Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH NHÂN DUYÊN 

CỦA THÁI TỬ PHƯỚC LỰC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN HAI  

Thiên Chủ tán thán: Lành thay! Lành thay! Đại Sĩ có nguyện lực rộng lớn cao tột, ắt sẽ mau chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Thiên Chủ nói xong biến mất. Lại nữa, về sau vua nước kia tuổi già sắp chết mà chưa lập Thái Tử thọ phép quán đảnh.

Khi ấy, hoàng tộc, quan lại, nhân dân cùng nhau họp bàn: Chúng ta phải tìm người như thế nào để tiếp nối Vương vị quán đảnh?

Khi ấy có một người nói: Nếu có người có phước lực và tiếng khen lớn mới có thể kế vị được. Mọi người tán đồng ý này. Nhà Vua sai sứ đi hỏi tìm khắp nơi. Khi ấy Thái Tử Phước Lực sẽ kế thừa ngôi vương vị, thiện căn khai phát, cùng các người hầu cận đi dạo vườn cây.

Lúc Thái Tử đi đường đi bằng phẳng, đến nơi nào cũng không có các thứ gai gốc, ngói sỏi. Đến giữa đường, tướng cát tường xuất hiện, mưa phùn bay khắp hư không, xoay vòng trở lại trên đảnh Thái Tử. Các loài chim đẹp lạ uyển chuyển bay lượn.

Đồng nam, đồng nữ cất tiếng thù thắng vi diệu, chạy nhảy hân hoan vui mừng hớn hở, tất cả mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, lâng lâng phơi phới, lại nghe trên không trung tiếng nói vui mừng.

Thái Tử thấy sự tướng này, suy nghĩ: Sự tướng này xuất hiện, quyết định ta sẽ nối tiếp Vương vị quán đảnh. Thái Tử đi vào vườn thọ các phước lạc. Trong khu vườn này có một cây Vô Ưu lớn, hoa nở đầy cành, Thái Tử an nhiên nằm ngủ bên cây.

Những người đi cùng Thái Tử vì thích hoa quả nên đều ở trong vườn dạo chơi thưởng thức, còn Thái Tử nhờ oai lực phước đức nên có Long Vương và bỗng nhiên từ đất vọt lên hoa sen ngàn cánh vi diệu, đóa hoa to lớn vô cùng, sắc hương hoàn hảo, xinh đẹp vô ngần.

Long Vương kia lại dùng thần lực đem đặt Thái Tử lên trên hoa sen, lúc ấy Thái Tử hoàn toàn ngủ say, do đó giờ ăn dần qua, đúng giữa ngày, các bóng cây đều di động, chỉ có bóng cây Vô Ưu đứng im che thân Thái Tử như cũ không di động.

Ngoài ra, các cây hoa trong vườn đều ngã về phía cây Vô Ưu, tướng lành tốt đẹp vui ý mọi người. Lúc ấy Thái Tử Phước Lực mộng thấy thân mình ở trên ô uế lại thấy thân mình nhiễm ô uế lại thấy tự dùng lưỡi liếm khắp hư không lại thấy thân mình đứng trong hoa sen.

Lại thấy chính mình đi lên ngọn núi, lại thấy mọi người đảnh lễ mình.

Thái Tử thức dậy, chiêm nghiệm những giấc mộng vừa qua: Như ta mộng thấy thân mình ở trên ô uế, ắt là ta sẽ ở Vương vị quán đảnh, giàu sang tự tại. Theo như tướng ta đã thấy thân mình bị nhiễm ô uế, thì ta nên ở trên Tòa Sư Tử. Như ta thấy đi trên ngọn núi, thì tất cả nơi nào ta ở thường là nơi tối thượng.

Như ta đã thấy mọi người đảnh lễ, thì ta đáng là chỗ tôn trọng cho những người kia. Tất cả những việc như thế, suy xét các tướng trạng này, ta nhất định làm vua quán đảnh.

Bấy giờ, các quan cận thần nước kia, trước hết sai người đi khắp nơi tìm hỏi. Đến khu vườn nọ, họ liên tục lần lượt trông thấy tướng thù thắng cát tường của Thái Tử.

Họ sinh khiếp phục: Đây là người đại phước lực, có danh tiếng lớn. Sứ giả tức tốc quay về trình bày đầy đủ sự việc trên. Các quan nghe sứ giả nói đều rất hoan hỷ, y theo nghi pháp, chuẩn bị những thứ cần dùng, đi vào khu vườn để trao pháp quán đảnh. Đến nơi họ thấy các tướng thù thắng tốt đẹp.

 Lúc ấy Thái Tử phước Lực ở trên đại Liên Hoa vi diệu, ngồi kiết già. Vì phước lực khai phát nên Tứ Đại Tứ Đại Thiên Vương dâng Tòa Đại Sư Tử trang nghiêm của Cõi Trời, Thiên Chủ Đế Thích dâng lọng Trời tốt đẹp và các cây phất trần báu, Chư Thiên Đao Lợi dâng các màn báu trang nghiêm, rải các hoa báu rơi xuống như mây.

Tứ Đại Tứ Đại Thiên Vương và các chúng Thiên Tử rải xuống các thứ châu báu, tấu nhạc Trời tuyệt diệu đáng yêu và rải các y đẹp.

Vườn rừng trong nước khắp nơi thanh tịnh, không có nơi nào có gai gốc, đá sỏi, các tràng phan lụa quý được dựng bên đường đi, đặt bình diệu hương, rải các hoa lạ cùng hoa Thiên Cung…

Thiên Chủ Đế Thích sai Thiên Tử Tỳ Thủ Yết Ma, hóa ra lầu gác to lớn bằng bốn thứ báu trong khắp khu vườn để chuẩn bị cho Thái Tử tùy ý thọ dụng.

Khi ấy các quan trông thấy tướng hy hữu thù thắng như vậy càng lấy làm lạ, càng thêm cung kính vâng mạng Thái Tử. Thái Tử ngồi trên Tòa Sư Tử, các quan đảnh lễ, tôn phụng đúng nghi pháp để trao quán đảnh. Thái Tử được quán đảnh rồi, thân phát ra ánh sáng tỏa chiếu chung quanh khoảng một do tuần, ánh sáng này làm lu mờ ánh sáng mặt trời.

Khi ấy trong chúng có một nhóm người thấy ánh sáng này đều nói: Đấy là Thắng Quang Vương.

Có một nhóm người nói: Đấy là Phước Lực Vương.

Lúc Vua Phước Lực sắp vào Vương Thành, Thiên Chủ Đế Thích đến trước Nhà Vua, y theo nghi pháp cung hiến xong biến mất.

Vua Phước Lực đã vào Vương Thành rồi, khéo ban quốc chánh, nhân dân đông đúc, giàu có an vui, chấm dứt sự đấu tranh, dẹp yên kẻ địch, không còn giặc cướp, tật bệnh, đói khát.

Ngài thương yêu chăm sóc cho dân giống như con một. Vườn cây hoa quả đều sum suê, lúa má bội thu, mưa thuận gió hòa, khắp nơi nhuần thắm, không ai gây tội.

Bốn người anh của Vua Phước Lực sau đó nghe việc kỳ lạ này đều sinh kinh hãi và bàn với nhau: Thái Tử Phước Lực vượt chúng ta quá xa, phước tuệ vẹn toàn. Vì có phước lực cho nên làm đại Quốc Vương, giàu sang tột bậc, hợp với tâm ý ta. Bây giờ chúng ta nên đến chỗ Thái Tử. Khi ấy, bốn người anh cùng đi đến chỗ Vua Phước Lực.

Đến nơi họ cùng chúc tụng: Mong cho Đại Vương tuổi thọ tăng trưởng vô cùng.

Họ lại tán thán: Lành thay, Đại Vương! Trước kia Ngài có giao hẹn, nay đã có thể lập phước tuệ kiên cố. Nếu vậy thì Ngài vượt hơn chúng tôi, ở nơi nước khác thống lãnh Vương vị, đều do phước lực thù thắng của Ngài mà thành tựu. Anh em chúng tôi đều cùng ngưỡng mộ.

Khi ấy, vua Phước Lực từ Tòa Sư Tử hoan hỷ bước xuống, cung kính hỏi han, bày các tòa cao rộng mời các anh theo thứ tự mà ngồi. Các người anh mời Vua trở lại tòa cũ.

Các tòa đã sắp đặt, Thái Tử đem các thứ dâng biếu như trước đã định. Cùng nhau bàn luận xong, đều sinh tâm hoan hỷ định tĩnh.

Vua Phước Lực với ý tôn trọng, đem dâng biếu các vật. Hội họp như vậy hơn hai, ba ngày. Vua muốn khai phát cho mọi người và các anh biết thế nào là việc phước và không có phước.

Ngài thuyết kệ:

Người vô phước đọa trong địa ngục

Chịu nhiều khổ não không ngừng nghĩ

Hoặc đọa ngạ quỷ, hoặc súc sinh

Chịu khổ đói khát và gánh nặng.

Người vô phước tự hoại thân mình

Vô phước nhọc nhằn thân tôi tớ

Vô phước đọa vào trong điếc câm

Vô phước ngu đần vào tà tuệ,

Vô phước vướng vào đường yêu quái

Người vô phước hình hài xấu xí

Vô phước thường sinh dòng hạ tộc

Vô phước rối tâm người thấy ghét.

Người vô phước mê hoặc rất nhiều

Vô phước bị người thường khinh nhạo

Vô phước làm bất cứ việc gì

Tuy gắng hết mình không thành tựu.

Người vô phước có thân thô sáp

Vẻ tối tăm ai thấy cũng chê

Người vô phước nơi nào họ ở

Cây cỏ xanh tươi hóa khô cằn.

Người vô phước thường không vừa ý

Ngoại cảnh phương hại cũng như vậy

Các ác Quỷ Thần Bà La Sát

Thường hay khuấy nhiễu người vô phước.

Người vô phước thuốc thang trụ bệnh

Trở thành thuốc hại, bệnh nặng thêm

Do vô phước phải chịu bần cùng

Lại bị người khác thường khinh mạn.

Người vô phước sinh ra con cái

Tánh tình thô ác mọi người chê

Người vô phước tuy nhiều quyến thuộc

Thường hay ly tán khổ não sinh.

Người vô phước bị hoại nhãn mục

Các khổ triền miên cứ mãi sinh

Đa bệnh đều do nhân vô phước

Thuở nhỏ bệnh hoạn chữa khó lành.

Người vô phước chịu nhiều hung ác

Người vô phước thường mang tiếng xấu

Tay chân co quắp thân Bất Hoàn

Nói năng người nghe chẳng thuận tin.

Các sở hữu của người vô phước

Vua, quan, nước, lửa, giặc cướp tiêu

Vô phước chỉ nghe lời oán ghét

Gặp gỡ thường sinh điều sợ kinh.

Vô phước tuy sống nơi bằng phẳng

Tùy chỗ họ ở gai gốc sinh

Giả sử trồng trọt hay buôn bán

Tuy làm nhiều mà lợi chẳng sinh.

Người vô phước mọi thời mọi lúc

Tài sản, của báu đều tan hoại

Thế gian ít có kẻ quan tâm

Thật không khả ái, không thiện lợi.

Người vô phước tướng đều như vậy

Người trí nên biết cần loại bỏ

Người phước hành động khéo hộ trì

Trong tất cả thời không hao mất.

Người phước làm việc không lười mỏi

Thường khởi tâm kiên cố dũng mãnh

Như lọng che mát vô cùng rộng

Có thể ngăn trừ cơn mưa xấu.

Như nghé theo mẹ thường cho bú

Người phước mong muốn đều như ý

Như cây kiếp ba xem vừa ý

Thường đạt tất cả quả mong cầu.

Người phước thường đủ sức nhẫn nhục

Và được ý vui đại cát tường

Tín, hạnh sâu chắc y theo được

Đời đời đều đủ tướng đẹp đẽ.

Người phước vang danh khắp mọi nơi

Đầy đủ đa văn và trí tuệ

Người thấy đều sinh tâm yêu thích

Lại hay đạt được nghe, nghĩ, nhớ.

Người phước lâm chung không tật bệnh

Lâm chung cũng lại sinh hỷ hoan

Cảnh tướng xấu xa chẳng hiện tiền

Viễn ly sợ hãi và đau khổ.

Người phước lâm chung vui Cõi Trời

Thiên Cung lầu gác hiện trước mặt

Đao Lợi Chư Thiên, Dạ Ma Thiên

Khắp cả Trời người đến tiếp dẫn.

Chư Thiên Tử Cung Trời Đâu Suất

Chúng Trời Hóa Lạc cũng như vậy

Tha Hóa Tự Tại, Dục Giới Thiên

Đều đến để hộ vệ người phước.

Người phước giống như Đại Phạm Vương

Câu chi chúng Trời đều sùng phụng

Ở cõi một ngàn chúng Phạm Thiên

Rộng lớn tôn nghiêm và tự tại.

Người phước làm chi đều thành tựu

Lại luôn luôn ở nơi khoái lạc

Tất cả đều sinh tâm yêu thích

Cho đến cảnh ngoài không phương hại.

Các người anh và mọi người nghe xong bài kệ, tâm đều tin phục đối với Vua Phước Lực. Họ vô cùng hoan hỷ, đời này và đời khác xin được khai thị rõ ràng, tất cả đều biết phước lực là tối thắng.

Khi ấy vua Phước Lực nói rộng về phước cho mọi người nghe, khai phát tâm rồi quán sát hư không, thầm nói: Vui thay! Bây giờ ta có thể biến khắp trong, ngoài Vương Thành, mưa xuống các loại y phục, trân bảo. Khi vua khởi tâm như thế, bỗng có các loại y phục rất tốt đẹp và các loại hoa, châu báu làm vui lòng mọi người từ Trời rơi xuống đầy khắp trong, ngoài Vương Thành.

Lúc tướng này hiện ra, Trời người đều vui vẻ và sinh ra kinh dị, khởi lòng tin thanh tịnh to lớn, cùng cất tiếng: Vui thay! Thiên Tử có đủ phước lực, đủ đại oai đức.

Lại nữa, sau đó, Vua ở các Tiểu Quốc nghe sự việc này đều suy nghĩ: Vua đó có đại phước lực. Đủ danh tiếng lớn. Nay ta nên đến đó tôn phụng vị ấy.

Do đó, Vua các Tiểu Quốc cùng hội lại một chỗ, mỗi nước thống lãnh bốn binh chủng: Tượng, mã, xa, bộ binh.

Mọi người cùng đến chỗ Vua Phước Lực, xuống xe tiến đến cung kính bái chào, chắp tay tâu rằng: Thiên Tử đại phước, đủ đại danh xưng, là đại Quốc Vương, oai đức tối thượng. Vì thế, hôm nay chúng tôi đến đây xin phụng mạng. Vua Phước Lực ân cần thăm hỏi, an ủi khắp mọi người.

Sau đó theo thứ bậc ngồi xuống. Kế đến các quan thuộc mỗi người đem châu báu thượng diệu vô giá phân phát, lại đem Pháp Môn Thập Thiện nhiếp hóa mọi người. Khi ấy các Vua Tiểu Quốc đều được lợi ích thù thắng, đều trở về bổn quốc.

Sau đó Phụ Vương Nhãn Lực dần dần nghe biết sự kiện kỳ lạ như thế, trước hết sai sứ đến nước Thái Tử Phước Lực, rồi Ngài đích thân nhanh chóng cùng các quan thuộc suốt trọn ngày đêm vội vã lên đường.

Vua đến nơi rồi, vì thương nhớ con nên khi vừa trông thấy con, hai dòng lệ chảy dài, mừng mừng tủi tủi, cất tiếng bi thương, vội vã xuống xe, đến cầm tay con nhìn một hồi lâu, Phụ Vương mới nói: Ta là cha con, ắt con biết rõ. Ta nay tuổi đã già suy, việc trị nước thật khó khăn, ta không kham nổi, nay giao phó cho con, con nên gánh vác. Nói xong, Vua cha liền đem mão báu của mình đặt nơi đầu con. Như lời cha dạy, người con cai trị luôn nước của Vua cha.

Như thế Vua Phước Lực thông lãnh trị vì cho đến tận cùng cõi Diêm Phù Đề oai lực cao vời, đất nước phú cường tự do. Vua Phước Lực chu cấp châu báu, của cải cho tất cả nhân dân và dùng Pháp Thập Thiện giáo hóa dẫn dắt họ.

Lúc ấy nhân dân ở Diêm Phù Đề thịnh vượng, an vui và hạnh phúc, không có sự đấu tranh và oán thù với quân địch, không có trộm cắp, đói khát và tật bệnh, cũng không có người bần cùng thiếu thốn, ai cũng có kho tàng quý giá đầy đủ, có nhiều bà con, như ý tự tại.

Lại ở tất cả mọi nơi, tự nhiên gai gốc, đá sỏi đều tiêu hết, không có thời tiết xấu làm cho mưa móc thấm nhuần. Hoa quả sum suê, lúa má ngập đồng.

Nhân dân đều biết tăng trưởng phước lực, thực hành bố thí và các phước sự, tâm ý trong sạch, tu trì giới hạnh. Nhân dân ở Diêm Phù Đề mạng chung đều sinh lên Tứ Đại Tứ Đại Thiên Vương.

Vua Phước Lực khai phát thiện căn cho tất cả mọi người đời nay và đời sau, làm lợi ích lớn, có vô số ngàn người sau khi qua đời được sinh lên Trời Đâu Suất.

Đức Phật dạy các thầy Bí Sô: Các ông nên biết, Vua Phước Lực kia đâu phải người nào lạ, nay tức là ta. Lúc ta còn là vị Bồ Tát là Vua Phước Lực, Vua cha Nhãn Lực nay là vua Tịnh Phạn, Hoàng Hậu Quảng Chiếu tức Hoàng Hậu Ma Da.

Đồng tử có sắc tướng cụ túc nay là thầy Bí Sô A Nan, đồng tử có tinh tấn cụ túc nay là thầy Bí Sô Văn Nhị Bách Ức, đồng tử có công xảo cụ túc nay là thầy Bí Sô A Nê Lâu Đà, đồng tử có trí tuệ cụ túc nay là thầy Bí Sô Xá Lợi Phất, Thiên Chủ Đế Thích khi đó nay là thầy Bí Sô Mục Kiền Liên, Quốc Vương sắp mạng chung ở nước kia nay là Ma Vương, người nghèo kia nay là thầy Bí Sô La Hầu La.

Ông thầy thuốc bị vua trị phạt nay là thầy Bí Sô Kiều Trần Như. Này các thầy Bí Sô, vì lý do đó nên biết, trong mọi thời mọi lúc, các chúng hữu tình phải nên tu tập hạnh nghiệp phước lực thù thắng này. Thế nên đầu tiên ta thuyết về phước lực, vì ta không thấy một pháp nhỏ nào tu tập được nhiều lợi ích như thế.

Lúc ấy các thầy Bí Sô đều sinh nghi ngờ nên bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, Vua Phước Lực kia kiếp trước tu hạnh nghiệp gì mà được cảm thọ báo ứng này, được làm Vua thống trị các nước, có đủ tiếng khen, oai đức thù thắng, hưởng phước Trời người?

Các vật cần dùng chỉ nghĩ đến là đã có tất cả như ý muốn, từ Trời rơi xuống. Khi đản sinh trái đất chán động, trên không trung đồ quý báu rơi xuống Tòa Sư Tử, Trời Đế Thích dâng lọng, kho tàng châu báu hiện ra… những việc ấy thế nào xin Đức Phật giảng giải cho chúng con.

Đức Phật dạy: Này các thầy Bí Sô, Vua Phước Lực tu nghiệp phước tích tụ trong nhiều đời, hạnh nguyện rộng lớn hợp các duyên lực, chắc chắn sẽ thọ phước báo thù thắng.

Này các thầy Bí Sô, các thầy nên biết, tất cả hạnh nghiệp mà loài hữu tình đã làm đều không ngoài các duyên thành tựu, cũng chẳng ngoài địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới được kết thành, hoặc các thiện và bất thiện đều tùy theo uẩn, xứ, giới khởi ra các hạnh nghiệp.

Đức Phật thuyết kệ:

Giả sử trải trăm kiếp

Không hoại các nghiệp nhân

Khi nhân duyên hòa hợp

Hữu tình tùy thọ quả.

Này các thầy Bí Sô, ta nhớ kiếp quá khứ lâu xa, khi ấy có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Năng Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Đức Phật đối với khắp thế gian làm Phật Sự rồi, cuối cùng ở trong một nước nọ, vào Cõi Vô Dư Y đại Niết Bàn, như củi hết lửa tắt.

Vị Quốc Vương nước đó thâu Xá Lợi cửa Ngài tạo lập Bảo Tháp to lớn để cúng dường. Sau đó các chúng Bí Sô đánh trống, gõ kiền chùy, phát loa báo cáo khắp đại chúng.

Trăm ngàn vô số các thầy Bí Sô tập họp lại một nơi, có một vị Đại Pháp Sư nhân ngày thuận duyên khắp vì tất cả mà tuyến thuyết pháp yếu.

Khi ấy trong nước có một người đánh bạc tên Đắc Thắng, ông ta rất ghiền các trò chơi cờ bạc, vợ ông ta tên Quảng Thắng, con cũng cùng tên.

Ban đầu người này gom góp gia tài đem chơi cờ bạc nên của cải, tài sản dần dần về tay người khác, cuối cùng gia tài tiêu tán hết, chỉ còn hai chiếc áo khoác, cây dù, đôi giày da thường dùng và năm đồng tiền vàng.

Một hôm, người này bỗng nói: Ta vì không tạo nhân phước cho nên mới bị nghèo khổ thế này. Nói xong, ông ta kêu than và đem các vật đó ra khỏi nhà, lần lượt hỏi những người chơi đánh bạc, đường đi đến chỗ thuyết pháp.

Đắc Thắng thấy vị đại Pháp Sư ngồi trên Tòa Sư Tử, có nhiều người ngồi chung quanh, cung kính chắp tay nghe pháp.

Ông ta trông thấy hình ảnh tốt đẹp này sinh tâm thanh tịnh, suy nghĩ: Bây giờ ta cũng nghe pháp như vậy. Đắc Thắng liền đặt các vật mang theo ở một chỗ rồi chắp tay chí thành lắng nghe thuyết pháp.

Khi ấy vị Pháp Sư thuyết kệ:

Người nên tu tập các nhân phước

Như thế hành trì chớ gián đoạn

Tùy việc ưa thích theo thời làm

Do nhờ chứa phước được an vui.

Đắc Thắng nghe kệ và suy ngẫm câu do nhờ chứa phước được an vui: Từ lâu ta đã không tạo nhân phước cho nên bị nghèo khổ, bây giờ ta nên tùy khả năng mà thực hành chút ít việc phước.

Nhưng lại nghĩ: Gia tài của cải chẳng còn gì ngoài các vật tùy thân, trong đó ta lấy năm đồng tiền vàng và một tấm áo choàng, hoặc đem bố thí phải nghĩ đến người rất nghèo đến nỗi muốn tự vẫn.

Nếu ta không bố thí sẽ vĩnh viễn hủy hoại nhân phước, ở trong đời khác sẽ không có chỗ mong nhờ. Bây giờ ta có thể dùng phương tiện nào có thể lìa sự nghèo khổ, bảo tồn thân mạng trong đời sống, tu theo phước sự không mất nhân thù thắng.

Bây giờ ta thà chịu sự đói nghèo ắt được nhiều phước đức, vì thế đem tiền vàng và áo choàng để bố thí.

Khi Đắc Thắng suy nghĩ như thế, vị Pháp Sư kia lại nói kệ:

Thiện pháp phải nên mau chóng tu

Tức hay dứt trừ bao nghiệp tội

Như thế nên tu nhân thắng phước

Tất cả nghiệp tội chẳng an vui.

Đắc Thắng lại nghe câu kệ này, suy ngẫm lời nói ấy: Mau tu thiện pháp và quyết định làm việc này.

Do đó ông ta phát khởi tâm bố thí thanh tịnh, đem cây dù che trên đầu vị Pháp Sư, lấy đôi giày đặt dưới chân vị Pháp Sư, trải năm đồng tiền vàng bên cạnh tòa ngồi, đem chiếc áo choàng khoác lên mình vị Pháp Sư.

Trong lòng Đắc Thắng vô cùng hoan hỷ, cảm thấy lâng lâng, ông đảnh lễ dưới chân thầy, càng sinh thêm lòng tin thanh tịnh, phát nguyện: Con nguyện đem căn lành bố thí tối thượng, trong đời này và mãi mãi về sau, đời đời đều có đại phước lực thù thắng, có đủ đại danh xưng, thọ phước Trời, người, oai đức cao vời, làm vua các nước. Nếu cần điều gì, thì theo ý nghĩ vật ấy liền hiện ra, tốt đẹp tràn đầy vô tận.

Khi Đắc Thắng phát nguyện rộng lớn như vậy, vị Pháp Sư liền hồi hướng công đức cho ông ta. Lúc đó người chơi cờ bạc rời khỏi hội chúng. Chỉ còn lại chiếc áo che thân trở về nhà.

Vợ và con trông thấy kinh dị, nghĩ rằng: Trước đây, ông ta đã đem các vật dụng ra đi, có lẽ đánh bạc hết rồi, nên người vợ hỏi: Này chàng, trong nhà bây giờ chỉ còn có tôi và đứa con nhỏ, ngoài ra không còn vật gì cả, chẳng lẽ chúng ta cũng sắp chết hay sao?

Người chồng càng thêm bị các sự nghèo cùng khốn khổ bức bách, mới định thần vì nhân duyên này, nói kệ:

Thế gian khổ nào hơn khổ nghèo

Khổ nghèo cũng đồng như khổ chết

Ta thà cam tâm chịu khổ chết

Chứ không thích sống với khổ nghèo. 

Nói kệ xong Đắc Thắng đứng đó than thở. Sau đó người vợ ông ôm bình ra giếng nước, tuy múc được nước nhưng bà dùng hết sức vẫn không kéo lên được.

Bà vợ gọi chồng đến xem thử, cả hai vợ chồng cùng sức kéo cũng không lên được, lại gọi thằng con. Cả ba người dồn hết sức lực mới kéo lên được chút ít, họ vô cùng kinh ngạc khi thấy dưới bình nước có ba ống bằng sắt đựng đầy tiền vàng xếp chồng lên nhau.

Người chồng mới thấy kinh dị, suy nghĩ: Chẳng lẽ trước đây ta bố thí bây giờ được quả này.

Ông ta vui vẻ nhìn những đồng tiền vàng, nói kệ:

Lạ thay, công đức hiện nơi này

Tất cả tội lỗi đều dứt sạch

Những gì nay được, do trước trồng

Nên biết quả báo là như vậy.

Người vợ của Đắc Thắng vui mừng hỏi: Này chàng, những điều tốt đẹp như thế này ra sao, xin hãy nói cho tôi rõ. Đắc Thắng kể hết cho vợ nghe. Sau đó ông ta đánh bạc luôn được thắng, phước lực khai phát hiện tại được quả báo này.

Do đó tiếng đồn vang khắp mọi nơi, mọi người trong nước cùng nói với nhau: Thật là hy hữu thay đại phước đặc thù này, bỗng nhiên ông ta trở thành giàu có, thong dong. Đắc Thắng từ đó về sau hướng về Phật, Pháp, Tăng sinh lòng tin thanh tịnh càng hơn trước, ngày ngày ở nơi Tháp Phật, rộng lớn cúng dường, lại tu tập thọ trì chánh pháp.

Mỗi ngày Đắc Thắng đều đem món ăn thượng vị dâng cúng dường Chúng Tăng. Ngoài ra các Sa Môn, Bà La Môn, những người hành khất bên đường cũng được Đắc Thắng cung cấp đầy đủ các món cần dùng.

Lại lập Tinh Xá rộng lớn, thỉnh các thầy Bí Sô khắp nơi về ở để ông ta thừa sự cúng dường. Vì thế danh tiếng Đắc Thắng vang xa đến mọi nơi.

Sau đó Quốc Vương nước kia bỗng qua đời và không có người kế vị. Các quan cận thần, hàng quyến thuộc biết người kia có phước lực lớn, tiếng tăm lớn họ bàn với nhau rồi ân cần mời thỉnh người đó lên kế thừa Vương vị.

Thế là tên gọi người đánh bạc không còn nữa, mà được mọi người tôn xưng là Đắc Thắng Đại Vương. Vua Đắc Thắng đạt được thành quả như vậy, lòng hân hoan phát tâm mãnh liệt càng làm việc phước và bố thí nhiều hơn trước.

Ông tu trì giới hạnh, khắp vì quan quân, quyến thuộc và tất cả mọi người mở mang nhân phước xong, đến lúc mạng chung liền sinh lên Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, làm con của Tứ Đại Thiên Vương kia.

Khi sinh lên Trời, Vua Đắc Thắng có các châu báu như ý thượng diệu và các y phục từ trên không rơi xuống, thân chiếu ánh sáng làm át cả ánh sáng của các vị Trời khác. Các vị Trời thấy hiện tượng này đều ngạc nhiên và khen ngợi là ít có quả thắng phước như thế.

Đức Phật dạy các Bí Sô: Các thầy nên biết, vua Đắc Thắng đâu phải người nào lạ, tức là vua Phước Lực ta đã nói lúc trước. Người ấy ban đầu là kẻ chơi cờ bạc, lại có thể phát tâm hoan hỷ ưa thích nghe pháp, đã dốc hết những gì mình có cho Pháp Sư. Vì thế hiện tại được quả báo thù thắng, kế tục ngôi Vua, khai phát nhân phước.

Do nhân duyên này, hai mươi sáu đời làm Tứ Đại Thiên Vương cõi Tha Hóa Tự Tại, ba mươi sáu đời làm Tứ Đại Thiên Vương Cõi Hóa Lạc, ba mươi sáu đời làm Tứ Đại Thiên Vương Cõi Đâu Suất, ba mươi sáu đời làm Tứ Đại Thiên Vương cõi Dạ Ma, ba mươi sáu đời làm Tứ Đại Thiên Vương cõi Đao Lợi, ba mươi sáu đời làm Tứ Đại Vương Tứ Đại Thiên Vương.

Vô số trăm đời làm Kim Luân Vương, dùng chánh pháp trị hóa khắp bốn thiên hạ, bảy báu đầy đủ, đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, thần chủ tàng báu, thần chủ binh báu.

Bảy báu như thế tùy ý thọ dụng. Nhà Vua có ngàn người con, hình tướng rất đẹp đẽ, dũng kiện, tinh tấn, có thể hàng phục các quân khác.

Từ chân Trời góc bể đến khắp cõi nước đều không có các sự khủng bố, trộm cắp, dao gậy… mọi người đều tu tập chánh pháp, vui sống an lành.

Lúc bấy giờ Thế Tôn thuyết kệ cho các Bí Sô:

Các thắng nhân Đại Sĩ như thế

Nhiều đời làm chủ tể hơn hết

Do Phật phổ nhiếp nơi thế gian

Điều này Chư Phật thường đã dạy.

Nếu được nghe là việc hy hữu

Nhân duyên rộng lớn thần thông này

Người tạo nghiệp xấu còn sinh tín

Những ai có trí chưa khai ngộ.

Cho nên như thế rất hy hữu

Bậc oai đức lớn tùy mong cầu

Hãy nên tôn trọng môn chánh pháp

Những lời Phật dạy nhớ nghĩ luôn.

Đức Phật dạy các thầy Bí Sô: Những điều ta dạy, các thầy hãy tu học như vậy.

Thế nên thường tinh cần ưa thích chánh pháp, tôn trọng, cung kính, tín thờ, cúng dường. Làm bất cứ điều gì, hãy lấy làm y chỉ. Người học tập như vậy được lợi ích lớn.

Đức Phật nói Kinh này xong, các thầy Bí Sô và mọi người nghe lời Phật dạy đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần