Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Tu Di Sơn đảnh Kệ tán
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHƯƠNG
QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM MƯỜI BỐN
PHẨM TU DI SƠN ĐẢNH KỆ TÁN
Lúc bấy giờ, do thần lực của Đức Phật, từ ngoài trăm Phật Sát Vi Trần Số Quốc Độ, mười phương đều có một Đại Bồ Tát, mỗi vị đều cùng một Phật Sát Vi Trần Số Bồ Tát đồng vân tập đến.
Mười Đại Bồ Tát là: Pháp Huệ Bồ Tát, Nhất Thiết Huệ Bồ Tát, Thắng Huệ Bồ Tát, Công Ðức Huệ Bồ Tát, Tinh Tấn Huệ Bồ Tát, Thiện Huệ Bồ Tát, Trí Huệ Bồ Tát, Chân Thiệt Huệ Bồ Tát, Vô Thượng Huệ Bồ Tát, Kiên Cố Huệ Bồ Tát.
Cõi nước của các Ngài theo thứ tự là: Nhân Ðà La Hoa Thế Giới, Ba Ðầu Ma Hoa Thế Giới, Bửu Hoa Thế Giới, Ưu Bát La Hoa Thế Giới, Kim Cang Hoa Thế Giới, Diệu Hương Hoa Thế Giới, Duyệt Ý Hoa Thế Giới, A Lô Hoa Thế Giới, Na La Ðà Hoa Thế Giới, Hư Không Hoa Thế Giới.
Chư Phật ngự trị nơi đó theo thứ tự là: Thù Ðặc Nguyệt Phật, Vô Tận Nguyệt Phật, Bất Ðộng Nguyệt Phật, Phong Nguyệt Phật, Thủy Nguyệt Phật, Giải Thoát Nguyệt Phật, Vô Thượng Nguyệt Phật, Tinh Tú Nguyệt Phật, Thanh Tịnh Nguyệt Phật, Minh Liễu Nguyệt Phật.
Chư Bồ Tát này đến đảnh lễ chân Phật, rồi tùy phương đến, đều riêng hóa hiện Tòa Sư Tử Tỳ Lô Giá Na Tạng mà ngồi kiết già trên đó. Như Chư Bồ Tát vân tập đến đảnh núi Tu Di nơi Thế Giới này, thập phương Thế Giới cũng đều như thế cả, đến Danh Hiệu, Quốc Độ và Chư Phật cũng đồng.
Lúc đó Đức Thế Tôn, từ nơi các ngón của hai chân phóng trăm ngàn ức quang minh màu đẹp chiếu khắp trong cung của Ðế Thích ở mười phương Thế Giới, Phật và đại chúng đều hiển hiện cả.
Pháp Huệ Bồ Tát thừa oai thần của Phật quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Phật phóng tịnh quang minh
Thấy khắp tất cả Phật
Ðảnh núi Tu Di Vương
Ở trong điện Diệu Thắng.
Tất cả Thiên Ðế Thích
Thỉnh Phật vào cung điện
Ðều nói mười kệ hay
Ca ngợi Chư Như Lai.
Trong các đại hội ấy
Bao nhiêu chúng Bồ Tát
Ðều từ mười phương đến
Hóa tòa mà an tọa.
Bồ Tát trong hội đó
Danh hiệu đồng chúng tôi,
Những cõi từ đó đến
Danh tự cũng vẫn đồng.
Bổn Quốc Chư Như Lai
Hồng danh đều cũng đồng,
Bồ Tát nơi Bổn Phật
Tịnh tu hạnh vô thượng.
Ðại chúng nên quan sát
Như Lai tự tại lực
Tất cả Diêm Phù Ðề
Ðều nói Phật tại đấy.
Chúng tinh tấn nay thấy Phật
Trụ nơi đảnh Tu Di
Thập phương cũng như vậy
Như Lai tự tại lực.
Trong mỗi mỗi Thế Giới
Phát tâm cầu Phật đạo
Nương nơi nguyện như vậy
Tu tập hạnh Bồ Đề.
Phật dùng nhiều thân hình
Du hành khắp thế gian
Pháp giới không chướng ngại
Không ai trắc lượng được.
Huệ quang hằng chiếu khắp
Ðời tối đều trừ diệt,
Tất cả không sánh bằng
Thế nào lường biết được!
Nhất Thiết Huệ Bồ Tát, thừa oai lực của Đức Phật, quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Giả sử trăm ngàn kiếp
Thường thấy Đức Như Lai
Chẳng y chân thật nghĩa
Mà quán Đấng Cứu Thế,
Người này chấp lấy tướng
Thêm lớn lưới mê lầm
Giam trói ngục sanh tử
Ðui mù, chẳng thấy Phật.
Quan sát nơi các pháp
Ðều không có tự tánh
Tướng nó, vốn sanh diệt
Chỉ là danh thuyết giả.
Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền.
Pháp tánh vốn không tịch
Vô thủ, cũng vô kiến
Tánh không, tức là Phật
Chẳng thể nghĩ lường được.
Nếu biết tất cả pháp
Thể tánh đều như vậy
Người này thời chẳng bị
Phiền não làm nhiễm trước.
Phàm phu thấy các pháp
Chỉ chuyển theo tướng giả
Chẳng rõ pháp vô tướng
Do đây chẳng thấy Phật.
Ðức Phật lìa ba thời
Các tướng đều đầy đủ
Trụ nơi vô sở trụ
Cùng khắp mà bất động.
Tôi quán tất cả pháp
Thảy đều được rõ ràng
Nay thấy Đức Như Lai
Quyết định không nghi ngờ.
Pháp Huệ trước đã nói
Như Lai chân thiệt tánh,
Tôi từ đó rõ biết
Bồ đề khó nghĩ bàn.
Thắng Huệ Bồ Tát thừa oai lực của Phật, quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Như Lai đại trí huệ
Hi hữu không sánh bằng
Tất cả những thế gian
Tư duy chẳng đến được.
Phàm phu vọng quan sát
Chấp tướng chẳng đúng lý
Phật lìa tất cả tướng
Chẳng phải họ biết được.
Kẻ vô tri mê lầm
Vọng chấp tướng ngũ uẩn
Chẳng biết chân tánh kia
Người này chẳng thấy Phật.
Rõ biết tất cả pháp
Ðều không có tự tánh
Hiểu pháp tánh như vậy
Thời thấy Lô Xá Na.
Vì do tiền Ngũ Uẩn
Có hậu uẩn tương tục
Rõ biết nơi tánh này
Thấy Phật khó nghĩ bàn.
Ví như báu trong tối
Không đèn thời chẳng thấy
Phật Pháp không người nói
Dầu huệ chẳng biết được.
Cũng như mắt bị lòa
Chẳng thấy màu xinh đẹp
Như vậy tâm bất tịnh
Chẳng thấy các Phật Pháp.
Lại như mặt trời sáng
Kẻ mù không thấy được
Tâm không có trí huệ
Trọn chẳng thấy Chư Phật.
Nếu chữa hết bệnh lòa
Bỏ lìa lòng tưởng sắc
Chẳng thấy nơi các pháp
Thời thấy được Như Lai.
Nhất Thiết Huệ đã nói
Chư Phật Bồ Ðề pháp
Tôi nghe lời Ngài nói
Ðược thấy Lô Xá Na.
Công Ðức Huệ Bồ Tát thừa oai lực của Phật quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Các pháp không chân thật
Vọng chấp là chân thật
Cho nên các phàm phu
Luân hồi ngục sanh tử.
Nơi ngôn từ thuyết pháp
Tiểu trí vọng phân biệt
Vì thế sanh chướng ngại
Chẳng rõ được tự tâm.
Chẳng rõ được tự tâm
Ðâu biết được chánh đạo
Họ do huệ điên đảo
Thêm lớn mọi điều ác.
Chẳng thấy các pháp không
Hằng thọ khổ sanh tử
Người này chưa có được
Pháp nhãn thanh tịnh vậy.
Xưa kia tôi thọ khổ
Vì tôi chẳng thấy Phật,
Nên phải tịnh pháp nhãn
Xem kia chỗ đáng thấy.
Nếu được thấy nơi Phật
Thời tâm không chấp lấy
Người này thời thấy được
Pháp của Phật đã biết.
Nếu thấy Phật chân pháp
Thời gọi bậc đại trí
Người này có tịnh nhãn
Hay quan sát thế gian.
Không thấy chính là thấy
Hay thấy tất cả pháp
Nơi pháp nếu có thấy
Ðây thời là không thấy.
Tất cả các pháp tánh
Không sanh cũng không diệt
Lạ thay Đấng Ðạo Sư
Tự giác hay giác tha.
Ngài Thắng Huệ đã nói
Pháp của Như Lai ngộ
Chúng tôi nghe Ngài nói
Biết được Phật chân tánh.
Tinh Tấn Huệ Bồ Tát thừa oai lực của Phật, quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Nếu trụ nơi phân biệt
Thời hư thanh tịnh nhãn
Thêm ngu si, tà kiến
Trọn chẳng thấy được Phật.
Nếu rõ được tà pháp
Như thiệt chẳng điên đảo,
Biết vọng vốn tự chân
Thấy Phật thời thanh tịnh.
Có thấy, thời là nhơ
Ðây thời chưa phải thấy
Xa lìa các kiến chấp
Như vậy mới thấy Phật.
Pháp ngôn ngữ thế gian
Chúng sanh vọng phân biệt
Biết thế đều vô sanh
Mới là thấy thế gian.
Nếu thấy thấy thế gian
Thấy là tướng thế gian
Như thiệt đồng không khác
Ðây gọi người chân kiến.
Nếu thấy đồng không khác
Nơi vật chẳng phân biệt
Thấy này lìa phiền não
Vô lậu được tự tại.
Chỗ Chư Phật khai thị
Tất cả pháp phân biệt
Ðây đều chẳng thể được
Vì pháp tánh thanh tịnh.
Pháp tánh vốn thanh tịnh
Vô tướng như hư không
Tất cả không năng thuyết
Người trí quán như vậy.
Xa lìa nơi pháp tưởng
Chẳng thích tất cả pháp
Ðây cũng không chỗ tu
Thấy được Ðại Mâu Ni.
Như Ngài Ðức Huệ nói
Ðây gọi là thấy Phật.
Chỗ có tất cả hạnh
Thể tánh đều tịch diệt.
Lúc đó Thiện Huệ Bồ Tát thừa oai lực của Phật quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Hi hữu đại dũng kiện
Vô lượng Chư Như Lai
Ly cấu tâm giải thoát
Tự độ hay độ người.
Tôi thấy thế gian đăng
Như thật chẳng điên đảo
Như trong vô lượng kiếp
Bậc đủ trí chỗ thấy.
Tất cả hạnh phàm phu
Ðều mau về diệt tận
Tánh nó như hư không
Nên nói là vô tận.
Người trí nói vô tận
Ðây cũng không chỗ nói.
Vì tự tánh vô tận
Ðược có nan tư tận.
Trong chỗ nói vô tận
Không chúng sanh được có
Biết chúng tánh như vậy
Thời thấy Ðại danh xưng.
Không thấy nói là thấy
Vô sanh nói chúng sanh
Hoặc thấy, hoặc chúng sanh
Rõ biết không thể tánh.
Năng kiến cùng sở kiến
Kiến giả đều khiển trừ,
Chẳng hoại nơi chân pháp
Người này rõ biết Phật.
Nếu người rõ biết Phật
Và pháp của Phật nói
Thời hay chiếu thế gian
Như Phật Lô Giá Na.
Chánh Giác khéo khai thị
Ðạo một pháp thanh tịnh,
Ðại Sĩ tinh tấn huệ
Diễn nói vô lượng pháp.
Hoặc có hoặc không có
Tưởng niệm này đều trừ
Như thế thấy được Phật
An trụ nơi thiệt tế.
Lúc đó Trí Huệ Bồ Tát thừa oai lực của Phật quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Tôi nghe pháp tối thắng
Liền sanh trí huệ quang
Chiếu khắp mười phương cõi
Ðều thấy tất cả Phật.
Trong đây không chút vật
Chỉ có danh tự giả
Nếu chấp có ngã nhân
Thời là vào đường hiểm.
Những phàm phu chấp trước
Chấp thân là thiệt có
Phật chẳng phải sở thủ
Họ trọn chẳng thấy được.
Người này không huệ nhãn
Chẳng thể thấy được Phật
Ở trong vô lượng kiếp
Lưu chuyển biển sanh tử.
Hữu tránh nói sanh tử
Vô tránh là Niết Bàn
Sanh tử và Niết Bàn
Cả hai chẳng nói được.
Nếu theo danh tự giả
Chấp lấy hai pháp này
Người này không đúng thật
Chẳng biết Phật Diệu Đạo.
Nếu móng tưởng như vậy:
Ðây Phật, đây tối thắng
Ðiên đảo chẳng phải thật
Chẳng thấy được Chánh Giác.
Biết được thật thể này
Tướng chân như tịch diệt
Thời thấy đấng Chánh Giác
Vượt khỏi đường ngữ ngôn.
Ngôn ngữ nói các pháp
Chẳng hiển được thiệt tướng
Bình đẳng mới thấy được
Như Pháp, Phật cũng vậy.
Thời quá khứ Chư Phật
Vị lai và hiện tại
Dứt hẳn gốc phân biệt
Thế nên gọi là Phật.
Chân Thật Huệ Bồ Tát thừa oai lực của Phật quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Thà thọ khổ địa ngục
Ðược nghe hồng danh Phật
Chẳng thích vô lượng vui
Mà chẳng nghe danh Phật.
Sở dĩ nơi thời xưa
Chịu khổ vô số kiếp
Lưu chuyển trong sanh tử
Vì chẳng nghe danh Phật.
Với pháp chẳng điên đảo
Mà hiện chứng như thật
Lìa các tướng hòa hiệp
Gọi là Vô Thượng Giác.
Hiện chẳng phải hòa hiệp
Khứ, lai cũng như vậy
Tất cả pháp vô tướng
Ðây là chân thể Phật.
Nếu quán được như vậy
Các pháp nghĩa thậm thâm
Thời thấy tướng chân thật
Pháp Thân của Chư Phật.
Nơi thật thấy chân thật
Chẳng thật thấy chẳng thật
Hiểu rốt ráo như vậy
Cho nên gọi là Phật.
Phật Pháp chẳng giác được
Rõ đây gọi giác pháp
Chư Phật tu như vậy
Một pháp bất khả đắc.
Biết do một nên nhiều
Biết do nhiều nên một
Các pháp không chỗ tựa
Chỉ do hòa hiệp khởi.
Không năng tác, sở tác
Chỉ từ nghiệp tưởng sanh
Tại sao biết như vậy
Vì khác đây không có.
Tất cả pháp vô trụ
Ðịnh xứ bất khả đắc
Chư Phật trụ nơi đây
Rốt ráo không dao động.
Vô Thượng Huệ Bồ Tát thừa oai lực của Phật quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Ðấng Đại Thừa Vô Thượng
Xa lìa tưởng chúng sanh
Không có ai hơn được
Nên hiệu là Vô Thượng.
Chỗ Chư Phật đã được
Vô tác, vô phân biệt
Thô thần thông vô sở hữu
Vi tế cũng như vậy.
Cảnh Chư Phật sở hành
Trong đó không có số
Là chân pháp của Phật.
Như Lai quang chiếu khắp
Diệt trừ những tối tăm
Quang này chẳng có chiếu
Cũng chẳng phải không chiếu.
Nơi pháp không chỗ chấp
Không niệm cũng không nhiễm
Không trụ không xứ sở
Chẳng hoại nơi pháp tánh.
Trong đây không có hai
Cũng lại không có một
Bậc đại trí thấy đúng
Khéo an trụ thật lý.
Trong không, không có hai
Không hai cũng như vậy
Tam giới tất cả không
Là chỗ thấy Chư Phật.
Phàm phu không hay biết
Phật khiến trụ chánh pháp
Các pháp vô sở trụ
Ngộ đây thấy tự thân.
Chẳng thân mà nói thân
Chẳng khởi mà hiện khởi
Không thân cũng không thấy
Là Phật thân vô thượng.
Như Ngài Thật Huệ nói
Chư Phật diệu pháp tánh
Nếu người nghe pháp này
Sẽ được thanh tịnh nhãn.
Lúc đó Kiên Cố Huệ Bồ Tát thừa oai lực của Phật quan sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:
Vĩ đại! Quang minh lớn
Bậc Vô Thượng dũng kiện
Vì lợi ích quần sanh
Mà xuất hiện thế gian.
Phật dùng tâm đại bi
Quan sát khắp chúng sanh
Thấy ở trong ba cõi
Luân hồi thọ nhiều khổ.
Chỉ trừ Đấng Chánh Giác
Ðấng Ðạo Sư đủ sức
Tất cả các Trời người
Không ai cứu hộ được.
Nếu Chư Phật Bồ Tát
Chẳng xuất hiện thế gian
Thời không một chúng sanh
Có thể được an lạc.
Như Lai Đẳng Chánh Giác
Và các chúng Thánh Hiền
Xuất hiện ở thế gian
Cho chúng sanh được vui.
Nếu ai thấy Như Lai
Vì được lợi hành lớn
Nghe hiệu Phật sanh tin
Thời là tháp thế gian.
Chúng tôi thấy Như Lai
Vì được lợi ích lớn
Nghe diệu pháp như vậy
Ðều sẽ thành Phật đạo.
Chư Bồ Tát quá khứ
Do thần lực của Phật
Ðược huệ nhãn thanh tịnh
Rõ cảnh giới Chư Phật.
Nay thấy Lô Xá Na
Càng thêm thanh tịnh tính
Phật trí không ngằn mé
Diễn thuyết chẳng thể hết.
Thắng Huệ Bồ Tát thảy
Và tôi Kiên Cố Huệ
Trong vô số ức kiếp
Cũng nói chẳng thể hết.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Ngoại đạo
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Hai Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Tối Thượng Bí Mật Na Nõa Thiên - Phần Bảy - Tối Thượng Thành Tựu ấn Tướng đại Minh
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai - Thiện Quyền - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Tám