Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Sáu - Minh độ Vô Cực Trí Tuệ Ba La Mật - Kinh Số Tám Mươi Bốn - Kinh Vua Nước Già La
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
CHƯƠNG SÁU
MINH ĐỘ VÔ CỰC
TRÍ TUỆ BA LA MẬT
KINH SỐ TÁM MƯƠI BỐN
KINH VUA NƯỚC GIÀ LA
Thuở xưa, Vua nước Già La, vì người chánh hậu không con nối dõi, nên rất buồn rầu, ra lệnh: Bà về bên nhà cha mẹ, tìm phép gì cho có con nối dõi, trở lại đây ta sẽ không làm tội. Hoàng Hậu khóc lóc từ giã, thề sẽ quyên sinh, bèn gieo mình xuống núi sâu, rớt vào rừng rậm.
Trời Đế Thích cảm động, nói: Hoàng Hậu của Vua này đời trước là chị của ta, nay không con nối dõi mà phải bỏ thân nơi núi hiểm.
Đế Thích buồn thương, bỗng nhiên hiện xuống, lấy đĩa đầy trái cây đưa cho Hoàng Hậu, nói: Này chị, ăn đĩa quả này ắt có con Thánh nối dòng, sẽ là bậc anh hùng thế gian. Nếu nhà Vua có nghi ngờ thì lấy đĩa ấy cho xem. Đĩa thần của Vua Trời này là vật làm chứng tốt nhất. Nguyên hậu ngẩng đầu lên Trời ăn trái cây, bỗng nhiên không thấy Đế Thích ở đó nữa. Bà cảm thấy thân nặng, trở về cung, gặp Vua, đem việc ấy thành thật tâu lên đầy đủ.
Đủ ngày bà sinh được một hoàng nam, dung mạo xấu xí, trong đời ít thấy, ở tuổi ấu thơ, Thái Tử đã tỏ ra thông minh biết rộng, mưu trí vượt chúng, sức có thể vật ngã voi, chạy đuổi theo bắt được chim ưng bay, phát tiếng nói ngân vang như sư tử rống, tiếng đồn xa gần, tám phương đều khen ngợi.
Nhà Vua cưới con gái Vua nước bên cạnh cho Thái Tử. Nàng tên là Nguyệt Quang, xinh đẹp đoan chánh, đầy đủ nết tốt trên đời. Sau nàng còn có bảy người em gái cũng rất xinh đẹp.
Hoàng Hậu sợ Nguyệt Quang không ưa diện mạo của Thái Tử nên nói dối: Theo lễ nghi xưa của nước ta, vợ chồng không được gặp nhau lúc ban ngày. Lễ là điều quan trọng, phi không được trái với tục xưa.
Nguyệt Quang thưa: Kính vâng, con không dám quên lời dạy quý báu ấy. Từ đó về sau, Thái Tử vào ra chưa từng thấy mặt.
Thái Tử thầm nghĩ: Nước mình cùng bảy nước là thù địch, nếu dùng sức để tranh thì không ổn, muôn dân ta thán, vậy ta phải quyền biến để đem lại yên lành.
Lòng tự suy nghĩ: Thân tướng ta rất xấu, vợ thấy ắt lánh xa, nàng lánh xa thì thiên hạ an ổn, dân chúng an lành. Bèn vui mừng thưa với Hoàng Hậu xin được gặp vợ một lần để ngắm dung nhan nàng.
Hoàng Hậu nói: Diện mạo của con xấu xí, còn vợ con thì dung mạo tươi đẹp, diễm lệ, sánh ngang Thiên Nữ, nó mà biết được chắc là bỏ đi ngay thôi, con phải trọn đời cô đổc. Thái Tử lại xin, Hoàng Hậu thương con nên phải chấp nhận theo ý nguyện, đem hoàng phi ra xem ngựa.
Thái Tử giả làm người chăn, hoàng phi thấy, hỏi: Người chăn sao mà xấu thế?
Hoàng Hậu nói: Đây là người chăn của tiên Vương đấy.
Sau đó đưa đi xem voi, hoàng phi lại thấy Thái Tử nên ngờ, nghĩ: Nơi ta dạo đến đều thấy người này, có lẽ là Thái Tử chăng?
Bèn thưa với Hoàng Hậu: Xin cho con được thấy mặt Thái Tử. Hoàng Hậu liền quyền biến, bảo anh em đi du hành trong nước. Thái Tử cùng quan liêu có đám tùy tùng theo hầu, Hoàng Hậu và hoàng phi nhìn thấy lòng có chút vui vẻ.
Sau đó, lại đi vào khu thượng uyển, Thái Tử leo lên cây hái trái ném vào lưng vợ, hoàng phi nói: Đây nhất định là Thái Tử. Đêm đến, rình lúc Thái Tử ngủ, hoàng phi lặng lẽ lấy đèn soi thấy được tướng mạo Thái Tử, hoảng sợ nên bỏ chạy về nước.
Hoàng Hậu giận nói: Sao lại để cho vợ con bỏ về thế?
Thái Tử đáp: Vợ con bỏ đi thì đó là nền tảng cho thiên hạ thái bình, dân chúng trọn đạo nuôi nấng cha mẹ mình. Rồi Thái Tử vào bái biệt Vua cha và Hoàng Hậu lên đường tìm vợ mình. Đến đất nước của hoàng phi, Thái Tử giả làm thợ gốm, đi làm đồ gốm thuê. Đồ gốm làm ra đẹp nhất nước, chủ lò gốm thấy đẹp nên mang đến dâng lên Vua.
Nhà Vua được đồ đẹp mừng lắm, ban cho cô gái út, cô bèn đem đến cho các chị mình xem. Nguyệt Quang biết là đồ của chồng mình làm, nên ném xuống đất cho vỡ đi.
Thái Tử lại vào thành đi nhuộm thuê các thứ vải lụa, chọn lấy một xấp lụa nhuộm thành các thứ đẹp lạ, đầy đủ kỹ thuật tinh xảo, xem ra trên đời ít thấy. Chủ lò nhuộm mừng rỡ lấy làm lạ, lại đem dâng lên Vua. Vua lại đẹp lòng, đem đưa cho tám người con gái xem, Nguyệt Quang biết đó là của chồng mình nên bỏ đi không nhìn.
Thái Tử lại đi làm người nuôi ngựa thuê cho một vị Đại Thần, nuôi khéo ngựa đã mập lại thuần.
Vị Đại Thần hỏi: Ngươi còn có tài nghệ nào nữa chăng?
Thưa: Các món mà một thái quan phải làm, tôi đều biết đầy đủ cả. Vị Đại Thần bảo chàng làm các món ăn để dâng lên Vua.
Ăn xong, nhà Vua hỏi: Ai đã làm các món ăn này?
Vị Đại Thần cứ sự thật tâu lên. Vua ra lệnh cho chàng làm thái quan, coi sóc công việc ăn uống của Vua. Một hôm, Thái Tử đem canh vào nội cung dâng cho tám người con gái của Vua.
Muốn đạt được sự quyền biến, Thái Tử giả vờ làm đổ canh vào người, các cô gái đều kinh sợ, riêng Nguyệt Quang không thèm ngó đến.
Trời Đế Thích hoan hỷ khen: Bồ Tát lo cứu độ chúng sinh đến như thế sao! Ta phải quyền biến giúp đỡ.
Bèn khiêu khích bảy nước thù địch, tụ hội tại thủ đô của nước hoàng phi, nói với hoàng phi: Chính ngươi sẽ dứt được gốc tai họa cho hàng triệu dân. Rồi hóa làm tờ thư do chính tay Phụ Vương của Nguyệt Quang viết, đem Nguyệt Quang gả cho bảy nước. Bảy nước đều sắm lễ vật đến kinh đô nước của Nguyệt Quang để rước dâu.
Họ gặp gỡ, cùng hỏi thăm nhau đến đây làm gì?
Ai cũng trả lời rằng đến để xin cưới người con gái của Vua tên Nguyệt Quang.
Tranh cãi nhau rối rít, họ đều lấy thư tay của Vua đưa ra, rồi cùng lên tiếng oán hận, nói: Sẽ diệt cả họ của ngươi, việc không thể lầm được!
Liền khiến sứ giả trả lại thư, cùng hỏi vặn: Ông đem một người con gái ra đùa cợt với bảy nước chúng ta, các nước oán hận cùng hưng binh, nước mất ngay hôm nay đấy!
Vua cha sợ hãi nói: Họa này lớn quá, chắc do nghiệp từ đời trước gây ra!
Bèn gọi Nguyệt Quang bảo: Con làm vợ người ta, chồng dẫu khôn ngu, lành dữ, tốt xấu, đều do nghiệp từ trước, ai có thể bỏ đi được, mà không trinh nhất, một lòng tận hiếu vâng thờ, lại bỏ chồng trở về nước, để họa đến thế này. Ta nay phải phân thây con ra làm bảy phần, để tạ tội với Vua bảy nước.
Nguyệt Quang khóc thưa: Xin cha tha mạng con trong chốc lát, để con tìm người tài trí, ắt có thể đẩy lui được các họa bảy nước ấy…
Nhà Vua liền treo giải: Ai có thể trừ được họa này, thì sẽ gả Nguyệt Quang và nuôi dưỡng bằng phước lớn.
Thái Tử nói: Hãy mau làm đài cao, ta sẽ trừ hết giặc. Đài cao làm xong, Thái Tử giả bị bệnh, bước một chân nghiêng xuống đất, cần Nguyệt Quang đến cõng thì mới đẩy lui được quân địch. Nguyệt Quang hoảng hốt, sợ thấy cảnh chém giết, nên phải đỡ nâng Thái Tử lên đài, chỉ biết đứng sững.
Thái Tử lớn tiếng gọi Vua bảy nước, âm vang chấn động xa như sư tử rống, đem lời Phật dạy mà dẫn dụ: Làm bậc Trời coi sóc muôn dân phải dùng đạo nhân từ, mà nay các ông nổi giận, giận lớn là họa to, hỏa to thì thân mất, hễ mất thân thì mất nước, ấy đều do danh, sắc cả. Binh hùng bảy nước không ai là không ngây người bất động, giây lát sau tỉnh lại, đều muốn trở về nước mình.
Thái Tử tâu với Vua: Việc hôn nhân không ai bằng các Vua này, sao không đem bảy cô con gái gả cho con của bảy Vua kia. Có con rể che chở thì nhà Vua được an lành, thần dân được vui vẻ, cha mẹ được nuôi dưỡng.
Nhà Vua nói: Hay thay! Đây là niềm vui lớn! Bèn gọi bảy Vua đến đem bảy cô con gái gả cho. Tám chàng rể dâng lễ hậu hỹ, Vua tôi hớn hở. Đến lúc đó Vua và thần dân mới biết Thái Tử là chồng cũ của Nguyệt Quang. Vua liền tuyển chọn quan hiền, võ sĩ theo hầu, mọi người đều trở về nước. Chín nước đều hòa bình an ổn, dân chúng múa hát, thảy đều ca ngợi.
Trời giáng xuống làm cha ta! Phàm là Thánh Nhân quyền biến thì chẳng phải người phàm biết được. Nay đức tụ công thành, vậy mới rõ ràng, không chê bai.
Trở về nước chừng hơn một năm, Vua cha băng hà, Thái Tử thay ngôi cha đại xá các tội, đem năm giới, sáu độ, tám trai, mười thiện giáo hóa muôn dân, tai họa đều dứt, nước giàu dân an, nền đạo hóa lớn lưu hành, mọi người đều phụng thờ ba ngôi báu, đức lớn phước về, các bệnh đều tiêu diệt, dung mạo Thái Tử trở nên rực rỡ, đẹp hơn cả hoa đào.
Sở dĩ như vậy là vì thọ mạng đời trước của Bồ Tát. Vợ chồng đều cùng đi cày, một hôm sai vợ về lấy cơm, trông thấy vợ trở lại, cùng đi với một vị Bích Chi Phật, khuất sau sườn núi, lâu mà không thấy đến. Lòng sinh nghi ngờ, nổi giận cầm cây muốn đi đến đánh. Tới nơi, thấy vợ mình đang lấy phần cơm cúng dường vị Sa Môn, rồi lui lại chắp tay đứng.
Vị Sa Môn ăn xong, ném bát lên hư không, bát phát ra ánh sáng chói lòa, rồi bay đi mất.
Lòng người chồng vừa xấu hổ, vừa hối hận, nghĩ: Vợ mình có đức mới gặp được bậc đáng tôn kính ấy! Còn mình quá ngu chắc sẽ bị họa.
Liền gọi vợ nói: Phước cúng dường của nàng ta sẽ chung với, phần cơm còn lại hai ta cùng ăn, xin nàng chớ giận. Đến khi mạng chung, mỗi người đều sinh vào gia đình Vương Giả, người vợ có lòng thuần từ bố thí nên sinh ra đã đoan chánh. Còn người chồng, trước giận dữ, nhưng sau thì có lòng từ, nên mới sinh thì xấu xí mà sau thì đẹp đẽ.
Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Hễ con người tạo nghiệp, trước ban cho sau lấy lại, thì đời sau lúc mới sinh ra thì giàu có nhưng lớn lên thì nghèo khổ. Nếu trước lấy đi mà sau ban cho thì đời sau thọ báo trước nghèo hèn mà sau lớn lên thì giàu sang.
Thái Tử ấy là thân ta, người vợ là Câu Di, Phụ Vương là Vua Bạch Tịnh, người mẹ nay là Xá Diệu, mẹ ta. Trời Đế Thích là Di Lặc. Bậc Khai sĩ đời đời thương nhớ chúng sinh, dốc cứu vớt họ ra khỏi cảnh lầm than. Trí tuệ độ vô cực rộng khắp của Bồ Tát luôn thể hiện sự sáng suốt như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Tám - Phẩm Phỉ Báng - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thân Gần Gũi - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hệ Phược
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chú Sư Tự Trước Chú Tác
Phật Thuyết Kinh Pháp Tối Thượng Vương - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Không Gì Chuyển Hướng - Phần Ba - Thuyết Vô Tác Dụng