Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Chuyện Thiết đầu La Kiện Ninh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH HIỀN NGU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM CHUYỆN THIẾT ĐẦU LA KIỆN NINH  

Tôi nghe như thế này! 

Thuở nọ, Đức Phật ở nước La Duyệt Kỳ, trong vườn Trúc.

Khi đó A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh lại y phục chắp tay quỳ bạch Phật: Nhóm ông Kiều Trần Như năm người, đời trước có phước gì, dựa vào nhân duyên gì mà được Như Lai ra đời, gióng trống pháp đầu tiên, các ông ấy được nghe trước, cam lộ pháp vị được thưởng thức trước. Cúi mong Thế Tôn thương xót, giải nói cho chúng con được rõ.

Lúc đó Đức Thế Tôn bảo A Nan: Năm người này ở đời trước có ăn thịt ta mà được an ổn, cho nên ngày nay được nghe pháp thực trước và được giải thoát trước.

Ngài A Nan lại hỏi Đức Thế Tôn: Đời trước họ ăn thịt nhân duyên ấy thế nào, mong Thế Tôn Giảng đầy đủ chi tiết cho chúng con được rõ.

Đức Phật nói: Vào đời quá khứ lâu xa, vô lượng vô số kiếp A tăng kỳ, ở Cõi Diêm Phù Đề này, có một đại Quốc Vương tên Thiết Đầu La Kiện Ninh, thống lãnh Diêm Phù Đề, có tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, sáu vạn núi sông, tám mươi ức tụ lạc, hai vạn phu nhân, thể nữ. Nhà Vua rất có lòng từ bi thương yêu tất cả nhân dân, không ai chẳng được nhờ ân.

Khi đó trong nước có Hỏa tinh xuất hiện, các nhà chiêm tinh thấy tâu Vua: Điềm Hỏa tinh xuất hiện sẽ hạn hán không mưa mười hai năm, nay có điềm biến này phải nên làm thế nào?

Vua nghe nói thế rất là lo buồn. Nếu có điềm tai biến này thì mạng dân chúng làm sao tránh khỏi, liền họp Quần Thần cùng nhau bàn bạc.

Các quan Đại Thần nói: Nên hạ lệnh các nước tính dân khẩu hiện nay và coi số lúa thóc cân lường trong mười hai năm, mỗi người ăn hết bao nhiêu. Vua nghe theo lời bàn, liền ra lệnh thi hành cấp tốc. Tính toán xong xuôi tất cả nhân dân, mỗi người được thăng gạo còn không đủ. Từ đó về sau, nhân dân chết đói rất nhiều.

Đức Vua tự nghĩ: Nên tính cách nào để cứu sống nhân dân.

Nhân lúc phu nhân và thể nữ đi ra dạo xem ngoài vườn nghỉ ngơi, Vua chờ mọi người ngủ nghỉ cả, liền ngồi dậy hướng về bốn phương làm lễ và lập thệ rằng: Hôm nay nước này đói thiếu chết quá nhiều, tôi nguyện xả bỏ thân này làm con cá lớn để cung cấp thịt đủ cho tất cả nhân dân.

Vua liền leo lên cây đâm đầu xuống đất tự sát. Sau khi mạng chung hóa thành con cá ở trong sông lớn, thân cá dài to năm trăm do tuần. Bấy giờ trong nước có năm người thợ mộc, vác búa rìu đi đến bờ sông, định đốn gỗ thì trông thấy con cá to.

Con cá ấy nói ra tiếng người: Nếu các ông đói, muốn ăn thịt hãy lấy thịt tôi mà ăn, ăn no có thể đem về. Nay các ông ăn thịt tôi mà được no, sau này tôi được thành Phật sẽ đem pháp thực độ thoát các ông, hãy về thông báo mọi người lớn nhỏ trong nước có cần thịt hãy đến đây lấy.

Năm người vui mừng dùng rìu bổ lấy thịt, nướng ăn no nê rồi còn mang về nhà và đem việc này nói với mọi người trong nước. Lúc đó nhân dân truyền miệng với nhau, khắp cả Diêm Phù Đề đều tụ tập tới ăn thịt con cá.

Vừa lấy hết một bên hông, cá liền xoay mình để lấy thịt hông bên kia cũng đều lấy hết, nó lại xoay trở lại thịt lành như cũ, cứ như thế cung cấp cho tất cả nhân dân trải qua mười hai năm. Nhân dân ấy ăn thịt con cá đều sinh lòng từ, sau khi mạng chung được sinh lên Trời.

Này A Nan, ông nên biết Vua Thiết Đầu La Kiện Ninh thuở đó chính là thân ta. Năm người thợ mộc trước kia ăn thịt ta, nay chính là năm anh em Kiều Trần Như vậy.

Các người dân ăn thịt ta nay là tám vạn Chư Thiên và các đệ tử được ta độ thoát. Trước kia ta đem thân thịt cung cấp cho năm người khiến cứu sống họ nên nay ngày đầu tiên ta thuyết pháp độ năm người họ trước nhất. Lấy ít thịt pháp thân ta trừ khổ đói ba độc của họ. Ngài A Nan và cả chúng hội nghe Đức Phật nói vừa đau thương, vừa vui mừng, đảnh lễ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần