Phật Thuyết Kinh Ly Cấu Thí Nữ - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH LY CẤU THÍ NỮ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BỐN
Biện tài của Nhân Giả cao siêu như vậy là dùng tâm niệm gì để phát khởi, đứng ở đâu để phát sinh?
Giả sử dùng tâm niệm sinh ra để phát khởi thì tất cả chúng sinh cũng phát khởi tâm niệm như vậy, cho nên không đạt đến tịch diệt. Nếu dùng đối tượng được sinh khởi để thành tựu thì chỉ là hư vọng. Còn nếu không phát khởi tâm niệm thì không có chỗ tạo tác. Không có chỗ tạo tác thì là không tịch, bất định.
Bồ Tát Biện Tích đáp: Đó là ý nguyện của tôi, khiến cho chúng sinh mới phát tâm dựa theo nguyện ấy, nếu có người thấy tôi thì được biện tài.
Vương Nữ nói: Chúng sinh mới phát âm ấy có hành xứ không?
Nếu có tức là thường kiến, còn nếu không thì mọi chỗ hiện có không nên gọi là bậc đạo sư. Vì phải lìa các hành.
Bồ Tát Biện Tích im lặng.
Ly Cấu Thí hỏi Bồ Tát Siêu Độ Vô Hư Tích: Nhân Giả trước đây nêu nguyện: Muốn cho dân chúng trong thành này, một khi đã nhìn thấy Nhân Giả thì điều thấy đó không hư vọng, cho đến đạt được đạo Bồ Đề Vô Thượng.
Như vậy Phật Đạo là có hay là không?
Nếu có tức là hữu vi, nên có thể ái nhiễm, chấp giữ.
Nếu vô vi tức là không, không xét đoán, không thể thọ trì.
Bồ Tát Siêu Độ Vô Hư Tích đáp: Gọi là đạo tức lời dạy của bậc Thánh về trí tuệ.
Vương Nữ thưa: Trí tuệ của bậc Thánh ấy có sự phát khởi chăng?
Sao lại hành tịch tĩnh được?
Nếu có sự phát khởi thì điều đó không hợp với tư duy, sẽ là trí tuệ hữu vi. Hành trí tuệ hữu vi liền thành tối tăm, ý thức mờ mịt, có thể bị phân biệt. Nếu dùng tịch tĩnh thì không điên đảo tức không có chuyển đổi. Do không có chuyển đổi nên các Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Như Lai chánh đẳng giác không có tư tưởng. Phàm phu ngu mê tưởng về đạo cũng vậy, không gọi là người trí được.
Bồ Tát Siêu Độ Vô Hư Tích im lặng không đáp.
Ngay lúc ấy, Hiền Giả Tu Bồ Đề bảo các đại Thanh Văn và chư Bồ Tát nên quay về, không cần vào thành khất thực nữa.
Vì sao?
Vì thức ăn khất thực ấy đã được cúng dường cho chúng ta tức là sư thuyết pháp của Vương Nữ Ly Cấu Thí cho chúng ta nghe. Hôm nay chúng ta nên dùng pháp làm thức ăn.
Vương Nữ thưa: Thưa Hiền Giả Tu Bồ Đề!
Lời nói của Hiền Giả không nêu cao, không hạ thấp. Vì sao Hiền Giả lại có ý muon trở về Tinh xá, không đi du hóa nữa.
Thưa Hiền Giả Tu Bồ Đề! Hạnh của Sa Môn khi rời khỏi chỗ ở là không hề phóng dật, không thích buông lung. Pháp của Sa Môn là không có chấp trước, không chấp trước thì không tức giận, hối hận. Đã không hối hận thì không có chỗ hành. Người hành theo không chỗ hành thì gọi là Hiền Thánh.
Sau đó, tám vị Thanh Văn, tám vị Bồ Tát, năm trăm Phạm Chí, Vương Nữ Ly Cấu Thí, Vua Ba Tư Nặc và những vị khác đều đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi lui ra ngồi nơi phía trước.
Vương Nữ Ly Cấu Thí nhiễu quanh Phật bảy vòng, đứng trước Đức Thế Tôn dùng kệ ca tụng và thưa:
Con xin hỏi Thế Tôn
Bac Vô Trước, hơn hết
Thanh tịnh, không chỗ dựa
Danh xưng không thể lường.
