Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Bốn - Tinh Tấn độ Vô Cực - Kinh Số Bảy Mươi Mốt - Kinh Di Lặc Làm Thân Nữ Nhân
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
CHƯƠNG BỐN
TINH TẤN ĐỘ VÔ CỰC
KINH SỐ BẢY MƯƠI MỐT
KINH DI LẶC LÀM THÂN NỮ NHÂN
Thuở xưa có vị Bồ Tát làm Trời Đế Thích, ngôi vị sang quý cao tột, nhưng chí vẫn nhớ về vô thường, khổ, không, vô ngã. Ngồi thì tư duy, đi thì giáo hóa, thương xót người ngu, yêu mến kẻ trí, đem trí tuệ dạy bảo, tinh tấn không ngừng nghỉ.
Bồ Tát quan sát thấy người bạn xưa ấy nay làm thân người nữ, làm vợ một người giàu có, mê nơi tài sắc, không hiểu về vô thường, sống nơi chợ bán quán. Trời Đế Thích hóa làm người lái buôn, giả vờ đi chợ, đến đứng trước người đàn bà. Bà ta vui vẻ, vội sai con về nhà lấy ghế ra định mời ngồi.
Người lái buôn mới ngắm nhìn người đàn bà mà mỉm cười. Người đàn bà giữ tiết hạnh cao, ý lấy làm lạ về người lái buôn đứng cười không phải cách.
Đứa bé đi lấy ghế ngồi trễ nên khi đem lại liền bị đánh, người lái buôn lại đứng cười. Bên cạnh có một đứa trẻ đang rung trống cơm nhảy đùa chơi, người lái buôn lại cười. Có một người cha bị bệnh, người con đem trâu đi tế quỷ, ông lái buôn cũng cười.
Có một người đàn bà bồng con nâng niu đi dạo trong chợ, đứa bé cào rách mặt mẹ, máu chảy quanh cổ, người lái buôn lại cười nữa.
Khi ấy, vợ người nhà giàu hỏi: Ông đứng trước tôi, mỉm cười không dừng.
Tôi đánh đứa bé, ấy là tại ông, vì sao ông cười?
Người lái buôn nói: Bà là bạn tốt của ta, nay quên nhau rồi sao?
Người đàn bà buồn bã, ý không vui và lấy làm lạ về lời nói của người lái buôn.
Ông ấy lại nói tiếp: Sở dĩ tôi cười về việc nàng đánh con, vì đứa bé ấy là cha nàng, vì thương cảm nên đầu thai làm con nàng. Chỉ cách một đời mà cha con không biết nhau, huống chi là lâu dài. Đứa trẻ rung trống cơm đó vốn là con trâu.
Trâu chết phách linh của nó trở về làm con người, chủ nhà dùng da trâu để bịt trống, nay đứa trẻ đem trống cơm ra đánh, nhảy nhót, múa đùa, không biết da ấy là thân thể của mình, nên tôi cười. Còn người giết trâu đem tế, xin khỏi bệnh cho cha, cầu sống mà giết hại thì việc rất chẳng lành, khác nào uống chất độc của chim chấm để chữa bệnh.
Người cha ấy vừa chết, chết thì làm trâu, nhiều đời bị đâm giết, thọ họa không thôi, nay đem trâu tế, trâu chết, hồn về, sẽ thọ thân người, thoát hết sầu khổ, do đó ta lại cười. Đứa trẻ cào cấu mặt mẹ vốn là người vợ nhỏ, người mẹ là vợ lớn.
Tình nữ chuyên dâm, nên lòng mang ghen ghét, thường gây bạo ác, nên người vợ nhỏ ngậm hờn, sau khi chết hồn sinh làm con vợ lớn, nay lại báo thù, cào cấu vào mặt, gây thương tích cho thân thể mà người vợ lớn không dám than oán, ta cười là vậy.
Phàm tâm của chúng sinh vốn nó không thường, luôn thay đổi, xưa ghét nay yêu, có gì là thường mãi?
Đây chỉ là một đời, thấy mặt còn không nhận ra nhau, huống chi là trải qua nhiều kiếp.
Kinh nói: Người vì sắc tự vùi thân thì không thấy được đạo lớn, kẻ chuyên nghe tiếng tà thì không nghe được tiếng vang của Phật, ta cười chính là thế. Sang giàu của cuộc đời như chớp, chợt lóe liền tắt ngay, phải biết vô thường, chớ theo lũ ngu dại. Nên trau dồi nết đức và diệu hạnh của sáu độ. Ta nay trở về, ngày sau sẽ đến nhà ngươi. Nói xong bỗng nhiên biết mất.
Người đàn bà bùi ngùi lui về nhà, dốc trai giới nghiêm túc, ngóng trông ngưỡng mộ. Cả nước đều nghe chuyện này, từ vua đến bá quan không ai là không khâm phục.
Người lái buôn ngày sau quả đã đến nhà người đàn bà ấy, với hình dáng xấu xa, quần áo tồi tàn, nói với người nhà: Bạn ta ở trong ấy, ngươi gọi ra giúp ta! Người nhà vào báo đầy đủ về hình dáng và lời nói của người này.
Người đàn bà ra nói: Ngươi không phải là bạn của ta.
Đế Thích mỉm cười nói: Đổi hình dạng, thay quần áo, nàng còn không nhận biết, huống chi đời khác bỏ thân này, thọ thân kia sao?
Lại nói tiếp: Nàng siêng thờ Phật, thời có Phật khó gặp, Tỳ Kheo hạnh cao khó được cúng dường, mạng người như hơi thở, không nên mê hoặc theo nẻo thế tục. Nói rồi thì biết mất. Cả nước vui mừng khen ngợi, mọi người đều vâng giữ, hành theo hạnh cao diệu của sáu độ.
Đức Phật bảo Thu Lộ Tử: Người đàn bà bấy giờ là Di Lặc, còn Trời Đế Thích là thân ta. Bồ Tát luyện chí độ vô cực, đã luôn tinh tấn như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Như Thật Tri - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tâm ý
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Thủ Hạnh
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Mười Một - Ba Trung Kiếp
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bảy Mươi - Phẩm Bồ Tát Hạnh