Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Tám Mươi Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN TÁM MƯƠI HAI  

Khi Thái Tử chưa đắc đạo, lấy cỏ rơm trải đất bên gốc cây, rồi chắp tay ngồi ngay thẳng, loại bỏ các ý niệm dơ bẩn, làm trong sạch tâm, chuyên nhất chí, tự nghĩ: Bắt đầu từ hôm nay, dù cho thịt gân khô nát tại nơi đây, nếu ta không thành Phật, nhất định không đứng dậy.

Bồ Tát liền đắc thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba đến thiền thứ tư. Trong đêm thứ nhất chứng được thuật đồ thứ nhất, biết được cha mẹ, anh em, vợ con, họ hàng của mình từ vô số kiếp.

Trong đêm thứ hai chứng được thuật đồ thứ hai tự biết chúng sinh từ vô số kiếp, giàu nghèo sang hèn, cao thấp, tốt xấu, trong tâm chúng sinh có niệm hay không niệm, không gì là không biết. Trong đêm thứ ba chứng được thuật đồ thứ ba, ba độc đều diệt.

Lúc đêm trở về sáng, Phật đạo đã thành, Ngài trầm lặng suy nghĩ: Ta nay thành Phật, hết mực sâu xa, hết sức sâu xa, khó hiểu khó biết, nhỏ nhiệm nhất trong mọi nhỏ nhiệm, huyền diệu nhất trong mọi huyền diệu. Phật Đạo nay đã thành, không đâu là không thông tỏ, bèn đứng dậy đi đến cung Rồng, Rồng tên là Văn Lân, chỗ ở của nó bên sông có cây.

Đức Phật ngồi bên gốc cây nội: Thuở xưa, Đức Phật Định Quang trao cho ta ấn quyết tôn quý, là sẽ làm Phật Hiệu Thích Ca Văn, thật đúng như điều đã nghe.

Ta nay được thành Phật là do từ vô số kiếp đến giờ, dốc tu sáu độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, nguyện tích lũy công đức nay mới chứng quả cực quý, làm thiện phước theo về, không hề mất công sức của ta.

Đức Phật vừa nghĩ đến đó, thì vào thiền định vượt bực. Bên bờ sông, Đức Phật phóng hào quang chiếu suốt đến chỗ Rồng ở. Rồng thấy bóng ánh sáng, vẩy vi đều dựng ngược.

Rồng đã từng được thấy ba Đức Phật là Phật Câu Lũ Tần, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni và Phật Ca Diếp. Ba Đức Phật này đều ngồi tại đây thành đạo, ánh sáng đều chiếu đến chỗ của Rồng.

Nay Rồng thấy ánh sáng liền nghĩ: Ánh sáng này cùng với ánh sáng của ba Đức Phật trước như nhau.

Thế Gian lại có Phật ra đời nữa ư?

Rồng rất hoan hỷ ra khỏi nước, quay nhìn hai bên phải trái, thấy Đức Phật ngồi bên gốc cây, thân có ba mươi hai tướng tốt, màu sắc vàng tía, ánh sáng rực rỡ hơn cả mặt trời, mặt trăng, tướng tốt đoan chánh như cây cố hoa.

Rồng đến trước Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát đất, rồi đi quanh Đức Phật bảy vòng, thân Rồng lùi cách Đức Phật bốn mươi dặm, dùng bảy đầu che trên Phật, rồi Rồng vui mừng làm mưa gió bảy ngày, bảy đêm.

Đức Phật ngồi ngay thẳng, không lay động, không hít thở. Bảy ngày không ăn thì được thành Phật, lòng mừng đều dứt mọi tưởng. Rồng rất vui mừng, cũng không ăn suốt bảy ngày mà không có ý niệm về đói khát. Hết bảy ngày, gió mưa tạnh.

Đức Phật từ thiền định xuất, Rồng hóa làm một Phạm chí trẻ tuổi, ăn mặc tươm tất, quỳ thẳng chắp tay cúi đầu hỏi: Ngài đạt đến trạng thái không lạnh, không nóng, không đói, không khát, công đức hội tụ, các độc không hại, ở đời làm Phật, Ba Cõi đặc biệt tôn trọng, há không thích sao?

Đức Phật bảo Rồng: Kinh Điển của các Đức Phật thời quá khứ nói: Chúng sinh lìa ba đường ác được làm người là thích. Ở đời sống an nhàn, giữ chí đạo là thích. Điều xưa từng nghe, nay đều hiểu được là thích thú. Ở đời có lòng từ bi, không hại chúng sinh là thích thú. Thiên Ma, độc dữ đều tiêu diệt hết là thích thú.

Đạm bạc, vô dục, không ham sang giàu là thích thú. Ớ đời đắc đạo, làm bậc thầy cả Trời người, tâm đạt được định không, bất nguyện, vô tướng. Thân hữu lậu của các dục, trở về với bản thể không, trường tồn với cõi tịch tĩnh, cùng với sự khổ vĩnh viễn dứt hẳn, đó là niềm thích thú vô thượng.

Rồng cúi đầu thưa: Từ nay về sau, con xin tự quy y Phật, quy y Pháp.

Đức Phật bảo Rồng: Vừa có Thánh Chúng, các bậc quyết chí đạt A La Hán, các Tỳ Kheo khổ hạnh, cũng nên tự quy y với họ.

Rồng đáp: Vâng, con xin tự quy y chúng Sa Môn.

Trong loài súc sinh, Rồng ấy là con vật được Phật hóa độ theo về trước tiên.

Thiền độ vô cực của Bồ Tát luôn nhất tâm như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần