Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN TÁM  

Lại nữa, này Phật Tử! Đại Long Vương của biển cả muốn hiện bày biến hóa cảm động vô cực làm cho tất cả chúng sinh vui mừng an lạc. Mưa xuống từ bốn châu thiên hạ biến khắp đại địa cho đến cung Trời Tự Tại thanh minh.

Mây giăng che không biết bao nhiêu loại, các loại mây đó cùng hiện ra vô vàn hình sắc sai biệt: Hoặc màu vàng, hoặc sắc vàng tía, hoặc sắc lưu ly, hoặc sắc bạch ngân, hoặc sắc thủy tinh, hoặc sắc ngọc đỏ, hoặc ánh mã não, hoặc ánh xà cừ, hoặc ánh thủ đà.

Các sắc như vậy đan xen lẫn nhau và mây lớn ấy che khắp trùm bốn phương cùng bốn châu thiên hạ. Lại nữa, nước ấy chẳng có gì khác biệt nhau mà lúc mây mù giăng che lại hiện ra bao nhiêu sắc tượng, biến ra ánh chớp, sấm chớp vang rền.

Theo sự sở thích của chúng sinh mà giáng mưa, hoặc mưa ra âm thanh xướng nhạc của Ngọc Nữ, hoặc tiếng đàn tiếng sáo, kỹ nhạc hòa vang của Cõi Trời, hoặc tiếng nhạc của không biết bao nhiêu Long phi, hoặc tiếng nhạc của cung phi Kiền Đạp Hòa, hoặc tiếng nhạc vui của A Tu Luân, hoặc âm thanh được phát ra từ lòng đất, hoặc âm thanh kỹ nhạc sấm vang từ trong lòng biển, hoặc tiếng kêu ù ù của Vua Nai, hoặc tiếng nhạc của chim Vô hoại, hoặc không biết bao nhiêu kỹ nhạc của hàng vạn điệu múa.

Chỗ nào có đám mây lớn ấy giăng che với sắc tượng như vậy thì ở đó thời tiết rất tốt, gió rồng tự nhiên thổi đến cùng khắp. Nếu có gió ấy thổi đến tức có mây giăng kiết tường, đầu tiên rơi xuống những hạt mưa nhỏ, sau đó mới tuôn ra mưa lớn.

Mưa ấy rải khắp, trên từ cung Trời Tự Tại thanh minh, dưới đến khắp trùm đại địa, trong hư không, ở Thiên Cung không một chỗ nào mà không có mưa ấy. Mưa khắp đại hải, chẳng chỗ nào bị hư hại. Lại đến chỗ ở của Chư Thiên tự tại, có nàng Ngọc Nữ tên là Hoan Lạc mà mưa ra các loại vũ nhạc. Lại mưa xuống các châu như ý đến Cõi Trời Bất Lạc Mạn.

Ở Cõi Trời Đâu Suất mưa ra các chuỗi ngọc trang sức, ở Diệm Thiên mưa ra vô số loại hoa, ở Đao lợi thiên mưa ra các danh hương mềm mại. Ở Trời Tứ Thiên Vương mưa ra y phục đẹp. Ở Trời Uất Đan Việt mưa ra vi diệu hoa. Ở Cung Điện Đại Long Vương mưa ra trân châu đỏ chói, ánh sáng siêu đẳng.

Vì A Tu Luân mà mưa xuống binh trượng tên là Hoại oán địch. Các hiện tượng như vậy khắp trùm bốn phương cùng bốn châu thiên hạ. Các Cung Điện Chư Thiên mưa xuống mênh mang không thể kể xiết mà Đại Long Vương không hề tham tiếc, cũng không đố kỵ. Lại nữa, chỗ trồng gốc đức của mỗi mỗi chúng sinh đều sai khác, không hề đồng đẳng nên tự nhiên mưa biến hóa ra vô số chủng loại sai biệt.

Cũng vậy, này Phật Tử! Như Lai chí chân dùng tuệ vô thượng làm Đại Pháp Vương, thường hiển pháp lạc mà tự làm vui. Như Lai tịch nhiên không hề phân rải pháp giới mà mây lành Pháp Thân tự nhiên trùm khắp không đâu không có, vì tùy theo chỗ tín lạc của chúng sinh mà thị hiện đó thôi.

Hoặc vì chúng sinh mà ban tuyên, hiển bày thân Tối Chánh Giác, hưng khởi mưa pháp. Hiện biến hóa thân, phóng pháp vân vũ. Hiện thân kiến lập mà giáng mưa pháp. Hiệc sắc tượng thân mà diễn xuất ra vô số loại mưa. Hiện thân công đức mà diễn vân vũ.

Hoặc thị hiện tuệ thân vân vũ. Hoặc tùy thuộc thế tục mà thị hiện thân có mười thứ lực. Hoặc hiện thân bốn Vô sở úy, tự nhiên hiển hiện không chỗ tổn hại. Hoặc hiện pháp giới mà vô thân hình. Đó là mây mưa pháp âm của Đại Thánh trùm khắp Thế Giới. Tùy theo âm thanh tín lạc của chúng sinh mà diễn xuất ra ánh sáng trừ các cấu trược. Ánh sáng ấy gọi là Bình đẳng ánh sáng.

Hoặc gọi là Vô lượng ánh sáng, hoặc gọi là Phổ thế, hoặc gọi là Tạng bí áo của Chư Phật kiến lập, hoặc gọi là ánh sáng chiếu thế gian, hoặc gọi là hành nhập vô tận Tổng trì môn, hoặc gọi là Kỳ ý bất loạn, hoặc gọi là kỳ tâm vô lữ, hoặc gọi là Du bộ phổ nhập, hoặc ánh sáng ấy gọi là Duyệt khả chúng nguyện.

Nghe được các hiện tượng mưa pháp và âm thanh sấm rền như thế thì đạt đến Chánh Giác, hiểu rõ Phật Đạo. Nếu nghe được sấm vang bình đẳng thì thông đạt đến ấn pháp Ly cấu.

Các âm thanh tự nhiên của sấm chớp tam muội như: Tam muội Nhất thiết pháp tự tại, tam muội Kim cang tràng, tam muội Tu Di tràng phan, tam muội Nhất định quan, tam muội Cự Hải ấn, tam muội Khả chúng thứ tâm, tam muội Vô tận hưởng giải thoát vô sân, tam muội Vô sở chí lạc, tam muội Thường mẫn vô thất.

Giả sử, xiển dương âm thanh ấy thì làm cho mỗi một chúng sinh đều được nghe âm thanh Phật Pháp. Đó là thân Như Lai, diễn bày cam lồ, xuất sinh ra vô lượng mây mưa pháp âm, tuyên giảng chánh pháp, tự tại không ai bằng, làm vui lòng tất cả chúng sinh, đó là cửa Chánh Giác Nhất thiết trí không thể nghĩ bàn.

Làm vui lòng tất cả chúng sinh thì lúc ấy gọi là hiểu rõ Đạo Tràng trí tuệ rộng lớn và phương tiện vô cấu đã thành tựu từ xưa. Đại Từ Đại Bi rốt ráo không lỗi lầm, hưng khởi đạo hóa độ. Đó là tuân theo định quyết nơi thân tâm của tất cả Bồ Tát, sau đó mới diễn mưa đại pháp.

Này Phật Tử! Các sắc tượng hiển hiện mưa mưa pháp từ bi không thể nghĩ bàn như thế sẽ mưa ra Bình Đẳng Giác, khai hóa thân tâm cho tất cả chúng sinh.

Như Lai chí chân thông suốt những điều khó có thể thông suốt, ban cam lồ vô cực, hoặc thị hiện đi đến Bồ Đề Đạo Tràng vì Chư Bồ Tát tuyên đại mưa pháp, gọi là pháp giới không chỗ hư hoại, thì các vị Bồ Tát ấy sẽ được thành tựu quả vị Nhất sinh bổ xứ, rốt ráo thù thắng.

Lại có đại mưa pháp gọi là Như Lai bí mật tạng Bồ Tát Sở Lạc thì cũng tác thành cho các Bồ Tát thành tựu đạo quả Nhất sinh bổ xứ. Có đại mưa pháp gọi là Nghiêm tịnh sức, khiến khắp chúng sinh không chỗ trái mất, không bỏ Bồ Tát thừa, Như Lai thừa. Có đại mưa pháp tên là Trang hiệu đạo tự nghiêm sức, hợp thành pháp nhẫn và bảo tuệ của các Bồ Tát.

Có hạnh Bồ Tát gọi là Thiện hóa không bao giờ đoạn mất mà luôn xiển dương mưa pháp. Có hạnh Bồ Tát thành tựu gọi là Vô mạn môn, đi vào cửa thâm diệu mà hành dụng không chán mệt. Lại có mưa pháp làm cho Bồ Tát mới phát tâm tuân hành Vô thượng đạo gọi là Như Lai hành.

Đại từ đại bi cứu giúp chúng sinh, hưng phát mưa pháp, giáo hóa Duyên Giác thừa hành trong tín lạc. Vì chúng sinh mà thuyết về đạo lý mười hai nhân duyên, hoặc lên nữa là có quả giải thoát gọi là Nhập phổ trí, đoạn trừ các kiến sự mà diễn nói mưa pháp khai hóa Thanh Văn thừa cùng chúng sinh tín lạc. Dùng đao Thánh đạt chặt đứt tất cả phiền não cấu bẩn.

Có kiếm trí tuệ mà ban rải mưa pháp gọi là Hưng diệt chư hại. Vì những kẻ tà kiến sâu nặng không thể tỏ ngộ thì tích lũy gốc đức mà mưa các pháp. Nghe được âm thanh ấy thì gọi là Mưa pháp hiển bày mười pháp, tức được sung mãn trùm khắp tất cả. Tùy theo sự tín lạc của chúng sinh mà tương ưng với cõi giải thoát.

Như Lai diễn đại mưa pháp lớn biến khắp pháp giới, không một chỗ nào mà không thấu suốt. Đại Thánh chưa từng tham tiếc đối với pháp, chỉ tùy theo chỗ hành thuần thục và căn nguyên tinh tấn được chừng nào mà hiện bày đại mưa pháp.

Này Phật Tử! Đó là duyên sự thứ mười nơi hạnh Chư Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Giống như mây đùn lại

Bốn phương gió nổi lên

Vì mưa nên trải qua

Cùng dòng chảy của nước.

Bồ Tát phân biệt nói

Vì gốc đức chúng sinh

Nên trong đời hiện tại

Lập Tam Thiên giới này.

Chư mười lực cũng vậy

Khéo tu tuệ là gió

nhân duyên giáng mưa pháp

Chí tánh thật lắng trong

Quán chúng sinh vô sự

Đem thanh tịnh khuyến trợ

Nghĩa là chư mười lực

Làm Đạo Sư khai hóa.

Ở trong chốn hư không

Đùn mây và mưa xuống

Hư không gánh chịu cả

Nắm giữ nước mưa ấy.

Do đời gặp tai biến

Mới nhận chịu được vậy.

Rõ ngôn từ, không chấp

Thân giới là rộng khắp

Chư mười lực như vậy

Tự nhiên vô sở hữu.

Chỗ nói của Đại Thánh

Ngôn âm của pháp giới.

Mà mưa pháp giáo hóa

Thấm nhuần không thể lường

Không thể nắm giữ nổi

Chỉ có pháp tịnh chí.

Chưa từng có niệm ấy

Chỗ tạo sự đi về

Cũng lại không chỗ tạo

Mãi không sự gặp gỡ.

Giống như trong hư không

Mây mù tạo mưa tuôn

Chỉ tạm gọi pháp vậy

Tự nhiên mà không hóa.

Chư mười lực cũng vậy

Mưa pháp vô sở hữu

Cũng không đến từ đâu

Chưa từng thấy đi đâu.

Tận oai thần Bồ Tát

Mà hưng tạo hạnh ấy

Biết rõ pháp huyễn hóa

Giúp đời mà giáng mưa.

Chúng sinh không chỗ hành

Thì không có tam giới

Giống như mây tự nhiên

Mưa rơi nước theo xuống.

Chỉ có Tự Tại Tôn

Gọi là Thầy Tam Thiên

Tạo lập được tự tại

Quả báu bản phước ấy.

Mưa an lành như thế

Khắp Cõi Phật trọn vẹn

Niệm nghĩ cùng hạn lượng

Không thể kể đếm được.

Ở trên chúng sinh ấy

Bậc tôn quý ở đời

Suy xét về mưa này

Đạo báu từ nơi tay.

Vắng lặng nên an nhiên

Tự tại được thông tỏ

Đoạn trừ các việc khác

Chỗ khởi mọi ngăn che.

Diệt sạch các cấu uế

Hành đạo báu ích lớn

Phẩm trụ ba ngàn cõi

Tất thấu tỏ hết thảy.

Bậc mười lực như vậy

Dứt mọi phiền não dục

Tư duy, niệm an nhiên

Muôn đức không thể lường.

Lại nên đoạn trừ hẳn

Tất cả các tà kiến

Chí tánh hành phân biệt

Báu tối thắng sung mãn.

Chân đế chỉ một vị

Từ hu không giáng mưa

Chốn mưa không ngằn mé

Tung rải khắp mọi xứ.

Lại tính kể lượng mưa

Tưởng không hợp chẳng hợp

Đến nơi không ngằn mé

Thành Phật cùng Thánh Chúng

Hết thảy đều thọ trì

Phần Tượng Pháp như vậy.

Phật dạy: Do mười tên đức, nên đối âm thanh của Như Lai nhập vào chốn không hạn lượng.

Những gì là mười?

1. Hội nhập nơi hư không, tức không hạn lượng, đến khắp tất cả cảnh giới của các pháp nên không hạn lượng.

2. Hội nhập trọn vẹn, phân biệt hiểu rõ về cảnh giới của chúng sinh, tứ không hạn lượng.

3. Hội nhập nơi tâm vui thích của tất cả các loài, chỗ hướng tới tội phước, nên không hạn lượng.

4. Hội nhập nơi nhân duyên báo ứng theo mầm loại, dứt trừ các thứ kết sử phiền não, nên trí tuệ không hạn lượng.

5. Hội nhập nẻo vắng lặng rốt ráo, an nhiên nơi âm thanh vô sinh, nên không hạn lượng.

6. Thuận theo chỗ ưa thích của chúng sinh để mở bày đẫn dắt, giáo hóa, đạt đến giải thoát, nên không hạn lượng hợp với vị giải thoát.

7. Hội nhập nơi ba cõi, không có ngằn mé, nên không hạn lượng.

Ở nơi không tận cùng, đạt được không cảnh giới.

1. Hội nhập nơi hành tuệ nên không hạn lượng.

2. Tuyển chọn các pháp cốt yếu, ở nơi cảnh giới của Chư Phật không còn chuyển đổi, nên không hạn lượng.

3. Hội nhập nơi Như Lai, thuận theo pháp không bỏ, nên không hạn lượng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần