Phật Thuyết Kinh Như Huyễn Tam Ma địa Vô Lượng ấn Pháp Môn - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHƯ HUYỄN TAM MA ĐỊA

VÔ LƯỢNG ẤN PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN BA  

Này Bồ Tát Thắng Hoa Tạng! Vị Vua này cùng với các người con ở trong tám vạn bốn ngàn ức năm luôn tôn trọng cúng dường Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương. Đức Phật Thế Tôn kia biết rõ thâm tâm của Nhà Vua đã dấy khởi niềm tin thanh tịnh rồi, liền vì ông ta mà giảng nói pháp môn thiện xảo vô lượng ấn.

Này Bồ Tát Thắng Hoa Tạng! Những gì gọi là pháp môn thiện xảo vô lượng ấn?

Đó là các Đại Bồ Tát phát khởi các hạnh, chưa từng ở trong pháp hạn lượng mà có sự mong cầu.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát hành bố thí vô lượng, trì giới vô lượng, nhẫn nhục vô lượng, tinh tấn vô lượng, thiền định vô lượng, trí tuệ vô lượng, ở trong vô lượng sinh tử luôn thương xót, tùy thuận hội nhập trong vô lượng chúng sinh, vô lượng cõi nước trang nghiêm, vô lượng Thanh Văn trang nghiêm, vô lượng sắc tướng được thành tựu, đầy đủ vô lượng âm thanh và vô lượng biện tài.

Này Bồ Tát Thắng Hoa Tạng! Các Bồ Tát, thậm chí chỉ mới phát tâm với thiện căn hiện có hãy còn khởi lên tâm rộng lớn vô lượng hồi hướng cho tất cả, huống hồ lại tích tập vô lượng hạnh nguyện, hồi hướng rộng khắp cho tất cả chúng sinh, khiến họ đều chứng pháp vô sinh, như Đức Phật Niết Bàn mà được Niết Bàn.

Này thiện nam! Đây gọi là hồi hướng vô lượng. Vì dùng hồi hướng ấy tức không, vô tướng, vô nguyện đều là vô lượng, chân như thật tế pháp giới cũng lại là vô lượng, giải thoát vô sinh, lìa mọi trói buộc, chấp vướng.

Này thiện nam! Nói tóm lại, nghĩa vô lượng tức tất cả các pháp là vô lượng.

Vì sao nói tất cả các pháp là vô lượng?

Vì tất cả các pháp không sinh, không diệt, nên gọi là vô lượng. Nếu pháp là vô lượng tức là không sinh, không diệt. Nếu pháp không sinh, không diệt tức là vô lượng. Đó gọi là pháp môn vô lượng ấn.

Này Bồ Tát Thắng Hoa Tạng! Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương thuở đó đã vì Nhà Vua Thắng Oai kia giảng nói về pháp môn thiện xảo vô lượng ấn như vậy, khiến Vua đối với tất cả các pháp được thông tỏ.

Lại nữa, này Bồ Tát Thắng Hoa Tạng! Vị Vua Thắng Oai kia ở trong giáo pháp của Phật tu hạnh thiền định, sau đó vào một lúc an trú trong thiền định, bỗng nhiên hai bên hông phải và trái của Nhà Vua hiện ra hai hoa sen tươi đẹp, khả ái, thanh tịnh, giống như hương chiên đàn rồng thật và từ trong hai hoa đó sinh ra hai đồng tử ngồi kiết già.

Nhà Vua thấy vậy thì khen ngợi là điều chưa từng có, liền hướng về hai đồng tử, nói kệ:

Người hoặc là trời, hoặc là rồng

Hay là loài Dạ Xoa, La sát?

Hoặc nhân, phi nhân, hoặc thần tiên?

Các ngươi tên gì cho ta biết.

Đồng tử sinh từ hông bên phải liền nói kệ, đáp:

Ở trong tánh tất cả pháp không

Ông nay hoi tôi danh tự gì?

Nhưng các pháp kia vốn không tên

Vì sao dùng tên để mà hỏi?

Trong pháp tánh không, chẳng Trời, Rồng

Cũng không loài Dạ Xoa, La Sát

Nhân cùng phi nhân, hoặc thần tiên

Bình đẳng tất cả không sở hữu.

Đồng tử sinh từ hông bên trái cũng nói kệ, đáp Vua:

Danh cùng thể, cả hai đều không

Chủ thể, đối tượng đều không có

Ở trong tất cả pháp vô danh

Chỉ tạm dùng danh mà biểu thị.

Nên biết tự tánh danh chân thật

Trong ấy không thấy, cũng không nghe

Xưa nay không diệt, lại không sinh

Vì sao lại dùng danh để hỏi?

Mọi sự tạo tác danh hiện có

Đã dùng giả danh để biểu thị

Thế nên tôi nay cũng giả danh

Một tên Bảo Nghiêm, hai Bảo Thượng.

Hai đồng tử nói kệ rồi, nhờ diệu lực nơi căn lành từ đời trước nên có được năm thần thông, liền cùng với Vua Thắng Oai đi đến chỗ Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương cung kính đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi lui ra đứng qua một bên.

Hai đồng tử lại chấp tay hướng về Đức Phật, cùng nói kệ:

Con nay nên dùng những vật gì

Cúng dường Chánh Giác, Nhị Túc Tôn?

Việc này xin Phật khai tâm con

Khiến con nghe rồi, tâm an định.

Nay con không hoa, cũng không hương

Không thức ăn uống và y phục

Phẩm vật thượng diệu cũng đều không

Nên cúng dường gì, bậc tối thắng?

Bấy giờ, Đức Phật vì hai đồng tử nói kệ:

Nếu có thể phát tâm bồ đề

Rộng vì chúng sinh tạo lợi lạc

Đó chính là cúng dường đích thật

Bậc Chánh giác ba mươi hai tướng.

Nếu người dùng hằng hà sa kia

Đều là số lượng cõi Chư Phật

Dùng các diệu hương đầy khắp chốn

Cúng dường Thế Tôn, đấng cứu đời.

Nếu người chí tâm chỉ chấp tay

Phát khởi tâm bồ đề vô thượng

Người ấy đạt được môn phước thắng

Gấp nhiều hơn trước không hạn lượng.

Khác đấy, sao gọi cúng dường thật?

Khác đấy sao gọi nương dựa hơn?

Nếu người phát khởi tâm bồ đề

Ta nói đó là bậc thượng trí.

Lại nữa, này Bồ Tát Thắng Hoa Tạng!

Bấy giờ, hai vị đồng tử lại hướng về Đức Phật Thế Tôn, nói kệ:

Năng nhân gầm tiếng Đại Sư Tử

Tất cả trời, người được nghe khắp

Chúng con nay đối trước Thế Tôn

Đều phát nguyện tối thượng thành thật.

Chúng con cho đến đời vị lai

Nguyện nẻo hành hóa trải nhiều kiếp

Thuận nhập trong luân hồi sinh tử

Cứu độ vô số loài chúng sinh.

Chúng con hôm nay nhờ duyên này

Tận đời vị lai đều nhớ nghĩ

Vì lợi lạc khắp các chúng sinh

Nơi vô biên kiếp hành tinh tấn.

Chúng con từ hôm nay về sau

Dứt hẳn tham, sân, si, các uế

Hiện tại Phật Thế Tôn mười phương

Chứng minh lời con không hư dối.

Chúng con nay phát tâm bồ đề

Không thích quả Thanh Văn, Duyên Giác

Chúng con nếu có thích tâm nhỏ

Nhất định chiêu cảm quả nói dối.

Con đã không thích quả nhị thừa

Chỉ dùng tâm bi vì chúng sinh

Trải qua trong vô số ức kiếp

Nguyện luôn thực hành không biếng nhác.

Như Phật Thế Tôn đã thành tựu

Ứng hợp Cõi Phật rộng trang nghiêm

Con nguyện vị lai sẽ thành Phật

Cõi nước gấp bội số vạn ức.

Lại nguyện trong Cõi Phật vị lai

Không có chúng Thanh Văn, Duyên Giác

Thuần là chúng Bồ Tát trang nghiêm

Rộng tập vô lượng khối trí tuệ.

Con nguyện được sự trang nghiêm ấy

Sẽ khiến các chúng sinh lìa cấu uế

Từ nơi pháp Chư Phật sinh ra

Khiến sẽ trì khắp pháp tạng Phật.

Hôm nay những điều con đã nói

Chân thật không hư vọng, riêng khác

Nguyện biển cả này và sông núi

Cho đến đại địa đều chấn động.

Nên khi phát lời nguyện như vậy

Tức thời đại địa đều chấn động

Âm nhạc không tấu tự nhiên vang

Phát âm vi diệu khắp mười phương.

Trời mưa các hương hoa vi diệu

Tươi đẹp trang nghiêm thật khả ái

Trăm ngàn vạn ưc thiên y đẹp

Tung rải lớp lớp khắp mọi chốn.

Khi ấy, hai đồng tử kia đều phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Bồ Tát Thắng Hoa Tạng! Ý ông nghĩ thế nào?

Vị Vua Thắng Oai thuở ấy đâu phải là người nào lạ, đó chính là Đức Như Lai Vô Lượng Quang Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác. Còn Đồng tử Bảo Nghiêm thời ấy nay là Đại Bồ Tát Quán Tự Tại, Đồng tử Bảo Thượng nay là Đại Bồ Tát Đại Thế Chí. Hai vị Bồ Tát này ơ chỗ Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương kia bắt đầu phát tâm cầu quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Thắng Hoa Tạng đến trước Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Hai vị Đại Sĩ này rất là hy hữu, danh tự khó có thể được nghe như vậy mà lại đầy đủ sự tin hiểu sâu xa, chỗ phát tâm bồ đề không gì sánh bằng.

Bạch Thế Tôn! Hai vị Đại Sĩ này vào đời tiếp sau của Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương lại cúng dường bao nhiêu Chư Phật?

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Tất cả cát của sông Hằng hãy còn có thể biết được về số lượng tận cùng đó, còn hai vị Đại Sĩ này vào đời tiếp sau Đức Phật kia đã cúng dường Chư Phật, Như Lai thì ta cũng không thể nhan biết về số lượng tận cùng ấy.

Vì sao?

Vì hai vị Đại Sĩ ấy đều đã mặc áo giáp không thể nghĩ bàn, đầy đủ vô lượng công đức thù thắng, thế nên không thể nhận biết về số lượng tận cùng ấy.

Đại Bồ Tát Thắng Hoa Tạng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Giới Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm Phổ Hiện Diệu Lạc kia ở về phương nào?

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Thế Giới Cực Lạc hiện ở về phương Tây của Thế Giới này, thuở xa xưa tức là Thế Giới Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm Phổ Hiện Diệu Lạc.

Bồ Tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hai vị Đại Sĩ này cho đến lúc nào thì thành tựu đạo quả bồ đề vô thượng?

Sẽ đạt được những công đức gì để trang nghiêm Cõi Phật?

Thọ mạng của Đức Phật ấy là bao nhiêu, lại có bao nhiêu chúng Bồ Tát?

Cúi xin Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác thương xót tạo lợi lạc cho khắp tất cả hàng Trời, người nơi thế gian mà giảng nói rõ về hai vị Đại Sĩ này sự việc sẽ thành tựu quả vị Phật Đà, khiến cho chư vị Bồ Tát khác nghe rồi đều có thể thực hiện đại nguyện viên mãn.

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát Thắng Hoa Tạng! Ông nên lắng nghe, khéo suy nghĩ, nay Ta vì ông mà giảng nói.

Bồ Tát Thắng Hoa Tạng hoan hỷ thọ giáo lắng nghe.

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Nên biết thọ mạng của Đức Như Lai Vô Lượng Quang ở phương Tây là vô lượng, không thể tính đếm. Giả sử trong vô số ức trăm ngàn kiếp cũng không thể nói hết về số lượng tận cùng ấy.

Chánh Pháp của Đức Phật kia trụ ở đời là tám vạn bốn ngàn ức kiếp. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, các chúng sinh nhờ diệu lực của căn lành cũng được gặp Đức Phật khác ra đời. Các vị Bồ Tát an trụ nơi Tam Muội Niệm Phật thường được thấy Đức Như Lai trong định, không.

Này thiện nam! Lại nữa, sau thời Đức Như Lai Vô Lượng Quang nhập Niết Bàn, chỗ thuyết pháp kia với bảy báu trang nghiêm, hàng cây hoa sen vi diệu, tự nhiên diễn nói pháp âm nhiệm mầu, trải qua một đêm đến khi trời sáng.

Đại Bồ Tát Quán Tự Tại liền ở nơi cội Bồ Đề do các báu trang nghiêm, an trụ nơi tòa đó, thành tựu đạo quả Chánh Đẳng, Chánh Giác Vô Thượng, hiệu là Phổ Minh Cao Hiển Cát Tường Phong Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Này Bồ Tát Thắng Hoa Tạng! Những sự việc về công đức trang nghiêm của Cõi Phật kia, giả sử ta ở trong hằng hà sa số kiếp khéo dùng ngôn từ ví dụ cũng không thể nói được một phần nhỏ.

Lại nữa, này thiện nam! Công đức trang nghiêm của Cõi Phật ấy là như vậy. Nếu đem công đức trang nghiêm nơi cõi của Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương để so sánh thì trăm phần trước không bằng một, ngàn phần, trăm ngàn phần cũng không bằng một. Nếu đem ví dụ tính toán cũng không thể so lường được.

Lại nữa, trong cõi kia không có tên gọi về Thanh Văn, Duyên Giác, chỉ thuần là chúng Đại Bồ Tát thanh tịnh.

Lại nữa, này thiện nam! Tóm lại, tất cả chúng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát trong pháp hội của Đức Như Lai Vô Lượng Quang tập hợp lại so sánh với chúng Bồ Tát trong pháp hội của Đức Như Lai Phổ Minh Cao Hiển Cát Tường Phong Vương thì chúng Bồ Tát này cũng lại gấp bội. Thọ mạng của Đức Phật đó là chín mươi sáu ức vô số trăm ngàn kiếp. Chánh pháp trụ ở đời sáu mươi ức kiếp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần