Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẬT THUYẾT
KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẦN SÁU
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Nếu ai dâng hương Vô Biên Trí
Hay được vô lượng quả báo hương
Trong ngàn vạn kiếp lìa đường ác
Hoàn toàn không có các xú uế,
Trong ngàn vạn kiếp hành thắng hạnh
Cúng dường trăm vạn ức Như Lai
Thành Phật Đạt được thắng giới hương.
Nếu lại rõ hiểu không chúng sinh
Thí hương, nhận hương cả hai không
Nếu hay khởi tâm thí như vậy
Sẽ được thuận nhẫn thắng nhu nhuyến.
Nếu người tu nhẫn tăng thượng này
Bị người cắt thân giống như trước
Trong ngàn vạn ức hằng sa kiếp
Nhưng tâm kiên cố không thoái chuyển.
Vì sao mà được gọi là nhẫn?
Vì sao lại gọi là tùy thuận?
Vì sao được gọi không thoái chuyển?
Vì sao lại gọi là Bồ Tát?
Tự tánh hân hoan không ngã chấp
Vì không ngã tưởng, không phiền não
Hay biết các pháp đều tận diệt
Do nhân duyên này gọi là nhẫn.
Điều Chư Phật học, tùy thuận học
Người trí như pháp thường tu hành
Biết pháp Chư Phật không nghi hoặc
Cho nên được gọi là tùy thuận.
Nếu tu hành lúc đời có ma
Hiện làm thân Phật nói lời rằng:
Phật Đạo khó được, làm Thanh Văn
Không chịu tín thọ là không thoái.
Giác ngộ các chúng sinh ác kiến
Họ không thể chứng đạo cam lồ
Khuyên bỏ ác đạo, trụ thiện đạo
Cho nên được gọi là Bồ Tát.
Người nhẫn trụ nơi đạo tùy thuận
Nhờ không ngã pháp, khiến khai ngộ
Cho đến trong mộng không khởi niệm
Còn có chúng sinh, tưởng thọ mạng,
Nếu ma vô lượng như hằng sa
Hóa làm thân Phật đến chỗ ta
Hoặc nói trong thân có thần ngã
Liền nói vô ngã, ngươi phi Phật.
Nhờ trí liễu đạt các pháp không.
Biết rồi không sống cùng phiền não
Do hý luận nên nói là có
Thấy rồi vắng lặng, hành thế gian.
Ví như người đời đã sinh con
Tùy ý của mình đặt tên gọi
Tìm tên khắp nơi cũng không có
Nên biết tên ấy không chỗ đến.
Lập danh Bồ Tát cũng như vậy
Bồ Tát khắp nơi không thể tìm
Cho đến thật tế cầu không được
Người biết như vậy gọi Bồ Tát.
Giả như trong biển đốt lửa cháy
Bồ Tát không hề khởi thân kiến
Bồ Tát được trụ sơ phát tâm
Đoạn sạch ác kiến, hết phiền não.
Không thấy có các pháp sinh diệt,
Gọi là chúng sinh và thọ mạng
Thể các pháp không, giống như huyễn
Việc này ngoại đạo không thể biết.
Hoặc sinh tham trước việc ăn uống
Khởi tâm luyến tiếc nơi y bát
Cùng với trạo cử và khinh tháo
Thì không thể biết Phật Bồ Đề.
Ham thích ngủ nghỉ và lười biếng
Gian ngụy, hung bạo không thu nhiếp
Không lòng tịnh tín nơi Chư Phật
Thì không thể biết Phật Bồ Đề.
Hủy phá giới cấm không hổ thẹn
Ở trong Phật Pháp không uy tín
Không kính các phạm hạnh đồng tu
Thì không thể biết Phật Bồ Đề.
Không hủy tịnh giới, có hổ thẹn
Ở trong Phật Pháp rất ưa thích
Hay cung kính người đồng phạm hạnh
Thì mới biết được thắng Bồ Đề.
Lấy cảnh giới Thánh làm niệm xứ
Hoan hỷ chính là giường, ngọa cụ
Lấy thiền làm cơm, định làm canh
Như vậy mới biết Phật Bồ Đề.
Vô ngã, nhẫn là chỗ kinh hành
Ở trong rừng không hành chánh niệm
Hương hoa thất giác rất đáng yêu
Ngửi xong liền thành đạo vô thượng.
Thể đạo Bồ Tát chỗ tu hành
Không phải việc làm của người khác
Gọi là Thanh Văn và Duyên Giác
Chỉ có người trí không tham đắm.
Ví thọ mạng ta rất lâu dài
Như cát Sông Hằng, vô lượng kiếp
Nối sợi lông Phật đức vô tận
Chút đức của Phật nói không hết.
Nếu nghe lợi ích lớn như vậy
Không sợ những điều Thế Tôn nói
Mau tự dạy người giữ định này
Được Bồ Đề Vô Thượng không khó.
Này Đồng Tử! Cho nên Đại Bồ Tát phải biết nhập vào ba pháp nhẫn một cách khéo léo. Đó là biết nhẫn thứ nhất, nhẫn thứ hai và nhẫn thứ ba. Trong nhẫn này phải biết một cách khéo léo. Lại đối với trí ấy cũng phải biết một cách khéo léo.
Vì sao?
Vì nếu Đại Bồ Tát đối với trong nhẫn trí mà biết một cách khéo léo thì Đại Bồ Tát ấy mau được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Cho nên, này Đồng Tử! Đại Bồ Tát nếu cầu mau chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì cần phải thọ trì ba môn pháp nhẫn này, thọ trì rồi phân biệt, nói rộng cho người khác nghe, làm lợi ích an lạc vô lượng chúng sinh, cứu giúp thế gian, làm lợi ích an lạc Chư Thiên và loài người.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Đồng Tử Nguyệt Quang liền nói câu kệ tụng pháp môn nhập vào ba nhẫn này:
Đối với chúng sinh không tranh cãi
Miệng không nói ra lời vô ích
Thường hay an trụ pháp lợi sinh
Gọi đó tên là Nhẫn đầu tiên.
Biết tất cả pháp giống như huyễn
Liền nơi tướng này không chấp thủ
Hay ở trong trí không tăng giảm
Nên gọi là thắng nhẫn đầu tiên.
Đã tu học các Tu Đa La
Trí và khéo nói hằng tương ưng
Không nghi hoặc trí Phật vô lượng
Đó gọi là thắng nhẫn đầu tiên.
Nếu nghe tất cả, khéo thuyết pháp
Giống như Phật thuyết không có nghi
Hay tin tất cả, các pháp Phật
Đó gọi là thắng nhẫn đầu tiên.
Với kinh liễu nghĩa thường tuyên diễn
Diễn thuyết như chỗ Phật đã nói
Nếu nói: Ngã, nhân và chúng sinh
Liền biết phương tiện mà tiếp dẫn.
Các dị kiến của nhiều ngoại đạo
Với họ, tâm Bồ Tát không đông
Lại đối vơi họ càng xót thương
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ hai.
Các Đà La Ni đến trước mặt
Với môn tổng trì không nghi hoặc
Những lời nói ra đều chân thật
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ hai.
Giả sử tướng bốn đại chuyển biến
Đó là đất, nước, gió và lửa
Với Bồ Đề Phật vẫn không lùi
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ hai.
Các nghề công xảo ở thế gian
Bồ Tát thảy đều khéo tu học
Không thấy có người giỏi hơn mình
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Sức Xa Ma Tha được điều phục
Núi Tỳ Bà Xá Na bất động
Tất cả chúng sinh không thể khinh
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Những lời nói ra thường tại định
Đi, đứng, nằm, ngồi luôn thanh tịnh
Chánh định kiên cố đến bờ kia
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Trụ nơi chánh định được thần thông
Đến nhiều Cõi Phật để thuyết pháp
Sức thần túc bậc trí không giảm
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Hoặc khi tu tịch định như vậy
Tất cả các loại quần sinh khác
Không thể biết ngằn mé tâm họ
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Giả sử các chúng sinh Thế Giới
Cùng lúc thành Phật diễn nói pháp
Người đó đều hay thọ lãnh hết
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương phụ
Hai phương trên, dưới cũng như vậy
Ở trong các phương đều thấy Phật
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Có thể biến hiện vô lượng thân
Tất cả đều có sắc vàng ròng
Đến vô lượng cõi để thuyết pháp
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Các cõi Diêm Phù, Thế Giới Phật
Tất cả đều thấy hình Bồ Tát
Chư Thiên và người đều hay biết
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Trong pháp Chư Phật, chỗ Phật hành
Có các oai nghi của Đạo Sư
Bậc Trí có thể khéo tu tập
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Có các chúng sinh trong Thế Giới
Đều đến khen ngợi Bồ Tát này
Bồ Tát với họ tâm hân hoan
Là chưa tu học nơi trí Phật.
Có các chúng sinh trong Thế Giới
Mắng nhiếc, hủy báng Bồ Tát này
Với họ, nếu khởi tâm sân hân
Nên biết chưa tu học trí Phật.
Nếu được lợi dưỡng tâm không mừng
Khi bị chống trái không buồn khổ
Tâm mình an trụ giống như núi
Gọi là tướng thắng nhẫn thứ ba.
Một là tùy thuận âm thanh nhẫn
Hai là tư duy tùy thuận nhẫn
Ba là nhẫn tu tập vô sinh
Học ba nhẫn này được Bồ Đề.
Nếu nơi ba thắng nhẫn như vậy
Bồ Tát nào có thể đắc được
Thiện Thệ khi thấy Bồ Tát ấy
Liền thọ ký Vô Thượng Bồ Đề.
Nếu ai một mình nghe thọ ký
Số ức chúng sinh không nghĩ bàn
Đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề:
Ta cần phải làm nhân trung tôn.
Nghe nói tiếng thọ ký như vậy
Tức thời đại địa sáu chấn động
Hào quang chiếu khắp mười phương cõi
Mưa hoa thắng diệu nhiều vô lượng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba