Phật Thuyết Kinh Ngũ ấm Thí Dụ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH NGŨ ẤM THÍ DỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa ở nước Ma Thắng, đi qua bến sông, thấy một đống bọt lớn trôi theo dòng nước.

Ngài bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, như đống bọt lớn này đang trôi theo dòng sông, người có mắt thấy vậy, quán sát xem xét, biết rõ nó không chắc thật mau bị tiêu diệt.

Vì sao?

Vì bọt nước không bền chắc. Như vậy, này Tỳ Kheo, tất cả các sắc trong quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, gần xa, các Tỳ Kheo hãy quan sát xem xét kỹ sắc này là hư giả không thật, chỉ là bệnh, phiền não, mụt ghẻ, giả dối, không thật, không thường còn, là khổ, là không, là chẳng phải thân, là tiêu diệt.

Vì sao vậy?

Bản chất của sắc là không thật.

Này Tỳ Kheo, như trời mưa, nước rơi xuống, bong bóng này sanh ra, bong bóng kia liền diệt. Người có mắt quán sát xem xét kỹ biết rõ chúng hư giả không thật, mau tan hoại.

Vì sao?

Là vì bong bóng không bền chắc. Này các Tỳ Kheo, cũng như vậy, tất cả thọ trong quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, gần xa, Tỳ Kheo nên quán sát kỹ thọ ấy là hư giả không thật, chỉ là như bệnh, phiền não, giả dối, mụt ghẻ, không thật, không thường còn, là khổ, là không, là chẳng phải thân, là tiêu diệt.

Vì sao?

Bản chất của thọ là không thật.

Này Tỳ Kheo, ví như cuối mùa hạ nóng bức, có bóng nắng giữa trưa. Người có mắt xem quan sát xem xét biết nó là hư giả, không thật, mau tiêu diệt.

Vì sao?

Bóng nắng là không thật. Này các Tỳ Kheo, cũng như vậy, tất cả các tưởng trong quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, gần xa, Tỳ Kheo nên quan sát kỹ tưởng ấy là hư giả không thật, chỉ là mê mờ, phiền não, mụt ghẻ, giả dối, không thật, không thường còn, là khổ, là không, là không phải thân, là tiêu diệt.

Vì sao?

Bản chất của tưởng là không thật.

Này Tỳ Kheo, như có người muốn tìm cây tốt nên mang búa vào rừng, thấy cây chuối thân thẳng đứng to lớn, nhân đó hạ gốc, chặt ngọn, róc lá, lột từng bẹ ra, bên trong hoàn toàn không có lõi cứng.

Người có mắt thấy vậy quán sát xem xét kỹ, biết rõ chúng là hư giả, không chắc thật, mau tiêu diệt.

Vì sao?

Là vì cây chuối không cứng chắc. Này Tỳ Kheo, cũng như vậy, tất cả hành ở quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, gần xa, Tỳ Kheo quán sát thật kỹ chúng là hư giả không thật, chỉ là mê mờ, phiền não, mụt ghẻ, hư giả, không chân thật, là khổ, là không, là không phải thân, là tiêu diệt.

Vì sao?

Bản chất của hành là không thật.

Này Tỳ Kheo, như nhà ảo thuật và đệ tử ở giữa đám đông người tại ngã tư đường, biểu diễn nhiều trò ảo thuật như bầy voi, bầy ngựa, các loại xe theo nhau. Người có mắt xem xét quán sát biết chúng là hư huyễn không thật, đều là hình ảnh do biến hóa.

Vì sao?

Huyễn hóa nên không thật. Này Tỳ Kheo, cũng như vậy, tất cả các thức hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, gần xa, Tỳ Kheo quan sát kỹ chúng đều là hư giả không thật, chỉ là mê mờ, phiền não, mụt ghẻ, hư dối, không chân thật, không còn thường, là khổ, là không, là chẳng phải thân, là tiêu diệt.

Vì sao?

Vì bản chất của thức là không thật.

Đức Phật nói kệ:

Đống bọt dụ cho sắc

Thọ như bong bóng nước

Tưởng bóng nắng trời nóng

Hành như thân cây chuối

Thức như người ảo thuật

Chư Phật dạy như thế

Phải quán sát pháp này

Xem xét kỹ, tư duy

Thấy rõ là không, giả

Biết rõ nó vô thường

Muốn quan sát các ấm

Chân trí thấy như vậy

Khi đoạn tuyệt ba việc

Biết thân không bền vững

Thọ mạng, noãn, và thức

Sau khi lìa bỏ thân

Thì thân nằm trên đất

Như cỏ không biết gì

Xem hiện tượng như vậy

Là giả, lại ngu tham

Tâm, tâm niệm đổi thay

Và không có bền vững

Biết năm ấm là vậy

Tỳ Kheo nên tinh tấn

Thế nên ngày và đêm

Tự giác niệm chánh trí

Thực hành đạo tịch ĩịnh

Đạt an lạc tối thượng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần