Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Cha Con Cùng Hội
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH NGHĨA TÚC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
KINH CHA CON CÙNG HỘI
Nghe như vậy!
Đức Phật ở tại vương quốc dòng họ Thích cùng với một ngàn vị đệ tử Phạm Chí kỳ cựu, tất cả đều đã đắc La Hán, thông suốt lục đạt, sở cầu đều đầy đủ.
Phật từ nội thành giảng dạy, chuyển đến ngoài thành Ca Duy La Vệ, trong vườn Ni Câu Loại. Người dòng họ Thích ở thành Ca Duy La Vệ nghe Phật cùng một ngàn vị Tỳ Kheo La Hán chuyển chỗ giảng dạy, đã đến đất nước này ở trong khu lâm viên ngoài thành, bèn truyền nói với nhau. Trước lúc gà gáy đều phải tập họp.
Họ cùng nhau bàn luận: Này chư Hiền Giả, nếu Thái Tử chẳng vui đạo, Ngài sẽ làm Chuyển Luân Vương. Chúng ta đều phải khuyên dân chúng trong thành này bỏ bảy báu, tu đạo, đạt đến quả vị Phật. Nay chúng ta đều chọn trong các gia đình Trưởng Giả một người xuất gia, cũng theo Phật cầu làm Sa Môn. Các người trong dòng tộc Thích đều như vậy.
Các chúng càng lúc càng đông, liền kéo nhau ra ngoài thành Ca Duy La Vệ, muốn nhìn thấy Phật, muốn nghe chánh pháp. Các cô gái dòng họ Thích cũng hội nhau đi đến chỗ Phật, muốn nghe chánh pháp. Bấy giờ, Phật dùng thần túc định ý hiện biến đi giữa không trung. Những người trong dòng họ Thích nhìn thấy Đức Phật đi giữa không trung đều sinh tâm hoan hỷ, kính phục.
Bấy giờ Vua Duyệt đầu đàn bèn cúi đầu xuống chân Phật đảnh lễ, rồi đứng sang bên. Dân chúng Ca Duy La Vệ đều bất bình. Vua đã lễ Phật sao không thấy có pháp nào hoàn lễ.
Vua nghe lời bất bình trong dân như vậy, bèn nói: Các Hiền Giả, Thái Tử đây lúc sinh ra, đại địa chấn động, ánh ánh chiếu khắp vô cùng.
Ngài bước đi bảy bước, chẳng tựa nơi nào, nhìn trái phải cất tiếng nói: Ba cõi rất khổ, nào có gì vui. Chư Thiên trên hư không cầm lọng trắng, lại rải hoa Ma ni, trổi trống Ngũ bách lạc, làm mưa hương thủy tắm gội Thái Tử. Trong chúng dân bấy giờ, ta là người đầu tiên đảnh lễ Thái Tử. Các Hiền Giả, Thái Tử ở dưới cội câu Diêm Phù, buổi sáng đi đến ngồi lại, rồi nằm xuống.
Thái Tử nằm về phía Đông thì bóng mát che khắp phía Đông, Thái Tử ở về phía Tây thì bóng mát che về phía Tây. Bóng mát của cây không ngược hướng với thân Thái Tử. Trong chúng dân bấy giờ, ta lần thứ hai làm lễ Thái Tử.
Vua bấy giờ nói kệ:
Nay vì ba tuệ dũng mãnh
Cúi đầu lễ Bậc Biến Quán
Lúc vừa sinh động đất trời
Ngồi dưới tàn cây bóng mát.
Bấy giờ Phật thu nhiếp thần túc xuống tòa. Chư Tỳ Kheo Tăng cùng người dòng Thích và các Thích nữ phía trước tòa đều cúi đầu lễ Phật, rồi trở về chỗ ngồi.
Đức Vua cũng ngồi trên tòa nói kệ khen ngợi Phật:
Xe ngựa, voi vàng rực
Chạy đi trong đài các
Nay chân bước khắp nơi
Da chân sao dày lên?
Xe tôi là thần túc
Tâm ấy độ vô hạn
Cỡi lên xe thần diệu
Xe trần sao dài lâu!
Vận gấm lụa nhẹ mềm
Khoác lên thân hình đẹp
Sương vàng phủ thân hành
Vận đó có gì đẹp?
Vương pháp là áo tôi
Thực hành theo lời dạy
Trước vận đó học đạo
Nay được quả Như Lai.
Vốn vui nơi điện các
Theo thời lập lầu riêng
Nay chỉ ở cội cây
Sợ hãi nương nơi nào?
Cù Đàm chẳng oán đời
Đã dứt hẳn thù hận
Thoát tục niệm vô ưu
Không thù còn gì sợ.
Xưa ăn theo ý vị
Bình vàng, thức ăn ngon
Như nay được phần ăn
Thô ác có vui gì?
Tôi trước dùng vị pháp
Bỏ tham theo khổ không
Đã đoạn bốn bữa quen
Thương đời nên hành vậy.
Xưa tắm dùng hương hoa
Kỹ nữ vui hầu hạ
Thiền định trong rừng cây
Ai tắm gội bậc trí?
Giới pháp vui là sông
Bên trong là tuệ định
Náo loạn đều rửa sạch
Theo dòng chẳng trở về.
Bấy giờ Phật vì Đức Vua cùng các Thích Nữ mà rộng giảng Kinh Pháp. Trước tiên Ngài giảng bày về bố thí, trì giới, nẻo Trời vi diệu, khéo giảng về sự khổ, con đường khổ não, ba mươi bảy phẩm, theo đó sẽ đạt được an lạc.
Phật dùng đạo ý biết Vua Duyệt đầu đàn đã mãn ý, tâm như hòa hoan hỷ, giải thoát hệ lụy, nên Phật thuyết pháp giải thoát. Ngài giảng về khổ, tập, diệt và đạo đế. Phật thuyết pháp Tứ Đế, Nhà Vua ngay tại tòa liền thông suốt, giải trừ ba độc, ngay trong thời pháp chứng được pháp nhãn. Ví như con mắt trong sáng, thấu rõ các sắc, Vua cũng nhập pháp như vậy.
Lúc ấy Vua đã được kiến đế, đoạn nghi, thông tỏ pháp, bèn đứng lên, hướng về Phật chắp tay bạch: Điều thân cận đã thân cận, điều lánh xa đã lánh xa. Nay tôi thân quy y Phật, Pháp và Tỳ Kheo Tăng. Mong Đức Phật nhận tôi làm Thanh tín sĩ, từ đây cho đến cuối đời không phạm tịnh giới.
Do vậy trong họ Thích cũng có người quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Trong số nữ nhân họ Thích cũng có người quy y như vậy. Họ giữ giới không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không dối lừa, không uống rượu.
Vua Duyệt đầu đàn bấy giờ thấu rõ pháp, không còn nghi ngờ.
Ý dũng mãnh nơi pháp, bèn đứng lên, chắp tay hướng về Đức Phật dùng kệ Nghĩa Túc này để tán thán:
Có đủ giới làm sao thấy?
Phải nói gì từ ấm khổ?
Nguyện Cù Đàm giải lời này
Bậc Thế Hùng giảng chánh ý.
Trước tu dứt oán hại nặng
Sau chẳng vướng lấy mong cầu
Trong hiện tại không chấp thủ
Cũng không thọ, tôn kính không.
Niệm vị lai chẳng vương ái
Tưởng xa lìa cũng chẳng buồn
Hạnh viễn ly, xả nhu nhuyến.
Mọi tà kiến đều trừ sạch.
Đã diệt hết mọi nỗi sợ
Tín không đổi, không còn nghi
Tâm không ganh, vui cùng người.
Hành như vậy yêu mạng quý.
Khéo tự giữ chẳng vọng cầu
Được nhiều tuệ không đố kỵ
Chẳng xấu xa, không diêm dúa
Không hai lời, chẳng cợt đùa
Ý thoát hẳn, chẳng vướng chi
Bỏ mắt nhìn, không kỳ vọng.
Hạnh an tường, khéo buông bỏ.
Cũng không muốn đoạn tưởng dục
Chẳng học cầu nơi dục lạc
Tất chẳng có cũng chẳng lo.
Không oán ghét, bỏ ái dục
Không thú gì còn sai khiến
Chẳng tự cao ta vô đẳng
Gặp hủy báng càng kính trọng.
Nên hành quán định tâm ý
Thấy thiện ác chẳng khởi vọng
Bỏ nơi đây không chỗ dừng
Pháp quán hướng dựa vào đâu?
Muốn sắc không cùng vô sắc
Theo trí lượng chẳng muốn thoát
Ái đã dứt chính dừng tâm
Ba cõi không, chẳng vui ý
Buông thoát hết còn được gì
Đã vượt biển không còn lo
Chẳng nguyện sau phải sinh lại.
Hạnh nguyện đất bày vật báu
Đến chẳng sinh, đi chẳng đến
Muốn buộc gì, từ đâu được?
Đều không sao nói tận cùng.
Chúng học Sa Môn nhất tâm
Tất khiến cầu nơi chốn đó
Như xúc chạm liền biết ngay
Chẳng ghen ghét, cũng không tham,
Tuy ở bậc cao chẳng vui
Giữa chẳng vui, dưới chẳng vui
Theo pháp sinh xả phi pháp
Tất cả không, cũng không có
Cùng không được, cũng chẳng cầu
Chẳng ham muốn tà lạc đời
Ý đã tịnh liền giải thoát.
Phật Thuyết Kinh Nghĩa túc này xong, chư Tỳ Kheo cùng Vua Duyệt đầu đàn và người dòng họ Thích thảy đều hoan hỷ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi - Thanh Tịnh Tam Quy Y
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi - Kinh Chữa đầu Không Tóc
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bà La Môn - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Tám - Phẩm Anh Vũ Nghe Tứ đế
Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Hiền Nữ