Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bốn Mươi Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT
KINH LỤC TẬP ĐỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẦN BỐN MƯƠI TÁM
Thuở xưa, Bồ Tát làm đại Quốc Vương, thường đem bốn thứ tâm để nuôi dưỡng, hộ trì chúng sinh, tiếng tăm vang động xa gần, không ai là không khen ngợi.
Người cậu làm Vua ở một nước khác, tánh tình tham lam không biết hổ thẹn, lấy hung tàn làm sức mạnh, các bậc khai sĩ đều than trách. Bồ Tát mang lòng nhân huệ của Trời đất, còn ông cậu thì chuyên dối trá, vu khống, chê bai, tạo mối hiềm khích, để dấy binh muốn đoạt nước của Bồ Tát.
Bồ Tát cùng quần thần đều nói: Thà làm kẻ giữ đạo nhân của Trời mà nghèo, chứ không thèm làm giống sài lang mà sang giàu.
Dân chúng thì nói: Thà làm loài vật của người hữu đạo, còn hơn làm dân của người vô đạo.
Rồi họ tuyển chọn võ sĩ, bày binh, bố trận.
Quốc Vương lên đài quan sát quân tình, khóc lóc, nước mắt chảy quanh cổ, nói: Vì ta, chỉ một thân này mà hủy hoại hàng triệu mạng dân. Mất nước khó phục hồi, thân người khó giữ được, ta trốn đi xa thì cả nước được yên, sẽ không có ai bị hoạn nạn!
Nhà Vua cùng nguyên phi bỏ nước ra đi. Người cậu vào cai trị nước ấy, lấy tham tàn làm quốc sách, giết hại kẻ trung trinh, tin dùng kẻ nịnh hót, độc hại. Chánh sự hà khắc, dân tình khốn khổ, oán than đẩy dẫy. Họ ca ngợi, nhớ nghĩ đến Vua cũ, như người con hiếu luôn canh cánh bên lòng về cha mẹ mình.
Bây giờ, Vua và nguyên phi đang ở nơi núi rừng. Biển có một con rồng tà, mê sắc đẹp của nguyên phi, nên hóa làm một Phạm Chí, giả bộ chắp tay, cúi đầu ngồi yên lặng suy nghĩ, giống như lúc Đạo Sĩ tư duy thiền định.
Nhà Vua nhìn thấy, lòng hớn hở, ngày ngày đi hái trái cây cúng dường. Con rồng rình chờ Nhà Vua đi khỏi, trộm gắp lấy vương phi mang đi, đem về chỗ cư trú ở biển.
Đường nó đi là một lối tắt kẹp giữa hai ngọn núi. Núi có chim lớn, giương cánh chận lôi đi, cùng với rồng đánh nhau. Rồng dùng sẩm sét đánh xệ cánh bên phải của chim, nên thoát được đem nguyên phi trở về biển.
Nhà Vua hái quả trở về, không thấy người phi của mình, bùi ngùi nói: Ta kiếp trước làm chuyện sai trái, nay tội vạ xảy ra mau thế ư?
Rồi cầm cung, mang tên, đi qua khắp ngọn núi để tìm kiếm nguyên phi. Thấy có một dòng suối đầy, lầm tìm theo đến tận nguồn thì gặp một con vượn lớn đang buồn thảm.
Nhà Vua thương xót hỏi: Ngươi sao buồn vậy?
Vượn đáp: Tôi cùng với người cậu họ hợp nhau làm Vua. Cậu dùng thế mạnh đoạt hết người của tôi. Chỉ biết than thở chứ còn biết kiện ai.
Còn ông nay sao lại phiêu bạt đến núi này?
Bồ Tát đáp: Ta cùng ngươi có nỗi buồn như nhau.
Nhưng ta lại mất người phi chưa biết nàng ở đâu?
Vượn nói: Ông giúp tôi chiến đấu giành lại quân sĩ của tôi, tôi sẽ vì ông tìm lại nàng phi cho. Thế nào rồi cũng tìm được thôi.
Nhà Vua đồng ý nói: Được.
Rạng ngày, con vượn cùng cậu nó đánh nhau. Vua lấy cung lắp tên vào, cánh tay và đùi vế đang ở vào tư thế giương cung bắn. Con vượn cậu từ xa trông thấy sợ run lên, vội tìm đường chạy trốn. Đám quân của Vua vượn đều quay trở lại.
Vua vượn liền ra lệnh cho chúng: Người phi của Vua người lạc mất tại núi này, các ngươi phải tỏa ra tìm cho cùng khắp.
Bọn vượn đều ra đi, gặp con chim bị đau ở cánh, chim hỏi: Các ngươi đi tìm cái gì vậy?
Đáp: Vua Trời bị mất nguyên phi, chúng tôi đi tìm bà ấy.
Chim nói: Con rồng đã bắt trộm bà ấy rồi. Thế lực ta không bằng hắn, nên hiện nay hắn đang ở bẽn cồn lớn, trong biển cả đó. Nói xong thì chim chết. Vua vượn đốc suất chúng vượn theo đường tắt đến biển.
Đang buồn lo không biết làm sao để vượt biển, thì Trời Đế Thích hóa làm con vượn thân bệnh ghẻ lở, tiến đến thưa: Nay muốn vượt biển, quân sĩ đông nhiều như thế sao lại lo không đến được cồn kia. Nay hãy ra lệnh ai nấy đều vác đá lấp biển, có thể làm thành núi cao thì không những chỉ thông đến cồn kia mà thôi.
Vua vượn liền phong cho nó làm giám sát, điều khiển bọn vượn. Theo kế hoạch ấy vác đá lấp biển thành công, bọn vượn qua được biển, bao vây cồn ấy trùng điệp. Rồng tung mù độc, bọn vượn bị bệnh đều ngã lăn ra đất.
Hai Vua buồn bã, con vượn nhỏ lại thưa: Cứ để con làm chúng khỏi bệnh, khỏi nhọc đến Thánh ý.
Nó liền dùng thuốc Trời truyền vào trong mũi chúng, bọn vượn hắt hơi rồi đứng lên, sức mạnh vượt hơn trước. Rồng liền nổi gió mây che tối cả mặt trời, chớp lòa sáng biển, đột nhiên nổi trận lôi đình chấn động Trời đất.
Vượn nhỏ nói: Vua người bắn giỏi, chỗ trắng lóa đó tức rồng đấy, nên buông tên trúng vào chỗ ấy để trừ hung ác, đem lại phước cho dân, các Thánh không hề trách đâu.
Chờ khi sấm sét, Nhà Vua buông tên trúng ngay ngực rồng. Rồng bị bắn chết, bọn vượn khen tốt, vượn nhỏ rút khóa nhà rồng, mở cửa đem vị phi ra. Trời, quỷ đều vui mừng. Hai Vua trở về núi cũ, cùng nhau từ tạ, nhún mình nhường nhau.
Trong lúc đó, ông Vua cậu chết không có con nối dõi, thần dân vội vàng đi tìm kiếm Vua cũ, đến chỗ núi non hiểm trở kia thì Vua tôi gặp nhau, cùng thương khóc trở về. Vua cũ lên làm Vua, sáp nhập luôn nước của cậu vào, hàng triệu dân vui mừng, tung hô vạn tuế. Nhà Vua ra lệnh đại xá, thi hành chính sách khoan thứ, lòng dân hân hoan, vừa đi vừa mỉm cười.
Vua nói: Đàn bà xa chồng, đi riêng chỉ một đêm thôi mà mọi người còn nghi ngờ dị nghị, huống gì nàng đi cả hai tuần. Nàng nên trở về lại nhà nàng cho hợp với lễ nghi xưa.
Nguyên phi nói: Tôi tuy ở trong hang loài vật dơ bẩn, nhưng cũng như hoa sen ở nơi bùn lầy. Nếu lời tôi thành thật đáng tin thì xin đất chỗ này nứt rễ.
Lời vừa dứt thì đất nứt toác ra.
Nguyên phi nói: Lòng thành tín của tôi đã hiện rõ rồi đấy.
Nhà Vua nói: Hay thay! Sự trinh khiết ấy là hạnh của bậc Sa Môn.
Từ đó trong nước, người buôn bán thì nhường lợi, kẻ sĩ thì từ chối địa vị, người hào hiệp có thể nhịn kẻ tiện, kẻ mạnh không lăng nhục kẻ yếu. Tất cả là nhờ đức của Vua.
Đàn bà dâm đãng cải đổi thành tiết hạnh, dù nguy hiểm đến tánh mạng vẫn giữ trinh tiết, kẻ lừa dối chuộng trung tín, đứa xảo ngụy giữ lòng ngay thật... tất cả là nhờ đức cảm hóa của nguyên phi.
Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Quốc Vương khi đó là thân ta, nguyên phi là Câu Di, người cậu là Điều Đạt, Thiên Đế Thích là Di Lặc.
Bồ Tát thực hành pháp nhẫn độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cam Lộ
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chú Sư Tự Trước Chú Tác
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thất đạo Phẩm - Phần Hai