Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI
QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN NĂM
Lúc ấy, cả hai thấy Thái Tử bỏ đi liền kêu khóc thảm thiết, bởi bỗng nhớ đến ân tình sâu nặng của Thái Tử và cũng vì nhận lệnh của Đức Vua đến chỗ Thái Tử mà vẫn không thể nào làm chuyển lay được ý chí của người nên cứ quanh quẩn bên đường, không thể quay về.
Họ bàn với nhau: Chúng ta đã chịu mệnh lệnh của Vua mà không làm được việc, bấy giờ trở về không có Thái Tử biết tâu với Vua thế nào?
Vậy chúng ta nên để lại năm người trong số những người đi theo, chọn những người thông minh trí tuệ, tính tình ôn hòa, trung tín, ngay thẳng thuộc dòng họ nổi tiếng, ngầm sai họ theo dõi Thái Tử xem người đi về đâu và dừng lại nơi nào.
Nói xong cả hai vị xem xét trong đoàn người hầu cận thân tín, thấy nhóm người năm ông Kiều Trần Như là xứng đáng, liền bảo họ: Các ông có thể ở lại được không?
Năm người đều đáp: Thật là hạnh phúc!
Chúng tôi xin tuân lời ở lại để theo Thái Tử, xem người đi về đâu. Nói xong, cả năm người vội từ biệt đi theo hướng Thái Tử vừa đi, còn hai vị Quốc Sư và quan Đại Thần cũng quay gót về cung.
Trên đường tới trụ xứ của hai vị Tiên Nhân A La La và Ca Lan, Thái Tử đã vượt qua Sông Hằng rồi theo đường đến thành Vương Xá. Khi vào thành, dân chúng thấy thân tướng và dung mạo vô cùng trang nghiêm, đẹp đẽ của Thái Tử nên rất hân hoan ngưỡng mộ cung kính.
Dân chúng trong thành tranh nhau đến xem làm huyên náo cả thành khiến Vua Tần Tỳ Sa La ngạc nhiên hỏi các quan hầu: Có việc gì mà ồn ào, inh ỏi thế?
Các quan thưa: Vị Thái Tử con Vua Bạch Tịnh tên là Tát Bà Tất Đạt khi mới sinh đã được các thầy tướng đoán rằng sau này sẽ lên ngôi Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ, còn nếu xuất gia sẽ thành Bậc nhất thiết chủng trí. Người ấy vừa vào thành, dân chúng đã tranh nhau đến xem nên gây ra huyên náo ồn ào.
Vua Tần Tỳ Sa La nghe tâu trong lòng rất đỗi vui mừng liền sai một người đi dò xem nơi ở của Thái Tử.
Sứ giả vâng lệnh đi tìm, gặp Thái Tử đang ngồi tĩnh tọa suy tư trên một phiến đá tại núi Bàn trà bà. Sứ giả vội trở về trình tâu lên Vua. Đức Vua liền sai chuẩn bị xa giá cùng các quan và nhân dân đến chỗ Thái Tử.
Khi vừa đến núi Bàn Trà Bà, từ xa Vua đã thấy tướng mạo của Thái Tử sáng rỡ như mặt trời, mặt trăng nên liền xuống ngựa dẹp bỏ nghi trượng, không cho người hầu đi theo, Vua đến bên Thái Tử ngồi và vấn an sức khỏe: Thái Tử có được bình yên không?
Được gặp Thái Tử tôi rất vui mừng, nhưng có một điều buồn đó là Thái Tử vốn thuộc dòng họ cao quý, nhiều đời nối ngôi làm Chuyển Luân Vương, có đầy đủ tướng của một vị Chuyển Luân, sao lại rũ bỏ tất cả vào trong rừng sâu, giẫm trên gai góc đất cát từ xa đến đây, tôi buồn là vì thấy điều ấy.
Nếu Thái Tử thấy Vua cha còn tại thế, không thể lên ngôi Chuyển Luân Vương, tôi xin chia nửa nước tôi cho người cai trị, còn nếu Thái Tử chưa đồng ý thì tôi xin nhường cả nước cho Ngài, tôi sẽ phụng sự Thái Tử.
Nếu Thái Tử không muốn cai trị Vương Quốc này, tôi xin giao cho Ngài bốn đạo binh để chiếm lấy một nước khác. Điều ấy chắc không trái với ước nguyện của Thái Tử.
Nghe Vua Tần Tỳ Sa La nói thế, Thái Tử rất cảm động về tấm chân tình của Nhà Vua liền đáp: Đại Vương vốn thuộc dòng họ quyền quý, bản tính cao thượng, thuần thiện, không làm những điều sai quấy, bất nhã, những điều Đại Vương đã làm đều rất cao đẹp, trong sạch, nay nói những lời ấy không lấy gì làm lạ.
Tuy tôi biết lòng chí thành của Đại Vương hơn hẳn người đời xưa nay nhưng nay Đại Vương đang tu theo pháp tam kiên là xem thường thân thể, mạng sống và tài sản thì lẽ nào đem pháp bất kiên mà khuyến dụ người khác.
Tôi đã bỏ ngôi Chuyển Luân thì lý đâu lại nhận ngôi Vua. Đại Vương có lòng chân thành nhường Vương Quốc cho tôi, tôi còn không nhận thì lẽ nào lại đem quân đi đánh chiếm Quốc Gia khác. Sở dĩ tôi nay lìa xa cha mẹ, cạo bỏ râu tóc, không màng ngôi vị là muốn dứt các nỗi khổ sinh già bệnh chết chứ không muốn đi tìm cầu năm món dục lạc ở đời đâu.
Năm món dục lạc ấy là đống lửa thiêu đốt chúng sinh làm cho họ không thoát ra được, sao lại khuyên tôi say đắm nó?
Nay tôi đến đây vì muốn tìm hai vị Tiên Nhân A La La và Ca Lan là các vị Đạo Sư có con đường giải thoát tối thượng, tôi từ xa đến đó là muốn tìm đạo giải thoát nên không ở lại đây lâu.
Tôi đã làm trái với ân điển và lòng thành của Đại Vương, mong Đại Vương chớ phiền trách. Xin Đại Vương dùng chánh pháp để trị quốc, đừng bỏ dân.
Nói xong, Thái Tử đứng dậy từ giã Nhà Vua.
Vua Tần Tỳ Sa La thấy Thái Tử ra đi trong lòng rất luyến tiếc, đôi mắt ứa lệ, chắp tay thưa: Vừa gặp Thái Tử, lòng tôi rất vui mừng. Nay Thái Tử vội ra đi khiến lòng tôi buồn bã. Ngài vì đạo lớn giải thoát, tôi không dám cầm giữ, chỉ mong Thái Tử mau chóng thành tựu đạo quả. Nếu Ngài đắc đạo xin độ tôi trước.
Thái Tử từ biệt lên đường, Vua theo tiễn chân rồi đứng nhìn đăm đăm theo bóng Thái Tử cho đến khi Thái Tử khuất hẳn mới trở về.
Bấy giờ Thái Tử đi đến chỗ vị Tiên A La La.
Trước đó Chư Thiên đã báo với vị Tiên Nhân: Thái Tử Tát Bà Tất Đạt đã lìa bỏ ngôi vị Quốc chủ xa lìa cha mẹ là vì muốn tìm Đạo Vô Thượng Chánh Chân để trừ tận khổ đau cho tất cả chúng sinh, nay người sắp đến đây.
Vị Tiên Nhân nghe Chư Thiên báo tin rất vui mừng. Trong giây lát đã thấy Thái Tử từ xa đi tới, Tiên Nhân liền ra nghênh tiếp. Hai vị chào hỏi nhau rồi Thái Tử theo vị Tiên Nhân vào nơi ông cư trú. Đến nơi, Tiên Nhân mời Thái Tử ngồi.
Nhìn thấy dung mạo Thái Tử đoan nghiêm có đủ các tướng tốt, các căn đều thanh tịnh, A La La rất kính trọng, ngưỡng mộ, bèn hỏi Thái Tử: Ngài đi đường có mệt mỏi lắm không?
Từ lúc Thái Tử sinh ra lớn lên cho đến khi xuất gia rồi đến đây, tôi đều biết cả. Việc Thái Tử xuất gia có thể nói như đống lửa tự cháy, như voi lớn tự thoát khỏi dây cương ràng buộc.
Xưa nay các vị Vua ở tuổi tráng niên thường phóng túng thọ hưởng năm dục, đến khi tuổi già mới rời bỏ ngôi Quốc chủ xuất gia học đạo, điều đó chẳng có gì lạ.
Nay Thái Tử trong lúc tuổi còn thanh xuân đã có thể lìa bỏ năm dục, xuất gia học đạo mới thật là hy hữu. Nếu Ngài tinh tấn, sẽ mau qua được bờ bên kia.
Thái Tử nghe xong bèn đáp: Tôi nghe Ngài nói trong lòng thật là vui mừng, vậy Ngài hãy giảng cho tôi nghe về phương pháp dứt trừ sinh lão bệnh tử, tôi nay rất muốn nghe.
Tiên Nhân đáp: Lành thay! Lành thay!
Rồi liền nói tiếp: Từ thuở ban đầu, chúng sinh đã sống trong vòng u tối, từ sự u tối ban đầu ấy mà sinh tâm ngã mạn, từ tâm ngã mạn sinh si mê, từ si mê sinh nhiễm ái, từ tâm đã nhiễm ái sinh năm món vi trần khí, từ năm thứ vi trần khí sinh năm đại, từ năm đại sinh ra tham dục, giận dữ… các phiền não, từ đó mà lưu chuyển trong sinh già bệnh chết, lo buồn khổ não. Nay tôi chỉ nói vắn tắt cho Thái Tử nghe như thế.
Khi ấy Thái Tử liền hỏi: Nay tôi đã biết những điều Ngài nói rồi, nhưng bằng phương tiện gì có thể dứt trừ được cội rễ của sinh tử?
Tiên Nhân đáp: Nếu muốn dứt trừ cội rễ của sinh tử thì trước tiên phải xuất gia tu trì giới hạnh, khiêm cung, nhẫn nhục, ở nơi vắng vẻ an tịnh tu tập thiền định, xa rời mọi ý thức tham muốn xấu, bất thiện, nhưng ý thức lúc đó vẫn còn cảm giác, còn quan sát, đạt được Sơ Thiền.
Trừ bỏ mọi cảm thức và nhận thức, tâm định tĩnh sinh khởi sự hỷ lạc là đạt Nhị Thiền.
Rời bỏ tâm hỷ lạc ấy nên được chánh niệm, thân tâm phát sinh niềm vui trọn vẹn là đạt tam Thiền.
Trừ bỏ ý niệm khổ và vui được niệm thanh tịnh, tâm xả ly các niệm thì được Tứ Thiền, được tâm vô tưởng.
Trước đây có một vị cho rằng Tứ Thiền ấy chính là giải thoát, từ định mà được giác ngộ. Sau đó mới biết chưa phải là chỗ giải thoát thật sự.
Do vậy cần phải xa lìa mọi sắc tưởng đi vào Không tưởng, diệt trừ mọi niệm tưởng có đối tượng, đi vào Thức tưởng. Đoạn trừ tất cả mọi tưởng phân biệt chỉ còn trú tâm quán niệm một thức thì được đi vào tưởng Vô sở hữu xứ, rồi lại xa lìa hoàn toàn tất cả niệm tưởng mà đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Đến được đây mới thật là giải thoát rốt ráo, đó cũng là mục tiêu cuối cùng của người tu học. Nếu Thái Tử muốn dứt trừ nỗi khổ sinh già bệnh chết thì nên tu tập theo pháp hành đó.
Lúc ấy Thái Tử nghe vị Tiên Nhân nói xong trong lòng không vui, tự nghĩ: Những điều vị ấy vừa nói chưa phải là chỗ rốt ráo, chưa phải là cách dứt trừ vĩnh viễn bao phiền não ràng buộc.
Thái Tử bèn nói: Nay tôi có điều chưa rõ trong những lời Ngài giảng giải nên muốn hỏi.
Tiên Nhân đáp: Xin được nghe những ý kiến của Ngài.
Thái Tử liền hỏi: Phi tưởng phi phi tưởng xứ là hữu ngã hay vô ngã?
Nếu nói vô ngã thì không thể nói Phi tưởng phi phi tưởng xứ, còn nếu nói hữu ngã thì ngã đó có tri giác, hay là không có tri giác?
Nếu ngã đó không có tri giác thì khác gì gỗ đá.
Nếu ngã ấy có tri giác là còn dính líu vào đối tượng, nếu đã có dính líu đến đối tượng thì sẽ có tâm nhiễm trước, mà tâm còn nhiễm trước thì không thể gọi là giải thoát.
Ngài nghĩ là đã dứt hết mọi phiền não ràng buộc nhưng chưa biết còn có những phiền não vi tế, do vậy đã vội cho đó là giải thoát hoàn toàn.
Các phiền não vi tế ràng buộc kia sẽ từ từ tăng trưởng khiến chúng sinh luẩn quẩn xoay chuyển trong vòng sống chết vô tận. Vì thế, tôi nghĩ cách tu này chưa phải là giác ngộ tối hậu, đưa đến giác ngộ hoàn toàn.
Nếu có thể dứt hẳn ý niệm thì mới có thể gọi là chân giải thoát về ngã, xả bỏ hoàn toàn mọi ức tưởng, niệm tưởng về ngã thì chính đó mới gọi là giải thoát thật sự.
Tiên Nhân yên lặng suy nghĩ: Điều Thái Tử nói thật là thậm sâu, vi diệu.
Khi đó Thái Tử lại hỏi Tiên Nhân: Ngài mấy tuổi thì xuất gia và tu tập phạm hạnh đến nay đã bao lâu?
Tiên Nhân đáp: Tôi xuất gia năm mười sáu tuổi, tu tập phạm hạnh đến nay đã một trăm lẻ bốn năm.
Thái Tử nghe nói liền suy nghĩ: Từ ngày xuất gia đến nay đã rất lâu mà sở đắc chỉ có như thế sao?
Khi ấy Thái Tử muốn tìm cầu đạo pháp rốt ráo hơn nên đứng dậy từ giã Tiên Nhân.
Tiên Nhân nói với Thái Tử: Tôi từ trước đến nay tu tập khổ hạnh đã lâu mà chỗ sở đắc chỉ được như thế.
Thái Tử là dòng dõi Vua chúa làm sao có thể tu khổ hạnh được?
Thái Tử đáp: Sự tu tập như của Ngài chưa phải là khổ lắm đâu, vẫn còn những cách tu khổ hạnh khó hơn nữa.
Tiên Nhân đã thấy Thái Tử trí tuệ hơn người lại có ý chí mạnh mẽ, vững vàng như thế thì biết chắc chắn Thái Tử sẽ thành bậc nhất thiết chủng trí nên vội thưa: Nếu Ngài đắc đạo, xin hãy độ tôi trước tiên.
Thái Tử đáp: Lành thay! Kế đó Thái Tử đến trú xứ của Tiên Nhân Ca Lan để cùng luận bàn đạo lý nhưng cũng chỉ như thế, nên Thái Tử liền bỏ ra đi.
Hai vị Tiên Nhân thấy Thái Tử ra đi đều nghĩ: Trí tuệ của Thái Tử thật vô cùng thâm sâu, vi diệu, đặc biệt khác thường, khó ai lường được nên đồng chắp tay đưa tiễn nhìn theo cho tới khi Thái Tử khuất bóng mới trở lại.
Sau khi Thái Tử đã điều phục được hai Tiên Nhân A La La và Ca Lan liền thẳng tiến đến khu rừng khổ hạnh Già Xà, nơi năm anh em ông Kiều Trần Như đang cư ngụ.
Thái Tử đến bên bờ sông Ni Liên tĩnh tọa tư duy, quan sát căn tánh của chúng sinh, Ngài thấy cần phải tu sáu năm khổ hạnh rồi mới độ thoát cho họ. Suy nghĩ như thế rồi, Thái Tử nỗ lực tu khổ hạnh.
Lúc ấy Chư Thiên dâng cúng mè, gạo cho Ngài. Vì muốn cầu đạo giác ngộ nên Thái Tử tịnh tâm giữ giới, mỗi ngày chỉ ăn một hột mè, một hạt gạo nhưng nếu có người đến xin, Thái Tử cũng bố thí hết.
Năm người trong nhóm của Kiều Trần Như thấy Thái Tử tịnh tọa tư duy, tu khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo hay một hạt mè, cũng có khi hai ngày hoặc bảy ngày mới ăn một hạt gạo, một hạt mè, nên năm người cũng tu khổ hạnh, luôn ở bên cạnh để hầu hạ Thái Tử không lúc nào rời xa.
Sau khi thấy Thái Tử tu hành như thế, họ liền cử một người trở về thưa với Quốc Sư và quan Đại Thần, thuật lại đầy đủ việc tu tập của Thái Tử.
Bấy giờ Quốc Sư và quan Đại Thần trở về cung, khuôn mặt buồn rầu, thân thể mệt mỏi, xơ xác, giống như người vừa đưa tiễn người thân chết mới đi chôn xong, nén đau thương mà trở về nhà.
Lúc ấy người giữ cổng thành vội vàng vào trình tâu lên Vua: Quốc Sư và quan Đại Thần đã về đến ngoài cổng thành. Vua nghe tâu thở hổn hển, nói không ra lời, chỉ còn biết gật đầu. Người gác cổng biết ý liền lớn tiếng truyền lệnh cho Quốc Sư vào gặp Vua.
Vua quá buồn không thể nói được, hồi lâu mới nghẹn ngào hỏi: Thái Tử là tính mạng của ta.
Các khanh nay về có một mình, thì tính mạng ta làm sao còn được?
Quốc Sư đáp: Chúng thần vâng lệnh Đại Vương đi tìm Thái Tử, đến chỗ Tiên Nhân Bạt Già hỏi thăm tin tức, Tiên Nhân cho biết nơi Thái Tử đến và thuật lại những lời Thái Tử nói, chúng thần liền đi tới, nhưng giữa đường thì gặp Thái Tử đang tĩnh tọa tư duy dưới bóng cây, tướng tốt chói sáng hơn cả mặt trời mặt trăng.
Thần liền nói với Thái Tử về nỗi sầu khổ của Đại Vương, Phu Nhân Ma Ha Ba Xà Ba Đề và chánh phi Da Du Đà La.
Thái Tử đã dùng những lời lẽ chân tình nói rằng có lý nào Thái Tử không biết mối thâm tình của Phụ Vương và thân thích đối với Thái Tử?
Nhưng chỉ vì sợ các nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết, yêu thương khiến phải xa cách nên Thái Tử ra đi tìm đạo dứt trừ những nỗi khổ ấy.
Từng lời từng chữ của Thái Tử nói đều tỏ bày ý chí kiên định, vững vàng như núi Tu Di không thể lay chuyển được, rồi Thái Tử bỏ chúng thần ra đi như vứt bỏ cỏ rác. Khi ấy chúng thần liền chọn năm người trong những người tùy tùng bảo đi theo hầu và dõi xem Thái Tử đi về đâu và như thế nào.
Sau đó có một người trong nhóm ấy về báo với chúng thần là trên đường đến chỗ hai vị Đạo Sĩ A La La và Ca Lan, Thái Tử đã được thần lực của Chư Thiên đưa qua Sông Hằng.
Khi Thái Tử đến thành Vương Xá, Vua Tần Tỳ Sa La đã đến chỗ Ngài dùng bao nhiêu cách khuyên Ngài đừng xuất gia, và hứa sẽ chia nửa đất nước hoặc cả Quốc Gia cho cai trị.
trao binh quyền để đi chinh phục nước khác nhưng Thái Tử đều không ưng thuận và lập tức ra đi, đến chỗ Tiên Nhân hỏi về pháp hàng phục tâm, rồi lại đến rừng khổ hạnh Già Xà, tĩnh tọa tư duy bên dòng sông Ni Liên Thiền, mỗi ngày ăn một hạt gạo, một hạt mè.
Nghe Quốc Sư và quan Đại Thần kể lại mọi việc xong, lòng Vua Bạch Tịnh vô cùng buồn rầu toàn thân run lẩy bẩy, kinh hoảng tột độ.
Nhà Vua nói với hai vị Đại Thần: Thái Tử đành bỏ niềm vui hưởng ngôi báu Chuyển Luân Vương, lìa xa tình thương yêu của cha mẹ và họ hàng thân thuộc vào rừng sâu tu khổ hạnh. ta nay thật bạc phước nên phải chịu mất người con quý báu như vậy.
Nhà Vua đem những lời của Quốc Sư nói lại cho Ma Ha Ba Xà Ba Đề và Da Du Đà La nghe rồi ra lệnh sắp xếp, chuẩn bị năm trăm cỗ xe, Phu Nhân Ma Ha Ba Xà Ba Đề và chánh phi Da Du Đà La cũng cho năm trăm xe đến, mỗi xe đều chở đầy đủ mọi thứ cần dùng.
Nhà Vua bảo Xa Nặc: Ngươi đã đưa Thái Tử đến chốn rừng sâu, nay ta truyền lệnh cho ngươi phải đưa ngàn cỗ xe chở lương thực và các thứ cần dùng này đến chỗ Thái Tử rồi tùy thời mà dâng cho Thái Tử đừng để người thiếu thốn, hết thì hãy về báo. Xa Nặc vâng lệnh lãnh ngàn cỗ xe tức tốc ra đi.
Đến nơi, thấy Thái Tử thân hình gầy khô, chỉ còn da bọc xương, các đường gân máu lộ ra như gân của loài hoa Ba La Xà, Xa Nặc liền cúi đầu đành lễ nơi chân Thái Tử, quá cảm động nên ngã xuống đất ngất lịm, giây lát tỉnh lại ứa lệ thưa: Đại Vương thương nhớ Thái Tử ngày đêm không nguôi nên sai thần đem một ngàn cỗ xe chở đủ lương thực và vật dụng cần thiết cho Thái Tử.
Thái Tử trả lời Xa Nặc: Ta xa cha mẹ quê hương và đất nước đến đây để tìm con đường giải thoát, lẽ nào lại nhận những thứ Vua cho đem đến?
Xa Nặc nghe thế lòng suy nghĩ: Nay Thái Tử không chịu nhận, vậy ta phải nhờ người đưa những xe này về tâu lại với Vua, ta ở lại đây để chăm nom, hầu hạ Thái Tử.
Nghĩ thế xong, Xa Nặc liền sai một người đưa xe về còn mình thì ở lại âm thầm ngày đêm hầu hạ Thái Tử không rời.
Một hôm, Thái Tử suy nghĩ: Ta ăn mỗi ngày một hạt gạo, một hạt mè, có lúc bảy ngày mới ăn một hạt gạo, một hạt mè, thân thể nay gầy như cây khô. ta tu khổ hạnh như thế đã sáu năm rồi mà không tìm được con đường giải thoát.
Thế mới biết đây không phải là phương pháp tu chân chánh, chi bằng ta trở lại cách trước khi ta ngồi dưới bóng cây Diêm Phù suy nghĩ cách xa lìa năm dục, tìm sự vắng lặng, đó là phương pháp đúng nhất.
Nếu như nay ta vẫn theo lối tu khổ hạnh hành xác mà đạt đạo thì những kẻ ngoại đạo sẽ nói rằng tu tập theo cách nhịn đói là nhân của Niết Bàn.
Tuy ta đã hạn chế từ từ sức lực của ta nhưng cũng không vì thế mà đạt đạo. Ta nên ăn uống lại bình thường, sau đó mới thành đạo.
Nghĩ xong, Thái Tử đứng dậy đi xuống dòng sông Ni Liên Thiền tắm rửa. Tắm xong nhưng vì sức quá yếu nên Ngài không lên bờ được. Lúc ấy có vị Thiên Thần làm cho cành cây bên bờ sà thấp xuống để Thái Tử vịn mà lên bờ.
Lúc đó ở ngoài khu rừng có một mục nữ tên Nan Đà Ba La được vị Thiên Tử ở Cõi Trời Tịnh Cư đến khuyên: Nay Thái Tử đang ở trong rừng, nàng nên đến cúng dường. Nàng mục nữ nghe thế, lòng rất mừng vui.
Ngay khi ấy bỗng có một đóa hoa sen ngàn cánh từ đất mọc lên, nở ra, bên trên đóa hoa có sẵn bát cháo sữa. Cô gái rất ngạc nhiên liền lấy bát cháo sữa ấy đem đến quỳ lạy, dâng cho Thái Tử.
Thái Tử nhận bát cháo sữa và chú nguyện: Nay thí chủ cúng bát cháo sữa để khiến ta dùng xong phục hồi được khí lực. Nguyện cho gia đình thí chủ được an vui, vô bệnh, sống lâu, trí tuệ đầy đủ.
Thái Tử liền tuyên bố: Ta vì muốn cứu vớt chúng sinh nên nhận sữa này. Chú nguyện xong, Ngài liền dùng bát cháo sữa ấy. Khí lực của Ngài dần dần phục hồi, thân thể tươi sáng, có thể đạt đạo Bồ Đề.
Lúc ấy, năm vị nhóm ông Kiều Trần Như kinh ngạc nghĩ là Thái Tử đã thoái chí nên cùng nhau quay trở về nơi của họ.
Bồ Tát một mình đến dưới bóng cây Tất Bát La và phát lời thệ nguyện: Ta ngồi nơi cội cây này, nếu không thành đạo quyết không đứng dậy. Đức độ của Bồ Tát lớn lao đến nỗi đất Trời cảm động, mặt đất khi ấy chấn động mạnh phát ra âm thanh lớn.
Một con rồng mù nghe được tiếng ấy trong lòng vô cùng vui mừng nên hai mắt tự sáng, suy nghĩ: Ta đã từng thấy điềm lành này của Chư vị Cổ Phật trong quá khứ. Suy nghĩ xong, rồng liền từ đất vọt lên đến lễ nơi chân Bồ Tát. Lúc ấy có năm trăm con chim Thanh tước bay trên hư không vòng quanh Bồ Tát, trên không trung hiện ra các vầng mây lành nhiều màu rực rỡ, các làn gió thơm theo ánh sáng thổi đến.
Lúc ấy rồng liền nói kệ ca ngợi Bồ Tát:
Bồ Tát bước đến đâu
Mặt đất đều chuyển động
Phát ra tiếng vang xa
Ta nghe mắt bừng sáng
Lại thấy trong không trung
Khổng tước bay quanh Ngài
Mây lành thật rực rỡ
Dịu mát làn gió thơm
Điềm lành này của Ngài
Giống như Phật quá khứ
Do vậy biết Bồ Tát
Sẽ thành đạo chánh chân.
Lúc ấy Bồ Tát nghĩ: Chư Phật trong quá khứ đã dùng tòa ngồi như thế nào để thành đạo vô thượng?
Bồ Tát nội quán tự biết Chư Phật đã dùng cỏ làm tòa ngồi. Vua Trời Đế Thích biết ý nghĩ của Bồ Tát liền hóa thành một người trong tay đang ôm bó cỏ sạch sẽ, mềm mại đến trước Bồ Tát.
Bồ Tát hỏi: Ông tên gì?
Người ấy đáp: Tôi tên là Cát Tường.
Bồ Tát nghe thế lòng rất vui mừng nghĩ: Ta sẽ phá những điều không lành để thành đạo kiết tường.
Bồ Tát lại hỏi: Cỏ trên tay người có thể cho ta được không?
Cát tường liền tặng bó cỏ cho Bồ Tát và thưa: Bồ Tát nếu đắc đạo, xin độ tôi trước.
Bồ Tát nhận cỏ trải ra làm tòa, thẳng thân ngồi kiết già trên tòa cỏ, theo đúng cách ngồi của Chư Phật quá khứ và phát lời thệ nguyện: Không thành đạo Chánh Giác, ta quyết không rời khỏi tòa này. Khi Bồ Tát phát lời nguyện ấy, Trời Rồng, Quỷ Thần đều vui mừng, gió mát lành từ bốn phương thổi tới, cầm thú bỗng im tiếng, cây không còn xào xạc, mây bay bụi cuốn đều sạch sẽ.
Đó là điềm lành báo Bồ Tát sắp thành đạo. Cũng lúc ấy, ở trên không trung, Tám Bộ Chúng Trời, Rồng vui mừng nhảy múa ngợi khen, còn cung điện của Ma Vương ở tầng Trời thứ sáu tự nhiên rung động.
Ma Vương trong lòng buồn bực, tinh thần rối loạn, không còn tâm trí nghĩ đến việc thọ lạc, lo lắng suy nghĩ: Sa Môn Cù Đàm hiện đang ngồi tĩnh tọa nơi cội cây, lìa được ngũ dục, không bao lâu sẽ thành đạo Chánh Giác. Nếu vị ấy thành đạo, sẽ đưa tất cả muôn loài vượt thoát cảnh giới của ta. Vậy nay trong lúc vị ấy chưa thành đạo, ta phải đến làm cho rối loạn.
Người con của Ma Vương tên là Tát Đà thấy cha có vẻ lo lắng liền đến thưa: Thưa cha, không rõ vì sao cha có vẻ buồn rầu lo lắng như vậy?
Ma Vương đáp: Sa Môn Cù Đàm nay đang ngồi nơi cội cây tu hành và sắp đắc đạo. Đạo ấy vượt hơn hẳn đạo của ta nên ta muốn đến đấy phá hoại.
Người con vội can ngăn: Bồ Tát thanh tịnh vượt cả ba cõi, có thần thông và trí tuệ không gì là không rõ biết, Tám Bộ Chúng Trời, Rồng… đều ngợi khen. Đối với Ngài, Phụ Vương không thể phá hoại được, chẳng may tạo ác sẽ tự chuốc lấy tai họa.
Ma Vương có ba người con gái hình dung dáng điệu vô cùng mỹ miều, xinh đẹp, có nhiều phương cách để quyến rũ, làm mê hoặc lòng người, đứng đầu trong hàng Thiên Nữ. Họ thường xông hương thơm ngát, đeo chuỗi ngọc đẹp.
Người thứ nhất tên là Nhiễm Dục, người thứ hai tên Năng Duyệt Nhân, người thứ ba tên là Khả Ái Lạc, ba cô đến trước cha và hỏi: Không biết vì sao hôm nay cha lại rầu lo như vậy?
Ma Vương bèn giải bày lòng mình với ba con gái: Hiện nay có Sa Môn Cù Đàm ở thế gian, mình mặc áo giáp pháp, tay cầm cung tự tại, bắn mũi tên trí tuệ muốn thu phục chúng sinh, hủy hoại cảnh giới của ta.
Nếu ta không có phương cách diệt trừ thì chúng sinh sẽ tin tưởng và đều theo về với vị ấy, cảnh giới ta sẽ trở nên trống rỗng, chính vì vậy mà ta buồn rầu.
Trong lúc vị ấy chưa thành đạo, ta muốn đến phá hoại làm gãy cây cầu đưa đến bờ giác của vị ấy.
Dự định như thế Ma Vương liền tay cầm cung cứng và năm mũi tên cùng với con trai, con gái và chúng Thiên Ma kéo đến dưới cây Tất Bát La thấy Đức Mâu Ni ngồi lặng lẽ không động, sắp vượt bể sinh tử của ba cõi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Một - Phẩm Quang Tán - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Tám - Kinh Khỉ Nắm Nắm đậu
Phật Thuyết Kinh Tôn đa Da Trí
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Bốn - Phẩm Hữu Y Hành - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Năm - Phẩm Trời đế Thích
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Hai - Phẩm Phương Tiện - Phần Hai