Cứu độ các chúng sinh
Ban cam lồ an vui
Bồ Tát làm thế nào
Để thành tựu hạnh ấy?
Lúc ấy, Ly Cấu Thí quỳ thẳng, chấp tay hỏi Thế Tôn:
Bồ Tát làm thế nào ở nơi gốc cây chiến thắng quân ma?
Bồ Tát làm thế nào để tạo sự chấn động nơi tất cả các Cõi Phật?
Bồ Tát làm thế nào chiếu ánh sáng tràn khắp vô lượng Cõi Phật?
Bồ Tát làm thế nào nhận được pháp Tổng trì từ Chư Phật?
Bồ Tát làm sao đạt được tâm định tĩnh, thành tựu Tam Muội?
Bồ Tát làm thế nào để thực hiện rốt ráo các hành đạt được thần túc?
Bồ Tát làm sao để thường được đoan nghiêm?
Bồ Tát làm sao để được hóa sinh?
Bồ Tát làm sao được giàu sang, phú quý?
Bồ Tát làm sao đạt được trí tuệ lớn?
Bồ Tát làm sao thường biết được túc mạng?
Bồ Tát làm sao cùng kết hợp với Chư Phật?
Bồ Tát làm sao đạt được ba mươi hai tướng tốt?
Bồ Tát làm sao thành tựu tám mươi vẻ đẹp?
Bồ Tát làm sao đạt đủ được biện tài?
Bồ Tát làm sao đầy đủ phước điền?
Bồ Tát làm sao khiến quyến thuộc thường hòa thuận?
Thế nào là Bồ Tát với sở nguyện đạt đến Cõi Phật theo như ý sinh?
Đức Phật dạy Ly Cấu Thí: Lành thay! Lành thay! Con khéo hỏi những điều có ý nghĩa như vậy. Vì chư Đại Bồ Tát, Như Lai sẽ ban bố nhiều điều an lạc, thể hiện rõ tâm từ bi thương xót. Chư Thiên và mọi người ở mười phương hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Như Lai sẽ thuyết giảng.
Cúi xin Đức Thế Tôn Giảng thuyết. Chúng con rất muốn được nghe.
Vương Nữ Ly Cấu Thí cùng chúng hội vâng lời Phật dạy, lắng nghe.
Đức Phật dạy Ly Cấu Thí: Bồ Tát có bốn pháp ở nơi gốc cây chiến thắng quân ma.
Những gì là bốn?
Chưa từng tham đắm lợi dưỡng của người khác.
Thường không thích nói lời trau chuốt. Khuyên vô số người tu căn tích đức.
Thể hiện tâm từ bi đối với chúng sinh. Đó là bốn việc.
Đức Phật bèn nói kệ:
Không ôm lòng ganh ghét
Bỏ lời thô, phù phiếm
Khuyến hóa vô số người
Tu hành các công đức.
Thường dạy cho mọi người
Tu hành tâm từ bi
Chiến thắng các ma oán
Ở đời đều tự tại.
Đức Phật dạy Ly Cấu Thí: Bồ Tát có bốn pháp làm chấn động tất cả Cõi Phật.
Những gì là bốn?
Lời nói, việc làm tương ưng để thâm nhập pháp nhãn.
Chí nguyện vững chắc đối với chánh pháp.
Khuyến hóa tất cả mọi người đều đến với đạo Chánh chân vô thượng.
Luôn ưa thích đạt trí tuệ vi diệu.
Đó là bốn việc.
Đức Phật bèn nói kệ:
Nói và làm tương ưng
Hiểu rõ nghĩa vi diệu
Ý nguyện luôn vững chắc
Thấu đạt pháp thanh tịnh.
Khuyến hóa vô số người
Đều đến đạo Vô thượng
Dùng bốn pháp như thế
Chấn động ức Cõi Phật.
Đức Phật dạy Ly Cấu Thí: Bồ Tát có bốn pháp chiếu sáng tràn khắp vô lượng Cõi Phật.
Những gì là bốn?
Thường thắp đèn sáng ở các chỗ tối tăm.
Hộ trì Kinh Điển vào thời mạt pháp.
Đối với các nơi loạn lạc dốc sức giảng thuyết Kinh, làm sáng tỏ ánh sáng của chánh pháp.
Dùng hương hoa quý báu cúng dường các chỗ thờ Phật.
Đó là bốn việc.
Đức Phật bèn nói kệ:
Hay bố thí đèn sáng
Trong sáng và thanh tịnh
Đời sau cùng cực tối
Mà hộ trì Kinh Điển.
Vì chúng sinh phóng dật
Thuyết giảng các Kinh Pháp
Đem bảo vật châu ngọc
Cúng dường Tháp thờ Phật.
Bồ Tát do điều ấy
Phóng hào quang chiếu sáng
Tràn khắp vô ương số
Ức ngàn cõi Chư Phật.
Người gặp được ánh sáng
Đều có niềm vui lớn
Liền phát tâm nguyện cầu
Đạo Phật Vô Thượng Tôn.
Đức Phật dạy Ly Cấu Thí: Bồ Tát có bốn pháp thực hành để từ nơi Chư Phật sẽ nhận được các pháp Tổng trì.
Những gì là bốn?
Đem các thứ cần dùng mà bố thí.
Châu báu, trang sức, thể nữ, ai xin thì cho.
Ngày đêm ân cần ca ngợi, tuyên dương công đức của Như Lai.
Đã có chốn hành hóa hướng nhiều đến Đại Bát Nhã Ba La Mật. Đó là bốn pháp.
Đức Phật bèn nói kệ:
Dùng trí tuệ vô cùng
Đắc các pháp Tổng trì
Trang sức bằng anh lạc
Thể nữ đều bố thí.
Ca ngợi công đức Phật
Siêng năng tinh tấn tu
Cầu trí tuệ vô cực
Thánh tuệ của Chư Phật.
Do phước báo như vậy
Ở nơi pháp tổng trì
Thực hành càng tinh tấn
Trăm ngàn kiếp không ngồi.
Chư Phật nơi mười phương
Thuyết giảng các Kinh Pháp
Thấu đạt trong tâm thức
Tất cả đều thọ trì.
Đức Phật dạy Ly Cấu Thí: Bồ Tát có bốn pháp để tâm định tĩnh, thành tựu các pháp tam muội.
Những gì là bốn?
1. Nhàm chán các việc làm dẫn đến sinh tử.
2. Không thích ở tại gia, thường muốn xả bỏ.
3. Phụng hành tinh tấn, lìa bỏ chốn đông đúc.
4. Khéo thành tựu sự nghiệp cao quý.
Đó là bốn pháp.
Đức Phật bèn nói kệ:
Xả bỏ, không trở lại
Tu tâm như hư không
Tinh tấn không phóng dật
Nẻo hành được rốt ráo.
Thông đạt bốn pháp ấy
Tu tịch tĩnh vi diệu.
Liền được định tam muội
Thành Phật Đạo Chánh Giác.
Đức Phật dạy Ly Cấu Thí: Bồ Tát có bốn pháp thực hiện rốt ráo các hạnh, sẽ được thần túc.
Những gì là bốn?
Coi nhẹ thân tâm.
Không biếng nhác.
Đối với tất cả pháp không có tham đắm chấp trước.
Quán sát bốn đại như hư không.
Đó là bốn pháp.
Đức Phật bèn nói kệ:
Thân thế coi rất nhẹ
Tâm nhu hòa, không nhác
Đối với tất cả pháp
Chưa từng có tham chấp.
Nhất tâm lập chí nguyện
Quán sát nơi bốn đại
Thường dùng tâm bình đẳng
Xem như cõi hư không.
Bốn pháp như thế này
Nhờ vào những hành gì
Mà được sự thông đạt
Chứng vô lượng thần túc.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thất Câu đê Phật Mẫu Chuẩn đề đại Minh đà La Ni - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Các Pháp Vốn Không Kinh Chư Pháp Bản Vô - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Chứng Khế đại Thừa - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Thập Thiện Nghiệp đạo
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Sáu - Phẩm Phật Mẫu