớn nhỏ, tốt xấu đều có thể đốt cháy hết. Giáo pháp của ta cũng như vậy, rộng lớn vô biên, giàu nghèo, sang hèn, trai hay gái đều có thể tu, đều lìa hết các dục.

Lúc đó Ni Đề nghe Phật nói, khởi sinh lòng tin muốn xin xuất gia. Đức Phật sai A Nan dẫn ông ra ngoài thành, bên bờ sông lớn, tắm rửa sạch sẽ rồi dẫn về Tinh Xá Kỳ Hoàn, Đức Phật thuyết pháp cho ông về khổ, việc sinh tử đáng sợ, Niết Bàn mãi an lạc. Ông hốt nhiên giác ngộ, chứng được Sơ Quả, chắp tay bạch Phật cầu làm Sa Môn.

Đức Phật liền nói: Thiện Lai Tỳ Kheo! Râu tóc ông tự rụng, pháp y mặc lên mình. Đức Phật giảng thêm về pháp Tứ Đế, thì ông dứt sạch các lậu thành A La Hán, chứng đủ Tam Minh, Lục Thông.

Bấy giờ người trong nước nghe Ni Đề xuất gia, ôm lòng chê trách mà nói thế này: Tại sao Đức Thế Tôn cho người hạ tiện này xuất gia học đạo, chúng ta làm sao lễ bái ông ta được?

Thiết trai cúng dường thỉnh Phật và Chúng Tăng, chứ ông ta đến làm dơ bẩn giường ghế chúng ta. Họ xôn xao đồn khắp trong thành, dần dần đến tai Vua. Vua nghe cũng bực bội, bèn lên long xa cùng các tùy tùng đến Tinh Xá Kỳ Hoàn để hỏi Như Lai về chỗ nghi vấn này.

Đến trước cổng, Vua dừng nghỉ chân bên ngoài, nhìn thấy trên một tảng đá lớn Tỳ Kheo Ni Đề ngồi trên đấy vá y, có bảy trăm Thiên Nhân cầm hương hoa tới cúng dường Ni Đề, kính lễ nhiễu bên hữu.

Bấy giờ Vua thấy rất vui mừng, đến chỗ vị Tỳ Kheo mà nói rằng: Ta muốn gặp Đức Phật, xin hãy thông báo.

Ngay lập tức Tỳ Kheo Ni Đề thân rẽ xuyên hòn đá đi vào bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Vua Ba Tư Nặc đang ở bên ngoài muốn vào thăm hỏi Thế Tôn.

Đức Phật bảo Ni Đề: Ông dùng đạo lực đi ra nói rằng ta cho vào.

Lúc đó Ni Đề từ trong tảng đá đi ra giống như ra khỏi mặt nước, không có chướng ngại, liền thưa với Vua: Tôi đã thưa Thế Tôn rồi, Bệ Hạ có thể vào.

Vua Ba Tư Nặc thầm nghĩ: Việc ta nghi vấn thôi hãy để đó, trước tiên ta nên hỏi vị Tỳ Kheo này có phước hạnh gì mà được thần lực như vậy.

Đức Vua vào bái kiến Phật, cúi đầu dưới chân Phật, nhiễu quanh bên hữu ba vòng, lui về ngồi một bên, bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, bên ngoài có một vị Tỳ Kheo thần lực khôn lường, đi vào tảng đá như xuyên qua nước, ra khỏi tảng đá mà không có dấu nứt, vị ấy tên họ gì, cúi mong Thế Tôn chỉ bày.

Thế Tôn nói: Đó là một người hèn hạ nhất trong nước của nhà Vua, ta đã hóa độ chứng A La Hán.

Nay Đại Vương đến đây muốn hỏi về việc này có phải không?

Vua nghe Phật nói tâm kiêu mạn liền từ bỏ, vui vẻ khôn lường.

Nhân đó Đức Phật bảo Vua: Phàm con người ở đời, tôn ty quý tiện, nghèo giàu khổ vui, đều do hành nghiệp đời trước mà được quả đời này. Nhân từ khiêm thuận, kính lớn mến nhỏ, thì làm quý nhân, hung ác tàn bạo, kiêu ngạo tự đại thì làm người hạ tiện.

Vua Ba Tư Nặc bạch Thế Tôn: Bậc Đại Thánh ra đời cứu tế cho muôn loài, phàm người hạ tiện, cứu khổ độc ban cho an lạc.

Ông Ni Đề này vì nhân duyên gì, sinh vào nơi hạ tiện, lại gieo trồng đức gì được gặp Đức Thánh Tôn, được thọ giáo hóa thành bậc ứng chân?

Cúi mong Thế Tôn chỉ bày rõ ràng.

Đức Phật bảo Vua: Hãy lắng nghe kỹ, ta sẽ giải nói khiến cho Bệ Hạ được rõ.

Ở đời quá khứ thời Đức Phật Ca Diếp xuất hiện thế gian, sau khi Ngài diệt độ, đệ tử có mười vạn Tỳ Kheo Tăng, trong đó có một vị Sa Môn trụ trì, thân mắc bệnh uống thuốc xổ, ông cậy thế kiêu mạn không chịu đi ra ngoài đại tiện, mà dùng cái bình mạ bằng vàng bạc dùng để đi đại tiểu rồi sai một đệ tử xách đi đổ. Nhưng người đệ tử đó đã chứng quả Tu Đà Hoàn.

Do ở đời trước không có tính khiêm nhường, tự cậy có nhiều của cải, giữ việc Tăng Chúng, gặp có chút bệnh nhẹ, lười biếng không đi, sai vị Thánh Nhân phục dịch, đổ phân uế cho mình, do nhân duyên đó, trôi nổi trong sinh tử thường phải làm kẻ hạ tiện trong năm trăm đời, làm người đổ phân.

Mãi cho đến đời này, do công đức xuất gia trì giới, gặp được Thế Tôn, nghe pháp đắc đạo. Này Đại Vương, vị Tỳ Kheo trụ trì thuở đó chính là Tỳ Kheo Ni Đề ngày nay.

Vua Ba Tư Nặc thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai ra đời thật là hy hữu, làm lợi ích cho không biết bao nhiêu chúng sinh khổ não.

Đức Phật nói: Đại Vương! Lành thay! Lành thay! Đúng như Đại Vương nói, chúng sinh luân chuyển trong ba cõi không có định phẩm. Người tích thiện tu nhân sẽ sinh vào nhà giàu có tôn quý, kẻ tạo ác phóng túng sẽ sinh vào nhà hạ tiện.

Nghe Phật nói, nhà Vua rất vui mừng, bỏ hết tâm kiêu mạn, đứng lên quỳ xuống ôm chân Ni Đề mà làm lễ, sám hối từ tạ, nguyện trừ tội lỗi.

Bấy giờ Thế Tôn nhân đó rọng nói nghĩa pháp vi diệu về luận bố thí, luận trì giới, luận sinh Thiên. Kẻ phạm dục là hạnh bất tịnh, đoạn dục là hạnh an lạc. Bấy giờ đại hội nghe Đức Phật nói ai nấy đều được chứng đạo, tín thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần