Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Mười Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BA
PHẨM ĐỊA NGỤC
TẬP MƯỜI CHÍN
Người tạo nghiệp ác thì thân, khẩu, ý đều tạo nghiệp bất thiện. Quở trách xong, ngục tốt tống tội nhân vào địa ngục Đại tiêu nhiệt ngửi mùi phân hôi thối, cấu uế, lưỡi nếm vị nóng cứng bẩn thỉu, có hương vị đáng chán. Thân tiếp xúc với vật rất sù sì, có gió dữ thổi đến như dao, lửa chạm vào thân.
Năm cảnh giới rất đáng sợ. Do lo sợ nên tội nhân bị khiếp vía đối với tướng địa ngục đã thấy lúc trước và bị ngục tốt cột chặt cổ họng, bị gió nghiệp thổi dắt đến địa ngục, không được tự do.
Ngục tốt có diện mạo dữ dằn, tay chân rất nóng, vặn vẹo thân hình. Thấy vậy, tội nhân rất hoang mang, lo sợ.
Ngục tốt rống như sấm, làm cho tội nhân càng thêm sợ hãi. Ngục tốt cầm dao bén, bụng rất lớn có màu như mây đen, mắt phát lửa như đèn, răng như móc bén, cánh tay rất dài, múa may tạo thế, khuỳnh rộng vai giơ vuốt như mũi nhọn bén, phát lửa, cánh tay thô cứng, mạch phình trương, tất cả các bộ phận của thân đều thô tháo.
Ngục tốt mang đủ loại hình dạng đáng sợ, bắt tội nhân đem đi qua sáu mươi tám trăm ngàn do tuần đất liền, biển cả, châu lục, thành ấp, bên cạnh bờ biển, lại đi ba mươi sáu ức do tuần, từ từ hạ xuống mười ức do tuần.
Do gió nghiệp thổi họ mới đi xa như thế. Sức mạnh của gió nghiệp, tâm không thể lường xét, không thể ví dụ được. Cảnh giới ở nơi đó, sức của mặt trăng, mặt trời và gió không thể đến được, chỉ có gió nghiệp, thứ gió hơn hết các loại gió là có thể dẫn tội nhân đến nơi ấy. Đến nơi rồi, tội nhân bị ngục tốt quở trách như trước.
Quở trách xong, do nghiệp ác trói buộc nên tội nhân hướng tới địa ngục, nơi ấy có ngục tốt dắt tội nhân đến địa ngục Đại tiêu nhiệt.
Ở trong bóng tối, tội nhân ấy thấy trong địa ngục Đại tiêu nhiệt lửa cháy phừng phực khắp nơi. địa ngục rộng năm ngàn do tuần không tăng, không giảm.
Cách địa ngục ba ngàn do tuần đã nghe tiếng tội nhân la khóc nên họ buồn rầu, hoảng sợ và khổ não. Đã chịu vô lượng khổ đau dữ dội, khó chịu đựng, lại nghe tiếng tội nhân la khóc nên họ lo sầu, sợ hãi và vô cùng khổ não. Đã chịu vô lượng khổ đau dữ dội, khó chịu đựng, lại nghe tội nhân nơi địa ngục gào khóc suốt vô lượng năm, họ càng sợ hãi gấp bội.
Sau khi dắt tội nhân đến địa ngục Đại tiêu nhiệt, để quở trách tội nhân, ngục tốt đã nói kệ:
Ngươi nghe tiếng địa ngục
Đã sợ hãi như vậy
Huống gì bị thiêu cháy
Như là thiêu cỏ khô.
Lửa thiêu chẳng đáng sợ
Nghiệp ác thiêu mới lo
Lửa thiêu có thể dập
Nghiệp thiêu không thể tắt.
Lửa không đến địa ngục
Lửa không có đi theo
Ngươi châm lửa nghiệp ác
Bị thiêu từng phút giây.
Ai gây lửa nghiệp ác
Bị thiêu ở địa ngục
Nếu dập lửa nghiệp ác
Thì không sợ địa ngục.
Người nào tự thương thân
Lại sợ hãi địa ngục
Người ấy liền bỏ ác
Không chịu khổ não lớn.
Người xả bỏ nghiệp ác
Tâm thường khéo quan sát
Thân, miệng, ý đều thiện
Cách Niết Bàn không xa.
Ai thường có tâm ác
Luôn luôn bị si mê
Thì phải đọa địa ngục
Còn rơi lệ làm gì?
Gây khổ mắc quả khổ
Diệt khổ được quả vui
Nghiệp ác đầu, giữa, sau
Gây khổ cho chúng sinh.
Làm người, ngươi gây ác
Tạo ra nhiều nghiệp ác
Nên nay sắp nhận chịu
Quả báo ác như vậy.
Người nào gây nghiệp ác
Thì sẽ đến nơi ác
Còn ai tạo nghiệp lành
Thì đi đến chỗ lành.
Đâu có chuyện tạo ác
Mà lại hưởng quả vui
Quả vui chỉ có được
Khi không sống điên đảo.
Từ đời xưa đến nay
Làm lành được quả vui
Người nào gây nghiệp ác
Thì nhận lấy quả khổ.
Nhân duyên thì tương tợ
Điên đảo không thích hợp
Đã tạo nhân từ trước
Nên nhận quả báo này.
Ngục tốt quở trách tội nhân đã tạo nghiệp ác hiện hữu trong thân trung hữu sắp vào địa ngục. Chỉ nghe quở trách, tội nhân đã sợ nổi da gà, huống gì là nhìn thấy cảnh địa ngục. Khi đã thấy lửa địa ngục cháy hừng hực năm ấm của tội nhân đều lạnh run. Họ thấy khó chịu đối với lửa hừng hực ở đấy.
Do tham nên khởi tâm chấp thủ, thủ là nhân duyên của hữu, ở tất cả các cõi đều như vậy. Hữu là nhân duyên của sinh. Vì tội nhân có nghiệp ác là sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, nói dối, tà kiến, lại có tà hạnh là cưỡng bức Tỳ Kheo Ni làm việc dâm dục, trong khi họ là người hiền thiện không có tâm tham dục, giữ giới trong sạch.
Do làm và tích tụ nghiệp ác này khiến thế lực của nó rất cứng chắc, nên họ chịu quả báo sau: Có đám lửa lớn cao năm trăm do tuần, rộng hai trăm do tuần, bốc cháy dữ dội. Người ấy bị sức mạnh của nghiệp ác ném thân họ vào lửa một cách nhanh chóng, như bị ném ở bờ biển ven núi lớn, không có chỗ để bám víu, tội nhân rơi thẳng vào khối lửa lớn.
Sức mạnh ở nơi địa ngục kéo tội nhân vào bên trong chốn có lửa cháy hừng hực. Do nghiệp ác, có móc sắt nóng trước tiên móc chân họ khiến lộn đầu vào lửa. Khi tội nhân đã vào trong lửa địa ngục rồi thì lần lượt bị thiêu các bộ phận như mắt, da đầu, xương đầu, xương mặt, răng, xương hàm, xương cổ, xương cột sống, xương sọ, cuống họng, tim, bao tử, ruột già, ruột non, xương hông, căn, xương đầu gối, bắp chân, cổ chân, ngón chân.
Do nghiệp ác, trước hết tội nhân vào trong bồn lửa lớn, tất cả các bộ phận của thân bị thiêu dữ dội. Bị thiêu xong, họ sống lại chịu khổ không dứt. Nỗi khổ đó rất lớn, tương ưng với nghiệp rất nặng mà họ đã gây khi làm người.
Sau khi bị thiêu dữ dội trong bồn lửa, tội nhân bị rơi xuống đất kim cương phát lửa. Vì lo sợ họ giơ tay chống đỡ, khi vừa chạm đất liền bị bồng lên, như là trái cầu lên xuống không dừng, nảy lên rơi xuống một cách mau chóng. Họ đưa tay chống đỡ, gào rống la khóc, rơi xuống rồi nảy lên, kêu la liên tục.
Những lưới lửa lớn phủ kín thân họ, nên lúc bị nảy lên hư không họ cũng bị thiêu như khi vào trong lửa.
Qua vô lượng năm, họ bị bồn lửa lớn của địa ngục thiêu đi, đốt lại không ngừng, tất cả các bộ phận của thân bị thiêu rồi sinh trở lại.
Đến khi hết hạn được ra khỏi bồn lửa, do nghiệp ác, ngục tốt chẳng phải là chúng sinh, nhưng tội nhân thấy và cho đó là chúng sinh. Ngục tốt cầm kềm sắt phát lửa nóng gấp hai lần đám lửa nói ở trước.
Vì sao kềm lại nóng như vậy?
Do sát sinh nên bị bồn lửa thiêu. Do hai nghiệp ác là sát sinh và trộm cướp nên kềm nóng gấp hai lần. Ngục tốt không phải là chúng sinh đã dùng kềm kẹp tội nhân ngồi lên móc sắt phát lửa trên đất sắt nóng, móc sắt phát lửa đi vào theo đường đại tiện và đi ra bên lưng, hoặc đi ra trên ngoài thân, nói rộng như trước.
Khi họ đã ngồi, nỗi khổ tăng lên gấp ba, bị sắt bén, nóng cắt nhân căn và ngoại thân.
Vì sao nỗi khổ lại tăng gấp ba lần?
Đó là sát sinh, trộm cắp và tà hạnh, do nhân duyên này họ phải chịu khổ gấp ba.
Giống như người thợ rèn hoặc học trò của anh ta dùng bễ rèn thổi vào lò, hút gió đầy vào trong túi da và thổi ra làm lửa cháy hừng hực. Cũng như vậy, người tạo nghiệp ác do tích tụ đầy nghiệp ác nên gọi là người ác.
Người tạo nghiệp ác và đệ tử anh ta tích chứa đầy nghiệp nên gọi là gió nghiệp. Hành dâm với phụ nữ là nước nóng trong lò rèn. Việc tội nhân kêu gào thật to là thổi và đốt dữ dội. Chứa nhiều nghiệp bất thiện là người bị nhiều nghiệp bất thiện thiêu đốt chịu khổ não cùng cực.
Do nhân duyên ấy ở trong địa ngục họ chịu nỗi khổ gấp ba. Đó là quả báo của việc sát sinh, trộm cắp, tà hạnh.
Ngục tốt hỏi người có nghiệp chẳng lành nên bị lửa lớn đốt, đang nhăn mặt lo sợ trong địa ngục: Cái gì làm ông lo, việc gì làm ông khổ.
Người chịu khổ liền trả lời: Nay tôi đang chịu nỗi khổ lớn tuy vậy vẫn có thể chịu đựng nổi, nhưng nỗi khổ vì khát thì không chịu đựng được.
Nghe vậy, ngục tốt lại đưa họ đến sông dữ có tên Sóng đáng sợ. Sông có đầy nước đồng sôi, trộn với nước chì, thiếc sôi rất nóng, ngoài ra còn có nhiều cục sắt nóng phát lửa. Bờ sông rất hiểm trở. Ai thấy sông ấy cũng đều rất lo sợ.
Nếu nghe tiếng của nó thì càng khiếp vía.
Ngục tốt lấy bát sắt nóng đựng đầy nước đồng và chì, thiếc nóng đưa cho tội nhân rồi nói: Ngươi có thể uống.
Do khát, tội nhân đưa hai tay bưng uống vì tưởng là nước.
Do nghiệp ác, nước đó lần lượt thiêu môi, lưỡi, cuống họng và toàn thân rồi đi ra ngỏ dưới.
Lại có thứ lửa nóng gấp bội. Do nghiệp gì mà có quả báo như vậy?
Đó là sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, là người đã thọ giới mà tự uống rượu, lại đưa cho người xuất gia giữ giới uống. Quả báo của nghiệp khiến họ chịu nóng và khát nước, ở trong địa ngục phải uống nước đồng sôi.
Tỳ Kheo giữ giới ở trong Chúng Tăng không biết là rượu, cho đó là thức uống trong sạch nhưng thật ra đó là rượu, rượu là chất độc, khi đã cầm rồi thì không thể xả bỏ, vì sợ Chúng Tăng biết nên họ lén uống.
Do nghiệp ác này, họ không thể bỏ nước đồng sôi ở trong địa ngục và vội vàng uống vì khát. Đó là quả báo của nghiệp uống rượu.
Lúc ở nhà Đàn việt, do sợ mất lòng thí chủ, thầy Sa Môn không đổ đi mà uống rượu.
Quả báo của nghiệp này là ngục tốt lại hỏi tội nhân: Ngươi lo sợ điều gì?
Tội nhân đáp: Nay tôi sợ đói, trong các thứ khổ mà tôi đang chịu, nỗi khổ vì đói là hơn hết.
Nghe xong, ở trong sông nóng có những ngọn sóng đáng sợ đang bốc lửa, ngục tốt lấy sắt vò lại cho bùng cháy gấp năm lần và nói với tội nhân: Đây là thức ăn.
Do nghiệp ác làm si mê, tội nhân nghĩ: Nay thức ăn đã đến và lấy ăn ngay.
Như đã nói rộng ở trước, đầu tiên cục sắt đó thiêu môi tội nhân, xong lần lượt thiêu các bộ phận khác rồi đi ra theo ngả dưới.
Do sức của nghiệp ác, họ thường không chết, lưỡi sinh trở lại, mềm mại hơn cánh hoa sen, thân sinh trở lại và non nớt. Đó là quả báo của nghiệp ác.
Vị Tỳ Kheo quan sát do quả báo gì mà người kia sinh trở thành còn non nớt?
Vị ấy thấy, nghe, biết Như Lai như ngọn đèn đã nói như vậy: Người nào sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, đưa rượu cho người khác uống, lại còn nói láo thì mắc quả báo. Người nào phạm giới, hành động trống rỗng, lại bảo là: Tôi trì giới và ăn đồ ăn của Chúng Tăng thì mắc quả báo như vậy.
Ngục tốt lại hỏi tội nhân: Lưỡi ngươi đã bị thiêu phải không?
Tội nhân ngu si gây nghiệp ác thè lưỡi cho ngục tốt xem. Lưỡi rất mềm mại như cánh hoa sen, rộng nửa do tuần. Do nghiệp nói láo, ngục tốt dùng cày cày vô lượng lần trên lưỡi tội nhân khiến nó bị phá nát. Đau đớn quá tội nhân rên la inh ỏi. Do nghiệp nói láo, tội nhân chịu khổ lớn trong thời gian rất lâu đến vô lượng năm. Đó là quả báo của nghiệp ác mà họ tích tụ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba