Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Sáu - Minh độ Vô Cực Trí Tuệ Ba La Mật - Kinh Số Chín Mươi - Kinh Vua Sát Vi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
CHƯƠNG SÁU
MINH ĐỘ VÔ CỰC
TRÍ TUỆ BA LA MẬT
KINH SỐ CHÍN MƯƠI
KINH VUA SÁT VI
Thuở xưa, Bồ Tát làm Đại Quốc Vương tên là Sát Vi, chí trong hạnh sạch, chỉ quy y ba ngôi báu, xem đọc Kinh Phật lắng lòng hiểu nghĩa, thấy rõ nguồn gốc của con người vốn tự vô sinh.
Nguyên khí mạnh là đất, mềm nhuyễn là nước, nóng là lửa, lay động là gió, bốn thứ ấy hòa hợp thần thức sinh ra, bậc Thượng trí có thể biết, nên ngừng dục, rỗng lòng, thần thức trở về với gốc không.
Nhân đó, Ngài bèn thề: Ta phải giác ngộ cho đám người không biết: Thần thức dựa vào bốn thứ ấy mà lập, lòng nhân lớn thì làm Trời, lòng nhân nhỏ thì làm người, các hạnh uế tạp thì làm các loài động vật bò bay máy cựa, do nghiệp thọ thân nên có thiên hình vạn trạng.
Thức cùng nguyện khí nhỏ nhiệm khó thấy, không mảy may dáng hình thì ai có thể nấm bắt được, nhưng thần thức ấy bỏ thân cũ, nhận thân mới, trước sau thật vô cùng.
Nhà Vua đem việc hồn linh biến hóa làm thân vô thường, luân chuyển trong năm đường, triền miên không dứt, để giải thích cho đám quần thần hiểu, nhưng họ tối tăm không hiểu, vẫn còn nghi ngờ, thưa: Thân chết, thần sinh lại thọ thân khác, bọn thần phần nhiều ít biết được kiếp trước.
Nhà Vua nói: Bàn luận chưa đủ hết cấc mối thì sao có thể biết được sự việc nhiều kiếp?
Nhìn không thấy tăm hơi thì ai có thể thấy được linh hồn biến hóa?
Nhân một hôm nhàn rỗi, Vua mặc áo vải thô đi ra khỏi cung, gặp một ông lão sửa giầy, hỏi đùa: Người trong cả nước ai là kẻ vui sướng nhất?
Ông già đáp: Chỉ có Vua là vui sướng.
Vua hỏi: Vì sao cho là vui sướng?
Ông già đáp: Vua được bá quan cung phụng, triệu dân dâng hiến, muốn gì cũng được nấy, thế là không phải vui sướng sao?
Nhà Vua nói: Để xem thử đúng như lời ông nói không.
Vua liền đem rượu bồ đào cho ông ấy uống đến say mèm không biết gì, rồi khiêng về đặt trong Cung, gọi Hoàng Hậu, bảo: Ông lão sửa giầy này cho rằng làm Vua vui sướng, ta nay muốn đùa hãy lấy Vương phục mặc vào, khiến nghe việc nước, các người đừng sợ.
Hoàng Hậu đáp: Kính vâng.
Hôm ông già tỉnh rượu, thị nữ vờ nói: Đại Vương vừa say, mọi việc tồn đọng quá nhiều, nên phải xem xét, sắp ra lâm triều. Bá quan giục ông làm việc, ông ngơ ngơ ngác ngác không biết chuyện gì. Quốc sử ghi lỗi công thần kêu ca. Ngồi trên ngai cả ngày, thân thể đau nhừ, ăn không biết ngon, ngày một gầy sút.
Cung nhân vờ nói: Sắc diện Đại Vương có hơi gầy, vì sao vậy?
Ông đáp: Ta nằm mơ làm ông lão sửa giầy, nhọc thân kiếm ăn, rất là khó tả, nên mới bị ốm. Mọi người không ai là không lén cười.
Đêm nằm không ngủ trăn trở nghĩ:
Ta là ông lão sửa giầy hay là Thiên Tử thật?
Nếu là Thiên Tử, thì sao da thịt thô xấu thế này?
Nếu vốn là ông lão sửa giầy thì cớ gì lại ở trong cung Vua?
Lòng ta hoang mang hay mắt ta loạn rồi?
Thân ở hai nơi, không rõ ai là thật đây!
Hoàng Hậu vờ nói: Đại Vương không được vui, xin tấu kỹ nhạc, dâng rượu bồ đào. Ông lão lại say mèm không biết gì. Lại mặc cho quần áo cũ, đưa về nhà, đặt nằm trên cái giường thô xấu của lão. Tỉnh rượu, lão thấy mình ở trong ngôi nhà tồi tàn, quần áo xoàng xĩnh như cũ, toàn thân đau nhừ như bị đánh đập. Sau vài ngày, nhà Vua lại đến.
Ông lão nói: Hôm trước uống rượu của ông, say mê man không còn biết gì nay mới tỉnh dậy, trong say mơ thấy ở ngôi Vua, xét đoán các quan, Quốc sử ghi lỗi, quần thần kêu ca, trong lòng hoảng sợ, đau nhừ toàn thân như bị đánh roi, không thể đứng dậy.
Mộng còn như thế huống chi làm Vua thật! Chuyện tôi nói hôm trước nhất định là không đúng. Vua trở về Cung, kể cho quần thần chuyện ấy, ai cũng cười ngất.
Nhà Vua gọi Quần Thần bảo: Chỉ một thân này, đang còn thấy nghe đây, mà nay còn không tự biết, huống chi là đời khác, bỏ cũ nhận mới, trải các gian khổ, yêu quỷ ngăn che, đau đớn khốn khó, mà nói muốn biết nơi hồn linh đi thọ thân há không khó sao.
Kinh dạy rằng: Người ngu ôm lòng tà vạy mà muốn thấy hồn linh, chẳng khác nào đi trong đêm tối mà ngước lên nhìn trăng sao, chỉ khổ thân chết xác chứ khi nào thấy được.
Từ đấy, quần thần cùng dân chúng cả nước mới rõ được hồn linh cùng nguyên khí hiệp nhau, đến chết rồi lại sinh, luân chuyển không cùng, nên tin sống chết, họa phúc có nẻo hướng tới Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Vua khi ấy là thân ta. Trí tuệ độ vô cực rộng khắp của Bồ Tát luôn thể hiện sự sáng suốt như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba