Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BỐN MƯƠI TÁM
PHÁP HỘI THẮNG MAN PHU NHÂN
PHẦN HAI
Bạch Đức Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy sức lực của vô minh trụ địa rất lớn. Như thủ chi làm duyên hữu lậu nghiệp nhân mà sanh ra ba Cõi Dục, Sắc và Vô Sắc, cũng vậy, vô minh trụ địa làm duyên vô lậu nghiệp nhân hay sanh A La Hán, Bích Chi Phật và đại lực Bồ Tát tùy ý sanh thân và vô lậu nghiệp đều lấy vô minh trụ địa làm chỗ sở y, dầu là sở duyên mà cũng hay làm duyên.
Thế nên tùy ý sanh thân và vô lậu nghiệp đều dùng vô minh trụ địa làm duyên đồng như hữu ái trụ địa phiền não.
Bạch Đức Thế Tôn! Hữu ái trụ địa chẳng đồng nghiệp vời vô minh trụ địa. Vô minh trụ địa khác bốn trụ địa. Khác bốn trụ địa đây chỉ có Phật dứt được hết.
Tại sao?
Vì A La Hán và Bích Chi Phật dứt bốn trụ địa mà đối với lậu tận lực chẳng được tự tại chẳng hiện chứng được. Thế nên A La Hán, Bích Chi Phật nhẫn đến Chư Bồ Tát tối hậu hữu vì bị vô minh trụ địa nó che lấp nên ở nơi các pháp ấy chẳng biết chẳng thấy nên đáng dứt chẳng dứt đáng hết chẳng hết.
Vì ở nơi các pháp ấy chẳng dứt chẳng hết nên được hữu dư giải thoát mà chẳng phải nhất thiết giải thoát được hữu dư thanh tịnh mà chẳng phải nhất thiết thanh tịnh, được hữu dư công đức mà chẳng phải nhất thiết công đức.
Bạch Đức Thế Tôn! Vì được hữu dư nên ở nơi Thánh đế, các bậc ấy biết khổ hữu dư, dứt tập hữu dư, chứng diệt hữu dư và tu đạo hữu dư. Nếu còn là biết hữu dư khổ dứt, hữu dư tập chứng, hữu dư diệt và tu hữu dư đạo, thì là chút phần diệt độ chúng, chút phần Niết Bàn giới.
Nếu biết tất cả khổ dứt, tất cả tập chứng, tất cả diệt và tu tất cả đạo, bậc này ở nơi thế gian vô thường, bại hoại chứng được Niết Bàn thường tịch thanh tịnh, bậc này ở nơi thế gian không giúp không nương làm chỗ giúp chỗ nương.
Tại sao?
Vì người ở nơi các pháp mà thấy có cao thấp thì chẳng chứng được Niết Bàn. Người trí bình đẳng, giải thoát bình đẳng, thanh tịnh bình đẳng mới chứng được Niết Bàn. Vì thế nên Niết Bàn gọi là bình đẳng nhất vị, đó là vị giải thoát vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu vô minh trụ địa chẳng dứt chẳng hết thì chẳng chứng được Niết Bàn nhất vị bình đẳng.
Tại sao?
Vì vô minh trụ địa chẳng dứt chẳng hết thì hơn số hằng hà sa những pháp sai lầm đáng dứt còn chằng dứt, đáng hết còn chẳng hết.
Vì còn hơn số hằng hà sa những pháp sai lầm chẳng dứt chẳng hết nên quá hằng hà sa số các pháp công đức chẳng trọn chẳng chứng được. Thế nên vô minh trụ địa là nơi sanh ra các tùy phiền não tất cả pháp lỗi lầm đáng dứt đáng hết.
Từ đó sanh ra phiền não chướng tâm, phiền não chướng chỉ, phiền não chướng quán, phiền não chướng tịnh lự, nhẫn đến chướng tam ma đề gia hạnh trí quả chứng thập lực tứ vô sở úy.
Hơn cả số hằng hà sa các phiền não, các khởi phiền não mà trí kim cương Đẳng Chánh Giác của Như Lai hay dứt diệt, tất cả đều nương nơi vô minh trụ địa, vì vô minh trụ địa làm nhân duyên vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Khởi phiền não đây sát na sát na cùng tương ưng với tâm. Từ vô thỉ đến nay vô minh trụ địa chẳng tương ưng với tâm.
Bạch Đức Thế Tôn! Ví như tất cả giống của cây cỏ đều nương nơi Đại Địa mà sanh trưởng, nếu Đại Địa hoại hư thì chúng nó cũng hoại hư.
Cũng vậy, hơn số hằng hà sa các pháp đáng được dứt diệt bởi trí kim cương Đẳng Chánh Giác của Đức Như Lai đều nương nơi vô minh trụ địa mà sanh trưởng, nếu vô minh trụ địa dứt hết thì các pháp phiền não ấy cũng dứt hết.
Vì hơn số hằng hà sa các pháp đáng dứt diệt cùng tất cả phiền não và khởi phiền não đã dứt diệt hết nên chứng được quá số hằng hà sa các pháp Chư Phật bất khả tư nghị, ở nơi các pháp chứng được vô ngại thần thông, được các trí kiến, rời lìa tất cả sai lầm, được tất cả công đức, làm Đại Pháp Vương tự tại nơi tất cả pháp chứng bậc nhất thiết pháp tự tại, chánh sư tử hống rằng: Ngã sanh đã hết phạm hạnh đã lập việc làm đã xong chẳng còn thọ thân sau. Do đó Đức Thế Tôn dùng sư tử hống y nơi liễu nghĩa một mực ghi nhận như vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Trí chẳng thọ thân sau ấy có hai thứ: Một là Chư Phật Như Lai dùng sức điều ngự xô dẹp bốn ma siêu việt các thế gian được các loài hữu tình chiêm ngưỡng, chứng pháp thân thanh tịnh chẳng nghĩ bàn, nơi bậc sở tri được pháp tự tại tối thắng vô thượng, không còn phải làm, chẳng thấy còn có bậc nào phải được chứng nữa, đầy đủ mười trí lực lên bậc tối thắng vô úy, nơi tất cả pháp quan sát vô ngại chánh sư tử hống chẳng thọ thân sau.
Hai là A La Hán và Bích Chi Phật được khỏi vô lượng sanh tử bố úy, thọ vui giải thoát, tự nghĩ rằng: Nay ta đã rời lìa sanh tử bố úy chẳng thọ các sự khổ.
Bạch Đức Thế Tôn! Hàng A La Hán và Bích Chi Phật quan sát như vậy rồi chẳng thọ thân sau, họ chẳng chứng được Niết Bàn tịch diệt đệ nhất, vì họ ở nơi các bậc chưa chứng chẳng gặp được pháp để có thể hiểu biết rằng nay ta chứng được bậc Hữu dư y quyết định sẽ chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Tại sao?
Vì Thanh Văn và Duyên Giác đều nhập vào Đại Thừa, mà Đại Thừa là Phật Thừa, thế nên Tam Thừa tức là Nhất Thừa. Người chứng Nhất Thừa thì được vô thượng bồ đề. vô thượng bồ đề tức là Niết Bàn. Nói Niết Bàn đây tức là pháp thân thanh tịnh của Như Lai.
Người chứng pháp thân tức là Nhất Thừa không có Như Lai khác, không có pháp thân khác. Nói Như Lai ấy tức là pháp thân. Người chứng pháp thân cứu cánh là cứu cánh Nhất Thừa. Người cứu cánh Nhất Thừa tức là rời lìa tương tục.
Tại sao?
Bạch Đức Thế Tôn! Vì Như Lai thường trụ không có hạn lượng bằng với hậu tế!
Như Lai hay dùng đại bi vô hạn, thệ nguyện vô hạn đem lợi ích lại cho các thế gian. Người nói như trên đây thì gọi là lời nói phải.
Nếu lại nói rằng Như Lai là thường là pháp vô tận chỗ y tựa cứu cánh của tất cả thế gian thì cũng gọi là lời nói phải. Vì thế nên Như Lai ở nơi thế gian không được giúp đỡ không chỗ y tựa làm chỗ quy y vô tận, chỗ quy y thường trụ, chỗ quy y cứu cánh mãi đến hậu tế.
Nói rằng pháp Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ấy là đạo nhất thừa. Tăng đó là chúng Tam Thừa, hai chỗ quy y này chẳng phải là cứu cánh quy y mà gọi là thiểu phần quy y.
Tại sao?
Vì nói đạo nhất thừa, chứng pháp thân cứu cánh rồi sau đó không còn nói đạo nhất thừa. Chúng Tam Thừa vì có khủng bố nên quy y Như Lai cầu xuất gia tu học, vì có sở tác, vì hướng đến vô thượng bồ đề. Thế nên pháp và Tăng chẳng phải chỗ quy y cứu cánh, là chỗ quy y hữu hạn.
Nếu các hữu tình được Như Lai điều phục quy y nơi Như Lai được pháp thấm nhuần do lòng tin ưa mà quy y nơi pháp và Tỳ Kheo Tăng. Hai sự quy y này do pháp thấm nhuần mà tín nhập quy y. Như Lai ấy chẳng phải pháp thấm nhuần tín nhập quy y. Nói Như Lai ấy là chân thiệt quy y.
Hai sự quy y kia cứ nơi nghĩa chân thiệt thì gọi là cứu cánh quy y Như Lai Tại sao?
Vì Như Lai chẳng khác với hai sự quy y ấy, thế nên Như Lai tức là Tam quy y.
Tại sao?
Vì nói đạo nhất thừa, Như Lai tối thắng đủ tứ sở úy chánh sư tử hống. Nếu Chư Như Lai tùy theo sở dục của người mà dùng phương tiện nói pháp Nhị Thừa tức là Đại Thừa. Bởi đệ nhất nghĩa không có Nhị Thừa. Nhị Thừa ấy đồng vào Nhất Thừa. Nhất thừa ấy tức là thắng nghĩa thừa.
Bạch Đức Thế Tôn! Hàng Thanh Văn và Duyên Giác lúc mới đầu chứng Thánh đế chẳng phải dùng nhất trí mà dứt các trụ địa phiền não, cũng chẳng phải dùng nhất trí chứng các công đức như tứ biến tri v.v... cũng chẳng phải dùng pháp hay khéo biết rõ nghĩa bốn pháp này.
Bạch Đức Thế Tôn! Nơi trí xuất thế không có bốn trí tuần tự đến tuần tự duyên. Trí xuất thế không có pháp lần lượt đến như kim cương dụ.
Bạch Đức Thế Tôn! Hàng Thanh Văn và Duyên Giác dùng các thứ trí Thánh đế để dứt các trụ địa, họ thấy có trí xuất thế đệ nhất nghĩa. Chỉ có Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác dùng trí bất tư nghị không tánh phá được vỏ của các phiền não.
Trí phá vỏ phiền não cứu cánh ấy gọi là trí xuất thế đệ nhất nghĩa, chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh Văn và Duyên Giác Trí Thánh đế sơ khởi chẳng phải trí cứu cánh, mà là trí hướng đến vô thượng bồ đề.
Bạch Đức Thế Tôn! Chân Thánh đế nghĩa ấy thì chẳng phải thuộc về Nhị Thừa.
Tại sao?
Vì hàng Thanh Văn và Duyên Giác chỉ thành tựu được chút phần công đức mà gọi là Thánh. Nói rằng Thánh đế ấy, chẳng phải là đế của hàng Thanh Văn, Duyên Giác và công đức của họ.
Mà Thánh đế này, chỉ có Đức Như Lai biết rõ rồi đem diễn nói khai thị cho thế gian chúng sanh bị nhốt trong vỏ vô minh, do đây mà gọi là Thánh đế.
Bạch Đức Thế Tôn! Thánh đế này rất sâu rất vi diệu khó thấy khó rõ, chẳng thể phân biệt chẳng phải cảnh giới suy lường, tất cả thế gian chẳng tin hiểu được chỉ có Đức Như Lai là biết rõ.
Tại sao?
Vì Thánh đế này nói về Như Lai tạng thậm thâm, mà Như Lai tạng là cảnh giới Phật, chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh Văn, Duyên Giác.
Cứ nơi Như Lai tạng mà nói Thánh đế nghĩa, Như Lai tạng này rất sâu vi diệu, Thánh đế được nói ra ấy cũng rất sâu vi diệu. Khó thấy khó rõ chẳng thể phân biệt chẳng phải cảnh tư lương, tất cả thế gian khó tin hiểu, chỉ có Đức Như Lai biết rõ.
Nếu ở nơi Như Lai tạng bị triền phược bởi vô lượng phiền não mà chẳng nghi hoặc thì đối với Như Lai pháp thân tạng ra khỏi tất cả phiền não cũng không nghi hoặc.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có ai ở trong tạng Như Lai này và ở nơi Phật Pháp Thân cảnh giới bí mật bất tư nghị của Phật mà tâm được cứu cánh, thì đối với hai nghĩa Thánh đế đã nói kia hay tin hay rõ hay sanh thắng giải.
Những gì là hai nghĩa Thánh đế?
Đó là hữu tác Thánh đế và vô tác Thánh đế. Hữu tác Thánh đế là nghĩa tứ Thánh đế chẳng viên mãn.
Tại sao?
Vì y hộ nơi tha mà chẳng biết được tất cả khổ, dứt tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo. Do đó nên chẳng biết hữu vi và Niết Bàn. Vô tác Thánh đế là nói nghĩa tứ Thánh đế viên mãn.
Tại sao?
Vì tự y hộ nên biết tất cả khổ, dứt tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo. Tám nghĩa Thánh đế đã nói như vậy, Đức Như Lai chỉ đem tứ Thánh đế ra nói. Nơi nghĩa vô tác tu Thánh đế này chỉ có Đức Như Lai là hoàn thành cứu cánh, chẳng phải sức lực của A La Hán và Bích Chi Phật đến được.
Tại sao?
Vì chẳng phải các pháp thắng liệt Hạ Trung thượng mà có thể chứng được Niết Bàn.
Thế nào là Đức Như Lai đối với vô tác Thánh đế được hoàn thành cứu cánh?
Chư Như Lai biết khắp tất cả khổ, dứt hẳn khổ tập bị nhiếp bởi tất cả phiền não và khởi phiền não, chứng được khổ diệt, sở hữu của tất cả khối ý sanh thân và tu tất cả đạo khổ diệt.
Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng phải hoại mất pháp mà gọi là khổ diệt. Nói khổ diệt là vô thỉ vô tác vô khởi vô tận thường trụ bất động bổn tánh thanh tịnh ra khỏi vỏ phiền não.
Bạch Đức Thế Tôn! Chư Phật Như Lai thành tựu quá số hằng hà sa pháp bất tư nghị đủ trí giải thoát gọi là pháp thân. pháp thân này chẳng rời lìa phiền não thì gọi là Như Lai tạng.
Như Lai tạng đây là trí Như Lai không tánh mả tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác chưa hề thấy chưa hề được, chỉ có Phật thấy biết rõ và chứng được.
Bạch Đức Thế Tôn! Trí không tánh Như Lai tạng này lại có hai thứ: đó là không và bất không Như Lai tạng. Không Như Lai tạng là Như Lai tạng rời lìa nơi trí chẳng giải thoát tất cà phiền não. Bất không Như Lai tạng là Như Lai tạng có đủ quá số hằng hà sa pháp bất tư nghị trí Phật giải thoát.
Bạch Đức Thế Tôn! Hai thứ không trí này các đại Thanh Văn do tin mà được vào. Trí không tánh của tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác như vậy đối với cảnh tứ điên đảo luôn phan duyên mà chuyển hiện.
Do đó nên đối với tất cả khổ diệt ấy, tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác chưa hề thấy chưa hề chứng, chỉ có Phật hiện chứng, đoạn hoại các phiền não, tu tất cả đạo khổ diệt.
Bạch Đức Thế Tôn! Trong bốn Thánh đế, ba vô thường một thường trụ. Vì ba đế vào trong tướng hữu vi, tướng hữu vi là vô thường. Nói rằng vô thường ấy là pháp phá hoại, pháp phá hoại thì chẳng phải đế chẳng phải thường chẳng phải chỗ quy y. Do đệ nhất nghĩa nên ba đế ấy chẳng phải đế chẳng phải thường chẳng phải chỗ quy y.
Bạch Đức Thế Tôn! Một đế khổ diệt rời lìa tướng hữu vi, lìa tướng hữu vi thì tánh thường trụ, tánh thường trụ chẳng phải pháp phá hoại, chẳng phải pháp phá hoại thì là đế, là thường, là chỗ quy y. Do thắng nghĩa nên khổ diệt đế là đế, là thường, là chổ quy y.
Khổ diệt đế này là bất tư nghị, quá cảnh giới tâm thức của hữu tình, cũng chẳng phải trí của hàng Thanh Văn và Duyên Giác kịp được.
Ví như người sanh manh chẳng thấy được các màu sắc, trẻ sơ sanh bảy ngày chẳng thấy Mặt Trời. Cũng vậy, khổ diệt đế chẳng phải cảnh duyên của tâm thức hàng phàm phu, mà cũng chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh Văn và Duyên Giác.
Tâm thức hàng phàm phu là hai biên kiến. Trí của hàng Thanh Văn, Duyên Giác thì gọi là tịnh trí. Nói rằng biên kiến đó là đối với ngũ thủ uẩn chấp nắm làm ngã rồi sanh ra phân biệt sai khác, đó là thường kiến và đoạn kiến hai thứ kiến chấp.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu lại có ai thấy sanh tử vô thường, Niết Bàn là thường, thì chẳng phải kiến chấp đoạn thường mà gọi là chánh kiến.
Tại sao?
Vì kẻ kế đạt ấy thấy các thân căn và nào thọ nào tư hiện hành diệt hoại, với thân tương tục họ chẳng biết được, là kẻ mù không mắt trí huệ nên phát khởi đoạn kiến, với tâm tương tục sát na diệt hoại, họ ngu tối chẳng biết cảnh giới ý thức nên phát khởi thường kiến.
Nhưng những nghĩa ấy quá các phân biệt và quá kiến thức hạ liệt, do hàng ngu phu vọng sanh ý tưởng dị biệt rồi điên đảo chấp trước cho là đoạn là thường.
Bạch Đức Thế Tôn! Hàng hữu tình điên đảo đối ngũ thủ uẩn vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là lạc, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh.
Hàng Thanh Văn và Duyên Giác có tịnh trí, đối với cảnh giới và pháp thân của Phật chưa hề thấy được hoặc vì tin Như Lai nên đối với Như Lai sanh ra ý tưởng là thường, là lạc là ngã, là tịnh, đây chẳng phải kiến chấp điên đảo mà là chánh kiến.
Tại sao?
Vì Như Lai pháp thân là Thường Ba la mật, là Lạc Ba la mật, là Ngã Ba la mật, là Tịnh Ba la mật vậy. Nếu các hữu tình có ý tưởng như trên đây thì gọi là chân Phật Tử từ miệng Phật sanh, từ chánh pháp sanh, từ pháp hóa sanh được Phật pháp phần.
Bạch Đức Thế Tôn! Nói rằng tịnh trí ấy là Trí Ba la mật của hàng Thanh Văn và Duyên Giác. Tịnh trí này đối với khổ diệt đế còn chẳng phải cảnh giới, huống khổ diệt đế là sở hành của bốn trí nhập lưu.
Tại sao?
Vì hàng tam thừa sơ nghiệp, người chẳng ngu pháp, có thể ở nơi nghĩa ấy sẽ chứng sẽ tỏ.
Bạch Đức Thế Tôn! Do nghĩa gì mà nói bốn nhập lưu?
Bạch Đức Thế Tôn! Bốn nhập lưu này là pháp thế gian. Chỉ có một nhập lưu đối với các nhập lưu là hơn hết là trên hết, bởi đệ nhất nghĩa là nhập lưu là khổ diệt đế.
Bạch Đức Thế Tôn! Sanh tử ấy y tựa Như Lai tạng. Do Như Lai tạng nên nói rằng tiền tế chẳng biết được.
Bạch Đức Thế Tôn! Do có Như Lai tạng nên được có sanh tử, đây là lời nói phải.
Bạch Đức Thế Tôn! Sanh tử ấy, các thọ căn diệt Vô Gián tương tục thọ căn kế khởi, gọi là sanh tử.
Bạch Đức Thế Tôn! Hai pháp sanh tử là Như Lai tạng, nơi pháp thế tục gọi đó là sanh tử.
Bạch Đức Thế Tôn! Nói rằng tử là nói thọ căn diệt và sanh là các thọ căn khởi. Như Lai tạng thì chẳng sanh chẳng tử chẳng thăng chẳng trụy rời lìa tướng hữu vi.
Bạch Đức Thế Tôn! Như Lai tạng ấy thường hằng chẳng hoại, nên Như Lai tạng là y là trì là kiến lập cho tạng trí chẳng lìa giải thoát và cũng là y trì kiến lập cho các pháp hữu vi trí rời lìa chẳng giải thoát.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu không có Như Lai tạng thì không có chán khổ vui cầu Niết Bàn.
Tại sao?
Vì ở nơi sáu thức này và cảnh sở tri, bảy pháp như vậy sát na không dừng chẳng nhận chịu các khổ chẳng kham nhàm lìa nguyện cầu Niết Bàn. Như Lai tạng ấy không có tiền tế không sanh không diệt pháp nhĩ nhận chịu các khổ, nó là nhàm khổ nguyện cầu Niết Bàn.
Bạch Đức Thế Tôn! Như Lai tạng ấy chẳng phải là có ngã nhân chúng sanh thọ giả. Như Lai tạng ấy chẳng phải là cảnh sở hành của các hữu tình thân kiến, điên đảo và không kiến.
Bạch Đức Thế Tôn! Như Lai tạng ấy là tạng pháp giới, tạng pháp thân, tạng xuất thế gian, tạng tánh thanh tịnh, là bổn tánh thanh tịnh. Như chỗ tôi hiểu thì Như Lai tạng ấy dầu bị khách trần phiền não làm ô nhiễm vẫn còn là cảnh giới Như Lai bất khả tư nghị.
Tại sao?
Vì sát na sát na tâm bất thiện tâm thiện cùng khách trần phiền não chẳng ô nhiễm được Như Lai tạng.
Tại sao?
Vì phiền não chẳng chạm đến tâm, mà tâm cũng chẳng chạm đến phiền não. Pháp chẳng chạm xúc làm sao có thể nhiễm được tâm.
Bạch Đức Thế Tôn! Vì có phiền não nên có tâm tùy nhiễm. Tùy theo phiền não nhiễm ấy khó hiểu khó rõ. Chỉ có Đức Phật Thế Tôn là mắt, là trí, là cội rễ pháp, là tôn thượng, là Đạo Sư, là chỗ y tựa của chánh pháp mới như thiệt thấy biết thôi.
Bấy giờ Đức Thế Tôn khen ngợi Thắng Man phu nhân: Lành thay, lành thay! Đúng như lời ngươi vừa nói. Tánh thanh tịnh tâm theo phiền não khó rõ biết được.
Này Thắng Man! Còn có hai thứ pháp khó rõ biết được: Đó là tánh thanh tịnh tâm khó rõ biết được và tâm ấy bị phiền não ô nhiễm cũng khó rõ biết được. Hai pháp này, ngươi và Bồ Tát thành tựu đại pháp mới có thể nghe hiểu nhận lãnh. Các hàng Thanh Văn do tín tâm mả hiểu được.
Này Thắng Man! Nếu các đệ tử ta, người có tăng thượng tín tâm tùy thuận pháp trí, ở nơi pháp này mà được cứu cánh. Thuận pháp trí là quán sát tâm thức và cảnh, quán sát nghiệp báo, quán sát A La Hán ngủ, quán sát tâm tự tại ưa thích thiền duyệt, quán sát Thánh Thần Thông biến của Thanh Văn Duyên Giác, do thành tựu năm pháp quán sát thiện xảo này nên hiện tại và vị lai các hàng Thanh Văn đệ tử do nơi tăng thượng tín tâm tùy thuận pháp trí khéo hiễu rõ được tánh thanh tịnh tâm bị phiền não ô nhiễm mà được cứu cánh.
Này Thắng Man! Cứu cánh này là nhân của Đại Thừa, nay ngươi nên biết, ngươi tin Như Lai thì đối với pháp thậm thâm chẳng sanh lòng phỉ báng.
Thắng Man phu nhân bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Còn có các nghĩa hay đem lại nhiều lợi ích, tôi sẽ thừa sức oai thần của Đức Phật diễn nói các sự ấy.
Đức Phật bảo: Lành thay! Nay cho phép ngươi nói.
Thắng Man phu nhân nói: Có ba hạng thiện nam tử, thiện nữ nhân đối pháp thậm thâm rời lìa sự tự phá hại sanh nhiều công đức vào đạo Đại Thừa:
Một là người thành tựu thậm thâm pháp trí.
Hai là người tùy thuận pháp trí, ba là người đối với pháp thậm thâm này chẳng hiểu rõ được mà kính tôn Đức Như Lai chỉ có Đức Phật biết được chẳng phải cảnh giới của tôi.
Trừ ba hạng người này, các hữu tình khác đối với pháp thậm thâm tùy theo chỗ mình nắm lấy mà chấp trước vọng thuyết, chống trái chánh pháp, huân tập chủng tử hủ bại các ngoại đạo.
Dầu họ có ở phương khác cũng phải đến đó trừ diệt những kẻ hủ bại ấy. Tất cả Nhân Thiên cũng phải cùng nhau xô dẹp họ. Nói lời ấy xong, Thắng Man phu nhân và các quyến thuộc đảnh lễ chân Phật.
Đức Phật khen rằng: Lành thay! Thắng Man ở nơi pháp thậm thâm phương tiện thủ hộ hàng phục oán địch, khéo có thể thông đạt. Ngươi đã gần gũi muôn ngàn cu chi Chư Phật Như Lai nên có thể nói được nghĩa ấy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn phóng quang minh thù thắng chiếu khắp đại chúng, hiện thân lên hư không cao bảy cây đa la, dùng sức thần thông chân bước trên hư không trở về thành Xá Vệ.
Thắng Man phu nhân và các quyến thuộc chiêm ngưỡng Đức Như Lai mắt không tạm rời. Quá tầm mắt rồi tất cả vui mừng hớn hở cùng nhau thay phiên ca ngợi công đức của Như Lai và đồng nhất tâm niệm Phật, trở về thành Vô Đấu khuyê Vua Hữu Xưng kiến lập Đại Thừa.
Nữ nhân trong thành từ bảy tuổi trở lên, Thắng Man phu nhân đem Đại Thừa giáo hóa. Vua Hữu Xưng cũng đem Đại Thừa giáo hóa các nam tử từ bảy tuổi trở lên. Nhân dân trong nước không ai là chẳng học Đại Thừa pháp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vào rừng Thệ Đa gọi Tôn Giả A Nan và nghĩ đến Thiên Đế. Ứng theo tâm nghĩ của Phật, Thiên Đế Thích cùng quyến thuộc Chư Thiên đến chỗ Đức Phật.
Đức Thế Tôn bảo Thiên Đế Thích: Này Kiều Thi Ca! Ngài nên thọ trì Kinh này rồi diễn thuyết khai thị cho Chư Thiên cõi Đao Lợi để họ được an lạc.
Đức Thế Tôn lại bảo Tôn Giả A Nan: Ông cũng thọ trì vì hàng tứ chúng là phân biệt diễn thuyết.
Thiên Đế Thích bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh này sẽ đặt tên là gì và phụng trì thế nào?
Đức Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Kinh này thành tựu vô biên công đức lực của Thanh Văn và Duyên Giác không đến được huống là các hữu tình khác. Nên biết rằng kinh này là khối đại công đức thậm thâm vi diệu. Nay sẽ vì Ngài mà nói lược tên Kinh.
Lắng nghe lắng nghe khéo suy nghĩ nhớ lấy!
Thiên Đế Thích và Tôn Giả A Nan đồng bạch rằng: Lành thay Đức Thế Tôn! Kính vâng thọ giáo.
Đức Phật dạy:
Kinh này tán thán Như Lai chân thiệt công đức, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói mười điều hoằng thệ bất tư nghị, phải thọ trì như vậy.
Kinh này dùng một đại nguyện nhiếp tất cả nguyện, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói nhiếp thọ chánh pháp bất tư nghị, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói nhập nhất thừa, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói vô biên tế, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói Như Lai tạng, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói Phật pháp thân, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói không tánh nghĩa che ẩn chân thiệt, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói nghĩa một Thánh đế, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói một sở y thường trụ bất động tịch tĩnh, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói điên đảo chân thiệt, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói tự tánh thanh tịnh tâm bị phiền não che ẩn, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói chân Phật Tử, phải thọ trì như vậy.
Kinh này nói Thắng Man phu nhân chánh sư tử hống, phải thọ trì như vậy.
Lại này Kiều Thi Ca! Chỗ nói của Kinh này dứt tất cả nghi hoặc quyết định liễu nghĩa nhập vào đạo Nhất Thừa.
Này Kiều Thi Ca! Nay đem Kinh Thắng Man phu nhân sư tử hống đã được nói đây giao phó cho Ngài mãi đến thời gian chánh pháp còn. Ngài nên đem diễn thuyết khai thị khắp mười phương.
Thiên Đế Thích bạch rằng: Lành thay Đức Thế Tôn! Kính vâng thọ giáo.
Bấy giờ Thiên Đế Thích, Tôn giả A Nan và các chúng trong đại hội, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà v.v... nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba