Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MƯỜI  

Rồi nói kệ rằng:

Từ xa ở phương dưới

Khởi đến nơi cõi trên

Tất cả ba ngàn cõi

Dục, Sắc, Vô Sắc Giới

Chỗ trú, không chỗ trú

Các cõi không ta người

Không tính nghĩ thường có

Không nghĩ sự đoạn mất.

Tuệ an trú cũng vậy

Tất cả gốc của tuệ

Hàng hữu học, vô học

Cùng các Duyên Giác thừa

Chúng Bồ Tát minh đạt

Chí nguyện luôn từ bi

Hoặc kiến lập đạo ngôn

Trí tuệ Phật tối thượng.

Lại nữa, này Phật Tử! Ví như ở mặt đất, trên đỉnh núi Sơn vương mọc lên cây đại thọ gọi là vô căn nguyên. Cây to lớn này có rễ ăn thông xuống mặt đất sáu vạn tám trăm ngàn do tuần, qua khỏi tầng Kim cương, đến tầng Thủy giới và trụ vững ở đó, không thể nhổ lên được.

Rễ của nó phân bố giáp vòng khắp cõi Diêm Phù Đề. Mầm mống của vạn vật đều vây quanh nó. Nếu gần thân thì sinh ra thân, gần cành thì sinh ra cành, gần đốt thì sinh ra đốt, gần lá thì sinh ra lá, gần hoa thì sinh ra hoa, gần quả thì sinh ra quả. Cây cối hoa quả của thiên hạ đều nhờ nơi đại thọ này mà có.

Lại nữa, rễ của đại thọ ấy chuyển thành thân thể và thân thể của nó cũng làm cho rễ chuyển. Có hai chỗ mà nó không sinh ra vạn vật là gần với địa ngục và ở với nước thuần âm. Tuy ở những chỗ ấy nhưng nó cũng không hề chuyển đổi. Đó là vì pháp là như thế.

Những chỗ còn lại trên đại địa, chỗ gốc rễ phân bố và chỗ sinh trưởng của đại thọ ở tận mặt đất thì tất nhiên là vậy. Đạo tuệ của Như Lai thì cũng như thế, từ gốc thanh tịnh tức dùng đại bi, sinh nguồn kiên cố, bình Đẳng Giác chủng, ấy là chân đế thông đạt chỗ cốt yếu vi diệu mà chẳng đồng, đó là gốc rễ.

Phương tiện quyền xảo là thân, trí tuệ là cành, pháp giới là đốt, cửa giải thoát nhất tâm chánh thọ không chỗ hư hoại là lá cây. Giác ý trang nghiêm là hoa, suốt cả thân cây các thông tuệ giải thoát tri kiến là quả. Biện tài vô ngại không chỗ nào mà không thông đạt là đất. Trí tuệ ấy của Như Lai không có rễ bám.

Vì dùng những gì mà không có rễ bám?

Vì vĩnh viễn không chỗ tin chấp ấy mới gọi là rốt ráo. Nghĩa là do không rễ bám mới có thể hưng khởi vô sở hành, kết thúc hạnh Bồ Tát, tức là vô bản, ấy gọi là Như Lai. Diễn bày hạnh Bồ Tát gọi là không chỗ nương tựa.

Nếu có Bồ Tát thân cận nguồn tuệ vô cực của Như Lai, thì không xả bỏ tất cả chúng sinh. Vì đạo căn ấy mà sinh đại bi. Gần với thân cây thì tinh tấn kiên cố, vì thân cây ấy sinh ra cành Độ vô cực lớn lên và thành tựu.

Gần cành thì sinh ra lá, tức là học cấm giới biết tùy thời tịch mịch. Gần hoa là các tướng tốt và vô lượng gốc đức vậy. Đốt cây là sự tùy thời, lại sinh ra quả tức là sự rốt ráo vô sinh pháp nhẫn, không lời thô ác, dịu dàng hòa nhã. Lại nữa, trái cây là các thông tuệ, là đạo quả. Do đó trí tuệ Như Lai không sinh ở hai chỗ.

Những gì là hai?

1. Cái hang lớn vô vi và hữu vi, nếu rớt vào khe suối mà đi đến chỗ không cùng cực vô vi, tức là ở nơi Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa.

2. Lại nữa, chí tánh ấy không cùng kết hợp, cũng vô sở úy, dạo nơi nguồn cội ba dòng ba ái, đối với trí tuệ của Như Lai không chỗ sinh ra cũng không chỗ trở về. Nếu có chỗ sinh, đã đạt Thánh tánh tu tâm bình đẳng thì đối với Chư Bồ Tát không có đây kia.

Vả lại, quán Chánh Giác, đại đạo sáng rõ hiển lộ, vòi vọi không bờ mé, nhân vì tuệ chân đế không tăng giảm. Rễ ấy bám trụ bền chắc làm cho chúng sinh thông đạt rốt ráo, hiểu rõ chỗ không dốc sức tin tưởng. Đó là cửa duyên sự thứ bảy.

Lúc đó, Đức Phật nói kệ tụng:

Trùm trên đỉnh Tuyết Sơn

Đại thọ Vô căn trước

Cây ấy có thần lớn

Oai sáng không gì bằng

Nuôi lớn khắp tất cả

Mọi cây cối núi rừng

Mà rễ, thân, cành, lá

Cành nhờ các căn nguyên.

Tất cả Chư Phật chủng

Đạo tuệ tự nhiên thành

công đức cũng như vậy

Vâng tu Nhất thiết trí

Hành Phật Đạo hiểu rõ

Phụng tuyên theo đường Thánh

Huân từ bi bình đẳng

Sinh trưởng Giác minh triết.

Lại nữa, này Phật Tử! Như kiếp tai biến, lửa lớn sáng rực thiêu cháy tam thiên đại thiên Thế Giới, tất cả cây cối, dược thảo vạn vật cho đến cả Vi thần sơn, Đại vi thần sơn, Đại kim cương sơn không có gì là không bị thiêu đốt.

Giả sử có người lấy cỏ tranh khô, gỗ cây tùng lớn ném vào lửa hừng hực ấy thì ý ông thế nào, có một lá nào không cháy chăng?

Bồ Tát đáp: Không thể không bị đốt cháy, không đốt cháy là điều không thể có.

Phật bảo: Đúng vậy. Nếu có thể làm cho lửa không thiêu đốt cây cối hoặc hạn chế sự thiêu đốt ấy thì chỉ có Thánh tuệ ba Đạt thần trí của Như Lai. Số lượng chúng sinh, cõi nước nhiều ít, tận cùng các pháp, vô số kiếp quá khứ, hiện tại và vị lai không thể thấy khắp mà có ngăn ngại là điều chưa từng có.

Vì sao?

Vì đạo tuệ Chánh Giác không có hạn lượng, không thể nghĩ bàn, không gì mà không thông triệt nên gọi là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Đó là duyên sự thứ tám.

Rồi nói kệ tụng:

Như gặp kiếp tai biến

Biến đổi cả trời đất

Đốt cháy cùng một lúc

Cây cối cùng sinh mạng

Phật Tử hãy nghe quán

Những thứ ở nơi này

Kim cương còn tiêu chảy

Huống gì là cây cỏ

Gò đồi cùng tất cả

Đâu thể thoát lửa ấy.

Trí tuệ bậc An trú

Đều biết rõ mảy may

Mọi chúng sinh vị lai

Trải vô số cõi kiếp

Chư Phật đều thấu đạt

Như vậy không cùng tận.

Lại nữa, này Phật Tử! Ví như lúc gặp kiếp phong tai, có ngọn đại phong tên là Hủy Minh. Sức tàn phá của nó có thể hủy hoại cả Vi thần sơn, Đại vi thần sơn cùng Kim cương sơn và tất cả tam thiên đại thiên Thế Giới cũng bị thổi tan nát không còn sót một thứ gì. Lại có ngọn gió lớn gọi là nhân duyên cái.

Mỗi khi thổi thì cả tam thiên đại thiên Thế Giới đều bị nâng bổng lên và mang đến đặt ở Phật Quốc khác. Giả sử ngọn gió nhân duyên cái ấy tự tung hoành một mình mà không có ngọn gió Hủy minh thì nó sẽ tàn phá cảnh giới Chư Phật trong mười phương không thể suy lường.

Như vậy, này Nhân giả! Như Lai có đại trí tuệ Vô cực gọi là Hủy hoại nhất thiết trần dục. Đấng Chánh Giác dùng đại tuệ Vô cực này thổi trừ tất cả vô số phiền não ngăn ngại của chúng Bồ Tát.

Như Lai lại có vô lượng Thánh đẳng gọi là Tổng nhiếp đại quyền phương tiện. Nó có thể tiêu diệt được tai họa ái kết, đạt đến Đạo Tràng vi diệu. Nhờ đó mà có thể khai hóa các Bồ Tát mới phát tâm và tất cả các căn chưa thuần thục.

Giả sử chư Như Lai không có Đại quyền phương tiện tổng nhiếp thành đại đạo thì khiến cho vô số chúng Bồ Tát tu ở Thanh Văn và Duyên Giác thừa. Thế Tôn dùng phương tiện quyền xảo, tùy thuận làm cho Chư Bồ Tát Đại Sĩ siêu vượt lên quả vị Thanh Văn và Duyên Giác, nhờ vậy mà được tự tại và không chỗ trụ.

Đó là cửa duyên sự thứ chín.

Rồi nói kệ tụng:

Sợ hãi kiếp phong tai

Chư Thiên loạn không an

Thần, Vi, Tu Di sơn

Thảy đều bị phá hủy

Một khi gió hưng khởi

Không cách gì chế ngự

Vô lượng các Cõi Phật

Nghiền nát không sót gì

Nhờ các bậc mười lực

Đắc Thánh tuệ tự tại

Có thể hủy tan nát

Trần lao nơi Bồ Tát

Lại có gió Đại phong

Vâng tu quyền phương tiện

Liền dùng để cứu hộ

Hành giả Thanh Văn an.

Lại nữa, này Phật Tử! Trí tuệ Như Lai hội nhập tất cả Thánh trí mênh mông, không một chỗ nào không cùng khắp, trong cảnh giới đầu cuối của tất cả chúng sinh.

Vì sao?

Vì nếu còn dục tưởng mà muốn đạt cùng trí tuệ của Như Lai là điều chưa từng có. Lại nữa, trí tuệ của Như Lai là trí tuệ tự tại, xa lìa các tướng, nghĩa là đến đi tự tại không hề ngăn ngại. Giả như viết một cuốn Kinh lớn bằng tam thiên Thế Giới. Hoặc có một cuốn đại Kinh chưa viết thành, lớn bằng biển của tam thiên Thế Giới. Hoặc lớn như Thần Vi Sơn, Đại Thần Vi Sơn. Hoặc lớn như đại địa. Nói tóm lại, là lớn như một ngàn Thế Giới.

Hoặc như cõi bốn châu thiên hạ, hoặc như cõi Diêm Phù Đề, hoặc như biển cả, hoặc như Tu Di sơn, như Đại thần cung, Dục hành thiên quán, hoặc như Sắc hành thiên, Vô sắc hành thiên. Giả sử kết tập thành đại Kinh rộng dài trên dưới như tam thiên đại thiên Thế Giới mà có một hạt bụi trên đó. Lại nữa, trên các quyển Kinh, mỗi một đều có bụi trần và đều biến khắp trong cuốn đại Kinh.

Lúc đó, có một trượng phu tự nhiên xuất hiện, trí tuệ thông minh, thân đi vào trong đó, vị ấy lại có Thiên nhãn thanh tịnh, chỗ thấy cùng khắp. Ông ta lại dùng Thiên nhãn để quán sát khắp cuốn đại Kinh ấy thì thấy mình không có lợi lạc gì cho chúng sinh, cũng như mảy bụi trần nhỏ bé nằm trên bộ đại Kinh rộng lớn vô cực ấy.

Nên ông ta nghĩ: Ta có thể dùng sức đại tinh tấn vô cực để mở bày và lãnh hội Kinh này, đem đến lợi lạc cho chúng sinh. Vừa nghĩ vậy xong, ông ta liền được hưng khởi sức đại tinh tấn vô cực, đúng như sở nguyện, nắm bắt và tự khai giải Kinh này để đem đến cho muôn loài.

Rồi từng quyển Kinh một trong vô số quyển Kinh của bộ đại Kinh, ông ta cũng đều làm như vậy. Cũng như thế, này Nhân giả! Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác dùng vô lượng ánh sáng trí tuệ không thể nghĩ bàn nhập vào nẻo hành của biển tâm tất cả chúng sinh, thấu hiểu hết thảy chí tánh của họ.

Trí tuệ của Như Lai trùm khắp tất cả, không chỗ nào là không thấu đạt, không bao giờ cùng tận. Trí tuệ bậc Chánh Giác không thể nghĩ bàn, quán sát tất cả cảnh giới của chúng sinh, thật là kỳ lạ chưa từng có. Chúng sinh mê tối mới không thấy rõ Thánh tuệ của Như Lai.

Đức Thế Tôn vào khắp tất cả và tự nghĩ: Ta có thể tuyên thuyết và hiển bày đại đạo làm cho các tưởng của chúng sinh tự nhiên đoạn trừ. Như năng lực nơi cõi Thánh của Pháp Thân Phật sẽ làm cho tâm niệm chấp trước được xả ly. Giả sử trí tuệ chánh chân hiểu rõ nghĩa lý và chỗ quy thú đạt đến Chánh định tam muội vô cực, diễn thuyết chánh đạo, trừ tất cả tưởng chấp, dạy bảo chúng sinh khiến họ nghĩ đến đạo tuệ vô thượng.

Giáo hóa tất cả chúng sinh trong năm đường đến chỗ vô cực.

Này Phật Tử! Đó là việc thứ mười mà Như Lai chí chân khuyến tâm các Bồ Tát nhập vào nghĩa lý của đạo. Như vậy mà nói, nhờ trí tuệ của Như Lai đã khai hóa tế độ Chư Bồ Tát làm cho tâm họ được vào đại đạo.

Rồi nói kệ tụng:

Giống như có quyển Kinh

Lớn bằng tam thiên giới

Tự nhiên có bụi trần

Đều rải khắp trên ấy

Có Trượng phu trí tuệ

Mắt sáng thấu Kinh này

Thông suốt, phân rải khắp

Bố thí cho năm đường.

Thế Tôn cũng như vậy

Trí tuệ như biển lớn

Thấy tâm niệm chúng sinh

Đều mê hoặc, vọng tưởng

Phật thương xót tất cả

Nên giải trừ các tưởng

Chư Bồ Tát kính ngưỡng

Bỏ hẳn các chấp trước.

Lại nữa, này Phật Tử! Sao gọi là Bồ Tát hội nhập cảnh giới Như Lai?

Đối với Bồ Tát ấy nhập vào vô ngã, biết rõ tất cả cảnh giới đều là cảnh giới của Như Lai. Tất cả Phật Quốc, hết thảy cảnh giới, chúng sinh giới đều không có tự thể riêng biệt, không chỗ hư hoại. Pháp giới ấy không hề có sự che chướng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần