Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số mười
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
CHƯƠNG MỘT
BỐ THÍ ĐỘ VÔ CỰC
KINH SỐ MƯỜI
Xưa, Bồ Tát làm Đại Quốc Vương tên là Trường Thọ, Thái Tử tên là Trường Sinh. Vua ấy nhân từ, luôn mang lòng thương xót chúng sinh, thệ nguyện tế độ, tinh tấn không hề biết mệt mỏi.
Dao gậy không dùng đến, thần dân không oán thán, gió mưa thời tiết thuận hòa, lúa quý dồi dào. Tiểu Vương nước bên cạnh tánh nết bạo ngược, phép nước tham tàn nên dân nghèo nước rỗng.
Vua nước đó gọi Quần Thần, bảo: Ta nghe Vua Trường Thọ, nước ấy giàu có, cách đây không xa, luôn có lòng nhân nên không giết hại, không có quân đội phòng bị, ta muôn chiếm lấy nước đó, nên chăng?
Quần Thần tâu: Nên!
Vua ấy liền khởi binh kéo đến biên giới nước lớn. Quan giữ cửa ải vội dâng biểu tâu rõ tình trạng xin sớm tìm cách phòng bị.
Vua Trường Thọ bèn họp Quần Thần, bảo: Vua kia đến đây chỉ vì tham nước ta dân đông, nhiều của báu. Nếu cùng giao tranh với họ thì ất hại mạng muôn dân. Vì lợi mình mà tàn hại dân, tham lam mà bất nhân, việc ấy ta không làm.
Quần Thần đều tâu: Chúng thần từ lâu đã học tập quân mưu, binh pháp, xin được đem binh đánh diệt bọn ấy, không nhọc Thánh quân phải lo nghĩ.
Vua Trường Thọ nói: Ta thắng thì chúng chết, ta thua thì ta tiêu tan!
Binh lính của họ, nhân dân của ta đều do Trời sinh dưỡng. Trọng thân, tiếc mạng, ai mà chẳng vậy. Nhưng để toàn thân mình, mà hại muôn dân thì người hiền không làm.
Quần Thần đều đứng ra nói với nhau: Đây là bậc Vua Trời nhân đức, không thể để mất nước, phải cùng nhau tự điểm binh mã đem ra chống giặc.
Vua Trường Thọ biết được việc ấy nên gọi Thái Tử bảo: Vua kia tham nước ta, ôm lòng độc dữ đến đấy, Quần Thần vì thân ta chỉ một người mà muốn hại mạng muôn dân.
Nay ta giao nước để bảo toàn mạng sống cho dân Trời, nghĩa ấy nên chăng?
Thái Tử tâu: Dạ vâng!
Rồi cha con vượt thành ra đi, cải đổi tên họ, ẩn cư nơi núi rừng, đồng vắng. Tên Vua tham lam kia nhờ vậy mới vào được nước ấy. Quần Thần và dân chúng mất Vua cũ của mình như người con hiếu mất song thân, thương thảm, lăn lộn, nhà nào cũng vậy.
Vua tham treo thưởng để bắt Vua cũ là vàng ròng ngàn cân, tiền ngàn vạn quan. Vua Trường Thọ ra đi, ngồi thiền định bên gốc cây ven đường, thương xót chúng sinh, sống chết, cực khổ, không thấy vô thường, khổ, không, vô ngã, vì bị tham dục mê hoặc, khổ kia thật vô sô.
Có vị Phạm Chí ở nước xa xôi, nghe Vua Trường Thọ ưa bố thí, cứu giúp mạng sống của chúng sinh, từ xa tìm đến cũng dừng nghỉ bên gốc cây này. Cả hai hỏi thăm nhau, mỗi người kể lể đầu đuôi hoàn cảnh của mình.
Vị Phạm Chí cả kính nói: Thiên Vương vì sao đến nông nỗi này?
Rồi rơi nước mắt, tự than thở: Những năm tàn của đời tôi không còn mấy nữa, nên tôi định đến xin Ngài tiếp sức cho cái mạng thừa này, nhưng Đại Vương đã mất nước thì mạng tôi cũng cùng rồi. Nói xong liền than khóc.
Nhà Vua nói: Ông nghèo khó, từ xa tìm đến, lại gặp lúc ta mất nước, không lấy gì giúp ông được, thật chẳng đau xót lắm sao.
Rồi gạt nước mắt nói tiếp: Ta nghe Vua mới đang treo giá bắt ta rất hậu, vậy ông hãy lấy đầu ta đem đến đó có thể được trọng thưởng.
Phạm Chí thưa: Không thể làm vậy được!
Từ xa tôi đã cảm phục Thiên Vương là người nhân từ, luôn cứu giúp chúng sinh, đức nhuần thâm ngang Trời Đất, nên đã bỏ đất nước đến đây mong nhờ cứu mạng. Nay Vua bảo tôi chém đầu Ngài, tôi đâu dám vâng lệnh.
Nhà Vua nói: Thân này là đồ mục nát, há dám giữ mãi được sao. Phàm có sinh thì có tử, có ai trường tồn được. Nếu ông không lấy rốt cuộc nó cũng thành tro bụi mà thôi.
Phạm Chí tâu: Ân huệ của Thiên Vương thật đã tỏa rộng khắp, nhân đức như Trời, ắt muốn tự hại thân mình để cứu giúp kẻ thấp hèn. Xin Ngài buông tay cho tôi dắt đi.
Vua liền đưa tay đi theo. Đến cửa thành cũ, Vua bảo Phạm Chí trói mình lại nạp lên Vua tham kia. Người trong nước thấy Vua thì thương xót, gào khóc vang động khắp chốn. Người Phạm Chí nhận thưởng. Vua tham kia ra lệnh đem Vua Trường Thọ đến ngã tư đường thiêu sống.
Quần Thần đều tâu: Vua cũ của chúng thần rốt cuộc phải chết, xin được làm một mâm cỗ nhỏ để tiễn đưa linh hồn người.
Vua tham nói: Được!
Bá quan cùng dân chúng thương xót kéo ra đầy đường, vật vã cùng nhau gào khóc kêu Trời. Thái Tử Trường Sinh giả làm người bán củi tới đứng trước mặt cha.
Vua thấy con thì ngửa mặt lên Trời nói: Nếu trái lời dặn dò sau cùng của cha, chất chứa hung độc, lòng mang oán nặng thì chuốc lấy họa đến muôn đời, không phải là người con hiếu. Bốn tâm vô lượng của Chư Phật thấm nhuần rộng khắp, đức phủ cả Trời Đất.
Ta vì theo đạo mà tự giết thân mình để cứu giúp chúng sinh, còn sợ là không tròn chút hạnh của đạo hiếu, huống lại làm chuyện ngỗ ngược báo thù sao?
Không bỏ lời ta dạy mới gọi là hiếu vậy. Thái Tử không nỡ nhìn phụ thân chết nên trở về núi sâu.
Nhà Vua mạng chung, Thái Tử khóc thương, máu lệ tràn miệng nói: Vua cha của ta tuy lúc lâm chung đã có lời dạy ta hết mực nhân từ, nhưng chắc ta phải trái lời dạy đó, phải diệt trừ loài thú dữ độc hại kia. Thái Tử bèn rời khỏi núi tìm chỗ thuê mướn mình và làm người trồng rau cho một vị quan. Vị quan này một hôm, ngẫu nhiên đi dạo vườn thấy rau tốt tươi, nên hỏi sự tình.
Người giữ vườn đáp: Nhờ thuê được một người giỏi về làm vườn.
Vị quan gọi người làm vườn đến hỏi: Ngươi còn có khả năng gì nữa?
Đáp: Khéo cả trăm nghề, tôi đều đứng đầu. Vị quan mời Vua tham kia đến, bảo anh ta nấu ăn dâng lên, còn giỏi hơn cả đám quan lo việc nấu ăn cho Vua.
Vua hỏi: Món ăn này do ai làm vậy?
Vị quan liền đem hoàn cảnh hiện tại thưa lên. Vua tham bèn nhận anh ta về làm quan coi về bếp núc của Vua mỗi việc đều thuận hợp.
Dần dần Thái Tử Trường Sinh được Vua tham cất nhắc lên làm cận thần, bảo: Con của Vua Trường Thọ là kẻ trọng thù với ta, nay ta dùng ngươi làm quan cận vệ.
Thái Tử đáp: Thưa vâng!
Một hôm, Vua tham hỏi Thái Tử Trường Sinh: Ngươi thích đi săn không?
Đáp: Thần rất thích!
Vua tham liền tổ chức đi săn. Vì giục ngựa đuổi theo con mồi nên Vua lạc mất mọi người, chỉ còn lại Trường Sinh bên mình.
Họ ở trong núi đến ba ngày, đói khát, khốn đốn, Vua tham bèn tháo kiếm trao cho Trường Sinh, rồi gối đầu lên đùi Thái Tử mà ngủ Trường Sinh nói: Nay ta đã được ngươi mà không giết ư?
Bèn rút kiếm muốn chém đầu Vua ham, chợt nhớ đến lời cha dặn: Trái lời dạy của cha là bất hiếu, nên dừng lại, cất kiếm.
Vua tham tỉnh giấc nói: Ta vừa mơ thấy Trường Sinh muốn chém đầu ta.
Phải làm sao đây?
Thái Tử đáp: Núi có quỷ dữ, vui thích việc nung nấu, nhưng có thần làm thị vệ, còn lo sợ gì nữa?
Vua tham lại ngủ tiếp.
Sự việc như trên lại diễn đến lần thứ ba, Thái Tử liền ném kiếm, nói: Ta vì cha ta nhân từ mà tha mạng cho ngươi đó!
Vua tham lại tỉnh giấc, nói: Ta mơ thấy Thái Tử Trường Sinh đã tha mạng cho ta rồi!
Thái Tử nói: Trường Sinh chính là tôi đây!
Nhớ cha nên đã theo đuổi kẻ thù đến hôm nay. Cha tôi đến lúc chết mà miệng vẫn còn dạy tôi lời nhân từ, khiến ta tuân theo đạo lý nhẫn nhục, đem thiện trả ác của Chư Phật.
Nhưng tâm tánh tôi ngu muội, muốn đem hai thứ độc ấy để lẫn vào nhau, ba lần nghĩ tới lời dạy của cha thì ba lần buông kiếm. Vậy xin Đại Vương mau giết tôi đi để trừ hậu hoạn. Thân chết, hồn lìa, thì ý ác không còn sinh nữa.
Vua tham hối lỗi, nói: Ta làm chuyện bạo ngược không phân biệt thiện ác, Tiên Vương của ngươi hạnh cao thuần đủ, mất nước chứ không mất hạnh, đáng gọi là bậc Thượng Thánh. Con mà bảo tồn được hạnh của cha, đáng gọi là hiếu. Còn ta là giống sài lang, tàn hại sinh linh để được no đủ.
Nay mạng sống của ta ở trong tay ngươi, mà ngươi tha cho không giết, sau này há dám làm trái đạo nữa sao!
Giờ ta muốn trở về nước mình thì phải đi theo đường nào?
Trường Sinh đáp: Việc lạc đường này là do tôi sắp đặt. Rồi Thái Tử đưa Vua ra khỏi rừng, gặp lại các quan.
Vua hỏi các quan: Các ông có biết Thái Tử Trường Sinh chăng?
Họ đều đáp: Thưa không biết.
Vua nói: Người này là Thái Tử Trường Sinh, nay sẽ trở về nước, còn ta sẽ trở lại nước cũ của mình. Từ nay xin kết làm anh em, họa phúc có nhau. Ngày lập Thái Tử Trường Sinh lên làm Vua, cả nước vừa vui vừa buồn, ai ai cũng đến chúc tụng. Vua tham trở về nước mình, nối lại việc triều cống như xưa, đất nước từ đấy được giàu mạnh, an ổn.
Đức Phật bảo các vị Sa Môn: Vua Trường Thọ thời đó chính là thân ta, Thái Tử là A Nan, Vua tham là Điều Đạt. Điều Đạt đời đời luôn có ý ác đối với ta, ta vẫn luôn cứu độ ông ấy. A Nan và Điều Đạt vốn tự không có oán thù nên chẳng hại lẫn nhau. Ta đời đời nhẫn những điều không thể nhẫn, chế ngự tâm ý, lập hạnh, nên nay được thành Phật, được ba cõi tôn kính.
Bồ Tát từ bi thi ân, tu hạnh độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba