Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẬT THUYẾT
KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẦN NĂM
Này Đồng Tử! Bấy giờ Vua Đại Lực thỉnh Như Lai Thanh Đức và Tỳ Kheo Tăng tròn một ngàn năm. Vị Vua ấy đem tất cả sự tùy thuận thanh tịnh, không lỗi lầm, dùng tất cả y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc thang, mà cúng dường.
Này Đồng Tử! Đức Như Lai Thanh Đức và Tăng Chúng Thanh Văn được nhiều lợi dưỡng, cung kính tán thán. Lúc đó có các Bà La Môn, các trưởng giả, tịnh tín đối với Đức Như Lai Thanh Đức và Tỳ Kheo tăng liền phát ý dũng mãnh, học Vua Đại Lực cách cúng dường. Nghĩa là dùng tiền của thế gian làm vật cúng dường thù thắng thì người ấy không biết cách thực hành cúng dường.
Vậy thực hành cúng dường bằng cách nào?
Đó là thọ trì năm giới, tám giới, xuất gia đi đến chỗ Đức Phật, thân cận thưa hỏi để thấy pháp nhẫn sâu xa.
Này Đồng Tử! Lúc đó Như Lai Thanh Đức nghĩ như vậy: Các chúng sinh này ý chí hạ liệt, không thể thọ trì năm giới, tám giới, xuất gia đến chỗ Phật thân cận, thưa hỏi để thấy pháp nhẫn sâu xa, tu các phạm hạnh tịch tĩnh, viễn ly, thọ giới cụ túc, được phần Tỳ Kheo và đem thiện căn rốt ráo thọ hành.
Tịch diệt như vậy thì nhạc cụ, diệu lạc vô thượng thảy đều xa lìa, chỉ dùng của cải thế gian để cúng dường ta. Các chúng sinh này chỉ mong sự vui nhỏ mà cho là vui cùng tột. Các chúng sinh này chỉ trọng pháp hiện tại và pháp đời sau mà không thể yêu quý căn lành cứu cánh.
Sao gọi là coi trọng pháp hiện tại?
Đó là ưa thích ngũ dục.
Sao gọi là quý trọng căn lành đời sau?
Đó là ưa thích sinh lên Trời.
Sao gọi là căn lành cứu cánh?
Đó là sự thanh tịnh cứu cánh, tốt đẹp cứu cánh, phạm hạnh cứu cánh, cùng tận cứu cánh, tối hậu cứu cánh, Niết Bàn cứu cánh.
Nay ta muốn nói pháp như vậy khiến cho chúng này sinh hạnh bố thí, không vì sự cúng dường tối thắng cứu cánh, chỉ vì hạnh vô thượng mà cúng dường ta.
Này Đồng Tử! Lúc ấy Như Lai Thanh Đức muốn giác ngộ cho Vua Đại Lực và các Trưởng Giả Bà La Môn đó… nên nói bài kệ:
Nếu người hành bố thí tài thực
Còn tâm bỉ thử không kính nhau
Việc làm như vậy không đáng khen
Chư Phật, bậc trí đã xa lìa.
Nếu nói bậc trí tuệ vô ngã
Thắng nhân như vậy nên phụng sự
Nơi Thánh đế ấy tin bất động
Phụng kính như vậy Phật mới khen.
Nếu đem tài thực mà dâng thí
Chỉ được ít lợi nơi hiện tại
Có thể xa lìa thí như vậy
Người ấy thành tựu hạnh xuất gia.
Nếu ai hay khởi tâm không của
Lại hay hiển thị pháp không của
Cũng hay tịnh tín người không của
Người đó mau thành đạo vô thượng.
Không có ở trong năm dục lạc
Với vợ và con sinh ái trước
Kẻ ngu mãi sống ở trong nhà
Người đó đâu hay được lậu tận.
Nhàm chán năm dục như hầm lửa
Hay lìa ái nhiễm với vợ con
Sợ hãi cư gia cầu ra khỏi
Thành tựu bồ đề mới không khó.
Không có chư Như Lai quá khứ
Cùng với hiện tại và vị lai
Thường ở tại gia, sống trong dục
Mà có thể đắc đạo thắng diệu.
Vứt bỏ ngôi Vua như nước miếng
Sống nơi xa lìa, chỗ thanh nhàn
Đoạn trừ phiền não, hàng phục ma
Ngộ rõ đạo vô vi ly cấu.
Nếu hằng sa đời rất hùng mạnh
Ngàn vạn ức năm mà cúng dường
Có thể chán sợ ở tại gia
Công đức như vậy mới tối thượng.
Chẳng phải ẩm thực và y phục
Các diệu hoa hương và hương xoa
Những thứ như vậy cúng dường Phật
Như kẻ xuất gia phụng hành pháp.
Nếu ai thích cầu đạo Bồ Đề
Hay lợi chúng sinh, chán thế gian
Hướng đến không nhàn đi bảy bước
Phước báo như vậy mới tối thượng.
Này Đồng Tử! Khi Vua Đại Lực nghe Như Lai Thanh Đức, Bậc Ứng Chánh Biến Tri nói về nghĩa lợi của sự xuất gia tu hành như vậy xong, lại suy nghĩ rằng: Như ta đã hiểu nghĩa lý lời Phật dạy, Đức Như Lai chẳng phải nói Đàn Ba La Mật để được thanh tịnh cứu cánh, tốt lành cứu cánh, phạm hạnh cứu cánh, tận cùng cứu cánh, tối hậu cứu cánh, Niết Bàn cứu cánh.
Vua Đại Lực lại nghĩ như vậy: Không phải sống tại gia mà có thể đắc sự tu hành vô thượng, đắc sự lợi lạc, tu hành vô thượng, nhưng ta hiện nay xa lìa hạnh này.
Nay ta cần phải cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa, xuất gia hành đạo!
Này Đồng Tử! Khi ấy Vua Đại Lực cùng với quyến thuộc là tám vạn người vây quanh trước sau, đến chỗ Đức Phật Thanh Đức, đảnh lễ dưới chân, nhiễu bên phải ba vòng, rồi ngồi sang một bên.
Này Đồng Tử! Bấy giờ Như Lai Thanh Đức biết Vua Đại Lực cùng với quyến thuộc trong tâm có sự ưa thích liền vì họ phân biệt, chỉ bày, tuyên nói tam muội tất cả các pháp thể tánh bình đẳng không có hý luận.
Này Đồng Tử! Khi Vua Đại Lực nghe tam muội này, vui mừng khôn xiết, trong lòng hết sức yêu thích, liền ở chỗ Đức Phật Thanh Đức xả bỏ ngôi Vua, chánh tín xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y. Khi Vua đã xuất gia, thì có thể rộng nghe, đọc tụng, nhớ nghĩ, gìn giữ, phân biệt nghĩa lý, tu hành tương ưng với tam muội này.
Nhờ căn lành này, nên ở trong hai ức kiếp không đọa ác đạo, tuần tự được lại gặp hai ức Chư Phật, ở trong Phật Pháp thường được xuất gia, ở nơi mỗi mỗi Đức Phật, Vua thính thọ, đọc tụng, phân biệt nghĩa lý, tu hành tương ưng với tam muội này.
Nhờ căn lành này nên tuần tự tròn một trăm ức kiếp được thành Phật Đạo, hiệu là Như Lai Trí Dũng, Bậc Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, làm lợi ích vô lượng, vô biên chúng sinh, sau đó mới nhập Bát Niết Bàn.
Này Đồng Tử! Ông hãy quán thần lực của tam muội này thì có thể khiến cho Bồ Tát chiêu cảm được trí Phật.
Này Đồng Tử! Vua Đại Lực ấy đã dẫn tám vạn quyến thuộc đến nghe tam muội này, làm cho họ vui mừng vô hạn, tâm rất ưa thích. Họ cũng theo Vua, chánh tín xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thân mặc pháp y. Các người xuất gia ấy nghe tam muội này thì liền đọc tụng, thọ trì, phân biệt, giải thuyết, tu hành tương ưng. Nhờ căn lành này nên ở trong hai ức kiếp không đọa ác đạo.
Trong mỗi mỗi kiếp họ gặp một ngàn vạn Đức Phật, ở chỗ các Đức Phật ấy thường được xuất gia. Đã xuất gia rồi nghe tam muội này thì đọc tụng, thọ trì, ứng dụng trong sự tu hành.
Nhờ căn lành này nên sau đó tròn một trăm ngàn kiếp mỗi vị ở mỗi Thế Giới đều thành Phật Đạo, đồng một danh hiệu là Như Lai Kiên Cố Dũng Kiện, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh rồi sau đó các Ngài mới nhập Vô dư Niết Bàn.
Này Đồng Tử! Tam muội này có đại oai lực như vậy, hay khiến cho các Bồ Tát đạt đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn nói lại nghĩa này nên nói bài kệ:
Ta nhớ đời quá khứ lâu xa
Chẳng nghĩ bàn kiếp có Đức Phật
Hay làm lợi lạc cho chúng sinh
Hiệu là Thanh Đức Đại Tiên Tôn.
Hội đầu tập chúng tròn tám ức
Đều là các đệ tử Thanh Văn
Hội hai tập chúng số bảy ức
Hội ba sáu ức A La Hán.
Đã sạch hết lậu, không phiền não
Các sức thần thông đã rốt ráo
Đức Phật sống đến bốn vạn tuổi
Thế Giới Quốc Độ rất nghiêm tịnh.
Cõi Diêm Phù Đề có hai Vua
Tên là Đại Lực, Kiên Cố Lực
Lãnh thổ của hai vị Vua này
Mỗi Vua thống lĩnh nửa Diêm Phù.
Phật sinh trong nước Vua Đại Lực
Các vị Trời, người dâng cúng dường
Nhà Vua tịnh tín nơi Đức Phật
Cung kính cúng dường tròn ngàn năm.
Vô lượng dân chúng học theo Vua
Cúng dường Đức Như Lai các thứ
Dùng của cải đời phi pháp cúng
Phật và Thanh Văn đều đầy đủ.
Bấy giờ Thế Tôn mới nghĩ rằng:
Ta nói pháp này để bỏ dục
Sẽ khiến Nhà Vua sinh nhàm chán
Ở trong pháp ta mà xuất gia.
Khi ấy Nhân Tôn nói kệ rằng:
Vứt bỏ pháp ác là Phật Giáo
Tại gia lỗi nhiều, đủ các khổ
Tu hành như pháp là cúng Phật.
Khi Vua nghe nói kệ như vậy
Đến chỗ thanh vắng nghĩ như vậy:
Nay ta không thể ở gia đình
Mà làm pháp cúng dường tối thắng.
Liền bỏ ngôi Vua như nhổ đàm
Cùng với tám vạn các quyến thuộc
Đồng lúc đi đến chỗ Đức Phật
Đầu mặt đảnh lễ đứng trước Phật.
Phật biết tâm họ đều ưa thích
Nên nói định tịch diệt khó thấy
Họ nghe, ái kính và vui mừng
Mọi người hoan hỷ liền xuất gia.
Khi xuất gia rồi với định này
Đọc tụng, thọ trì, rộng phân biệt
Lần lượt trong số hai ức kiếp
Chưa từng đọa lạc ba đường ác.
Vị ấy nhờ các thiện nghiệp này
Được thấy trăm ức các Như Lai
Ở trong Phật Pháp thường xuất gia
Tuyên thuyết tam muội thù thắng này.
Về sau họ sẽ được thành Phật
Đồng hiệu: Kiên Cố Đại Tinh Tấn
Lợi ích vô lượng ức chúng sinh
Sau nhập Niết Bàn như lửa tắt.
Vào thuở xa xưa Vua Đại Lực
Thành Phật từ lâu hiệu Trí Dũng
Lợi ích vô lượng trăm ức chúng
Chứng Bồ Đề rồi nhập Niết Bàn.
Đã nghe lợi ích lớn như vậy
Mạt thế trì kinh, Phật khen ngợi
Nếu hay phụng trì Phật Pháp tạng
Họ sẽ mau chóng thành Thế Tôn.
Này Đồng Tử! Đó là Đại Bồ Tát vì yêu thích định này nên phải tu tập định này trước tiên.
Này Đồng Tử! Vì sao Bồ Tát đối với tam muội này phải tu trước tiên?
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát dùng tâm đại bi làm đầu.
Nếu Phật ở tại thế hay Phật đã diệt độ, thường xuyên cúng dường, đó là: Vòng hoa, hương bột, hương xoa, dù lọng báu, âm thanh, ca múa, hát xướng, kỹ nhạc, y phục, ẩm thực, thuốc thang, chữa bệnh. Dùng căn lành này đều để hồi hướng tam muội như vậy.
Lại không mong cầu các việc khác mà để cúng dường Phật, không cầu sắc đẹp, không cầu tiền của, không vì sinh lên Trời, không cầu quyến thuộc, chỉ niệm pháp tam muội này.
Bồ Tát ấy vẫn ở trong pháp, không thấy có Phật, huống lại ngoài pháp mà thấy có Phật sao!
Cho nên, này Đồng Tử! Đó là cúng dường Phật chân chánh mà cũng không thấy có Phật để thành, không chấp ngã tưởng, không cầu quả báo.
Bồ Tát ấy Tam luân thanh tịnh, dùng vòng hoa, hương bột, hương xoa, phan, lọng, dù báu, âm thanh, ca múa, hát xướng, kỹ nhạc, y phục, ẩm thực, thuốc thang, chữa bệnh… cúng dường Đức Như Lai để hồi hướng quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Nhờ căn lành này nên được công đức không thể nghĩ bàn, quả báo không thể nghĩ bàn. Được tam muội này nên mau thành tựu quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bốn - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Chương Một - Một Pháp - Phẩm Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu - Phẩm Thiện Hiện - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ngã Ngã Sở
Phật Thuyết Kinh Tám Danh Hiệu Của Chư Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Sáu